Phạm Thị Ly
Tóm tắt
Hệ thống giáo dục đại học Ấn Độ có đặc điểm nổi bật là không có các trường đỉnh cao. Các trường đại học Ấn hình thành từ thời kỳ thuộc địa, đến nay vẫn giữ nguyên cung cách “bán lẻ tri thức” của mình: mục tiêu của nhà trường là tạo ra những lao động có những kỹ năng dùng được ngay nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Chỉ trong mấy năm rất gần đây nhà nước Ấn Độ mới bắt đầu đặt mục tiêu xây dựng những trường đại học nghiên cứu nhằm cạnh tranh với phương Tây cũng như với các đối thủ truyền thống của họ ở Châu Á. Tuy nhiên những nỗ lực này còn rất xa mới có thể đưa Ấn Độ lên vị trí những quốc gia hàng đầu về giáo dục đại học, thậm chí có thể nói mục tiêu ấy là bất khả thi nếu Ấn Độ không thay đổi triết lý bán lẻ tri thức của mình.
Trong lúc đó Trung Quốc (TQ) nổi bật với những nỗ lực phi thường trong tham vọng xây dựng những trường ĐHĐCQT, và đã sử dụng những nguồn lực khổng lồ cho mục tiêu ấy, nhưng thành công đạt được vẫn chưa được như họ mong đợi, do những hạn chế về cơ chế và chính sách đối với nhân sự và học thuật. Những thành công và thất bại của họ cho thấy không thể xây dựng ĐHĐCQT bằng cách bắt chước những thành tựu mà những trường đại học phương Tây lừng danh đã đạt được. Muốn có những trường đại học đẳng cấp quốc tế thì phải bắt đầu từ những trường được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế. Nguồn lực tuy rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định thành công của một trường đại học. Kinh nghiệm của Ấn Độ và Trung Quốc cho chúng ta thấy rõ hơn những nhân tố vô hình (intangible) tạo nên sự ưu tú, và tầm quan trọng lớn lao của những nhân tố ấy trong việc xây dựng những trường đại học đỉnh cao. Những trường đại học tốt nhất thế giới là những trường đại học trung thành với sứ mạng phục vụ lợi ích công. Đó cũng là nơi tập trung những con người ưu tú nhất với tài năng và phẩm chất vượt trội. Những con người ấy có thể thực hiện được sứ mạng cao quý của trường đại học chính là vì họ được cung cấp một nguồn lực thích đáng và hoạt động trong một cơ chế hữu hiệu.
Abstract
A prominent characteristic of India’s higher education system is that it has no top-tier universities. Indian universities were established since the colonial period and have remained unchanged in the way they operate as “knowledge retailers”: the goal of the universities is to produce skilled labors that can immediately meet the demands of the labor market. Only since recent years the Indian government has started to set the goal of establishing research universities that can compete with Western ones as well as their traditional Asian competitors. However there’s still a long way for India to go in order to become one of the top nations in the field of higher education, if not to say it is impossible unless India changes its philosophy of retailing knowledge.
Chinese has significant efforts in creating world-class universities and has put enormous resources in this ambition though the result has not met their expectations. Their policies on academic freedom and human resources might be a part of the reasons. The success and failures of these countries demonstrate the following points: 1) If we want to create world class universities, it is necessary to begin with universities that achieve internationally recognized norms. 2) Financial resources are very important but are not the crucial factor in determining the successful creation of a world-class university. The Indian and Chinese successes and failures demonstrate the fundamental importance of intangible factors of excellence and their importance in creating truly great universities. The best schools in the world are the schools that serve public interests most significantly and faithfully. In these universities are concentrated a country’s most excellent scholars and teachers with outstanding virtues. Such people can deliver a university’s noble mission because they are provided adequate resources and an effective regulatory system.
Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam là một chủ trương lớn của nhà nước. Có được những trường đại học hàng đầu, hay ít nhất, những trường đại học theo chuẩn mực quốc tế và được quốc tế công nhận về chất lượng là mong ước của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu của Việt Nam mà còn là của nhiều nước, và họ đã bắt đầu việc này trước chúng ta từ lâu. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là tìm hiểu bài học thành công và thất bại của những người đi trước, nhất là của những quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội và văn hóa chính trị gần gũi với nước ta. Thành công hay thất bại của họ đều có một ý nghĩa quý báu đối với Việt Nam trong việc lựa chọn chiến lược và mục tiêu. Ấn Độ và Trung Quốc nổi lên trong những năm gần đây về những nỗ lực xây dựng trường đại học đỉnh cao và hội nhập quốc tế. Khi nói về những khía cạnh chưa thành công của họ, chúng tôi không hề phủ nhận những thành tích lớn lao mà họ đã đạt được trong những thập kỷ qua về giáo dục. “Không thành công” là so với mục tiêu đại học đẳng cấp quốc tế mà họ đã đề ra, và là đánh giá của giới học giả ở chính những nước ấy. Bài viết này phân tích những dữ liệu thu thập được từ giới học giả quốc tế về trường hợp Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời đánh giá những dữ liệu ấy để tìm kiếm một bài học có ý nghĩa thực tiễn cho Việt Nam.
Vấn đề vai trò và sứ mạng trường đại học: Trường hợp của Ấn Độ
Ấn Độ là nước có số lượng sinh viên đại học đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng có rất ít trường hoặc khoa, ngành, hay trung tâm nghiên cứu có chất lượng cao. Với 323 trường đại học và 14.050 trường cao đẳng, Ấn Độ tạo ra 2,5 triệu người tốt nghiệp đại học hàng năm, trong đó có 350.000 kỹ sư, gấp đôi số lượng kỹ sư mà Hoa Kỳ đào tạo ra. Tuy vậy, chỉ có 10% những người trong độ tuổi là được học đại học, một tỉ lệ khá thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu so với con số trên 50% ở các nước phát triển công nghiệp hóa và 15% ở Trung Quốc[1].
Ấn độ gần như không có những trường đỉnh cao, hầu hết các trường chỉ vận hành với một chất lượng rất khiêm tốn theo kiểu “bán lẻ tri thức” (“retailing knowledge”). Phần lớn hệ thống đào tạo ở các nước có hình chóp: một số ít trường chất lượng cao (top-tier) ở trên đỉnh của hệ thống, còn lại là số lớn những trường có tính chất “đại chúng” nằm ở phần đáy. Ấn độ có rất ít những trường nổi bật ở đỉnh cao như thế. “Bán lẻ tri thức” là cụm từ tuyệt đối chính xác để miêu tả giáo dục đại học Ấn độ: đào tạo thực hành là chức năng chủ yếu, có rất ít nghiên cứu đỉnh cao được thực hiện, nghiên cứu khoa học cơ bản lại càng không. Cũng giống như những nước đang phát triển khác, Ấn độ cũng đang phải đương đầu với hiện tượng mở rộng số lượng kéo theo nhiều vấn đề về chất lượng đào tạo.
