Phạm Thị Ly (2012)
In trong sách “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, trang 57-70, NXB Thanh Niên, 2013)

Trong thời đại kinh tế tri thức, người ta ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các trường đại học trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Nhiều quốc gia mới nổi đã có những kế hoạch và tham vọng lớn lao để xây dựng cho mình những trường đại học hàng đầu có thể sánh vai với những tượng đài học thuật của toàn thế giới như Harvard hay Cambridge. Trong phong trào hướng về các truyền thống học thuật lâu đời ở phương Tây để học tập kinh nghiệm, người ta nhận ra rằng những giá trị cốt lõi của tinh thần đại học, vốn được xem là nền tảng tạo ra sự ưu tú trong học thuật của phương Tây như văn hóa khoa học và tự do học thuật, là những khái niệm có một khoảng cách khá xa với bối cảnh văn hóa và những truyền thống đã bắt rễ rất sâu trong lòng các xã hội Á Đông. Sự gắn bó những chuẩn mực phương Tây này với truyền thống văn hóa châu Á, liệu có phải là điều bất khả? Câu hỏi này ngày càng trở nên gay gắt trước tệ nạn đạo văn, gian lận, tham nhũng trong học thuật và trong giáo dục, những hiện tượng đang trở thành một thực tiễn phổ biến và phá hủy tận gốc nền tảng tinh thần và giá trị của trường đại học. Mục tiêu cải cách giáo dục đại học (GDĐH) vì vậy không thể nào tách rời với việc xem xét vấn đề văn hóa khoa học và việc vun đắp những giá trị ấy trong trường ĐH.

Văn hóa khoa học là gì?

Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, “Theo định nghĩa của giới xã hội học, văn hóa bao gồm những qui ước, giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên[1].  Hoạt động khoa học dựa vào một số qui trình, qui ước đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận và lấy làm chuẩn, và do đó hoạt động khoa học tạo nên văn hóa khoa học”.[2] Theo David D. Dill, các tổ chức học thuật cần được xem như là những đơn vị mà bản chất của nó là các giá trị mà nó dựa vào, đó là một nền tảng văn hóa mạnh mẽ có thể được miêu tả như một hệ thống niềm tin và nhận thức luận[3]. Trong tài liệu hướng dẫn về văn hóa học thuật cho sinh viên mới vào trường, Đại học Quốc gia Singapore viết: “Trường đại học là một cộng đồng khoa học mà mục đích và nhiệm vụ của nó là tập hợp và xiển dương, nâng cao kiến thức. Sinh viên năm thứ nhất là người mới gia nhập vào cộng đồng này, thành công của các bạn phần nào phụ thuộc vào chỗ bạn thích nghi với văn hóa đó đến mức độ nào, bạn hấp thụ được toàn bộ các giá trị và chuẩn mực của nó ra sao, bạn thông thạo việc thực thi những giá trị và chuẩn mực ấy như thế nào”[4]. Trong phần tiếp theo, tài liệu này trình bày các thông lệ và giải thích nền tảng giá trị đằng sau các thông lệ được thỏa thuận ấy: sự đúng giờ, phong cách ngôn ngữ trong giao tiếp, cách ăn mặc thích hợp, cách dùng học vị học hàm để gọi các giáo sư, cách trích dẫn tài liệu tham khảo, cách hiểu về đạo văn và sự trừng phạt, v.v. Có thể thấy cách hiểu về “academic culture” này khá rộng, và dường như đã bao hàm cả khái niệm “văn hóa trường đại học” (university’s culture) trong đó.

Chúng tôi cho rằng văn hóa học thuật (academic culture) hay văn hóa khoa học (scientific culture) có thể được hiểu chung là những  luật lệ thành văn hay bất thành văn cho những ứng xử đúng đắn trong hoạt động khoa học bao gồm nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Những luật lệ đó khá tổng quát nhưng lại rất thiết yếu để duy trì chất lượng của những chứng cứ và ý tưởng khoa học cũng như tạo ra một môi trường tinh thần lành mạnh cho hoạt động khoa học. Văn hóa khoa học cũng có thể hiểu là những chuẩn mực cho ứng xử, những thông lệ và kỳ vọng về cách xử sự của cộng đồng khoa học trong khi tương tác với nhau. Hiển nhiên, đằng sau những luật lệ hay quy ước ấy là một hệ thống niềm tin và giá trị. Chính vì vậy mà chúng ta thấy văn hóa khoa học có phần nào chịu ảnh hưởng của văn hóa dân tộc, và ít nhiều có đặc điểm khác nhau trong các xã hội khác nhau.

