Phạm Thị Ly
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 118.2018)
Các trường ĐH Việt Nam trong vài thập kỷ qua đã và đang trải qua nhiều biến đổi sâu sắc. Quá trình này vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là dưới áp lực mở rộng quy mô và ngân sách giảm sút. Nếu trước đây các trường hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn ngân sách, thì ngày nay nguồn thu của các trường đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường nhiều hơn. Nếu trước đây đào tạo theo kế hoạch, kinh phí cấp theo chỉ tiêu, phân công tốt nghiệp theo quy định nhà nước, thì nay tất cả đang được ném vào cỗ máy thị trường: đào tạo theo nhu cầu xã hội, kinh phí chủ yếu dựa vào học phí và các nguồn từ người học, sinh viên tốt nghiệp thì tự thân vận động trong thị trường lao động. Thế nhưng, có một thứ lại rất ít thay đổi, nếu không muốn nói là dường như không hề thay đổi: phương thức tuyển sinh và những quan điểm làm nền tảng cho phương thức đó!
Sợi dây trói đã cởi, nhưng….
Các quy định của nhà nước đối với việc tuyển sinh vào ĐH đã có nhiều thay đổi theo hướng trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường (từ thi riêng đến ba chung, và nay là hai trong một), thậm chí quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH còn được quy định trong Luật. Các trường có toàn quyền quyết định phương thức tuyển sinh: dựa trên học bạ, dựa trên điểm thi TNPT, hay kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG HN/HCM tổ chức, hoặc tổ chức kỳ thi riêng, hoặc đề ra bât cứ tiêu chí nào nhà trường muốn, miễn là có nêu rõ trong đề án nộp cho Bộ và công bố công khai.
Như thế nghĩa là sợi dây trói đã cởi. Nhưng trong thực tế, hầu hết các trường vẫn chỉ chủ yếu dựa vào điểm thi TNPT hoặc kết hợp học bạ, thậm chí chỉ dựa vào học bạ. Một số ít trường dùng kỳ thi đánh giá năng lực như hai ĐHQG. Một số trường có thêm các tiêu chí hay phương thức bổ sung khác, chẳng hạn như ĐHQG HCM có thêm bài tự luận, ĐHQG Hà Nội chấp nhận điểm SAT như một tùy chọn của thí sinh, Học viện Báo chí và Trường ĐH FPT có bài thi riêng để bổ sung. Trường ĐH Luật kết hợp ba tiêu chí: điểm học bạ, điểm thi TNPT và điểm thi năng lực (do trường tổ chức), mỗi tiêu chí có phần trăm tỷ lệ riêng, điểm trúng tuyển là điểm tổng hợp cả ba tiêu chí trên.
Ngay cả những trường có thêm các tiêu chí khác ngoài điểm thi TNPT, thì phương thức tuyển chọn vẫn chủ yếu dựa trên điểm bài thi, nghĩa là về bản chất không khác với phương thức tuyển sinh của các trường ĐH Việt Nam trong suốt cả thế kỷ qua (nếu ta không tính tới phương thức “xét lý lịch” trước đây).
Có một câu ai cũng biết, “đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác”. Vì thế các trường dùng điểm bài thi làm tiêu chí tuyển sinh đã dựa trên một giả định là thí sinh điểm cao sẽ có năng lực trí tuệ tốt hơn, vì thế có thể tiếp thu tốt hơn quá trình đào tạo ở bậc ĐH. Các trường chỉ dựa vào học bạ để xét tuyển thì chủ yếu là những trường cần có người học bằng mọi giá: ai cũng được, miễn là có đóng học phí, và kết quả học tập của họ ra sao thì hạ hồi phân giải.
Thế nhưng liệu giả định trên đây có hoàn toàn đúng? Và quan trọng hơn, mục tiêu tuyển sinh của các trường như vậy liệu ngày nay có còn phù hợp?
Các trường ĐH đang tìm kiếm điều gì?
Lẽ dĩ nhiên là các trường ĐH mong muốn sinh viên của mình thành công khi vào đời. “Thành công” thường được hiểu đơn giản là có được thành tựu xuất sắc trong hoạt động chuyên môn, hay trong công việc nghề nghiệp, trong lĩnh vực kinh doanh, văn hóa hay chính trị, trở thành những người có vai trò quan trọng và đóng góp cho sự phát triển hay tiến bộ của xã hội.
Thành công của người học chính là thành công của các trường. Họ mang lại uy tín và sức hấp dẫn của các trường. Ai đến thăm trường Yale hay Harvard mà không thấy choáng trước danh sách tổng thống hay thủ tướng các nước là cựu sinh viên của trường? Các trường này là đích ngắm của giới siêu tinh hoa, siêu giàu trên toàn thế giới chính là nhờ hào quang cựu sinh viên của họ.
Vậy thì để có những sinh viên như thế, điều kiện cần là các trường phải tuyển vào những người có tiềm năng cao nhất. Điểm số chỉ là một phần, thậm chí là phần thứ yếu trong những yếu tố nói lên tiềm năng thành công của một người. Có vô số ví dụ cho chúng ta thấy nhiều người học rất giỏi trong trường phổ thông hay ĐH, ra đời lại trở nên thua kém, và ngược lại.