Ấn độ đã tồn tại với một hệ thống giáo dục như thế qua nhiều thập kỷ, nhưng ngày nay họ đã nhận ra rằng họ không thể tiếp tục tồn tại như thế được nữa. Cho đến nay, Ấn độ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển kinh tế nhờ vào đa số dân được đào tạo tốt về kỹ năng nghề nghiệp. Nhưng quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và cuộc cạnh tranh quyết liệt trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi Ấn độ phải có những người tài năng và sáng tạo, chứ không phải chỉ những người thừa hành, do vậy vấn đề chất lượng giáo dục đại học đang ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết hơn, nhất là khi những quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Đài loan, Malaysia đang đầu tư rất mạnh để nâng cấp giáo dục đại học của họ với tham vọng có được những trường ĐHĐCQT.
Phát biểu tại Diễn văn kỷ niệm ngày độc lập ngày 23-6-2007, thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh tuyên bố đất nước này sẽ xây dựng 14 trường ĐHĐCQT để cạnh tranh với những trường như Harvard hay Cambridge. Đây có thể xem là một điểm mốc đánh dấu quá trình bắt đầu vươn lên ĐHĐCQT của Ấn độ. Ngày 29-3-2008, Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực công bố kế hoạch cụ thể và vị trí của 8 Viện Khoa học Công nghệ mới và 7 Viện Nghiên cứu Quản lý cùng với 30 trường trung ương trong đó có 14 trường ĐHĐCQT sẽ được xây dựng trong Kế hoạch Lần thứ 11 của Ấn. Ở ba tiểu bang, một số trường công hiện tại sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của nhà nước trung ương để chuyển đổi thành ĐHĐCQT. Mỗi viện khoa học công nghệ sẽ cần có 7,6 tỉ rupi (khoảng 165 triệu USD) và viện nghiên cứu quản lý cần khoảng 2,4 tỉ rupi (54,4 triệu USD) để đi vào hoạt động. Thủ tướng cũng nói rằng nhà nước bảo đảm cho những trường này một đội ngũ giảng viên tốt nhất, những nguồn lực vật chất tuyệt vời nhất, để họ xây dựng nhiều phạm vi chuyên ngành rộng và có một đội ngũ sinh viên đa dạng[2]. Ấn độ thậm chí đã đề nghị Anh giúp về tài chính và kỹ thuật để xây dựng một trường ĐHĐCQT[3].
Nguồn lực của Ấn độ
Người Ấn biết rằng họ cần phải đầu tư vào giáo dục đại học để tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, và muốn vậy trước hết cần có nguồn lực của nhà nước. Ngay cả ở Mỹ nơi có rất nhiều trường tư hoạt động, 70% các trường có tài trợ của ngân sách nhà nước. Ở các trường tư, phần lớn kinh phí nghiên cứu có được do các hợp đồng nghiên cứu cũng là từ nguồn tài chính công. Ở những nước thu nhập trung bình và thấp, chỉ có những trường được nhà nước tài trợ mới có khả năng tiến hành các nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học cơ bản. Tuy vậy, cần thấy rằng Ấn độ đang đầu tư 73 triệu USD để xây dựng 12 trường ĐHĐCQT, một con số quá nhỏ so với Trung Quốc khi họ đầu tư 700 triệu USD cho chỉ một trường, và càng nhỏ bé hơn nữa khi so với ngân sách hoạt động chỉ trong năm 2008 của Trường Đại học Harvard: 2,996 tỷ USD!
Những lực cản từ bên trong: vấn đề văn hóa thuộc địa
Nhưng khó khăn của Ấn độ không chỉ nằm trong vấn đề nguồn lực hạn chế. Rào cản lớn nhất ở Ấn độ là di sản của thời kỳ thuộc địa: trường đại học là nơi bán lẻ tri thức thay vì đáng lẽ phải là nơi kiến tạo tri thức mới. Nền tảng của hệ thống giáo dục Ấn ngày nay được bắt đầu dưới chế độ thuộc địa của Anh khoảng giữa thế kỷ XIX, dựa trên quan niệm coi việc phát triển giáo dục ở các thuộc địa là nhằm phục vụ cho kinh tế, chính trị, và lợi ích của chính quốc, nhất là để củng cố và duy trì sự thống trị của Anh ở những thuộc địa này. Hệ thống này nghiêng về đào tạo ngôn ngữ và các bộ môn khoa học nhân văn hơn là khoa học kỹ thuật, và điều này vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay: gần 70% sinh viên nhập học trong các ngành nghệ thuật, thương mại, giáo dục, luật…và chỉ khoảng 20% học các ngành khoa học tự nhiên. Trong kỷ nguyên thuộc địa, việc nghiên cứu trong các trường đại học không được xem trọng. Những nhà khoa học, những học giả Ấn lỗi lạc nhất đã ra nước ngoài ngay sau khi độc lập, phần lớn là đến Anh quốc để tiếp tục công việc ở những trường đại học nghiên cứu có chất lượng cao.
Sau khi đất nước giành được độc lập, các trường đại học Ấn cũng vẫn khư khư duy trì tính chất “bán lẻ tri thức” của mình. Bất chấp sự tăng trưởng về số lượng các trường và về ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (tăng gấp 16 lần trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2000), số lượng các công trình nghiên cứu vẫn không có bước tiến nào đáng kể.
Ngay cả những trường tốt nhất cũng vẫn chỉ là những cửa hàng bán lẻ tri thức chứ chưa bao giờ được coi là các trường đại học nghiên cứu. Phần vì đó là do di sản kế thừa của nền giáo dục thuộc địa như đã nói trên, phần vì Ấn độ vẫn là một nước nghèo (thu nhập bình quân đầu người chỉ 700 USD/năm so với Hoa Kỳ 28.000 USD/năm), khao khát nhanh chóng thoát nghèo khiến họ tập trung vào những lĩnh vực nghề nghiệp có thể nhanh chóng nắm được kỹ năng làm việc và đi làm kiếm tiền ngay. Văn hóa thuộc địa tạo ra tinh thần nô lệ và chấp nhận hiện trạng, phù hợp với ý muốn của chế độ thực dân là đào tạo ra những cái máy có thể làm việc được ngay trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Ấn độ không còn là thuộc địa nhưng di sản ấy thì vẫn còn đến tận ngày nay.
Những khó khăn từ hệ thống quản trị đại học: chính sách gia đình trị và hệ thống
toàn trị
Về mặt quản trị, những áp lực xã hội và chính trị cũng không khuyến khích sự nổi bật cá nhân. Sự phân biệt đẳng cấp xã hội đã ngăn cản những sinh viên thuộc tầng lớp thấp theo đuổi việc học tập và nghiên cứu ở đỉnh cao, thông qua những can thiệp của nhà nước trong chính sách tuyển sinh và tuyển chọn cán bộ giảng viên. Chính sách gia đình trị và truyền thống toàn trị ở Ấn đã dẫn tới kiểu quản lý chuyên quyền, độc đoán, đòi hỏi mọi thứ phải tuân theo quy tắc ưu tiên. Bởi vậy sinh viên Ấn có kỹ năng rất đáng khen trong việc áp dụng các quy tắc nhưng gần như không khi nào đặt dấu hỏi với bản thân các quy tắc.