Hai khái niệm văn hóa học thuật (academic culture) và văn hóa khoa học (scientific culture) có khác nhau? Trong nhiều trường hợp, hai từ này có thể dùng thay thế cho nhau, như nội hàm của nó đã trình bày phần trên. Đôi khi trong thực tế, chúng ta có thể thấy từ “văn hóa khoa học” thiên về các ứng xử trong tư duy khoa học, như tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, còn “văn hóa học thuật” có thể nhấn mạnh hơn đến các hành vi xử sự trong sinh hoạt khoa học, như các quy ước về đạo đức nghiên cứu. “Văn hóa đại học” là một khái niệm rộng hơn nữa, nó không chỉ bao hàm văn hóa khoa học và văn hóa học thuật mà còn chứa đựng cả những quy ước xử sự trong đời sống đại học như là cách ăn mặc, nói năng thích hợp. Trong bài này chúng tôi chỉ bàn về văn hóa khoa học, hay văn hóa học thuật, và dùng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau hoặc đi cùng nhau tùy theo bối cảnh của việc trình bày ý tưởng.

Các thành tố và đặc điểm của văn hóa khoa học

Các bài viết nghiên cứu về văn hóa học thuật, hay văn hóa khoa học hiếm khi đưa ra định nghĩa trực tiếp hoặc miêu tả đầy đủ các thành tố và đặc điểm của nó. Dựa trên những thảo luận đã có về văn hóa khoa học, chúng tôi xác định văn hóa khoa học được cấu thành từ các thành tố chủ yếu sau: 1. Các mô thức tiếp nhận, xử lý, tạo ra và truyền đạt tri thức; 2. Các chuẩn mực và quy ước về đạo đức nghiên cứu; 3. Các thông lệ và kỳ vọng trong việc tương tác với nhau của cộng đồng khoa học.

Các mô thức tiếp nhận, xử lý, tạo ra và truyền đạt tri thức

Đặc điểm của các mô thức này, hay nói cách khác, đặc điểm văn hóa của tư duy khoa học, được Nguyễn Văn Tuấn đúc kết như sau: thói quen đặt câu hỏi; nói có sách mách có chứng; tôn trọng sự thật khách quan; làm việc dựa vào bằng chứng khách quan; hệ thống hóa kiến thức và công bố; dân chủ; kế thừa và trách nhiệm xã hội[5]. Một bài tổng quan trên trang mạng của Đại học Berkeley nêu lên các đặc điểm sau của văn hóa khoa học: sự thẩm tra nghiêm ngặt mọi nhận định và kết luận; sự trung thực, chính trực và khách quan; cách bố trí thích đáng các trích dẫn khoa học; và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu khoa học[6]. Kế thừa, phân tích, tổng hợp, tinh lọc và bổ sung cho các nhận định trên, chúng tôi đề xuất hai đặc điểm văn hóa chủ yếu, cốt lõi của tư duy khoa học như sau:

