RÚT NGẮN THỜI GIAN ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC:
QUAN TRỌNG LÀ HỌC CÁI GÌ VÀ NHƯ THẾ NÀO?
Phạm Thị Ly (2016)
Bài đăng báo Tuổi Trẻ số ra ngày 08.11.2016
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Thủ tướng phê duyệt đã cho phép thực hiện chương trình đào tạo ĐH trong thời gian 3-5 năm, thay vì 4-6 năm như hiện nay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết mục tiêu của việc này là nhằm giúp người học sớm gia nhập thị trường lao động. Liệu việc rút ngắn chương trình đào tạo có làm giảm chất lượng, trong khi chất lượng đào tạo ĐH hiện vẫn đang là một vấn đề quan ngại?
Vì sao nên rút ngắn thời gian đào tạo ĐH?
Trước đây trường ĐH được xem là nơi chuyển giao tri thức trong đó chúng ta mong đợi người học nắm vững những tri thức chuyên môn bậc cao cần thiết để hành nghề trong một lĩnh vực nhất định. Ngày nay, kiến thức và thông tin tăng với một tốc độ chóng mặt và thay đổi nhanh ở mức độ chưa từng có trước đây, đòi hỏi bất cứ ai cũng đều phải học tập suốt đời để có thể sinh tồn trong nền kinh tế tri thức. Vì thế, giáo dục nói chung và trường ĐH nói riêng, phải thay đổi từ chỗ truyền thụ tri thức thành ra đào luyện tư duy, kỹ năng tự học, năng lực giao tiếp và thái độ sống. Điều này đòi hỏi tái cấu trúc chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy. Thay cho lối dạy cầm tay chỉ việc, trường ĐH ngày nay cần dạy người ta cách tự vẫy vùng trong biển kiến thức, học cách đánh giá và xử lý thông tin.Vì không nhấn mạnh khối lượng kiến thức truyền thụ, rút ngắn thời gian học ĐH là điều khả thi.
Một lý do khác để không nhấn mạnh việc truyền thụ kiến thức, là do các phương tiện trực tuyến ngày nay đã quá phổ biến và dễ dàng. Không có lý do gì nhà trường mất thời gian dạy cho sinh viên những gì họ có thể tự tìm kiếm được trên internet.
Thêm vào đó, xu hướng cá nhân hóa việc học đang được mở rộng. Học chế tín chỉ cho phép người học quyết định thời gian theo học trong một biên độ nhất định tùy hoàn cảnh và khả năng từng người. Tuy vậy, nhìn chung để hoàn thành khoảng 120 tín chỉ ở bậc ĐH, cũng khó mà làm được trong thời gian ngắn hơn 3 năm. Ở Việt Nam, hiện đã có những trường thực hiện đào tạo 8 học kỳ trong thời gian 2,5 năm, như trường hợp RMIT, là do học liên tục không có kỳ nghỉ hè.
Việc rút ngắn thời gian đào tạo còn làm giảm chi phí cho người học và gia đình, kể cả cho nhà trường. Mặc dù học phí dựa trên tín chỉ sẽ không thay đổi dù học 3 năm hay 4 năm, nhưng ngoài học phí, còn phải tính đến chi phí ăn ở và đặc biệt là chi phí cơ hội. Sớm tiếp cận thị trường lao động giúp sinh viên sớm tạo ra thu nhập, điều này đặc biệt quan trọng đối với sinh viên nông thôn và gia đình thu nhập thấp. Các trường cũng tăng hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất và nguồn vốn, vì thế chi phí đào tạo có thể giảm, kéo theo học phí sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.
Thách thức của các trường
Tuy nhiên, để việc rút ngắn thời gian đào tạo thực sự có lợi cho cả xã hội, thì việc đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy của các trường là một điều kiện không thể thiếu. Nếu vẫn cứ tiếp tục lối dạy nhồi nhét kiến thức, mà không chú trọng giáo dục tổng quát và kỹ năng tư duy, thì sinh viên ra trường thiếu vẫn hoàn thiếu, càng nhiều người có bằng ĐH thì bằng ĐH càng thêm mất giá.
Các trường cần đầu tư thực sự cho việc cải thiện chương trình đào tạo, dựa trên đòi hỏi của thế giới việc làm, và đặc biệt là dựa trên tinh thần trân quý vốn liếng quan trọng nhất của người học, là thời gian. Cần nhiều cách làm sáng tạo, ví dụ môn học nào thực sự chỉ là kiến thức thuần túy, thì có thể cho học qua mạng. Thay đổi cách dạy học như các nước đã làm, thay vì thầy giảng bài ở lớp, sinh viên về nhà đọc sách và làm bài tập, thì ngược lại: sinh viên phải tự đọc trước khi đến lớp, thời gian ở lớp chủ yếu là thời gian thảo luận và làm việc nhóm. Thực sự đã có nhiều trường, trong quá trình rà soát chương trình đào tạo hàng năm, đã cắt đi nhiều môn không quan trọng. Giảng viên thường có xu hướng coi môn của mình là quan trọng nhất không thể thiếu, đàng sau thái độ đó là tâm lý sợ mất việc làm, giảm thu nhập hay bị đẩy sang bên lề. Lãnh đạo các trường cần tổ chức công việc sao cho mọi giảng viên đều có thể đóng góp khả năng của họ cho mục tiêu quan trọng nhất của trường là chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo cần phải trở thành một vấn đề không khoan nhượng, vì nó càng ngày càng trở nên chuyện sống còn của nhà trường nhiều hơn.
0 Comments