Trong quản trị đại học ở Ấn, vai trò của các hiệu trưởng không được xem trọng. Văn hóa quản lý ở Ấn khiến các công chức có thể thay đổi vị trí của nhau một cách dễ dàng và không ai được phép “cao” hơn người khác. Văn hóa “bonsai” này quả là không lành mạnh vì xưa nay trong lịch sử, những trường đại học lớn luôn luôn được dẫn dắt bởi những hiệu trưởng vĩ đại. Lãnh đạo các trường đại học Ấn không ủng hộ tự do và những phẩm chất chuyên môn, vì chính họ cũng không có được những thứ ấy. Thậm chí, các giảng viên cũng chẳng cần quan tâm đến việc trường mình có người lãnh đạo hay không. Một số trường thuộc University of Dehli không có hiệu trưởng trong một thời gian rất dài, có lúc trong suốt bốn năm.
Sự can thiệp của các cơ quan hành pháp trong quản trị đại học ở Ấn là một hiện tượng tồn tại từ lâu và chưa từng thấy trên thế giới. Nếu như ở Hoa Kỳ, Tòa án Tối cao chỉ can dự những vấn đề hết sức lớn lao, thì ở Ấn, Tòa án tối cao sẵn sàng xem xét từ việc viết cái gì lên bưu thiếp trở đi, và quá trình xem xét này có khi kéo dài hai ba chục năm, đẩy các nhà quản lý vào một tình trạng bế tắc. Mãi đến gần đây, Tòa án Tối cao vẫn quyết định những vấn đề như học phí, số lượng tuyển sinh, cơ cấu tuyển sinh (bao nhiêu em, từ những đẳng cấp nào sẽ được nhận vào học), vân vân..Những phán quyết này có hiệu lực toàn quốc, nhưng điều kiện ở các địa phương khác nhau rất nhiều khiến tòa án luôn phải xem xét và điều chỉnh lại. Tòa án tối cao ở Ấn có khi còn phải giải quyết những trường hợp lệch lạc ở cả trường công lẫn trường tư. Chẳng hạn chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử chính quyền bang Chastirgarh, 157 trường đại học tư được cấp phép thành lập. Các nhà đầu tư học hành dở dang tự bổ nhiệm mình làm hiệu trưởng, giao cho vợ họ làm trưởng phòng đào tạo, thành viên gia đình họ làm Hội đồng quản trị. Chuyện này biến thành “xì căng đan” đến nỗi Tòa án phải ra lệnh giải thể tất cả các trường này, nhưng lúc đó đã có hơn mười ngàn sinh viên nhập học. Mãi đến nay những trường hợp này vẫn chưa tìm được cách giải quyết cho thỏa đáng.
Trường hợp Ấn độ có thể minh họa rất rõ điều này: một khi trường đại học đã được lập trình để hoạt động như một cửa hàng bán lẻ tri thức thay vì phải thực hiện sứ mạng của nó là kiến tạo tri thức và là động lực của mọi đổi mới và tiến bộ, thì nó không có khả năng trở thành một trường ĐHĐCQT. Giáo dục đại học Ấn độ rất thành công trong việc tạo ra một lực lượng lao động có kỹ năng, và điều này là tuyệt đối cần thiết trong kinh tế công nghiệp, kể cả kinh tế tri thức, nhưng như vậy chưa đủ để được công nhận uy tín “đẳng cấp quốc tế”. Có một sự đồng thuận rất cao trong giới học thuật về việc ĐHĐCQT gần như chắc chắn phải là một đại học nghiên cứu. Chính vì thế mà trong tiêu chí xếp hạng của SJTU, kết quả nghiên cứu và số lượng công bố khoa học chiếm một tỷ trọng áp đảo. Bảng xếp hạng THES chú trọng hơn điểm đẳng duyệt, nhưng thực chất điểm số này cao hay thấp cũng là do uy tín của nhà trường quyết định, mà uy tín ấy được hình thành chủ yếu là từ các kết quả nghiên cứu và được biết đến là do các công bố khoa học. Điều này không phải là không có lý. Nó dựa trên một quan niệm phổ biến về vai trò và sứ mạng cốt lõi của trường đại học: giữ gìn, truyền bá và sáng tạo tri thức.
Khó khăn của các trường đại học Ấn độ trên đường tiến lên đẳng cấp quốc tế đến từ nhiều nhân tố khác nhau, từ nguồn lực đến văn hóa và thể chế, nhưng có thể nói chừng nào triết lý “bán lẻ tri thức” chưa thay đổi thì những nhân tố ấy chưa thể cải thiện và Ấn độ chưa thể có được những trường đại học nghiên cứu thực sự.
Vai trò của nhà nước, nguồn lực và cơ chế: Trường hợp Trung Quốc
Trung Quốc là một trường hợp rất đặc trưng về mặt nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc vươn lên nhằm mục tiêu xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế.
Thành tựu
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của giáo dục đại học tại TQ và sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của chính phủ TQ, các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ đã có những bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của họ và tạo ra những tiến bộ rất đáng kể nhằm đạt mục tiêu chiến lược của họ là trở thành những trường ĐHĐCQT.
Trong khoảng từ năm 2000 đến 2005, số lượng công bố khoa học của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong danh mục SCI đã tăng gấp đôi. Đại học Thanh Hoa đã có khoảng 2700 bài báo được liệt kê trong danh mục SCI năm 2003, gần bằng con số của các trường hàng đầu thuộc top 50 của thế giới. Số giảng viên có bằng tiến sĩ đã đạt đến 50% ở các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ tính đến năm 2005 và được hy vọng sẽ đạt đến 75% trước năm 2010. Những trường này cam kết nâng cao số giảng viên có bằng tiến sĩ từ các trường ĐHĐCQT. Các nhà quản lý của Đại học Bắc Kinh ước lượng khoảng 40% cán bộ giảng dạy của họ được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ. Thêm vào đó, họ còn nỗ lực đặc biệt để lôi cuốn các giáo sư đẳng cấp quốc tế bằng nhiều cách.
Nhìn rộng ra cả hệ thống, chỉ trong vòng một thế hệ, kể từ năm 1978, TQ đã đưa tỉ lệ những người trong độ tuổi vào đại học từ 1,4% lên đến 20%. Chỉ riêng trong lãnh vực kỹ thuật, TQ tạo ra 442,000 cử nhân hàng năm, cùng với 48,000 người hoàn tất bằng thạc sĩ và 8,000 người đạt học vị tiến sĩ.
