Phạm Thị Ly (2018)
(Bài đăng báo Tia Sáng tháng 08.2018)

 

Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh phải thi tốt nghiệp PTTH mới có đủ điều kiện xét được cấp bằng tốt nghiệp (Điều 31). Tuy vậy, luật không phải là kinh thánh nhất thành bất biến, việc thay đổi, điều chỉnh, sửa chữa luật là chuyện thường ngày ở tất cả mọi nước, nhằm thực hiện những can thiệp cần thiết khi bối cảnh xã hội biến đổi không còn như trước.

Hiện có hai luồng ý kiến về việc có nên duy trì kỳ thi “hai trong một” (thi TNPT và có thể dùng kết quả đó để xét tuyển ĐH) hay là không cần phải thi, việc xét TNPT giao về cho các trường PT còn tuyển sinh ĐH thì giao cho các trường ĐH.

Có lẽ không có giải pháp nào là hoàn hảo và thỏa mãn nhu cầu của tất cả các bên. Lựa chọn nào cũng sẽ có cái được và cái mất. Nhưng điều quan trọng là hiểu được tại sao chúng ta lại lựa chọn như thế, và liệu có lựa chọn nào khác tốt hơn cho sự phát triển của đất nước?

Cần duy trì kỳ thi TNPT?

 Những người ủng hộ việc tiếp tục duy trì kỳ thi TNPT dựa trên những lý lẽ chính sau đây: (1). Không thi thì học trò không chịu học; (2) Một kỳ thi cấp quốc gia sẽ đảm bảo chuẩn chất lượng chung của khung trình độ quốc gia, tránh tình trạng cùng một tấm bằng nhưng kiến thức đạt được rất khác nhau do chất lượng đào tạo của các trường hay các vùng miền có thể rất khác nhau; (3) Kết quả kỳ thi có thể giúp cơ quan quản lý đánh giá được chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục hoặc vùng miền, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Đó là nói về mặt lý thuyết. Còn trên thực tế thì có thể có những lý do khác mà ai cũng biết nhưng không mấy ai nói ra. Bạc Liêu năm 2006, Đồi Ngô 2012, Hà Giang, Sơn La năm 2018 là ví dụ cho những chuyện “ai cũng biết” ấy. Đặc biệt là khi kết quả thi TNPT được dùng làm cơ sở xét tuyển vào ĐH.

Ngay cả trong trường hợp quy trình thi chặt chẽ đến mức (tạm cho là) không thể gian lận, và mức án cho tiêu cực trong thi cử nặng đến nỗi không ai dám gian lận, thì vẫn còn đó một động lực mạnh mẽ của ngành giáo dục nói chung mà cụ thể là các thầy cô giáo: thi cử tạo ra một thứ “quyền lực” của họ đối với người học, mất đi thứ quyền lực ấy, họ không còn biết phải xoay xở ra sao.

Giáo dục là một quá trình nhiều bên tham gia. Một chính sách tốt phải tìm ra được điểm cân bằng hợp lý nhất giữa các bên. Không thể chỉ tính tới lợi ích của người dạy hay của giới quản lý mà không nghĩ đến lợi ích của người học, trong lúc lợi ích của người học mới chính là lợi ích lâu dài của quốc gia. Một điều rất lạ là trong sóng gió thi cử vừa qua, rất ít ai quan tâm đến tiếng nói của người học. Một vài tâm thư kêu than về gánh nặng thi cử hay học hành nhồi nhét chìm nghỉm trong biển tin tức về những vụ việc tiêu cực. Ngay cả thông tin về những trường hợp tự tử vì áp lực học hành, về con số trẻ vào viện tâm thần trong thời điểm thi cử cũng chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo.

Tiêu cực trong thi cử đã bóp méo kết quả và khiến cho việc duy trì kỳ thi TNPT theo cách chúng ta đang làm lâu nay đã không đạt được cả ba mục tiêu nói trên. Nếu nói thi là cách để bắt học sinh phải học, thì chúng ta phải tự hỏi liệu học thuộc lòng, học tủ, học mánh khóe làm bài, những kỹ năng này sẽ giúp ích gì cho người học khi tham gia vào thị trường lao động, khi cạnh tranh với lực lượng lao động toàn cầu? Những kỹ năng này có giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra thêm nhiều của cải và giá trị cho xã hội? Nếu nói thi là để đảm bảo chuẩn chất lượng chung, với tỉ lệ đậu tốt nghiệp 97-99% hiện nay và trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có chắc tất cả những học sinh này đạt được chuẩn mực ngang bằng với các bạn tốt nghiệp PT trong cả nước và trên thế giới? Nếu nói kết quả thi có thể giúp đánh giá chất lượng GDPT giữa các trường và các địa phương, đã có bao giờ chúng ta đọc được một nghiên cứu phân tích những kết quả này, và nếu có thì liệu những phân tích đó đã góp phần điều chỉnh chính sách như thế nào?

