Trả lời phỏng vấn báo Người Đô Thị (Ra ngày 28.09.2018)
(LTS) Trong thời gian gần đây, dư luận nổi lên việc tranh cãi xung quanh sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và chương trình dạy học thực nghiệm trong hệ thống trường thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại (gọi chung là công nghệ giáo dục -CNGD). Gọi là thực nghiệm nhưng chương trình dạy học thực nghiệm nói trên đã được thực hiện 40 năm qua, thậm chí việc dạy tiếng Việt theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục còn được triển khai ra ngoài phạm vi hệ thống trường thực nghiệm, nói là “thí điểm” nhưng kéo dài thời gian, trên diện rộng, đến tới 800 ngàn học sinh. Hiện nay, việc triển khai công nghệ giáo dục giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn chưa thật rõ ràng về mặt pháp lý, có người còn nói đây là một chương trình giáo dục triển khai chui…
1.(PV). Chưa bàn đến tính khoa học hay hiệu quả của CNGD nói chung hay sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục nói riêng, từ thực tế này, xin bà cho nhận xét ở khía cạnh chính sách giáo dục: Vì sao ta lại duy trì trạng thái “thực nghiệm” (đối với CNGD) và trạng thái ‘thí điểm” (đối với sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục ) lâu như vậy? Thực tế này phản ánh điều gì?
(PTL).Thực tế này đã cho thấy rõ sự bất cập của chính sách đối với những thử nghiệm về giáo dục. Đòi hỏi của công chúng về việc các chương trình thực nghiệm giáo dục cần được nghiên cứu, được tiến hành một cách thận trọng, bài bản, và được đánh giá kết quả một cách độc lập, khách quan, dựa trên những phương pháp đáng tin cậy, là một đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, đòi hỏi đó cho đến nay hầu như là bất khả thi trong thực tế Việt Nam. Lý do là vì chúng ta không có bất cứ một bộ khung pháp lý nào cho phép thực thi điều này. Chương trình thực nghiệm CNGD của GS Hồ Ngọc Đại bị coi là “làm chui”, “trái luật” chính là vì không có khuôn khổ pháp lý nào để thực hiện việc này cả. Cho đến nay, chúng ta vẫn thực thi luật pháp trên tinh thần “chỉ được làm những gì luật cho phép” chứ không phải là “được làm tất cả những gì luật không cấm”.
Nhiều người nói rằng GS. Hồ Ngọc Đại nếu không phải là con rể của cố Tổng bí thư Lê Duẩn thì không bao giờ có thể thực hiện được chương trình thực nghiệm CNGD. Tôi thì nghĩ, đến như con rể Tổng bí thư mà cũng chỉ có thể “thực nghiệm”, lại “thực nghiệm” những bốn mươi năm vẫn chưa được chính thức tổng kết, đánh giá và thừa nhận.
Nhưng điều đáng nói hơn là những hệ quả của sự bất cập này về mặt chính sách. Chúng ta cần nhìn rộng hơn bức tranh giáo dục và chương trình thực nghiệm CNGD để thấy cách làm “thí điểm” này vốn có gốc rễ trong tinh thần “dò đá qua sông” mà người Trung Quốc đã vận dụng trong quá trình cải cách kinh tế và đạt được những thành công đáng kể. Bản thân câu thành ngữ “dò đá qua sông” đã nói lên đầy đủ bản chất của cách tư duy và cách làm này: thay đổi từng bước một cách thận trọng, và xem xét kết quả thực tế để tiếp tục điều chỉnh cho các bước tiếp theo. Nó phù hợp với văn hóa Á Đông vốn không thích ứng tốt với những thay đổi có tính chất nhảy vọt, đột biến. Nó phản ánh sự thận trọng, và phần nào là dựa trên kinh nghiệm, cảm nhận cá nhân hơn là dựa trên những chứng cứ khoa học.
Cách làm đó không hẳn là dở. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ “khoán chui” mà bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc thực hiện đã dẫn đến chính sách Khoán 10 và làm cho nước ta từ chỗ thiếu đói trở thành nước xuất khẩu gạo thứ ba trên thế giới. Khoán chui trước khi được thừa nhận chính thức đã là một thử nghiệm “trái pháp luật” vì lúc đó không có bất cứ hành lang pháp lý nào cho phép ông Kim Ngọc làm thế. Hơn nữa, nó còn trái với tinh thần của chủ nghĩa tập thể bấy giờ đang được đề cao như là một phần quan trọng của ý thức hệ chính thống.