Tuy vậy, cho đến nay chỉ có Trường Đại học Bắc Kinh và một vài trường hàng đầu của TQ là được thế giới công nhận là có chất lượng cao. Tiêu chí số lượng bài báo khoa học trong danh mục SCIE và SSCI tính trên đầu người được đưa ra nhằm phản ánh hiện tượng cạnh tranh quốc tế ngày càng phát triển và đặt TQ trong một bối cảnh có tính chất quốc tế. Con số thấp nhất về tỉ lệ công bố khoa học trên đầu người trong số 60 trường thành viên của Hiệp hội Các trường Đại học Hoa Kỳ được chọn làm tiêu chuẩn cho TQ, chỉ số này được xác định là 0,7 trong năm 2004. Chỉ có 10 trường đại học TQ có được chỉ số này ở trên mức tối thiểu của Hoa Kỳ.
Khoảng cách, và những thử thách đang đặt ra
Trong bảng xếp hạng quốc tế của SJTU năm 2005, không một trường đại học TQ nào lọt vào danh sách 100 trường hàng đầu trên thế giới. Chỉ có 8 trường đại học TQ lọt vào danh sách 500 trường hàng đầu. Vị trí cao nhất mà các trường đại học TQ đạt được là trong khoảng 151 đến 200[4]. Còn trong bảng xếp hạng THES cùng năm, Đại học Bắc Kinh được xếp thứ 15, và chỉ có 5 trường đại học TQ nằm trong top 200 mà thôi. Ba năm sau, trong bảng xếp hạng năm 2008 cũng của SJTU thực hiện với cùng phương pháp và tiêu chí, vẫn không có tên một trường đại học nào của Trung Quốc trong danh sách 100 trường hàng đầu. Năm trường lọt vào thứ hạng cao nhất từ 152-200 là Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nam Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Giao thông Thượng hải (SJTU), tức là không có bước tiến nào đáng kể so với kết quả xếp hạng năm 2005. Trong bảng xếp hạng THES năm 2008, chỉ có 2 trường đại học TQ lọt vào danh sách 100, nhưng lại tụt hạng so với chính họ: Đại học Bắc Kinh xếp hạng 50 năm 2008 trong lúc được xếp hạng 36 năm 2007, hạng 14 năm 2006. Đại học Thanh Hoa xếp hạng 56 năm 2008 trong lúc được xếp hạng 40 năm 2007 và hạng 28 năm 2006. Mặc dù giới khoa học quốc tế gièm pha, chê bai cả hai hệ thống xếp hạng này vì những đánh giá không thỏa đáng về chất lượng, nhưng các trường đại học TQ thì nhìn vấn đề này một cách nghiêm túc như là một chỉ số cho thấy vị trí cạnh tranh của họ. Họ biết rằng phải mất một thế hệ hoặc hơn nữa để các trường đại học TQ có thể có chất lượng thực sự ngang bằng với những trường của Âu Mỹ.
Trên bảng xếp hạng SJTU, điểm phân biệt chủ yếu giữa các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ và các trường đại học đẳng cấp quốc tế là chất lượng của giảng viên và nghiên cứu, được thể hiện qua số cán bộ khoa học đoạt được các giải thưởng khoa học quốc tế chính, qua số lượng tác giả được nhiều nhà khoa học khác nêu trích dẫn trong những lĩnh vực khoa học chủ yếu, qua số lượng cán bộ giảng viên được đào tạo bậc tiến sĩ ở các trường ĐHĐCQT, qua số lượng các bài báo khoa học được công bố quốc tế.
Các trường ĐHĐCQT có trung bình 4,4 giảng viên đoạt giải Nobel và Giải Fields[5], có trung bình 56 nhà nghiên cứu được nhiều người trích dẫn trong những lĩnh vực khoa học chủ yếu, trong lúc không một trường đại học nào ở TQ có được một cán bộ khoa học đạt giải Nobel hoặc Giải Fields. TQ cũng thiếu những tác giả được nhiều người trích dẫn trong những lĩnh vực khoa học chủ yếu.[6]
Hơn 85% giảng viên tại các trường ĐHĐCQT có bằng tiến sĩ do các trường thuộc top 100 trên toàn thế giới cấp, trong lúc con số này là 10% ở các trường đại học TQ hàng đầu như Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh[7]. Số trích dẫn trung bình trên mỗi bài báo khoa học trong Danh mục Trích dẫn Khoa học- SCI vào khoảng từ 2 đến 3 đối với các đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, so với 25 ở Harvard [8].
Tỷ lệ sinh viên sau đại học, nếu tính cả nghiên cứu sinh trong các lãnh vực nghề nghiệp (như y, luật) và sinh viên đại học đã lên đến xấp xỉ mức 1:1[9] là mức tương đương với các trường đại học nghiên cứu lớn của phương Tây như Havard, Stanford, nhưng các trường đại học vẫn đang phải vật vã đấu tranh với việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đặc biệt là tính cách tân và năng lực sáng tạo của một bộ phận nghiên cứu sinh tiến sĩ, bởi vì TQ sản sinh ra một số lượng tiến sĩ tăng với cấp số nhân nhưng chất lượng thì chưa so sánh được với những người được đào tạo từ các trường hàng đầu ở phương Tây. Vì vậy họ đang nỗ lực để cải thiện điều này: nghiên cứu sinh tiến sĩ thường được yêu cầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế trước khi có thể bảo vệ luận án.
Trong thực tế ở TQ chỉ có một số các giáo sư đại học thực hiện việc nghiên cứu vì những mối quan tâm thuần túy khoa học. Phần lớn họ dạy học và làm nghiên cứu như một cách để kiếm sống. Chất lượng giảng viên, tiêu chí đề bạt, và quy trình đánh giá vẫn còn xa so với ước muốn xây dựng trường ĐHĐCQT.
Sự kiểm soát của nhà nước đối với các trường đại học TQ đang giảm đi. Tuy vậy nhà nước TQ vẫn giữ ảnh hưởng mạnh mẽ thông qua việc phân bổ nguồn lực, chuẩn thuận chương trình đào tạo, đánh giá dự án, và vô số các buổi họp hành. Vẫn còn một chặng đường rất dài để các trường đại học TQ có thể đạt được sự mở rộng quyền tự chủ. Nhà nước khuyến khích các trường đại học nghiên cứu những vấn đề khoa học công nghệ trực tiếp phục vụ việc phát triển kinh tế của quốc gia vì đến nay năng lực đổi mới kỹ thuật của công nghệ TQ vẫn còn yếu kém. Phần lớn các nghiên cứu thực hiện ở TQ là nghiên cứu ứng dụng và tuyệt đại đa số là có liên quan đến phát triển công nghệ. Nghiên cứu cơ bản vẫn còn là một thứ xa xỉ đối với các trường đại học nghiên cứu ở TQ.
Bài học Trung Quốc
Nhờ nhà nước TQ có chính sách đẩy mạnh giáo dục đại học, TQ đã tiến một bước rất dài trong việc đại chúng hóa giáo dục đại học, và đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ TQ chính thức tuyên bố tham vọng có được những trường ĐHĐCQT vào năm 1998 đến nay, mười năm đã trôi qua cùng với những khoản đầu tư khổng lồ, khoảng cách của các trường đại học hàng đầu của TQ với những trường đẳng cấp quốc tế vẫn còn xa, theo cách đo lường và theo nhận định của chính các học giả TQ.