Nói vậy không phải là phủ nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của kỳ thi quốc gia TNPT. Nhưng nếu nhất thiết cần có kỳ thi này vì những lý do đã nói trên, thì chắc chắn nó phải được tổ chức một cách khác, dựa trên quan điểm khác, chứ không phải là cách chúng ta đã và đang làm lâu nay.

 Liệu có thể bỏ thi TNPT?

 Một số ý kiến nói rằng thi TNPT mà đỗ gần 100% thì tổ chức thi làm gì. Thật ra lý lẽ này không đứng vững. Mục đích của thi TNPT không phải nhằm để loại ra một tỉ lệ nào đó không đạt. Giả sử cuộc thi được tổ chức trong những điều kiện hợp lý, và những thí sinh đạt yêu cầu thực sự đạt yêu cầu, thì tỉ lệ đậu bao nhiêu cũng không phải là sai trái. Nước Pháp ngày nay vẫn còn duy trì kỳ thi TNPT với tỉ lệ đỗ trên 90% nhưng không ai nghi ngờ có vấn đề tiêu cực. Ngay cả trong trường hợp đỗ hầu hết, kết quả thi thể hiện qua phổ điểm các môn vẫn là một nguồn thông tin quý giá để đánh giá chất lượng và so sánh giữa các tỉnh thành và các cơ sở giáo dục để hiểu rõ hơn trong những điều kiện cụ thể những tác động đối với chất lượng giáo dục đã diễn ra như thế nào.

Nhưng điều quan trọng hơn, đáng nói hơn, mà đã có nhiều chuyên gia trên thế giới lên tiếng, là việc đánh giá kết quả 12 năm học phổ thông bằng một kỳ thi độc nhất sẽ xói mòn chất lượng của giáo dục. Giáo dục là một quá trình, và giáo dục phổ thông bao gồm những giá trị rộng lớn và quan trọng hơn nhiều so với những kiến thức mà ta có thể kiểm tra qua bài thi tốt nghiệp. Vì thế nếu ta coi rằng không đạt kỳ thi này nghĩa là 12 năm giáo dục có giá trị bằng không, thì đó là một quan điểm phiến diện và bất công đối với người học cũng như với các thầy cô giáo. Áp lực đối với kỳ thi cũng làm biến dạng quá trình giáo dục, đặc biệt là ở một xã hội vẫn còn trọng thi cử và bằng cấp như các xã hội Đông Á, trong đó có Việt Nam. Nó tạo ra hệ quả “học để thi”, khiến những môn không thi bị xem nhẹ, và những nội dung giáo dục khác ngoài kiến thức không được đánh giá đúng.

Vì lẽ đó hầu hết các bang ở Mỹ đều cho phép học sinh thi nhiều lần trong năm và kể cả trong nhiều năm cho tới khi đạt. Mục tiêu của kỳ thi là bảo đảm rằng học sinh đã được chuẩn bị đầy đủ những năng lực cơ bản cần thiết cho việc tham gia vào lực lượng lao động hoặc tiếp tục học chuyên sâu hay lên cao hơn. Có bang như Ohio cho phép thí sinh thay vì dự thi tốt nghiệp có thể nộp một giấy chứng nhận thực tập tại những doanh nghiệp có uy tín, điều này nhằm khích lệ việc “học đi đôi với hành” và quan điểm coi trọng chất lượng giáo dục toàn diện, không chỉ là kiến thức.

Có lẽ cũng do dựa trên quan điểm đánh giá qúa trình mà Việt Nam hiện nay đang cho phép dùng điểm thi TNPT kết hợp với điểm học bạ để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, ít ai tin rằng điểm học bạ hiện nay ở Việt Nam phản ánh đúng quá trình học tập của học sinh, vì tìm ra một học sinh được điểm “trung bình” còn khó hơn gấp bội so với tìm một học sinh đạt điểm “giỏi” hay “xuất sắc”.

Trong bối cảnh đó, điểm thi TNPT lại được dùng để xét tuyển vào ĐH, thì tiêu cực không xảy ra mới là chuyện lạ. Nếu không kết hợp với học bạ, thì kết quả thi năm nay cho thấy tỉ lệ đỗ TNPT chỉ còn khoảng một nửa. Điều này cho thấy, dù giới quản lý có nói gì đi nữa, thì kỳ thi năm nay vẫn được người học xem là kỳ thi tuyển sinh ĐH, cho dù danh chính ngôn thuận thì nó là kỳ thi hai trong một.

Hệ quả của bỏ thi TNPT

Với thực tế hiện nay của Việt Nam, thì bỏ thi TNPT sẽ tạo ra những hệ quả gì?