Nhờ sự dũng cảm của ông Kim Ngọc, thực tế đã chứng minh rằng người nông dân làm tốt hơn nhiều trên mảnh ruộng của họ, nơi mà họ được hưởng thành quả ít hay nhiều tùy vào những nỗ lực của chính họ. Thực tế đã chứng minh “cha chung không ai khóc” sẽ hủy hoại động lực làm việc và giảm năng suất lao động. Kết quả này rõ rệt đến nỗi không cần phải đo đếm hay nghiên cứu đối chứng, cũng đã dẫn tới chủ trương khoán ruộng cho nông dân, một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và đường lối phát triển kinh tế bấy giờ.
Thế nhưng, chúng ta cũng phải nhìn nhận là lẽ ra nhà nước không nên để những thử nghiệm như thế diễn ra trong tình trạng “trái pháp luật”. Trước hết là vì nó quá rủi ro cho những người thực hiện. Họ có thể đi tù, sạt nghiệp, mất hết mọi cơ hội thăng tiến. Nhưng quan trọng hơn, tấm gương của họ sẽ làm nản lòng tất cả những ai mong muốn cải thiện hiện trạng, tìm kiếm những sáng kiến đổi mới. Mà một xã hội không có những người khao khát đổi mới và tìm kiếm cái mới sẽ là một xã hội tù đọng, nói gì tới năng lực cạnh tranh với thế giới bên ngoài?
Hơn thế nữa, nó tạo điều kiện cho sự tùy tiện và không tôn trọng pháp luật. Nó đặt ngang hàng những sáng kiến đổi mới với những hành vi phản lại chuẩn mực và có hại cho xã hội, vì cả hai đều bị dán nhãn “trái pháp luật”. Nó tạo ra tình trạng loạn chuẩn mực trong xã hội: pháp luật không còn là thước đo chung để người ta hiểu đâu là những việc không nên làm.
Trở lại vấn đề giáo dục, làn sóng phê phán CNGD kịch liệt vừa qua, như đã có người nhận định, thể hiện sự thất vọng sâu sắc, đối với một số người là tuyệt vọng, đối với nền giáo dục trong nước. Những phản ứng giận dữ một cách cảm tính, cực đoan đó là kết quả của nhiều lần thất vọng trước những thay đổi do Bộ GD-ĐT đề xướng mà kết quả không như mọi người mong đợi. Điều này có thể thấy rõ nhất trong những thay đổi về thi cử, đặc biệt là tuyển sinh vào ĐH. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng Bộ GD-ĐT đã thực hiện những thay đổi đó mà thiếu hẳn quá trình nghiên cứu nghiêm túc, thiếu thử nghiệm và đánh giá, rút kinh nghiệm trong phạm vi nhỏ trước khi cho áp dụng cả nước, cho nên nhiều thứ bất cập lộ ra ngay khi vừa thực hiện, là những thứ lẽ ra đã có thể tránh.
2 (PV). Dù gì CNGD cũng đã được triển khai vào đời sống, và đây là một trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, xét rộng ra, trong khi chính sách giáo dục hiện nay luôn nêu cao định hướng sáng tạo cho học sinh, thì liệu có sự hạn chế những sáng kiến giáo dục từ các nhà chuyên môn hay không? Có cần thiết phải định ra một hành lang pháp lý cho những thử nghiệm giáo dục, vốn luôn luôn là đòi hỏi từ cuộc sống? Để điều này trở thành hiện thực thì cần bỏ đi hoặc thêm mới những chính sách, quy định gì?
(PTL). Như đã nói trên, chính sách không thể nhất thành bất biến, nó cần được thay đổi để phù hợp với diễn biến của thế giới bên ngoài. Vì chính sách dù có hay đến mấy thì cũng sẽ có một lúc nào đó nó trở thành lạc hậu so với thực tế. Quá trình điều chỉnh chính sách cần được thực hiện từng bước, dựa trên thử nghiệm (làm khác đi so với cái đang được luật pháp quy định), và đánh giá kết quả, tác động, ý nghĩa của nó trước khi sửa lại chính sách hiện hành và cho áp dụng đại trà. Những thử nghiệm đó phải trở thành một phần tất yếu của quá trình phát triển chính sách, đặc biệt là đối với giáo dục, vì không lĩnh vực nào mà mỗi thay đổi lại ảnh hưởng lâu dài và đến nhiều người, có thể nói là đến mọi gia đình, như giáo dục.