  1. Tính khách quan: Đặc điểm này phân biệt khoa học với nghệ thuật và tôn giáo. Tư duy khoa học luôn thách thức những tín điều có trước qua việc đánh giá mọi nhận định, mọi kết luận bằng những sự kiện, chứng cứ khách quan và những lập luận hợp lý. Do mục đích của khoa học là phát hiện những sự thật, chân lý và quy luật khách quan, nên đặc điểm của hoạt động khoa học là tính chất có thể tái lập được. Nghĩa là mỗi nghiên cứu khoa học chỉ có giá trị khách quan nếu ở một nơi nào khác có ai khác lặp lại quy trình ấy với cùng phương pháp và điều kiện ấy thì sẽ thu được một kết quả tương tự. Do đó, hoạt động nghiên cứu khoa học gắn chặt với việc công bố và bình duyệt của giới chuyên môn. Quá trình bình duyệt là quá trình thẩm tra tính chất khách quan của kết quả nghiên cứu, chính vì vậy, chỉ những bài báo khoa học được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt mới được cộng đồng khoa học chấp nhận.   Đặc điểm này của tư duy khoa học cũng dẫn đến thái độ tôn trọng sự thật khách quan của người làm khoa học. Nói tóm lại, văn hóa khoa học đòi hỏi hoạt động khoa học được thực hiện trên tinh thần khách quan và tôn trọng sự thật.
  2. Tính kế thừa: Tri thức khoa học không phải là một tập hợp hỗn độn những nhận thức về thế giới, mà là một hệ thống chặt chẽ có mối liên hệ với nhau. Nếu nghệ thuật có thể được sáng tạo ra từ một phút bừng sáng những cảm nghiệm của cá nhân, như trong âm nhạc, văn học hay hội họa, thì khoa học không thể tạo ra bất cứ kết quả nào từ khoảng không, mà không có gắn kết với những tri thức đã có trước đó của cộng đồng khoa học. Người ta mong đợi nhà khoa học trước khi trình bày bất cứ vấn đề gì trong chuyên ngành thì đều cần phải hiểu rõ trước đó các nhà khoa học khác đã đạt được thành tựu gì trong việc nhận thức về vấn đề đó. Quy ước này bảo đảm cho chất lượng của hoạt động khoa học, để cộng đồng khoa học không lãng phí thời gian vào việc “phát minh lại cái bánh xe”, và giúp cho mỗi kết quả nghiên cứu khoa học thực sự là một bước tiến về phía trước trên con đường tìm tòi, phát hiện, nhận thức về thế giới và xã hội con người. Đặc điểm về tính kế thừa dẫn đến các chuẩn mực và thông lệ về trích dẫn, như sẽ được trình bày trong phần sau. Tóm lại, văn hóa khoa học về tính kế thừa khiến một bài báo khoa học không có trích dẫn và nguồn tư liệu tham khảo phù hợp trở nên rất khó được chấp nhận trong cộng đồng khoa học.

Các chuẩn mực và quy ước về đạo đức nghiên cứu

Đạo đức nghiên cứu không tách rời những đặc điểm nêu trên của tư duy khoa học và cấu thành một bộ phận quan trọng và chủ yếu của văn hóa khoa học. Đạo đức nghiên cứu đề cập đến khía cạnh đạo đức của hoạt động nghiên cứu, tức là các chuẩn mực về hành vi, xử sự trong khi thực hiện công việc nghiên cứu.

Tính khách quan của tư duy khoa học và hoạt động nghiên cứu đòi hỏi sự liêm chính và trung thực trong đạo đức nghiên cứu. Ngụy tạo dữ liệu hay thay đổi dữ liệu là một trọng tội vì nó hủy hoại nền tảng của hoạt động khoa học, phá vỡ niềm tin với nhau trong cộng đồng khoa học, dẫn đến những tri thức giả tạo, sai lạc. Nhẹ hơn một bậc là tra tấn dữ liệu[7], cũng dẫn đến những kết quả sai lạc do thiếu khách quan.

Tính kế thừa của tư duy khoa học và hoạt động nghiên cứu đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy ước về trích dẫn. Tri thức khoa học của nhân loại là một kho tàng khổng lồ do hàng triệu triệu người đóng góp qua hàng trăm thế hệ. Không ai có thể tạo ra tri thức mới mà không dựa trên những tri thức có trước, nhưng việc sử dụng những tri thức của người đi trước cần được gắn với việc ghi nhận đóng góp của người đó, bằng cách ghi rõ nguồn. Đạo văn, được định nghĩa là sử dụng số liệu, ý tưởng, kết quả nghiên cứu, nguyên văn lối diễn đạt của người khác mà không ghi rõ nguồn, là vi phạm đạo đức nghiên cứu, vì nó có ý nghĩa như ăn cắp công sức lao động trí tuệ của người khác. Các biến tướng khác của đạo văn là hiện tượng tác giả quà, tác giả ma cũng gây tổn hại nghiêm trọng cho bầu không khí lành mạnh của hoạt động học thuật.

