Phạm Thị Ly (2012)
Ngày 26-3-2012, Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Đài Loan đã tổ chức Diễn đàn Giáo dục với chủ đề “Triển vọng của giáo dục trong tương lai”nhằm tạo cơ hội đối thoại về những vấn đề trọng yếu nhất trong chính sách cho các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục Đài Loan. Khách mời đặc biệt là bốn vị cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo dục :Quách Vi Phan (Kuo Wei-Fang), Bộ trưởng thứ 13, Tiến sĩ Giáo dục Đại học Paris, nguyên giáo sư Đại học Sư phạm Đài Loan, hiện là Giám đốc Quỹ Văn hóa Giáo dục Pháp và Đài Loan; Dương Triều Dương (Yang Chou-Hsiang), Bộ trưởng thứ 16, hiện nay là Hiệu Trưởng Đại học Phật Quang, cố vấn của Tổng thống; Hoàng Long Thôn (Huang Zon-Zue), Bộ trưởng thứ 18, hiện là Hiệu Trưởng Trường Đại học Y Dược Đài Loan; Ngô Thanh Căn ( We Kin-Ki), Bộ trưởng thứ 21, hiện là giáo sư danh dự của đại học Sư phạm Đài Loan. Dẫn chương trình là bà Lại Su Yến (Lai Shu-yen), người chuyên thực hiện các talk show về giáo dục của Đài Truyền hình Đài Loan.
Diễn đàn tập trung thảo luận bốn vấn đề chính:
- Đối diện với sự thách đố đa văn hóa trong thế kỷ mới, Giáo dục Đài loan cần phải bồi dưỡng năng lực, thái độ, và quan niệm như thế nào cho học sinh để đáp ứng với những thay đổi trong môi trường ngày nay?
- Đối diện với những thay đổi và phát triển, giáo viên và phụ huynh phải có thái độ như thế nào đối với con em mình trong thời đại này?
- Làm thế nào để cải thiện chế độ giáo dục trong tương lai để đáp ứng những đòi hỏi của một nền giáo dục đang thay đổi từng ngày?
- Ảnh hưởng sâu rộng của chính sách nhà nước đối với giáo dục. Cần làm gì để thể chế giáo dục của quốc gia giúp cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh của Đài Loan
Bốn diễn giả chính đều là các học giả sau khi mãn nhiệm Bộ Trưởng đã giữ những cương vị trọng yếu trong các trường đại học lớn, kinh nghiệm và tầm nhìn của họ phản ánh những vấn đề cốt lõi nhất mà Đài Loan đang phải đương đầu và những cách tiếp cận nhằm giải quyết vấn đề. Một số vấn đề nổi bật mà giáo dục Việt Nam có thể chia sẻ là:
- Mục tiêu của giáo dục và động lực của người học: Giới trẻ ngày nay đang có những lệch lạc về giá trị của cuộc sống, do vậy giáo dục cần chuẩn bị cho họ không chỉ kỹ năng nghề nghiệp mà còn là cách sống, giá trị sống. Giáo dục cần vun trồng và nuôi dưỡng trong người học động lực tự thân đối với việc học, không có động lực này, việc học hỏi suốt đời không thể thực hiện, hoặc không có kết quả mong muốn. Muốn vậy, giáo dục không thể chỉ nhấn mạnh đến thành tích học tập của người học mà phải quan tâm đến việc chuẩn bị cho người học năng lực thích ứng toàn diện để sống một cuộc đời toàn vẹn và mang lại lợi ích cao nhất cho bản thân họ cũng như cho cộng đồng. Một trong những nội dung trọng yếu của giáo dục phải là thúc đẩy tinh thần ham học hỏi, động lực tự nguyện và kỹ năng tự học của người học. Liên quan đến điều này là thái độ của cha mẹ và thầy cô giáo. Cần chấm dứt các áp lực đặt lên người học về việc phải có bằng cấp và thành tích. Giáo dục cần giúp người học nối kết giữa những gì được học với một bức tranh toàn cảnh về tương lai cho cá nhân mình và cho cả cộng đồng.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của Đài Loan: Cũng do mục tiêu đó, Đài Loan phải nhận thức rõ chỗ mạnh chỗ yếu của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay để tăng cường sức mạnh cạnh tranh. Nâng cao chất lượng giáo dục là chìa khóa cho tăng trưởng. Trong việc cải cách giáo dục, chúng ta không được quá nhấn mạnh đến việc xếp hạng, vì nó không phải là mục tiêu thực sự của giáo dục và do vậy sẽ có thể dẫn giáo dục đến chỗ lạc hướng và làm lãng phí nguồn lực có giới hạn của chúng ta, đặc biệt là nguồn lực con người. Sinh suất của Đài Loan ngày càng giảm, tình trạng chảy máu chất xám trong khu vực tài năng trình độ cao là những nguy cơ thực sự đối với nguồn nhân lực của Đài Loan đòi hỏi nhà nước phải có chính sách cấp tốc để giải quyết.
- Nếu như cải cách giáo dục đại học không thể quá nhấn mạnh việc xếp hạng thì cần phải nỗ lực tìm ra các nguyên tắc và thước đo để đánh giá kết quả thực sự của giáo dục. Chúng ta không nên tự giới hạn mình trong những thước đo và tiêu chuẩn đang có.
- Chúng ta không kỳ vọng vào những thay đổi xảy ra trong một đêm, vì giáo dục là một quá trình và cần có thời gian để mọi thay đổi có thể đi vào thực tế, nhưng điều quan trọng để có thể tạo ra thay đổi, là sự nhất quán trong chính sách giáo dục, và tầm quan trọng của chính sách giáo dục đòi hỏi một ý chí chính trị của tổng thống, tức là ở tầm mức lãnh đạo cao nhất của quốc gia.
(Viết tại Đài Bắc, 2012)
Recent Comments