Năm 2005, Tạp chí McKinsey đã thực hiện một nghiên cứu về thị trường lao động TQ và kết luận, thật nghịch lý là TQ có hàng triệu người tốt nghiệp đại học nhưng lại thiếu nhân tài. Hai tác giả của cuộc nghiên cứu Diana Farrell và Andrew J. Grant ước lượng chỉ khoảng 10% các kỹ sư trẻ người TQ có những kỹ năng thích hợp cho công việc trong các doanh nghiệp đa quốc gia; số còn lại không có đủ kỹ năng ngôn ngữ và những hiểu biết văn hóa cần thiết để thực hiện chức phận của mình trong những công việc có tính cạnh tranh cao. Theo họ truyền thống giáo dục của TQ là một trong những thủ phạm gây ra vấn đề này. Điển hình là lối dạy thuần túy thuyết giảng và lối học ghi nhớ: các giáo sư thường đòi hỏi sinh viên phải nhớ bài giảng và những nội dung trong sách giáo khoa rồi lặp lại trong các bài thi thay vì phải phát triển sự hiểu biết thấu đáo và tinh thần sáng tạo.[10].
Hiển nhiên là các học giả TQ biết rõ họ phải nỗ lực đẩy mạnh cải cách và tư duy phê phán. Một số trường hàng đầu đã xây dựng chương trình giáo dục tổng quát ở bậc đại học nhằm đem lại cho sinh viên một nền tảng kiến thức rộng rãi hơn, mặc dù những nỗ lực này chưa đủ để đem lại những kết quả mong đợi vì bị cấy ghép vào một hệ thống thi cử khắt khe và cứng nhắc, một hệ thống vẫn còn đang ban thưởng cho sự học vẹt! Điều này chắc chắn cũng sẽ phải thay đổi trong một tương lai gần.
Đó là nói về giáo dục đại học TQ nói chung, còn nói riêng về giấc mộng ĐHĐCQT của TQ, thì lý do chính khiến TQ chưa thể lọt vào danh sách các trường hàng đầu trên thế giới là do TQ thiếu những tài năng đỉnh cao trong khoa học cơ bản đủ để sánh bằng thành tích của các trường ĐHĐCQT. Một số nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường tỏ ra hết chịu đựng nổi cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn về vấn đề ĐHĐCQT. Người ta bắt đầu nhận ra rằng xây dựng một ĐHĐCQT là một quá trình lâu dài chứ không phải là kết quả tức thời của một ước muốn và một số tiền đầu tư “một cục” khổng lồ. Thực ra, nhiều người thậm chí còn hoài nghi về khả năng liệu TQ có thể thực sự xây dựng được một ĐHĐCQT hay không, bởi vì những trường được công nhận rộng rãi là một mẫu mực về ĐHĐCQT như Oxford ở Anh hay Havard và Yale ở Hoa Kỳ đều đã phải trải qua hàng thế kỷ phát triển. Chẳng những thế, những trường này đều đã tiến triển trong một môi trường chính sách khác và hình thức khác của cơ cấu quản lý đại học.
Thử đi tìm nguyên nhân
Nhà nước TQ và giới học giả, giới quản lý giáo dục đại học có một quyết tâm hết sức to lớn trong việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, và đã dành nhiều nguồn lực tài chính lớn lao cho kế hoạch này, nhưng dường như kết quả đạt được, tuy rất to lớn, vẫn chưa được như họ mong đợi.
TQ đang tập trung vào khoa học tự nhiên và kỹ thuật, những lĩnh vực phản ánh nhu cầu phát triển của quốc gia, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự thiên vị của một hệ thống chính trị và văn hóa vốn hạn chế những phát biểu tự do. Khoa học xã hội và nhân văn thường liên quan tới những ý tưởng phê phán về chính trị, kinh tế và lịch sử. Nhà nước ít nhấn mạnh đến việc đạt đẳng cấp quốc tế trong những môn này. Tuy vậy, nhiều người TQ cũng nhận định –thường là một cách gián tiếp – rằng việc hạn chế những cuộc tranh luận khoa học có thể cản trở những nỗ lực tạo ra các trường ĐHĐCQT.
Lin Jianhua, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Bắc Kinh nhận định: “Hiện nay, tôi cho rằng chẳng có trường đại học nào ở TQ có một bầu không khí có thể so sánh được với các trường đại học lâu đời ở phương Tây- Harvard hay Oxford – về mặt tự do diễn đạt ý tưởng” (…) “Chúng ta cố gắng đem lại cho sinh viên một môi trường tốt hơn, nhưng để có thể làm được điều đó, cần có thời gian. Không phải là 10 năm, mà là một hay hai thế hệ”[11].
Một nhà địa lý lỗi lạc ở Đại học Phúc Đán, Ge Jianxiong nói rằng văn hóa Trung Hoa đòi hỏi những kết quả nhanh chóng, điều này có thể xói mòn việc nghiên cứu. “Ở TQ, các dự án thường ngắn hạn, thông thường là 3 năm. Sau đó người ta đòi hỏi phải có các ấn phẩm đồ sộ. Trong những cuộc nghiên cứu thực sự, cần phải cho các nhà khoa học sự tự do cần thiết để có được kết quả tốt, chứ không chỉ là kết quả mà người ta muốn”. Trong khi đó, cơ chế bảo đảm quyền tự do học thuật ở phương Tây cho phép một nhà khoa học có thể chẳng có một bài nghiên cứu nào được công bố trong hàng chục năm, để rồi đến năm thứ mười chẳng hạn, thì công bố một bài báo đưa ra cách giải quyết cho những câu hỏi đã tồn tại hàng trăm năm nay mà chưa có lời đáp!
Điều vĩ đại nhất mà TQ đã làm được trong 20 năm qua là đưa 200 triệu người thoát cảnh đói nghèo. “Tuy vậy, TQ vẫn chưa nhận ra rằng nếu muốn tiến lên một trình độ mới, thì phải hiểu rằng các con số là không đủ. Chúng ta cần một cuộc cách mạng mới để đưa chúng ta ra khỏi nền văn hóa mà giải thưởng là trở thành quan chức nhà nước. Chúng ta phải học cách ban thưởng cho những đổi mới thực sự, cho những tư tưởng độc lập, và những công trình học thuật chính cống!” [12]
Phải chăng tình trạng thiếu vắng tự do học thuật là nguyên nhân khiến các trường hàng đầu ở TQ chưa thể đi xa hơn được, dù quyết tâm của chính phủ rất lớn và đầu tư cũng không nhỏ? Liệu điều này có thể giải thích những hạn chế của hệ thống giáo dục đại học TQ, khi tự do học thuật không phải là vấn đề đối với các bộ môn khoa học kỹ thuật và ứng dụng, những lĩnh vực mà nhà nước TQ rất khuyến khích?