Một thành tố khác của đạo đức nghiên cứu là trách nhiệm xã hội của hoạt động nghiên cứu, được diễn đạt vắn tắt là hoạt động nghiên cứu phải được bảo đảm là không gây hại cho xã hội cũng như cho các cá nhân, do vậy phải được sự ưng thuận của những người tham gia vào đó như những đối tượng được nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu về y học và tâm lý. Nhiều trường đại học ở phương Tây có Hội đồng hay Ủy ban về Đạo đức Nghiên cứu để chịu trách nhiệm xét duyệt và chấp thuận cho một nghiên cứu được tiến hành nếu nó phù hợp với các nguyên tắc đạo đức. Ủy ban này cũng chịu trách nhiệm xem xét và phán xử các vụ kiện cáo liên quan đến đạo văn, ngụy tạo dữ liệu hay các vi phạm đạo đức nghiên cứu khác.

Các thông lệ và kỳ vọng trong việc tương tác với nhau của cộng đồng khoa học

Hoạt động khoa học ngày càng mang tính chất liên ngành, cần đến sự hợp tác của nhiều người. Tranh luận, phản biện là những hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt khoa học. Hợp tác, tranh luận, phản biện tăng cường sức mạnh và mang lại sức sống cho hoạt động học thuật. Văn hóa khoa học trong việc tương tác với nhau của cộng đồng học thuật là những mong đợi, những kỳ vọng về cách xử sự giữa các nhà khoa học với nhau trong việc hợp tác hay tranh luận. Nói chung, trong những xã hội đã trưởng thành, giới học thuật không biến tranh luận khoa học thành những cuộc công kích cá nhân. Có một câu nói nổi tiếng của đại thi hào Voltaire: “Tôi không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ cái quyền của anh được nói ra những điều đó”. Nền tảng của thái độ đó là sự tôn trọng các quan điểm đa chiều, thiếu vắng điều này khoa học sẽ bị hủy hoại trong sự thống trị của các định kiến thiên lệch và không thể tiến lên được. Văn hóa tranh luận đòi hỏi những người tham gia cùng tôn trọng những tiền đề cơ bản và những nguyên tắc lập luận lành mạnh, không có nó, mọi cuộc tranh luận sẽ nhanh chóng rơi vào chỗ bế tắc.

Một khía cạnh khác trong những kỳ vọng này là thái độ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Nó thể hiện trong việc tuân thủ các quy định về trích dẫn để ghi nhận đóng góp của người làm khoa học, cũng như trong việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả, tức là không sử dụng những sản phẩm trí tuệ của họ mà không được sự chấp thuận. Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề pháp lý và kinh tế, nhưng cũng có khía cạnh văn hóa của nó.

Văn hóa khoa học- một thách thức lớn cho các trường đại học Việt Nam

         Văn hóa khoa học là nền tảng tinh thần của hoạt động khoa học trong trường đại học, tuy vậy nó còn rất ít được chú ý ở Việt Nam. Phần này thảo luận về những khó khăn mà các trường đại học Việt Nam phải đương đầu trong việc xây dựng một nền văn hóa khoa học lành mạnh.

Ảnh hưởng của văn hóa nông nghiệp và trọng tình

Như trên đã nói, văn hóa khoa học là một bộ phận của văn hóa xã hội nói chung, hay nói cách khác, là “luật chơi” của cộng đồng khoa học. Cộng đồng này tồn tại trong một xã hội cụ thể với một truyền thống văn hóa lâu đời và chịu ảnh hưởng sâu sắc những đặc điểm của nền văn hóa đó. Xã hội Việt Nam cho đến nay vẫn cơ bản là xã hội nông nghiệp với đặc điểm tư duy trọng tình (tục ngữ: một trăm cái lý không bằng một tí cái tình), hay nói cách khác, kém phát triển trong tư duy duy lý. Từ một nền tảng như thế tiến tới văn hóa tôn trọng sự khách quan và các bằng chứng duy lý là một bước dài.

