THỜI CỦA CÁC CHUẨN MỰC ĐANG BỊ THÁCH THỨC…

Phạm Thị Ly
(Bản ngắn hơn đăng Báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 11.05.2018)

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại có quá nhiều thay đổi mạnh mẽ đến nỗi hầu như tất cả mọi chuẩn mực đã tồn tại hàng trăm năm qua đều đang bị thách thức nghiêm trọng, kể cả các chuẩn mực trong đạo đức, trong sự kết nối cá nhân, trong cuộc sống xã hội, cũng như trong nhiều hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Vai trò của nhà trường, của người thầy, và của tấm bằng ĐH cũng đang bị thách thức như thế. Những công cụ tìm kiếm trực tuyến ngày nay khiến việc tìm kiếm kiến thức trở nên rất dễ dàng và vai trò độc quyền cung cấp kiến thức của trường ĐH trở thành mong manh hơn bao giờ hết. Công nghệ thay đổi nhanh đến nỗi phần lớn người có tuổi không theo kịp, trở nên lạc hậu, và biết ít thông tin hơn so với người trẻ, tức là con em, cháu chắt, học trò của mình. Vai trò của người thầy và của nhà trường vì thế cũng buộc phải thay đổi.

Mặc dù vẫn còn là nơi có nhiệm vụ chủ yếu kiến tạo tri thức mới và đào luyện nhận thức cho thế hệ trẻ, trường ĐH ngày nay đang diễn tiến và ngày càng đi xa mô hình truyền thống của nó. Áp lực đặt ra với các trường hiện nay là mở rộng gắn bó với sứ mệnh thứ ba, tức là ứng dụng tri thức, chuyển giao công nghệ, kết nối với giới doanh nghiệp và với thế giới việc làm, cũng như trở thành trung tâm của đổi mới xã hội.

Vì thế, thay vì chỉ nắm giữ vai trò là môi trường của giới hàn lâm, trong đó hoạt động chính yếu là nghiên cứu, dạy và học với nguồn tài trợ chủ yếu từ nhà nước, trường ĐH ngày nay là một thực thể của nhiều bên liên quan, phản ánh tiếng nói và lợi ích khác nhau của các bên, và ngày càng đa dạng hơn về mô hình tài chính, ngày càng ít dựa vào tài trợ từ nhà nước, hay nói cách khác, ngày càng giống như một doanh nghiệp.

Đặc điểm sau cùng vừa nêu đã làm đảo lộn gần như hoàn toàn những đòi hỏi và yêu cầu đối với vị trí lãnh đạo của trường ĐH. Điều này cũng dễ hiểu, khi bản chất của nhà trường đang thay đổi dưới áp lực đòi hỏi của xã hội và sự biến đổi của nền kinh tế, nó cần những người lãnh đạo mới có thể dẫn dắt tốt nhất cho những thay đổi đó.

Hình ảnh của những hiệu trưởng truyền thống

Từng có người nói rằng hiệu trưởng là linh hồn của nhà trường. Tất nhiên đó là nói theo truyền thống đại học của phương Tây. Còn nói chung, thì thế nào là chuẩn mực của một hiệu trưởng, hay hình ảnh lý tưởng của hiệu trưởng là gì, thì tùy thuộc rất nhiều vào bản chất của trường ĐH trong một bối cảnh văn hóa, chính trị nhất định, cũng như tùy vào mong đợi của xã hội.

Vì là môi trường hàn lâm, nên ở phương Tây nói chung, hiệu trưởng của các trường ĐH truyền thống trước đây thường là những người đã có thành tích vững chắc trong chuyên môn. Bản thân năng lực nghiên cứu hay giảng dạy của họ có thể không thực sự cần thiết cho công việc lãnh đạo nhà trường, nhưng thành tích chuyên môn này thường là một yếu tố tạo ra uy tín. Hơn nữa, những trải nghiệm cá nhân của họ trong việc đạt đến mức độ xuất sắc trong chuyên môn cũng rất có ích trong việc tạo điều kiện để người khác đạt được sự xuất sắc tương tự, vốn là một mục tiêu quan trọng của nhà trường.