Có lẽ câu trả lời phải tìm không chỉ trong những nhân tố về thể chế, mà còn trong những nhân tố văn hóa. Nền giáo dục TQ chưa bao giờ thoát ly hoàn toàn truyền thống Khổng giáo, nơi người ta đi học là để tiếp thu những chân lý có sẵn của thánh hiền, chứ không phải để thử thách hay cọ xát với những tri thức đã có. Điều này tất nhiên ảnh hưởng lớn đến phương pháp dạy và học trong nhà trường và không khuyến khích tinh thần phản biện, tinh thần tự do sáng tạo, là những nhân tố cốt yếu của đời sống đại học, và là những nhân tố quyết định đối với năng lực nghiên cứu.
Trong một bản tin trên CCTV ngày 26-3-2008, biên tập viên Trương Ninh cho biết nhà nước TQ đang triển khai giai đoạn 3 của Dự án 211, mà nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn này từ nay đến 2011 là xây dựng các ngành học chủ chốt bao gồm các ngành cơ bản như Toán và Khoa học ứng dụng, vốn là các ngành rất cần thiết cho sự phát triển quốc gia, cùng các ngành Triết học và Khoa học xã hội có liên quan đến những vấn đề quan trọng cả về lý thuyết lẫn thực hành. Dự án nói trên chủ yếu sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước từ trung ương, cùng với các nguồn hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các trường đại học. Giai đoạn 3 vẫn tiếp tục duy trì nguyên tắc “chọn lọc tự nhiên” (tức ai mạnh nhất sẽ tồn tại). Những cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia sẽ ngay lập tức bị đào thải. Các nhà chức trách nói rằng các trường sẽ được hỗ trợ đặc biệt để tuyển dụng những nhà khoa học cũng như các tài năng tốt nhất, kể cả đội ngũ giảng viên từ các khu vực Hong Kong, Macao, Đài Loan. Trong giai đoạn này, Dự án tiếp tục ưu tiên cho các trường Đại học sư phạm. Hai trường đại học sư phạm ở vùng Tây Trung Quốc đã được đưa vào danh sách “Dự án 211”[13].
Có lẽ giờ đây, sau khi đã trút một núi tiền cho giấc mơ đại học đẳng cấp quốc tế mà kết quả là hai trường hàng đầu của Trung Quốc vẫn bị tụt hạng trong ba năm liền, các học giả TQ đã nhận ra rằng phải đầu tư vào khoa học cơ bản, đặc biệt là các ngành khoa học xã hội nhân văn, và phải đầu tư cho ngành sư phạm, nghĩa là phải quan tâm đến giáo dục con người và nhân cách. Nói cách khác, phải đầu tư vào chiều sâu, tức là học từ khoa học cơ bản, chứ không thể chỉ nhắm vào phần ngọn bằng cách chú trọng đến khoa học công nghệ ứng dụng mà thiếu quan tâm đến phát triển con người.
Thực tiễn xây dựng ĐHĐCQT ở TQ cho chúng ta thấy quyết tâm của nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó giúp mang lại những nguồn lực cần thiết cho các trường để thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, chỉ nguồn lực thôi thì không đủ để tạo ra được những thay đổi mong đợi. TQ đã đi từ Dự án 211 đến Dự án 985 theo hướng tập trung tăng cường nguồn lực tài chính cho một số ít trường trọng điểm, rồi lại tiếp tục đến dự án 111[14] theo hướng “mua” người tài từ bên ngoài về để tăng nhanh số lượng công bố khoa học và thành tích nghiên cứu, nhưng kết quả vẫn không được như họ mong muốn, bởi vì đó vẫn chỉ là những giải pháp chắp vá. Phải chăng TQ đã nhắm đến những nhân tố bề ngoài, những thứ ở phần ngọn, những biểu hiện của kết quả hoạt động chẳng hạn số lượng công bố khoa học và trích dẫn, thay vì phải nhắm vào những nhân tố bên trong, những thứ có ý nghĩa cốt lõi và là nguyên nhân của thành công, chẳng hạn những chính sách thực sự giải phóng năng lực của con người? Phải chăng những chính sách ấy chính là điều mà chúng ta cần, để tạo ra một tầng lớp trí thức có thể sáng tạo ra những giá trị tinh thần thực sự, vì chỉ với những giá trị ấy, trường đại học mới thực sự là nơi kiến tạo tri thức, vun trồng tài năng và thực hiện được sứ mệnh của nó[15]?
Ý nghĩa đối với Việt Nam
Trong mấy thập kỷ vừa qua, giới chức chính trị và quản lý giáo dục đại học ở nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển như bị cuốn vào cơn lốc tham vọng xây dựng trường ĐHĐCQT. Sau rất nhiều nỗ lực đầu tư những nguồn lực khổng lồ mà chưa đạt được thành công như mong đợi, người ta bắt đầu nhận ra rằng không thể xây dựng ĐHĐCQT bằng cách bắt chước những thành tựu mà những trường đại học phương Tây lừng danh đã đạt được.
Thay vì trả lời câu hỏi: “Cần đáp ứng những tiêu chí nào để có được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng?”, cần trả lời câu hỏi “Những giá trị chuẩn mực của các trường đại học tốt nhất thế giới là gì, vì sao họ đạt được những thành công ấy, và đâu là con đường để Việt Nam xây dựng được những trường đại học theo những chuẩn mực đã được cả thế giới văn minh công nhận?”. Cổ ngữ phương Đông có câu “người khôn lo về cái nhân, người dại lo về cái quả”. Nếu như những gì một trường đại học đạt được là cái “quả” thì các chuẩn mực mà nhà trường tuân theo trong quá trình hoạt động có thể xem như cái “nhân” tạo ra những thành tích ấy.
Những thành tựu đã đạt được cũng như những thất bại của một số nước đang phát triển có điều kiện ít nhiều giống với Việt Nam như Ấn Độ và Trung Quốc trong việc xây dựng ĐHĐCQT cho chúng ta thấy:
1) Muốn có những trường đại học đẳng cấp quốc tế thì phải bắt đầu từ những trường được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế.
Nói đến chuẩn mực không phải là nói đến những con số, mà là nói đến những giá trị được thừa nhận rộng rãi. Trong những giá trị ấy, điều cốt lõi là sứ mạng của trường đại học như một nơi lưu giữ và truyền tải di sản văn hóa tinh thần của nhiều thế hệ, nơi kiến tạo tri thức, nơi có vai trò là lương tâm của xã hội. Chuẩn mực trong hoạt động của trường đại học bảo đảm cho nó có thể thực hiện được vai trò và sứ mạng ấy. Những chuẩn mực này biểu hiện trước hết trong quan hệ giữa các thành viên của nhà trường (tự do học thuật, đồng quản trị và cơ chế thăng tiến dựa trên tài năng), cũng như quan hệ giữa nhà trường và nhà nước (tự chủ gắn với giải trình trách nhiệm, sự minh bạch và cơ chế kiểm soát chất lượng), nhà trường và xã hội (trách nhiệm công dân và cá nhân). Những chuẩn mực ấy tuy là những giá trị vô hình nhưng có thể đóng vai trò xây dựng và điều chỉnh các mối quan hệ này. Những trường đại học tốt nhất thế giới là những biểu hiện cao nhất của các chuẩn mực ấy. Thành công và thất bại của các nước đang phát triển trong việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, như có thể thấy trong trường hợp Ấn Độ hay Trung Quốc đã phân tích trên đây, gắn với việc hướng về hoặc đi ngược lại những chuẩn mực này.