Ảnh hưởng của truyền thống Nho học

Truyền thống học thuật của Việt Nam khác xa với các truyền thống học thuật ở phương Tây. Trong khi các trường đại học phương Tây ngay từ buổi sơ khai đã gắn chặt với các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm cải thiện công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển kinh doanh dịch vụ, thì truyền thống học thuật ở Việt Nam là học để làm quan, học để trị nước. Sự học ở phương Tây phục vụ cho sự phát triển còn sự học ở Việt Nam phục vụ cho sự duy trì trật tự xã hội ổn định. Mục tiêu khác nhau, nên nội dung, cách làm cũng khác nhau: từ hàng ngàn năm nay, giới sĩ phu người Việt chỉ được học sách thánh hiền và những lời huấn thị về việc gìn giữ giềng mối đạo đức xã hội, chứ không được học cách thử thách những giáo điều và sáng tạo ra những tri thức mới, ý tưởng mới, con đường mới. Nếu như ở phương Tây kế thừa là nền tảng của sáng tạo thì ở Việt Nam, kế thừa phần lớn là lặp lại y nguyên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi lối dạy nhồi nhét kiến thức, lối học vẹt, lối thi cử theo kiểu kiểm tra sự thuộc lòng vẫn còn rất phổ biến trong các trường đại học Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cắt dán để làm bài tập, bài nghiên cứu mà không dẫn nguồn, được thực hiện một cách tự nhiên mà không phải ai cũng có ý thức như thế là phạm lỗi.

Ảnh hưởng của kinh tế thị trường hoang dã

Kinh tế thị trường hoang dã đã biến tri thức thành một hàng hóa khả mại và nhà trường trở thành một đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo không khác gì các doanh nghiệp. Sinh viên trở thành người mua, các giáo sư là người bán, nhà trường là đơn vị tổ chức dịch vụ, thứ hạng trên bảng xếp hạng quốc tế là thương hiệu của nhà trường, học hàm học vị là các nhãn hiệu có thể quy ra thành thu nhập. Thực tiễn này lý giải thái độ giận dữ của các giáo sư Pháp đối với bảng xếp hạng đại học quốc tế ARWU: Tháng 5 năm 2010, Ủy ban Giáo dục của Thượng Nghị viện Pháp tổ chức bàn tròn thảo luận về bảng xếp hạng này với tiêu đề: “Quên đi Thượng Hải!”. Một phần tác động tiêu cực của các bảng xếp hạng là kích thích việc chạy theo thành tích và công bố khoa học bằng mọi cách bất chấp chất lượng, mà ví dụ điển hình nhất là Trung Quốc (TQ): trong vòng hai thập kỷ, từ một nước vô danh trên bản đồ khoa học thế giới họ đã tiến đến vị trí xếp hạng thứ năm về năng lực nghiên cứu khoa học. Xét về số lượng, tính đến năm 2008, con số ấn phẩm khoa học từ TQ tăng lên 270.000 bài, chiếm 11.5% tổng số ấn phẩm khoa học toàn cầu, vượt qua Nhật và đứng hạng 2 trên thế giới (chỉ sau Mỹ).  Đàng sau thành tích ấn tượng này là câu chuyện về những “con đường tắt”. Đạo văn, gian lận trong nghiên cứu, và vi phạm các qui chuẩn nghiên cứu khoa học trở thành một vấn nạn ở TQ. Ngày 12/2/2011, TQ rút lại giải thưởng khoa học đã được trao cho Gs Li Liansheng (thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải) vì ông đã phạm tội chẳng những sửa đổi mà còn nguỵ tạo dữ liệu nghiên cứu. Nhưng đó không phải là trường hợp riêng lẻ. Kết quả cuộc điều tra xã hội năm 2009 do Hội khoa học và công nghệ TQ thực hiện trên 30078 nhà khoa học cho thấy phân nửa những người được hỏi nghĩ rằng gian lận trong khoa học ở TQ là phổ biến (Nguyễn Văn Tuấn (2010), Philip Altbach (2010), Qiang Zha (2010)[8].