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã tỏ ra cầu thị, lắng nghe, và đáp ứng với dư luận nhiều hơn. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc lắng nghe ý kiến phản ứng của dư luận cần phải kết hợp với việc dựa trên kết quả phân tích khách quan của giới chuyên gia có trình độ chuyên môn và có khả năng suy nghĩ độc lập, thay vì chỉ dựa trên những làn sóng chỉ trích thiếu căn cứ của đám đông. Một ví dụ cho điều này là cách ứng xử với Thông tư 30 (không chấm điểm học sinh tiểu học, chỉ nhận xét kết quả học tập). Thông tư này dựa trên một quan điểm đúng đắn và phù hợp với các quan điểm giáo dục hiện đại. Rất tiếc là nhiều người quen với cách dạy và học truyền thống, ngại thay đổi đã không chấp nhận quan điểm này, cho rằng nếu không chấm điểm thì học sinh không chịu học, và nhận xét từng em như thế mất rất nhiều thì giờ cho giáo viên v.v. Trước những phản ứng tiêu cực của giáo viên và phụ huynh, Bộ đã rút lại yêu cầu này, mèo lại hoàn mèo…
3.(PV). Một vấn đề khác, tuy có khác nhau về dữ kiện, nhưng dường như cũng xuất phát từ quan niệm “đóng”. Đó là câu chuyện sách giáo khoa. Mặc dầu Quốc hội đã thông qua nghị quyết (2014) về việc cho phép thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, tuy nhiên khi thảo luận về Luật giáo dục sửa đổi gần đây, lại có một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội muốn quay về chỉ áp dụng một bộ sách giáo khoa chung. Quan điểm của bà về việc này như thế nào? Đâu là ưu điểm và nhược điểm của cả hai phương án?
(PTL). Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chuyện bình thường trên thế giới, nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. Kể từ năm 1975 đến nay, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện một chủ trương như vậy. Chắc chắn sẽ có khó khăn bước đầu, vì chúng ta chưa có lực lượng chuyên gia để viết sách GK. Một nhà khoa học giỏi nghiên cứu, kiến thức uyên thâm không chắc có thể viết một bộ sách GK tốt, bởi sách GK không phải chỉ bao gồm kiến thức, cũng như căn nhà không phải chỉ gồm những viên gạch. SGK là một kịch bản giáo dục có hệ thống, nó liên quan tới tri thức chuyên môn, hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, hiểu biết về phương pháp sư phạm và bối cảnh thực tế. Một thầy/cô giáo dày dạn kinh nghiệm nhiều năm cũng không chắc có thể là người soạn sách GK tốt, vì người soạn sách GK phải hiểu biết rộng và biết rất chắc về kiến thức chuyên ngành/liên ngành, phải cập nhật xu hướng của thế giới, biết phải chọn vật liệu gì trong hàng ngàn vật liệu và sắp xếp những vật liệu ấy như thế nào và phối hợp với các môn khác, cấp lớp khác như thế nào để nhất quán với một nền tảng triết lý giáo dục nhất định và đáp ứng mục tiêu của chương trình.
Chúng ta hiện có rất ít người có đủ kỹ năng để có thể làm tốt SGK như vậy. Vì thế, trăm hoa đua nở trong việc biên soạn SGK rất có thể sẽ có vấp váp và lúng túng ban đầu. Đó là chưa nói đến những vấn đề còn phức tạp hơn nhiều như làm thế nào để việc thẩm định thực sự độc lập, khách quan, làm thế nào để đảm bảo quyền lựa chọn sách GK của nhà trường, thậm chí là của giáo viên, để họ không bị các nhóm lợi ích tìm cách chi phối. Một bộ sách GK duy nhất do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn sẽ có thể tránh được một số khó khăn trong những khó khăn nói trên. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là những bất cập trong việc biên soạn bộ sách duy nhất này lại không lặp lại như trường hợp sách GK 2000.