2) Nguồn lực tuy rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định thành công của một trường đại học.
Đây là nhận định của tác giả Jamil Salmi trong tác phẩm “Những thách thức trong việc xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới”do Ngân hàng Thế giới xuất bản tháng 3-2008[16]. “Dữ liệu về nguồn lực tài chính từ Mỹ khẳng định rằng nếu chỉ có tiền thôi thì không thể đảm bảo sự xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu. Những trường đại học hàng đầu của Mỹ theo bảng xếp hạng quốc tế đều có nguồn lực dồi dào, nhưng một số trường cũng có mức chi tiêu nhiều như các trường khác nhưng chỉ nhận được những kết quả rất thấp, chẳng hạn Đại học Giao thông Thượng hải đứng thứ 20 trên thế giới về mức lương trả cho giáo sư, nhưng chỉ được xếp hạng trong khoảng 201-300 trong bảng xếp hạng SJTU do chính họ thực hiện. (…) Trong số 5 trường có mức học phí đắt nhất nước Mỹ, George Washington, Kenyon, Bucknell, Vassar, và Sarah Laurence, chỉ duy nhất có trường đầu tiên là đại học nghiên cứu, và cả năm trường này đều không có tên trong danh sách 100 trường hàng đầu” (Jalmi Salmi, sđd, tr.33).
Nhận định này của Salmi cũng có thể được minh họa bằng phần phân tích về Trung Quốc như đã trình bày trên đây. Những tư liệu ấy cho phép chúng ta kết luận: Nguồn lực tài chính là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ để tạo nên sự ưu tú. Điều kiện đủ để tạo nên sự ưu tú, chính là một cơ chế vận hành cho phép tồn tại một khoảng không gian hợp lý cho tự do và sáng tạo, một cơ chế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và hướng về những giá trị phổ quát của nhân loại văn minh.
3) Công thức thành công của một trường đại học
Như Salmi (2008) đã nêu rõ, thành công của các trường đại học đẳng cấp quốc tế trên thế giới là sự phối hợp của các nhân tố: nguồn lực dồi dào, tập trung tài năng, và cơ chế quản trị thuận lợi.
Ba nhân tố này có thể được mô hình hóa thành công thức như sau[17]:
S= f (G,H,F)
Trong đó S=Success; G=Governance; H= Human Resources; F= Finance Resources)
S= Thành công; G= Cơ chế quản trị ; H= Nguồn lực con người. F= Nguồn lực tài chính
Trong đó cả ba tham tố, G, H và F đều có giá trị thực từ âm đến 0 hoặc dương.
Nguồn lực tài chính (F), xét về mặt vật chất, thì có giá trị từ 0 đến ít hoặc nhiều. Tuy nhiên, xét trong tương quan với lợi ích mà nguồn lực tài chính này mang lại, thì nó có thể có giá trị âm. Nói cách khác, khi con người và cơ chế có giá trị âm, thì nguồn lực tài chính không mang lại lợi ích cho nhà trường, mà trái lại còn hủy hoại những giá trị chuẩn mực của nó.
Còn nguồn lực con người (H) thì có thể có giá trị âm, khi từng người có những giá trị tiêu cực quá lớn. Vì H là một tổng bao gồm nhiều cá nhân cụ thể, những giá trị âm hoặc dương của từng cá nhân sẽ được bù đắp hoặc bị triệt tiêu bởi các cá nhân khác, nên tổng của các cá nhân sẽ là một giá trị âm khi số lượng những cá nhân mang giá trị âm là áp đảo. Nói một cách cực đoan, nếu tuyệt đại đa số đội ngũ giảng viên hay sinh viên của một trường chỉ bao gồm những người kém cỏi và dối trá, thì tổng của các cá nhân này sẽ là một số âm. Những cá nhân được đào tạo tốt, có tri thức, có lương tâm, có phẩm chất là những giá trị dương. Tài năng càng xuất sắc, phẩm chất càng vượt trội, giá trị dương càng lớn.
Cũng như vậy, cơ chế quản trị (G) của một trường đại học cũng có thể có giá trị từ âm đến dương. Cơ chế có giá trị âm khi nó được thiết kế để có tác dụng như một lực cản của tiến bộ. Ví dụ, cơ chế thăng tiến không dựa trên tài năng sẽ triệt tiêu những động lực phấn đấu tích cực và khuyến khích những hành động tiêu cực, cơ chế ấy có giá trị âm. Cần lưu ý “cơ chế” trong công thức trên là một tổng của nhiều chính sách, một chính sách có thể âm nhưng chính sách khác có thể dương, nếu những chính sách có giá trị dương có tầm ảnh hưởng áp đảo thì tổng này vẫn có thể là một số dương hoặc ngược lại. Hoặc nếu các giá trị dương và âm triệt tiêu lẫn nhau để tổng này bằng 0, thì cơ chế ấy không kéo lùi nhà trường nhưng cũng không thúc đẩy nhà trường tiến bộ.
Ngay cả trong trường hợp F có giá trị dương, nhưng nếu một trong hai tham số còn lại H và G mà có giá trị bằng 0, thì S sẽ bằng 0. Nói cách khác, nguồn lực tài chính dù có lớn đến đâu, mà không có nguồn lực con người hoặc một cơ chế phù hợp thì cũng không thể dẫn đến thành công. Cũng như vậy, dù có những tài năng xuất sắc vượt bậc và một cơ chế quản trị ưu việt, mà không có nguồn lực tài chính, cũng không thể có thành công (Thật ra, đây chỉ là một giả định cực đoan, có ít khả năng xảy ra trong thực tế. Làm sao có chuyện một trường đại học có những tài năng xuất sắc vượt bậc và một cơ chế quản trị ưu việt mà không tìm ra được tiền? Nếu có những tài năng xuất sắc vượt bậc và một cơ chế quản trị ưu việt thì tài chính “tự nhiên” sẽ có, ban đầu thì ít, sau đó sẽ nhiều lên. Nói như vậy để thấy rõ hơn vai trò của nhân tố con người)[18].
Một khi H và G đều mang giá trị âm thì chắc chắn là F sẽ âm, vì những con người với giá trị tiêu cực và một cơ chế hỏng hóc không thể sử dụng các nguồn lực một cách tích cực. H, G và F đều có giá trị âm, thì S sẽ là một giá trị âm, nghĩa là thất bại.
Giá trị dương của mỗi tham số lớn chừng nào thì S càng lớn chừng đó. Nếu mọi tham số đều có giá trị dương, thì mức độ lớn hay nhỏ của các tham số sẽ bù đắp hay triệt tiêu lẫn nhau nhưng sẽ không dẫn đến kết quả bằng 0 hoặc bằng một số âm, tức là sự thất bại.
