MỘT QUAN ĐIỂM CỦA HOA KỲ VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NHƯ MỘT DỊCH VỤ TRONG GIÁO DỤC XUYÊN BIÊN GIỚI
Tác giả: GS. Xuan-Thao Nguyen,
Trường Đại học Luật SMU Dedman, Dallas, Texas, Hoa Kỳ
Người dịch: Phạm Thị Ly (2009)
Những tư liệu trước năm học 2003-2004 cho thấy trung bình một sinh viên Mỹ muốn theo đuổi việc học để có được tấm bằng tiến sĩ sẽ mắc nợ khoảng chừng $41,540 USD; để có bằng tiến sĩ Luật, con số này là $80,754 USD, và tiến sĩ y khoa là $125,819 USD.
Năm 2009, một sinh viên muốn vào trường một đại học chuyên ngành để lấy bằng tiến sĩ y khoa hoặc tiến sĩ luật sau khi có bằng cử nhân, sẽ phải đối mặt với một khoản học phí bổ sung thêm khoảng chừng trên $100,000 USD. Một số sinh viên may mắn được gia đình hỗ trợ tài chính cho việc học, nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Những sinh viên phải vay tiền từ những chương trình cho vay học phí của chính phủ biết rằng sẽ phải mất nhiều năm sau khi tốt nghiệp để trả hết khoản nợ vay và tiền lãi này, giả sử họ được bảo đảm một chỗ làm đủ cho phép họ trả nợ hàng tháng cùng với các chi phí sinh hoạt, nhà ở, xe cộ, bảo hiểm. Với chi phí giáo dục tăng cao như thế, sinh viên sẽ có mong đợi nhận được một nền giáo dục tốt nhất và những kinh nghiệm giáo dục có ý nghĩa thực sự. Đối với sinh viên, giáo dục đại học là một sự đầu tư, sinh viên là khách hàng, và giáo dục là dịch vụ mà họ được nhận.
Ngay cả trước khi học phí đại học leo thang, ý tưởng giáo dục là một dịch vụ cũng không có gì mới mẻ ở Hoa Kỳ. Các nhà giáo dục ở Hoa Kỳ vẫn thường xem sinh viên như khách hàng của họ. Với tư cách một khách hàng, sinh viên có thể mong đợi rằng những thông tin nhất định về bản thân họ phải được giữ bí mật. Trong Luật Liên bang, Luật về Quyền Riêng tư và Quyền Giáo dục Gia đình năm 1974 (FERPA), nghiêm cấm các trường đại học để lộ thông tin cá nhân về hồ sơ học tập của sinh viên cho bên thứ ba- trừ phi bên thứ ba yêu cầu bằng văn bản và có sự chấp thuận bằng văn bản của bản thân sinh viên ấy. Một trường đại học có thể thu thập và công bố danh mục thông tin về sinh viên của mình, trừ phi sinh viên yêu cầu bằng văn bản không để lộ những thông tin ấy. Sinh viên cũng có quyền kiểm tra và xem xét hồ sơ của họ được nhà trường lưu trữ chính thức. Họ có quyền thử thách tính chất xác thực của những hồ sơ ấy, và nhà trường phải trả lời trong vòng 45 ngày. Nếu nhà trường không tuân theo điều luật nói trên của liên bang, sinh viên có quyền khiếu nại Văn phòng Quy định và Chính sách Gia đình của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ
Các trường đại học cung cấp một nền giáo dục có chất lượng nhằm phục vụ khách hàng của họ. Chẳng hạn, trường luật ở Hoa Kỳ không được phép gửi sinh viên của họ ra nước ngoài để học lấy tín chỉ tích lũy cho bằng tốt nghiệp ở một trường đại học ngoài nước Mỹ. Chỉ những chương trình đào tạo xuyên biên giới được sự chấp thuận của Hội đồng Đào tạo và Tuyển sinh Ngành Luật trực thuộc Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (gọi tắt là Hội đồng) mới được nhận sinh viên để đào tạo cấp tín chỉ; và chỉ khi đó là những chương trình được Hội đồng công nhận. Hội đồng này đã xây dựng một bộ chuẩn cụ thể trong quá trình thành lập những chương trình đào tạo xuyên biên giới không cấp bằng, và dùng bộ tiêu chuẩn này để đánh giá và kiểm định những chương trình như thế.
Năm 1952, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ đã thành lập Hội đồng này và trao quyền cho Hội đồng như một tổ chức kiểm định cấp quốc gia về đào tạo ngành luật ở cấp thạc sĩ , tiến sĩ khoa học luật và tiến sĩ luật. Với thẩm quyền ấy, Hội đồng đã đồng thời xây dựng tiêu chí cho các chương trình đào tạo thạc sĩ luật và tiến sĩ khoa học luật cho sinh viên nước ngoài, những người đã có ít nhất là bằng Cử nhân luật tại nước họ. Hội đồng cũng xây dựng tiêu chí riêng cho chương trình đào tạo tiến sĩ luật dành cho sinh viên Hoa Kỳ.
Về những chương trình đào tạo xuyên biên giới không cấp bằng, Hội đồng áp đặt một loạt các yêu cầu phải được đáp ứng để một trường luật ở Hoa Kỳ được phép gửi sinh viên Hoa Kỳ ra nước ngoài. Cụ thể là, đối với những chương trình lien kết đào tạo không cấp bằng giữa một trường luật của Hoa Kỳ và một trường nước ngoài, những yêu cầu đó bao gồm:
- Một trường đại học Hoa Kỳ (“trường bảo trợ”) phải nộp đơn cho Hội đồng để được chấp thuận, cùng với đơn là bản Hợp đồng Liên kết Đào tạo giữa trường bảo trợ và trường nước ngoài.
