CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM VỚI VẤN ĐỀ QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP

Phạm Thị Ly (2018)

(Bài đăng báo Khoa học và Phát triển Tháng 11.2018)

Trong một buổi tọa đàm do báo Tia Sáng tổ chức gần đây, một giảng viên, cũng đồng thời là nhà nghiên cứu trẻ và khá thành công trong khởi nghiệp đã phát biểu: “Tôi cấm sinh viên của tôi khởi nghiệp. Thời gian là để học, đâm đầu vào khởi nghiệp là phí thì giờ lẫn công sức và tiền bạc”.

Quan điểm này thật ra khá phổ biến và không chỉ phổ biến ở Việt Nam. Có hẳn một cuộc tranh luận kéo dài trong giới hàn lâm quốc tế về việc liệu năng lực khởi nghiệp có thể dạy được hay không, nếu có thì nhà trường có vai trò như thế nào. Rất nhiều người tin rằng không phải ai cũng có tố chất và năng lực để khởi nghiệp thành công, vì thế cần thận trọng với những phong trào “người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp”, bởi nó có thể dẫn tới những lãng phí to lớn và những thất bại mà một số cá nhân không thể vượt qua để bước tiếp.

Nhưng cùng lúc đó, người ta cũng tin rằng sự giàu mạnh của một quốc gia như Hoa Kỳ chẳng hạn có cội rễ sâu sắc từ tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của người dân, cũng như trong chính sách của nhà nước nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp. Nhiều nước khác, trong đó có Phần Lan, cũng tập trung cho giáo dục khởi nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp như một trọng tâm chính sách, và đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Có rất nhiều vấn đề và câu hỏi lớn liên quan đến chủ đề vai trò của trường ĐH trong việc hình thành quốc gia khởi nghiệp ở Việt Nam. Có nhiều kinh nghiệm quốc tế, nhưng cái gì có thể học, cái gì không (hoặc chưa) và tại sao? Hiện nay các hoạt động giảng dạy/thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đang diễn ra như thế nào (dưới hình thức gì, như một hoạt động chính thức hay phi chính thức, ở mức độ nào, trong khuôn khổ chính sách ra sao, từ nguồn kinh phí nào, tạo ra những kết quả gì, được thừa nhận ra sao trong mắt các bên liên quan)? Vì sao các trường đại học cần có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? Các trường có sẵn sàng cho các hoạt động như thế hay chưa, hoặc đang sẵn sàng ở mức độ nào, vì sao? Họ nhìn nhận ra sao về việc tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiêp đổi mới sáng tạo của quốc gia? Đâu là các rào cản, thách thức đối với các trường? Sinh viên cần được đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở mức độ nào và bắt đầu từ đâu? Vai trò của chính sách, của việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đối với con đường phát triển của các trường, và trọng tâm của giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở bậc ĐH là gì? Liệu nó có phải chỉ là truyền cảm hứng và những kiến thức cơ bản, hay nó có thể đi xa hơn như thế, đặc biệt là trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam?

Những câu hỏi trên đây không phải chỉ là những vấn đề lý thuyết có thể tìm được câu trả lời trong sách vở. Trái lại, có những vấn đề chỉ có thể tìm thấy câu trả lời trong thực tế. Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam- Phần Lan (IPP) là một thử nghiệm trong việc đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các trường, cũng như hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp ở các trường và kết nối các trường với các doanh nghiệp. Những thử nghiệm này góp phần đem lại một số sự kiện/bằng chứng/thông tin nhằm trả lời những câu hỏi nêu trên, trong đó quan trọng là câu hỏi về phát triển chính sách, cải thiện thể chế và động lực của các trường.

Vấn đề nhận thức

Một thành tựu quan trọng được xem như một kết quả đáng kể của các hoạt động trong khuôn khổ IPP là những thay đổi trong nhận thức của những người tham gia hoặc có liên đới. Từ chỗ coi các hoạt động giáo dục/thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường ĐH là một phong trào thời thượng, việc tiếp xúc nhiều hơn với tài liệu và kinh nghiệm/thực tế quốc tế đã khiến lãnh đạo các trường thay đổi cách nhìn đối với tầm quan trọng của các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, ít nhất là trong việc tăng cường giáo dục đào tạo những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và thái độ của một người khởi nghiệp cho sinh viên, chuẩn bị cho họ bước vào thế giới thực với một tâm thế sẵn sàng khám phá những cơ hội mới, đương đầu với thử thách, dự đoán trước rủi ro và sẵn sàng học hỏi từ những thất bại.