Kết luận
Khát vọng vươn lên thành những cường quốc về giáo dục đại học của các nước đang phát triển là một khát vọng chính đáng, vì nó thể hiện nhận thức về tầm quan trọng của tri thức trong thời đại cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nước đã nhận ra rằng chỉ đơn thuần chạy theo các tiêu chí xếp hạng để giành được vị trí cao chỉ là cách làm bắt chước về hình thức và không mang lại lợi ích thực sự cho hệ thống giáo dục đại học của quốc gia. Vì bản thân các hệ thống xếp hạng và các tiêu chí của họ đều có những điểm bất cập, nên rút cuộc thì vị trí trên bảng xếp hạng không quan trọng bằng những gì mà một trường đại học có thể mang lại cho đất nước và có thể góp phần vào tiến bộ xã hội của loài người.
Kinh nghiệm của Ấn Độ và Trung Quốc cho chúng ta thấy rõ hơn những nhân tố vô hình (intangible) tạo nên sự ưu tú, và tầm quan trọng lớn lao của những nhân tố ấy trong việc xây dựng những trường đại học đỉnh cao. Những trường đại học tốt nhất thế giới là những trường đại học trung thành với sứ mạng phục vụ lợi ích công. Đó cũng là nơi tập trung những con người ưu tú nhất với tài năng và phẩm chất vượt trội. Những con người ấy có thể thực hiện được sứ mạng cao quý của trường đại học chính là vì họ được cung cấp một nguồn lực thích đáng và hoạt động trong một cơ chế hữu hiệu.
Nhiều học giả quốc tế khi nghiên cứu thực trạng giáo dục đại học Việt Nam đã thống nhất nhận định Việt Nam không thiếu người tài, cả trong và ngoài nước. Nguồn lực tài chính cũng đã sẵn sàng. Thêm vào đó, dân tộc Việt Nam có một truyền thống hiếu học đặc biệt. Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao gần như một nhu cầu vô tận. Quyết tâm của chính phủ cũng thể hiện rất rõ ràng. Mọi điều kiện cần gần như đã hội tụ đủ. Chỉ còn những điều kiện đủ, là một cơ chế hoạt động đúng đắn và một năng lực lãnh đạo có đủ khả năng và phẩm chất vượt trội cho việc gánh vác trọng trách đó. Những trường đại học này sẽ là những trường đại học hoa tiêu trước mắt có nhiệm vụ đào tạo những nhà khoa học và quản lý hàng đầu cho đất nước, đồng thời là một khuôn mẫu cho các trường đại học trong nước. Trong trung hạn và dài hạn, những trường đại học này sẽ phải phấn đấu tiến tới vị trí được công nhận trong khu vực và trên thế giới. Đây là một con đường dài và chúng ta có thể đi đến đích nếu có một khởi đầu đúng.
Tư liệu tham khảo (Xin xem bản tiếng Anh)
Ghi chú: Bài viết này được xây dựng dựa trên một phần báo cáo khoa học “Con đường xây dựng các đại học theo chuẩn mực quốc tế cho Việt Nam”, vốn là tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học B 2007-05, do PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị là chủ nhiệm đề tài, đã được trình bày trong Hội thảo về Xây dựng Đại học Đẳng cấp Quốc tế cho Việt Nam do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức ngày 31-7-2009 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân.
GHI CHÚ
[1] Nguồn: Philip Altbach (2007). “World-Class Country without World-Class Higher Education: India’s 21st Century Dilemma”
[2] Nguồn: http://indiaedunews.net/ Universities/ PM_promises_30_world-class_universities_ for_India_1426/
[3] Nguồn: CHARU SUDAN KASTURI. “India at foreign door for varsity – Appeal for help after half a century”. The Telegraph 28-5-2008
[4] Institute of Higher Education, Shanghai Jiao Tong University 2005. Academic ranking of world universities-2005.http://ed.sjtu.edu.cn/ranking.htm.
[5] Giải Fields (Fields Medal) là một giải thưởng rất cao quý, ba năm mới xét chọn một lần, giành cho các nhà toán học. Giải này thường được xem là Nobel của ngành Toán.
[6] Cheng, Y., S. X. Liu. 2005. When will Chinese universities be able to become world – class? Journal of Higher Education 26 (4) : 1-6
[7] Jiang, Y., P. 2004. The origins of doctoral degrees of faculty members in world-class universities. Jiangsu Gaojiao no. 4: 106-09.
[8] Liu, Cheng, and Liu, 2005. Academic Rankings of World Universities, Tạp chí Giáo dục Thanh Hoa, số 26, tr. 8-15
[9] Nguồn: Nian Cai Liu, 2008. “Research Universities in China”. Transforming Research Universities in Asia and Latin America”. Edited by Philip Altbach&Jorge Balan. John Hopkins, Boston College
[10] Kathryn Mohrman 2005. Nguồn:
http://www.saisjhu.edu/pubaffairs/publications/saisphere/winter06/
[11] Howard W. French 2005. Nguồn: The International Herald Tribune, 27 October 2005
[12] Howard W. French 2005. Bài đã dẫn
[13] Nguồn: China further develops higher education, CCTV.com | 03-26-2008 12:42, Editor: Zhang Ning. Phần tư liệu này và những nhận xét liên quan là của TS. Vũ Thị Phương Anh.
[14] Dự án 111 là dự án do Bộ Giáo dục và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng tài trợ, bắt đầu từ năm 2006 và dự kiến kéo dài trong 5 năm, theo đó 600 triệu nhân dân tệ sẽ được đổ ra (mỗi bộ bỏ ra 300 triệu) cho 100 trường đại học của TQ thu hút 1000 giảng viên nước ngoài vào giảng dạy ở TQ ở 100 lãnh vực nghiên cứu trong vòng vài tuần đến tối đa 6 tháng. Nguồn: báo cáo của Shao Wei, bộ phận giáo dục Tổng lãnh sự quán TQ tại San Francisco, Tháng 1/2009
[15] Phần nhận xét này là của TS. Vũ Thị Phương Anh.
[16] Bản tiếng Việt được thực hiện tháng 7-2009
[17] Ý tưởng đưa ba nhân tố mà Salmi nêu ra vào một công thức là ý tưởng của một người khác. Tuy nhiên người này chủ trương đưa ra công thức S= F+H+G trong đó F chỉ có giá trị dương, còn H và G thì có giá trị thực từ âm đến dương. Sau đó tác giả bài này đã đề xuất công thức S= F x H x G (để tránh trường hợp H=0, G=0 nhưng F lớn thì S vẫn lớn), nhưng công thức này vẫn chưa hợp lý. Xin cảm ơn GS. Trần Văn Nhung đã đề nghị sửa lại là S=f(H,G,F).
[18] Phần trong ngoặc là ý kiến đóng góp của TS. Bùi Mạnh Hùng.
0 Comments