Ngày nay thành công của một người phụ thuộc rất ít vào chỗ người ấy đã tích lũy được bao nhiêu kiến thức và có kỹ năng làm bài thi tài giỏi như thế nào. Giữa những người có khả năng tư duy cơ bản như nhau thì thành công phụ thuộc nhiều hơn vào tính cách và phẩm chất, vào khát vọng và ý chí, vào trí thông minh cảm xúc, vào khả năng ăn nói và thuyết phục người khác, v.v. Chính vì lẽ đó mà các trường ĐH Mỹ, bên cạnh bài thi SAT/ACT (lưu ý là bài thi SAT/ACT không đo kiến thức tích lũy được, mà đo năng lực tư duy) còn dùng bài tự luận, thư giới thiệu, xét thành tích hoạt động cộng đồng, thành tích thể thao, âm nhạc, v.v., hay phỏng vấn trực tiếp hoặc video tự giới thiệu. Tất cả những phương thức này là nhằm để tìm kiếm những người có tiềm năng thành công cao nhất trong tương lai.
Cũng không thể phủ nhận là nguồn gốc gia đình có vai trò quan trọng tạo điều kiện cho thành công của một người. Vai trò của gia đình không phải chỉ là sự nâng đỡ về mặt tài chính hay quan hệ, kinh nghiệm, mà đó còn là một bối cảnh giúp trải nghiệm cá nhân trở nên phong phú hơn. Vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi con cái các tỉ phú hay chính khách cỡ lớn có thể được nhận vào một trường cực kỳ chọn lọc như Harvard khá dễ dàng, tất nhiên là với những khoản hiến tặng nhiều chữ số. Không phải nhà trường bán chỗ ngồi, mà là vì tiềm năng thành công và tạo ảnh hưởng của những người như vậy.
Trường ĐH Harvard có tỉ lệ tuyển sinh là 6%, tức chỉ 6 hồ sơ được nhận trong 100 hồ sơ xin học. Trên trang web của trường, Harvard tuyên bố rõ là họ xem xét thận trọng từng hồ sơ, nhằm tìm kiếm những người có khả năng truyền cảm hứng, những người có tầm nhìn, có khả năng học hỏi từ những thành công và thất bại của chính mình, cởi mở với những ý tưởng mới và con người mới.
Đó mới là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là tạo ra một môi trường để tiềm năng ấy nảy nở. Môi trường này nhất thiết phải là một môi trường đa dạng. Đó chính là lý do khiến những trường tinh hoa luôn có học bổng cho những người không đủ khả năng tài chính, nhưng có tiềm năng trở thành những người thành công về sau, bất kể là người ấy đang sống ở nơi nào trên thế giới. Với những nguồn gốc xuất thân và nền tảng văn hóa khác nhau, họ tạo ra một bức tranh đa dạng, môi trường lý tưởng để đào luyện người học trở thành những người có khả năng nhìn vấn đề từ nhiều phía và cảm thông với những người khác với mình.
Nhìn lại mục đích của tuyển sinh
Trên đây là trường hợp các trường tinh hoa, đỉnh của đỉnh. Phần lớn các trường ĐH Việt Nam không thuộc dạng này, vì thế cũng khó có điều kiện kén cá chọn canh. Thực ra mà nói, có con cá to nào thì các trường ĐH nước ngoài đã vớt sạch. Các trường Việt Nam luôn đứng trước thế lưỡng nan: chất lượng và số lượng. Bài toán này còn là bài toán giữa ngắn hạn và dài hạn. Nếu vơ bèo vạt tép, chỉ một thế hệ sinh viên ra trường với chất lượng nghèo nàn là tiếng dữ đồn xa, uy tín nhà trường cũng mất. Đã không có uy tín thì không thể thu hút người giỏi, lại càng không thể tăng học phí, mà học phí thấp thì thật là khó mà cải thiện chất lượng, vòng xoáy lại tiếp tục xuống đáy.
Vì thế mỗi trường cần xác định thật rõ phân khúc của mình để tìm người phù hợp, tức là người có tiềm năng thành công cao nhất trong phạm vi phân khúc ấy. Thêm vào đó, mỗi trường cũng cần xác định điểm mạnh, nét riêng của mình, tạo ra điểm nhấn để thu hút người học. Thực tế ở Mỹ là ngay cả các trường lừng danh và cực kỳ chọn lọc cũng không ngồi yên chờ thí sinh tìm đến, mà vẫn chủ động đi khắp nơi để giới thiệu về trường và để tìm kiếm những người mà nhà trường muốn có.
Thực tế Việt Nam hiện nay là chỉ một số ít trường có đủ uy tín để chọn lọc người học theo ý mình (không kể các trường đặc thù như an ninh), còn lại nhiều trường đang ở trong hoàn cảnh cần có người học bằng mọi giá. Trong bối cảnh đó thì một mặt các trường cần xem lại chiến lược phát triển dài hạn của mình, mặt khác cần tập trung vào việc tạo ra giá trị gia tăng cho người học trong quá trình đào tạo của nhà trường. Bản thân trẻ nhỏ vốn tò mò, ham hiểu biết, thích học cái mới. Nếu người học trở nên lười biếng, thụ động, thì nhiều phần là do những gì được dạy chẳng có mấy hứng thú và liên quan tới đời sống.
Những trường có uy tín bao giờ cũng siết chặt đầu ra để đảm bảo chất lượng và uy tín của trường. Ngược lại, nếu có những trường đầu vào buông lỏng, đầu ra dễ dãi, thì đó là những trường đang tự định vị mình như một cỗ máy bán bằng. Thị trường lao động sẽ nhận ra điều đó rất nhanh. Vì thế, về lâu dài sẽ chỉ có những trường biết giữ gìn uy tín của mình mới có thể phát triển và trở nên thịnh vượng. Niềm tin đắt giá chừng nào thì uy tín là món vốn quý báu chừng ấy. Uy tín của các trường ĐH được quyết định bởi chất lượng kết quả đầu ra của sinh viên. Vì thế, cần nghĩ tới điều này khi xác định các phương thức tuyển sinh, và thật đáng tiếc nếu các trường không sử dụng quyền tự chủ mà họ đã có.
0 Comments