- Giảng viên và Trưởng khoa chịu trách nhiệm thành lập và quản lý điều hành chương trình. Nhằm bảo đảm quyền tự do học thuật, giảng viên có quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận nội dung học thuật của chương trình. Tuy nhiên nội dung đào tạo cần đáp ứng cùng một tiêu chuẩn và việc đánh giá hoạt động của sinh viên cần thực hiện như những chương trình khác của trường bảo trợ. Một phần của chương trình đào tạo cần có liên quan đến nước sở tại hoặc có trọng tâm so sánh quốc tế.
- Báo cáo tài chính, Thu nhập, Chi phí, Thông tin về Tài trợ,
- Báo cáo về Tình trạng Kiểm định của trường mẹ/ trường bảo trợ.
- Báo cáo về việc Chương trình Liên kết Đào tạo này có mối liên quan như thế nào đối với Sứ mạng/ Chương trình Đào tạo tổng quát của trường bảo trợ.
- Nếu Chương trình Liên kết Đào tạo không cấp bằng này được Hội đồng chấp thuận, Ủy ban Kiểm định của Hội đồng sẽ tiến hành một cuộc viếng thăm tại thực địa trong năm đầu hoạt động tại nước ngoài. Hội đồng sẽ yêu cầu trường bảo trợ cung cấp các dịch vụ sau đây cho sinh viên trong quá trình liên kết với trường nước ngoài:
- Trưởng Chương trình tại đơn vị liên kết
- Nguồn sách ở Thư viện của trường nước ngoài đủ đáp ứng nhu cầu của sinh viên Mỹ
- Chương trình Liên kết về cơ bản phục vụ cho trường bảo trợ
- Cơ sở vật chất cho quản lý, không gian học tập và nghiên cứu cho sinh viên
- Nhà ở cho giảng viên, các nhà quản lý và sinh viên
- Tất cả thông tin về việc hủy bỏ môn học hay đóng cửa chương trình liên kết đào tạo cần được thông báo rõ ràng trước. Việc hoàn lại học phí trong những trường hợp như vậy phải được thực hiện trong vòng 20 ngày sau khi hủy lớp.
- Tất cả thông tin về Chương trình liên quan đến các môn học, số tín chỉ, số sinh viên nhập học, chi phí, trang thiết bị học tập, nhà ở, việc hủy lớp nếu có, v.v… phải được cung cấp đầy đủ cho sinh viên.
Nếu Ủy ban chấp nhận Chương trình liên kết đào tạo này trong năm đầu thực hiện, nó sẽ được tiếp tục trong năm năm tiếp theo. Để Hội đồng có thể quản lý được chương trình và bảo đảm chất lượng đào tạo, Trường bảo trợ phải lập hồ sơ Phiếu Điều tra Hàng năm nộp cho Văn phòng của Ủy ban, trong đó xác định rõ các thông tin:
- Thông tin khái quát về nhà trường
- Số sinh viên nhập học, Các khóa học, Tín chỉ, Điểm số, Số sinh viên hiện diện
- Nguồn lực thư viện
- Trợ giúp tài chính dành cho sinh viên
- Hồ sơ lý lịch của giảng viên và các nhà quản lý
- Thông tin về tài chính của nhà trường
- Dịch vụ công nghệ thông tin
- Những chương trình học tập tại nước ngoài do trường bảo trợ
Hội đồng sẽ thực hiện một cuộc viếng thăm tại thực địa trong vòng năm năm kế tiếp, trước cuộc viếng thăm này trường bảo trợ cần chuẩn bị một bản báo cáo toàn diện bao gồm Bảng Điều tra như đã nói trên và các hồ sơ minh chứng. Nếu Chương trình Liên kết Đào tạo được chấp thuận trong lần viếng thăm này, thì lần viếng thăm kế tiếp sẽ là mỗi bảy năm sau. Thông thường một Báo cáo Trường bảo trợ chuẩn bị cho thăm viếng thực địa phải bao gồm những thông tin sau:
- Lịch sử của trường
- Những Chương trình Tự nghiên cứu của trường
- Những chương trình đào tạo về ngành luật
- Thông tin về đội ngũ giảng viên ( cán bộ giảng dạy, trong biên chế, ngoài biên chế)
- Thông tin về sinh viên và việc nhập học
- Tiền lương, thưởng của cán bộ quản lý và giảng dạy
- Nguồn lực thông tin (Thư viện)
- Trang thiết bị công nghệ thông tin của trường
- Tài chính của Trường Luật (những hỗ trợ và nguồn tài chính của trường)
- Cơ sở vật chất
- Các môn học
- Tư liệu về tài chính
- Thống kê về số lượng sinh viên vượt qua được kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề luật
Những yêu cầu trên đây về việc thành lập và duy trì một chương trình đào tạo xuyên biên giới không cấp bằng ở nước ngoài có vẻ như có thể làm nản lòng các trường luật Hoa Kỳ và những đối tác nước ngoài tiềm năng của họ. Những yêu cầu này là cần thiết để bảo đảm mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, sinh viên ngành luật, một ngành cực kỳ cạnh tranh. Về mặt vị trí, dù là trong nước hay ngoài nước, chất lượng của dịch vụ giáo dục được mang đến cho sinh viên phải ở mức độ cao nhất. Nếu không, những bằng cấp mà sinh viên có được sẽ là vô nghĩa và vô giá trị.
Phạm Thị Ly dịch
(Nguồn: A US Perspective on Higher Education as Service in Cross-Border Education. By Prof. Xuan Thao Nguyen. Paper submitted to The Third Conference in Comparative Education in Vietnam held by CIECER, Oct 2009. Copyright Xuan Thao Nguyen)
Recent Comments