Ở Việt Nam chưa có thống kê về hiện tượng đạo văn hay các hình thức gian lận khoa học khác, nhưng chỉ riêng sự tồn tại của trang mạng www.choluanvan.com (“Chợ luận văn”) cũng đủ cho thấy cung cầu của thị trường này. Đàng sau vấn nạn này là cơ chế dùng người không dựa trên tài năng và thực học. Bằng cấp, học hàm, học vị thay vì là chứng nhận một kết quả học tập và một năng lực nhất định, đã trở thành vật trang trí nhằm che đậy sự thiếu hụt về học vấn thực sự. Như mọi thị trường khác, có cầu thì có cung. Tham nhũng trong học thuật đã nảy sinh từ đó và kéo theo nhiều tệ nạn khác.

Bối cảnh này đe dọa nghiêm trọng đến sự liêm chính của văn hóa khoa học và do đó xói mòn nền tảng của trường đại học. Không giải quyết được vấn nạn này thì không thể nói đến chất lượng trường đại học, bởi vì chất lượng trường đại học hoàn toàn phụ thuộc vào những con người làm việc cho nó; và hoạt động chủ yếu của nhà trường là hoạt động sáng tạo tri thức. Sức mạnh của những con người ấy trong việc sáng tạo có thể được nhân lên nhiều lần hoặc bị phá hủy từng ngày phần lớn tùy vào môi trường làm việc của họ. Văn hóa khoa học có vai trò cốt lõi tạo ra môi trường đó.

Vun đắp một nền văn hóa khoa học lành mạnh

Văn hóa khoa học là một vấn đề văn hóa, tức không thể hình thành hay thay đổi chỉ qua một ngày. Nó là các chuẩn mực, thông lệ, và kỳ vọng, dựa trên các giá trị và niềm tin bên trong, do vậy cần có thời gian để vun bồi. Những quy định thành văn và các huấn luyện cần thiết về các quy tắc xử sự trong hoạt động khoa học là điều rất cần, như những khóa học trực tuyến về văn hóa khoa học mà Đại học Quốc gia Singapore đã làm với sinh viên năm thứ nhất của họ[9]. Tuy vậy, các quy định, kể cả những biện pháp khen thưởng hay trừng phạt, đều khó lòng tạo ra kết quả tức thời. Việc xây dựng một nền văn hóa khoa học lành mạnh sẽ đòi hỏi những chính sách thỏa đáng, và kiên trì thực hiện chính sách ấy một cách nhất quán trong nhiều năm. Một số gợi ý chính sách có thể là:

        Đưa văn hóa khoa học và phương pháp nghiên cứu khoa học vào chương trình giáo dục tổng quát cho sinh viên năm thứ nhất[10]. Chương trình này cần có hướng dẫn cụ thể các quy định về đạo đức nghiên cứu cũng như các chuẩn mực trong hoạt động khoa học. Điều quan trọng cần phải truyền đạt cho sinh viên không chỉ là những quy định cái gì được phép làm và cái gì là cấm kỵ, mà còn là tinh thần khoa học thực sự, tức là theo đuổi tri thức vì bản thân tri thức, vì khát khao hiểu biết, chứ không phải để lấy được tấm bằng hay để có thành tích.

        Tổ chức và duy trì các sinh hoạt học thuật thường xuyên trong trường đại học ở mọi cấp độ và khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia. Những sinh hoạt này tạo ra môi trường để cọ xát và trao đổi ý tưởng, tập cho sinh viên quen với việc diễn đạt các quan điểm học thuật của mình, bảo vệ các luận điểm của mình cũng như đánh giá các ý tưởng của người khác một cách thỏa đáng.

        Chấn chỉnh hệ thống công nhận học hàm giáo sư theo đúng thông lệ quốc tế. Học vị, học hàm phải được xem là sự công nhận của giới chuyên môn dựa trên những thành tích chuyên môn, chứ không phải vật trang trí của những người không hoạt động trong cộng đồng học thuật. Tiêu chuẩn giáo sư cũng như lý lịch khoa học của các giáo sư phải được công khai trên trang mạng của trường đại học.

        Cải thiện hệ thống tài trợ nghiên cứu theo nguyên tắc chỉ dựa trên phẩm chất chuyên môn và đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn được cộng đồng khoa học quốc tế chấp nhận. Tăng cường các thành viên là học giả quốc tế trong các hội đồng xét phong giáo sư, hội đồng xét duyệt tài trợ nghiên cứu, hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ.