Tuy nhiên, hệ thống ĐH Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Như đã nói, nhiệm vụ quan trọng nhất của HT là dẫn dắt nhà trường đạt được mục tiêu, hoàn thành sứ mạng của nó. Vì thế không lạ gì khi chúng ta thấy trong nhiều năm theo cơ chế tập trung bao cấp ở Việt Nam, tiêu chuẩn “phẩm chất chính trị vững vàng” của người hiệu trưởng được đặt lên hàng đầu. Thêm vào đó, trong một hệ thống ĐH mà các trường có rất ít quyền tự chủ bởi nhất cử nhất động đều phải tuân theo những quy định và văn bản hướng dẫn của Bộ, thì nói rằng cả nước chỉ có mỗi một ông hiệu trưởng, tức là ông Bộ GD-ĐT, cũng chẳng phải là quá!!

Với quyền tự chủ hạn hẹp như vậy, trong thực tế hiệu trưởng các trường ĐH Việt Nam trước đây rất ít thực hiện vai trò lãnh đạo (xác định mục tiêu) mà hầu như chỉ đóng vai trò quản lý (thực hiện mục tiêu) là chủ yếu. Vì thế, khả năng tuân thủ các quy định và kỷ luật được xem trọng hơn khả năng sáng tạo, đột phá, tìm kiếm cái mới hay con đường mới, điều này cũng không có gì khó hiểu.

Những chuẩn mực đó thích hợp cho việc duy trì ổn định một hiện trạng, nhưng hoàn toàn không thích hợp với một môi trường đang biến đổi, trong đó, ngừng lại có nghĩa là đi lùi và sẽ tụt hậu ngày càng xa so với thế giới bên ngoài.

Chuẩn mực về HT trong bối cảnh mở rộng tự chủ

Nếu so với thập kỷ trước, hiện nay hệ thống ĐH Việt Nam đã đa dạng hơn rất nhiều, và quyền tự chủ cũng đã và đang dược mở rộng đáng kể.

So sánh về đặc điểm nguồn lực, về phân khúc thị trường, về quy mô đào tạo, về mức học phí, về mô hình tổ chức và quản lý, về nhân sự chủ chốt, chúng ta sẽ thấy dường như có rất ít điểm giống nhau giữa những trường như Fulbright University Vietnam, hay RMIT Việt Nam với những trường như Đại học Quốc gia Hà Nội/TPHCM, Trường ĐH Phòng Cháy Chữa Cháy, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Phan Chu Trinh hay Trường ĐH Hà Hoa Tiên, v.v. Điều này nói lên sự đa dạng của hệ thống.

Sự đa dạng này là một điều đáng khích lệ, vì cuộc sống vốn có nhiều nhu cầu rất khác nhau. Vì có bối cảnh, nền tảng, tham vọng và mục tiêu khác nhau, nên các trường cần tìm kiếm những người lãnh đạo với các tố chất lãnh đạo khác nhau thích hợp nhất cho việc đạt được mục tiêu của mình.

Đối với các trường tư, mục tiêu sống còn của họ là thu hút được nhiều người học, và làm thế nào nguồn lực được sử dụng với hiệu quả tốt nhất. Các trường tư nói chung và đặc biệt ở Việt Nam đang ngày càng giống với các doanh nghiệp. Vì thế người hiệu trưởng mà họ tìm kiếm phải là người có khả năng tạo ra niềm tin cho người học, nuôi hy vọng và truyền cảm hứng. Người đó còn phải am hiểu bối cảnh bên trong và bên ngoài nhà trường để xác lập những mục tiêu đúng đắn, hài hòa giữa ngắn hạn với dài hạn và tìm ra con đường thực hiện những mục tiêu đó. Họ cũng cần am hiểu việc sử dụng các công cụ tài chính, có khả năng xử lý mâu thuẫn hay xung đột và khủng hoảng nội bộ. Họ cũng phải biết cách xây dựng quan hệ tốt đẹp với thế giới bên ngoài, bao gồm các bên liên quan chủ yếu như cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, giới truyền thông, giới doanh nghiệp, cựu sinh viên, v.v. Về phẩm chất, vì HT là người phải ra những quyết định quan trọng, người ta mong đợi họ phải là người hành động vì lợi ích của nhà trường, thay vì ra quyết định dựa trên cân nhắc được mất cá nhân của mình.