Vì thế, việc cho phép thực hiện một chương trình, nhiều SGK là một bước tiến lớn về mặt tư duy cần được bảo vệ. Điều quan trọng không phải chỉ là có nhiều nhóm biên soạn sách GK thì có cạnh tranh và có sách tốt/rẻ hơn, mà là nó có nghĩa nhà nước chấp nhận có thể có những cách tiếp cận khác nhau trong nội dung và phương pháp giáo dục để đạt tới mục tiêu chung mà chương trình đã nêu ra. Đa dạng về con đường, cách thức thực hiện là một khởi đầu quan trọng cho việc cải thiện chất lượng giáo dục.
Cuộc tranh cãi gay gắt về CNGD vừa qua còn cho ta thấy một điều khác: thị trường hóa hoàn toàn đối với SGK có thể tạo ra cạnh tranh không lành mạnh và điều này không hứa hẹn điều gì tốt đẹp, cũng không phải là điều chúng ta mong muốn. Nó rất có thể xảy ra, nhưng cũng có thể tránh được hoặc làm giảm nhẹ tác hại. Thay cho miễn học phí bậc trung học cơ sở, nếu nhà nước bao cấp toàn bộ SGK cho học sinh phổ thông, thì ngân sách vẫn chỉ tiêu chừng đó, mà học sinh không phải mua sách giá đắt, động lực cạnh tranh không lành mạnh cũng giảm. Chúng ta không nên quên là ở các nước tư bản chính cống, kể cả các nước chấp nhận coi giáo dục là một thị trường, thì giáo dục phổ thông vẫn là miễn phí và chủ yếu được nhà nước bao cấp. Lý do là vì giáo dục phổ thông có ý nghĩa sống còn với chất lượng nguồn nhân lực và với sự ổn định xã hội.
4.(PV). Từ hai câu chuyện nói trên, cùng với những hạn chế bất cập của giáo dục phổ thông (chương trình, việc thi cử …), theo bà, những điều cốt lõi nào về thể chế giáo dục cần phải đề xuất để năng lượng sáng tạo của xã hội phát huy, đảm bảo được tính khoa học, hiệu quả của chương trình giáo dục cũng như việc quản lý nhà nước?
(PTL). Những tranh cãi gay gắt vừa qua tuy có bộc lộ những chỗ xấu xí và yếu kém về kỹ năng hay thái độ tranh luận của một số người, nhưng nó có cái hay là xã hội có cơ hội để nghe được tiếng nói nhiều chiều. Vấn đề là Bộ GD-ĐT, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về chính sách giáo dục không thể làm chính sách theo kiểu cảm tính hay đẽo cày giữa đường. Cần có nghiên cứu nghiêm túc đối với bất cứ thay đổi lớn nào, và cần có phản biện độc lập. Mở ra cho xã hội góp ý kiến rộng rãi là một điều tốt, nhưng Bộ cần có một đội ngũ chuyên gia thực sự mạnh, đội ngũ đó không chỉ nghiên cứu và tư vấn giúp Bộ, mà còn làm công tác truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách không phải là dùng những kỹ xảo để điều khiển cảm xúc của đám đông, mà là thuyết phục công chúng bằng những bằng chứng đáng tin cậy và lý lẽ nghiêm túc. Trong bối cảnh thiếu lòng tin hiện nay, Bộ rất cần xây dựng sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, và hỗ trợ giáo viên trên con đường thay đổi. Thay đổi không bao giờ là điều dễ dàng, vì vẫn còn nhiều người suy nghĩ theo lối cũ. Những bức xúc của phụ huynh về chất lượng giáo dục không thể giải quyết bằng những thay đổi chắp vá, không được nghiên cứu kỹ lưỡng, không dựa trên một quan điểm rõ ràng, vững chắc. Nó cần được giải quyết bằng những thay đổi có tính chất hệ thống, bằng sự kiên trì thuyết phục, và nhất là bằng những kết quả thực tế. Mọi cải cách, xét cho cùng đều hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục, mà cụ thể là tạo ra con người có phẩm chất công dân, có khả năng sáng tạo để đáp ứng có hiệu quả với một thế giới đang đổi thay và để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Muốn thế, chúng ta phải chấp nhận những cách tư duy mới, bởi vì “chúng ta không thể giải quyết một vấn đề bằng lối tư duy đã tạo ra vấn đề đó” (A. Einstein). Để làm được điều này chúng ta cần tạo ra những khoảng không gian xã hội cho sự sáng tạo, chấp nhận những cách tiếp cận đa dạng, những con đường và phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu, và làm chính sách dựa trên thực chứng.
0 Comments