Kết luận

Một nền văn hóa khoa học trưởng thành là điều kiện thiết yếu để hoạt động nghiên cứu khoa học nảy nở và phát triển lớn mạnh. Khoa học vốn không có biên giới quốc gia. Nhưng những chuẩn mực về văn hóa khoa học nêu trên, những nhân tố đã tạo ra thành công cho các tổ chức học thuật ở phương Tây, liệu có thể áp dụng cho những truyền thống học thuật Á Đông, vốn dựa trên một nền tảng văn hóa rất khác? Tư duy trọng tình hơn lý, sự nhấn mạnh vào mức độ thâm niên, sự tôn trọng những người có thẩm quyền, sự thiếu khoan dung với những khác biệt, là những thứ không thể thay đổi ngày một ngày hai. Nhưng sự tham nhũng trong hoạt động học thuật, sự gian lận trong khoa học và các hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu, là những thứ có thể thay đổi được với một chính sách thích đáng.

Cái gốc của vấn đề vẫn là chính sách dùng người theo tài năng và phẩm chất. Khi tài năng, sự trung thực, kết quả công việc được ban thưởng xứng đáng, nó sẽ kích thích người ta vươn đến sự ưu tú trong học thuật bằng những con đường thẳng. Dường như ở Việt Nam, con đường tiến đến chỗ ấy còn dài. Bước tiến này sẽ càng khó vượt qua hơn trong một xã hội đóng kín thiếu tương tác với bên ngoài. Có thể nói, càng tăng cường mở cửa, giao lưu, tương tác thì các trường đại học Việt Nam càng nhanh chóng hội nhập với các chuẩn mực trong văn hóa khoa học của thế giới; ngược lại, không xây dựng được những nền tảng chuẩn mực này thì không thể hội nhập được với cộng đồng khoa học toàn cầu.

Tư liệu tham khảo

  1. Altbach G. Philip (2010). Academic Fraud and the Academic Culture in China and Asia. Inside Higher Education. Bản tiếng Việt “Gian lận khoa học và văn hóa học thuật ở châu Á”. Phạm Thị Ly dịch. Thông tin GDQT và SS Hoa Sen 7-2010.
  1. Angus J. MacNeil, Doris L. Prater & Steve Busch (2009). The effects of school culture and climate on student achievement. International Journal of Leadership in Education: Theory and Practice.
  1. David D. Dill (1982). The management of academic culture: Notes on the management of meaning and social integration . Higher Education Volume 11, Number 3, 303-320, DOI: 10.1007/BF00155621
  1. (Khuyết danh). Scientific Culture: Great Expectations: http://undsci.berkeley.edu/article/socialsideofscience_05
  1. Nguyễn Văn Tuấn (2010). Văn hóa khoa học. www.chrd.edu.vn
  2. Qiang Zha (2010). Academic Freedom and Public Intellectuals in China. International Higher Education, No 58
  3. Roth, Benjamin S. (2012). Academic culture, business culture, and measuring achievement differences: internal auditing views. Educational Policy Studies Dissertations. http://digitalarchive.gsu.edu/eps_diss/93

Ghi chú

[1] Đáng lẽ phải nói thêm: “và tương tác giữa con người với nhau”.

[2] Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn (2010). “Văn hóa khoa học”. www.chrd.edu.vn

[3] David D. Dill (1982). The management of academic culture: Notes on the management of meaning and social integration . Higher Education Volume 11, Number 3, 303-320, DOI: 10.1007/BF00155621

[4] Nguồn: http://emodule.nus.edu.sg/ac

[5]Tài liệu đã dẫn.

[6] Scientific Culture: Great Expectations”: http://undsci.berkeley.edu/article/socialsideofscience_05

[7] Tạm dịch từ thuật ngữ “Data torture” nghĩa là vặn vẹo dữ liệu cho đến khi đạt được kết luận mà người nghiên cứu muốn có

[8] Nguồn: http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1518-chat-luong-nghien-cuu-khoa-hoc-o-trung-quoc

Http://www.bc.edu:”Academic Freedom and Public Intellectuals in China”, International Higher Education, No 58 Winter 2010.

[9]Xem bài giảng trực tuyến tại: http://wiki.nus.edu.sg/display/aki/6.1.2.+What+is+Critical+Thinking