Tất cả những “tiêu chuẩn” sống còn đó không được tính tới trong Điều 20 của Luật GD ĐH 2012 quy định về tiêu chuẩn của HT:  “(a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm; (b) Có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng; và (c) Có sức khoẻ tốt. Độ tuổi khi bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập bảo đảm để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng”. Với trường tư, độ tuổi này là không quá 75 (nam) hoặc 70 (nữ).

Vấn đề là ở chỗ, một người đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn nêu trong Điều 20 rất có thể là người không hề có những tiêu chuẩn mà thực tế đòi hỏi như đã nói trên. Và ngược lại, những người không đáp ứng những điều kiện theo luật định này lại rất có thể là những người có các năng lực và phẩm chất mà các trường tìm kiếm.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có cần những tiêu chuẩn cứng, và nếu có, thì những tiêu chuẩn nêu trong Luật GD ĐH trên đây có thực sự đúng đắn và cần thiết?

Tiêu chuẩn hay không tiêu chuẩn, đó là vấn đề!

 Quyền lựa chọn lãnh đạo là một trong những nội dung tự chủ quan trọng nhất của trường ĐH, do vai trò nổi bật của HT đối với sự phát triển của nhà trường. Cho đến nay, bổ nhiệm HT trường công vẫn là thẩm quyền của cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT hoặc các Bộ ngành khác, hoặc UBND tỉnh), còn bổ nhiệm HT trường tư thì do UBND tỉnh/thành phố ra quyết định công nhận dựa trên đề xuất của Hội đồng Quản trị nhà trường.

Nói cho công bằng, thì những tiêu chuẩn đối với chức danh HT mà Bộ ban hành là nhằm đáp ứng với áp lực của xã hội đòi hỏi tăng cường quản lý nhà nước với chất lượng ĐH, tránh trường hợp các trường trở thành một cỗ máy bán bằng, với những người lãnh đạo hoàn toàn không am hiểu gì về hoạt động ĐH.

Nếu nói rằng đấy là việc của các trường, hay dở họ tự gánh chịu hậu quả, thì cũng chưa hoàn toàn đúng, vì đó mới là một mặt của vấn đề. Người gánh chịu hậu quả thực sự là người học, và nói rộng ra là xã hội, nếu trường ĐH thực sự trở thành một cỗ máy bán bằng.

Tuy vậy, việc quy định những tiêu chuẩn cứng sẽ dẫn đến những bất cập như đã nói trên, và đặc biệt là không đáp ứng được sự đa dạng của các trường cũng như nhu cầu đa dạng của xã hội. Tiêu chuẩn cứng cũng sẽ không kịp thay đổi so với những biến đổi đang diễn ra trong xã hội, và rất khó giải thích vì sao lại cần năm năm kinh nghiệm, mà không phải là ba, bốn hay bảy, tám. Cũng cần tính tới xu hướng mới trên thế giới, là HT xuất thân từ giới doanh nghiệp, hoàn toàn không có kinh nghiệm hàn lâm gì trước đó. Không phải vô lý mà người ta có những lựa chọn như vậy. Thường là những trường ĐH lâm cảnh khó khăn, khủng hoảng, hoặc ở thời điểm cần phải tạo ra những thay đổi đột phá, sẽ là những trường cần đến một tư duy lãnh đạo hoàn toàn mới. Kinh nghiệm có thể hữu ích, nhưng cũng có thể là rào cản, vì nó khiến người ta suy nghĩ và hành động theo lối mòn.

Vì thế, việc trao quyền tự quyết cho các trường trong việc lựa chọn lãnh đạo phải được nhìn trong bối cảnh chung của tự chủ và sự phát triển trách nhiệm giải trình. Minh bạch, công khai quá trình lựa chọn hiệu trưởng, khích lệ sự tham gia của nhiều bên khác nhau trong và ngoài trường, kể cả tham vấn chuyên gia, là những phương tiện giúp cho quá trình lựa chọn lãnh đạo các trường được thực hiện tốt nhất.