Đối với GDPT, việc bỏ thi TNPT có thể tạo ra một trong hai hiệu ứng trái ngược, tùy theo cách nhà trường và xã hội đáp ứng với nó. Nó có thể khiến học sinh hoàn toàn buông lỏng việc học, như đã có nhiều người lo ngại. Nhưng nó cũng có thể làm thay đổi bản chất của việc dạy và học trong trường phổ thông theo hướng tập trung vào quá trình giáo dục thay vì thi cử, nếu như những điều kiện khác của hoạt động giáo dục được đáp ứng phù hợp. Ai cũng hiểu đây là con đường dài nhưng nếu không đặt những bước chân đầu tiên thì không bao giờ chúng ta có thể đến đích.

Đối với các trường ĐH, điều này có nghĩa là các trường không có chỗ dựa và phải tự tổ chức thi tuyển đầu vào, nếu như không có một trung tâm khảo thí độc lập nào đứng ra làm việc này. Về mặt lý thuyết, không có gì bảo đảm là tiêu cực sẽ không chuyển từ nơi này sang nơi khác. Đã có người kết luận một cách bi quan rằng hễ còn thi cử là còn tiêu cực. Công bằng mà nói thì tiêu cực có thể xảy ra ở tất cả mọi lĩnh vực và mọi nước cho nên khó lòng trông chờ cái gì tuyệt đối. Ta chỉ có thể chọn cơ chế nào ít rủi ro hơn và chuẩn bị những cách xử lý phù hợp khi những điều không mong muốn xảy ra mà thôi.

Lựa chọn nào là phù hợp?

 Những người ủng hộ phương án bỏ kỳ thi TNPT chủ yếu dựa trên quan điểm cho rằng tổ chức thi như hiện nay thì thà đừng thi còn hơn, bởi lẽ những mục tiêu của kỳ thi như đã nói trên hầu như không đạt được, trong lúc những tiêu cực mà nó gây ra thì rất nghiêm trọng, đặc biệt là việc làm méo mó quá trình giáo dục ở phổ thông.

Nếu cần có một kỳ thi quốc gia nhằm vào mục tiêu đánh giá chất lượng khách quan và làm cơ sở để xây dựng chính sách, thì nó phải được tổ chức và thiết kế theo cách phục vụ mục tiêu này. Đề thi phải được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục, và phải được thử nghiệm một cách thích hợp. Ai đã từng làm bài thi thử TOELF hay IELTS đều biết nếu ta làm nhiều lần liên tiếp với những đề khác nhau, thì kết quả mỗi lần cũng không khác nhau là bao. Đó là do đề thi đã được nghiên cứu và thử nghiệm rất kỹ, kết hợp những mức độ dễ và khó khác nhau để đo lường chính xác kiến thức của thí sinh. Nếu không làm được điều này, thì bỏ thi TNPT là tốt nhất.

Nói rằng “cần giao việc tuyển sinh ĐH về cho các trường ĐH” là gõ một cánh cửa đã mở, vì hiện nay các trường đã có toàn quyền quyết định phương thức tuyển rồi. Quả bóng đang ở trong chân các trường ĐH, không ai ngăn họ tìm ra nhiều phương thức khác thích hợp để tuyển sinh, trong đó điểm tốt nghiệp chỉ là một phần, thậm chí phần thứ yếu.

Tiêu cực xảy ra là do thí sinh cần dùng điểm thi này để cạnh tranh cuộc đua vào những ĐH tốt, và các địa phương thì cần thành tích. Sâu xa hơn là do việc dùng người không thực sự dựa trên năng lực thật. Nếu điểm thi TNPT chỉ là một yếu tố để xét tuyển ĐH, nếu thí sinh có thể thi lại nhiều lần cho đến khi đạt được điểm tốt nhất trong khả năng của mình, thì nhu cầu gian lận có thể giảm. Nếu tấm bằng không đi cùng năng lực thật trở thành vô giá trị, thì không ai gian lận làm gì. Nếu các địa phương không bị đánh giá hay cắt giảm ngân sách do kết quả thi kém, thì họ cũng không có nhu cầu học sinh phải TNPT càng cao càng tốt. Thử hình dung nếu các địa phương có kết quả thi thấp được cấp thêm kinh phí để cải thiện chất lượng giáo dục, có khi ta lại chứng kiến một cuộc đua ngược lại không chừng!

Cuối cùng thì, thị trường lao động có tiếng nói và quyền uy của nó. Khi tấm bằng không còn giá trị tương ứng với cái mà nó là biểu tượng đại diện, thì nó sẽ phá sản. Đó là điều mà tất cả các bên: nhà nước, nhà trường, người tuyển dụng và người học (kể cả người mua bằng) đều không mong muốn.