Điều này có mối quan hệ chặt chẽ với con đường phát triển của các trường. Tình trạng các trường công lập hoạt động chủ yếu dựa trên ngân sách được cấp, theo kế hoạch đã định, đào tạo theo chỉ tiêu, không cần và cũng không có khả năng thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực sự của xã hội và thị trường, đã và đang tiếp tục lùi vào quá khứ. Ngày nay, xu hướng biến các trường ĐH trở thành một thực thể tự chủ là một xu hướng hầu như không thể đảo ngược. Do áp lực cạnh tranh toàn cầu, do sức ép đại chúng hóa, do giới hạn của ngân sách, các nhà làm chính sách ở hầu hết các nước trong đó có Việt Nam đều nhận ra nhu cầu tăng cường quyền tự chủ của các trường nhằm đáp ứng đòi hỏi của việc phát triển.

Trong bối cảnh được tự chủ nhiều hơn, đồng thời nhiều cạnh tranh hơn với khu vực GD ĐH tư và với các trường có yếu tố nước ngoài, các trường công Việt Nam có nhu cầu mạnh mẽ trong việc cải thiện chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng mạnh mẽ hơn những đòi hỏi của người học và của thị trường. Họ bắt đầu trở thành những tổ chức có tính chất khởi nghiệp, tức là cởi mở với những khả năng mới và nắm lấy các cơ hội mới nhằm tạo ra các giá trị mới. Các trường tư thì bản thân họ đã là các doanh nghiệp có tính chất khởi nghiệp: họ vận hành dựa trên nguồn vốn tư nhân, thành công đạt được hay rủi ro phải gánh chịu luôn phụ thuộc vào năng lực nắm bắt cơ hội và thích ứng của chính họ. Có thể nói bối cảnh này đã chín mùi cho việc phát triển nhận thức mới về vai trò của trường ĐH với vấn đề quốc gia khởi nghiệp: bản thân trường ĐH phải vận hành như một tổ chức có tính chất khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như tham gia vào việc tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cho quốc gia.

Và những bước đi ban đầu

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách rất xa với bao nhiêu rào cản và thách thức ở giữa. Có những thách thức bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa rất sâu, chẳng hạn truyền thống học từ chương nhằm mục đích làm quan, tâm lý muốn yên ổn, ngại phiêu lưu, trọng sĩ diện và sợ thất bại, thái độ ít khích lệ của xã hội với những người suy nghĩ khác với lệ thường và chọn con đường trước đó chưa có người đi. Có những thách thức đã tồn tại từ lâu và hiển nhiên không thể vượt qua ngày một ngày hai, như cách tổ chức hoạt động của trường ĐH Việt Nam vốn nhấn mạnh vào hoạt động đào tạo thay vì nghiên cứu, và trong nghiên cứu khoa học thì hầu như chỉ nhấn mạnh việc tạo ra tri thức với kết quả là các bài báo khoa học thay vì việc ứng dụng tri thức vào thực tế sản xuất kinh doanh với những hình thức khác như bằng phát minh sáng chế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, v.v. Có những thách thức rất cụ thể như nguồn kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục/thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hay là những rào cản pháp lý trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, trong sự tham gia của tư nhân trong các hoạt động khởi nghiệp, trong việc xử lý vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, v.v.

Những thách thức này chỉ bộc lộ rõ khi các trường bắt tay vào làm thực sự, tức là thực hiện một số chương trình giáo dục khởi nghiệp dưới hình thức này hay hình thức khác, hoặc khởi động những tổ chức, đơn vị thuộc trường hoạt động như những tổ chức có chức năng sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ, như trường hợp Bách Khoa Holding của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Nhìn vào bức tranh chung, thì khó khăn chủ yếu đến từ tình trạng thiếu kết nối giữa giới nghiên cứu ở các trường và giới doanh nghiệp, và sâu hơn là năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của các trường còn hạn chế, trong lúc đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nhu cầu nghiên cứu chưa phải là bức thiết, kinh phí nghiên cứu lại chưa dồi dào. Một số ít trường có năng lực nghiên cứu nổi bật thì gặp những khó khăn trong vấn đề khuôn khổ pháp lý cũng như bài toán cân bằng lợi ích giữa các bên. Vì thế, các hoạt động ứng dụng công nghệ/ kết quả nghiên cứu vẫn chủ yếu diễn ra ở cấp độ cá nhân, thay vì lẽ ra phải nằm trong phạm vi chiến lược phát triển của trường.

Tuy vậy, xu thế phát triển mới của khoa học công nghệ với những biến đổi rất nhanh, mang tính đột phá trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn đã làm cho bức tranh trên đây có khả năng thay đổi về cơ bản. Thực tiễn ở các nước phát triển cũng cho thấy thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày nay chủ yếu dựa trên khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tức là tập trung vào những kết quả nghiên cứu mới có tính chất mới mẻ, đột phá. Vì nhiều lý do, những doanh nghiệp khởi nghiệp như vậy ở Việt Nam vẫn còn hiếm hoi, mặc dù Luật Khoa học Công nghệ gần đây đã dành nhiều ưu đãi về vốn vay và thuế suất cho dạng doanh nghiệp khoa học công nghệ này.

Trong bối cảnh đó, những bước đi ban đầu của các trường hiện nay đang là tập trung vào đào tạo kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và tinh thần khởi nghiệp, đồng thời tăng cường kết nối với giới sản xuất và kinh doanh, nhằm cải thiện chất lượng đầu ra và xây dựng nền tảng cho việc gắn kết giữa nhà trường với thế giới bên ngoài. Với sự hỗ trợ quan trọng về mặt chuyên môn của Phần Lan, một số trường đã xây dựng được đội ngũ nhân sự nòng cốt để phát triển chương trình, thiết kế các hoạt động nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Có trường đưa nội dung này vào đào tạo chính khóa như một học phần tự chọn, có trường coi đó là hoạt động ngoại khóa, v.v.

Kết quả của những nỗ lực đó là ở các trường đang dần hình thành một nhận thức đầy đủ hơn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kể từ lãnh đạo cho đến giảng viên và sinh viên. Điều này có ý nghĩa rất tích cực và quan trọng, vì nó giúp cho các chương trình giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào chiều sâu, nó tạo ra nền tảng để hình thành tư duy khởi nghiệp, là điều rất cần cho người học trong công việc về sau, dù họ làm việc ở vị trí hay lãnh vực nào. Không phải ai cũng sẵn sàng để trở thành nhà khởi nghiệp, không phải ai cũng có năng khiếu, ước mơ, bản lĩnh để chọn đi con đường mới dù biết trước rất có thể thất bại. Nhưng ai cũng cần biết suy nghĩ một cách độc lập, biết nhìn thấy những thứ khác hơn là cái lối mòn trước mặt, ai cũng cần có kỹ năng đàm phán, thuyết phục, làm việc nhóm và học hỏi từ những thất bại. Ai cũng cần có tầm nhìn rộng lớn để hiểu thế giới đang vận hành như thế nào, để đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của khả năng sáng tạo, của sự đổi mới, của năng lực tìm kiếm, tạo ra và nắm bắt cơ hội.

Tuy năng lực khởi nghiệp không hình thành bằng cách chỉ dựa vào những khóa đào tạo lý thuyết, nhưng những chương trình học bài bản và những hoạt động trải nghiệm mà nhà trường tạo ra có thể giúp ích rất nhiều cho người học, vì nó có thể truyền cảm hứng và khơi dậy những năng lực còn chưa được đánh thức. Nó có thể rút ngắn quãng đường mò mẫm tìm kiếm của người học. Nó giúp người học sau này nếu trở thành người làm chính sách sẽ biết tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà khởi nghiệp vì hiểu rằng sự thịnh vượng của quốc gia cần dựa trên tài năng và lòng can đảm của họ. Người học nếu trở thành nhà khởi nghiệp sẽ biết phải làm gì để đạt được thành công hoặc để đương đầu và vượt qua thất bại. Nếu trở thành người làm công ăn lương, họ cũng sẽ sáng tạo trong phần việc của họ để làm phần việc đó tốt hơn, cũng như sẽ cảm thông hơn với những người đứng mũi chịu sào của doanh nghiệp đặc biệt là khi doanh nghiệp đương đầu với khó khăn.

Quốc gia khởi nghiệp được hình thành từ những công dân có tinh thần khởi nghiệp. Trường ĐH có trách nhiệm, nghĩa vụ và khả năng tạo ra những công dân ấy. Họ chính là nhân tố cốt lõi để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia. Vì thế, những bước đi ban đầu của các trường trong việc giáo dục, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những nỗ lực đúng hướng rất cần được khích lệ và nhân rộng.