VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TRONG
QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

Phạm Thị Ly (2017)
(Một phần của bài này đăng trên báo Tia Sáng ra ngày 05.03.2017
Bản đầy đủ đăng Tạp chí Khoa học của Trường HUFLIT số tháng 04.2017).

Cải cách quản trị là tâm điểm trong những nỗ lực đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay ở Việt Nam, kể cả ở cấp hệ thống và ở cấp trường. Tuy nhiên, khi nói tới quản trị ĐH ở cấp trường, người ta mới chỉ chủ yếu đề cập đến vai trò chức năng của Hội đồng Trường (HĐT) và quan hệ giữa HĐT với cơ quan Đảng ở cơ sở, mà rất ít chú ý đến vai trò của Hội đồng Khoa học và Đào tạo (gọi tắt là Hội đồng Khoa học – HĐKH). Bài này phân tích khung chính sách và thực tiễn hiện nay của Việt Nam đối với HĐKH, so sánh với một số nước trên thế giới và đề xuất một số cải thiện phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

KHUNG PHÁP LÝ ĐỐI VỚI HĐKH

Hiện nay, HĐKH là một thiết chế được quy định trong tất cả các văn bản pháp lý hiện hành về tổ chức hoạt động của trường ĐH, bao gồm Điều 55 Luật GD 2005, Điều 19 Luật GDĐH 2012, Điều 13, Điều 21, Điều 25 của Điều lệ Trường ĐH 2014 ban hành theo Quyết định 70/QĐ-TTg ngày 10.12.2014 (gọi tắt là Điều lệ ĐH).

Khảo sát theo trình tự thời gian ban hành, cũng như theo cấp độ văn bản, có thể thấy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐKH ngày càng được quy định rõ hơn và chi tiết hơn, nhưng có một điểm nhất quán trong tất cả các văn bản pháp quy về HĐKH cho đến nay: Luật Việt Nam quy định HĐKH là một tổ chức tư vấn cho hiệu trưởng (HT).

Tuy nhiên, cần ghi nhận là xét theo trình tự thời gian thì luật Việt Nam đang có khuynh hướng trao cho HĐKH nhiều thẩm quyền hơn. Luật Giáo dục 2005 không đề cập tới HĐKH mà chỉ nói tới các HĐ tư vấn nói chung: “HĐ tư vấn trong nhà trường do HT thành lập để lấy ý kiến của cán bộ quản lý, nhà giáo, đại diện các tổ chức trong nhà trường nhằm thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm và quyền hạn của HT. Tổ chức và hoạt động của các HĐ tư vấn được quy định trong điều lệ nhà trường” (Điều 55).

Luật GDĐH 2012 quy định cụ thể hơn về chức năng của HĐKH theo đó HĐKH có nhiệm vụ tư vấn cho HT, về việc xây dựng: (a) Quy chế, quy định về đào tạo, hoạt động KH&CN, tiêu chuẩn tuyển dụng GV, nghiên cứu viên, nhân viên thư viện, phòng thí nghiệm; (b) Kế hoạch phát triển đội ngũ GV, nghiên cứu viên của nhà trường; (c) Đề án mở ngành, chuyên ngành đào tạo, triển khai và hủy bỏ các chương trình đào tạo; định hướng phát triển KH&CN, kế hoạch hoạt động KH&CN, phân công thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, KH&CN. Điều lệ ĐH 2014 quy định thêm về quy trình thành lập, thành phần và thẩm quyền của HĐKH.

Điều 25 của Điều lệ ĐH nêu rõ giới hạn thẩm quyền của HĐKH: “Trường hợp không đồng ý với nội dung tư vấn, hiệu trưởng được quyết định, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định và báo cáo hội đồng quản trị trong kỳ họp hội đồng gần nhất”. Giới hạn này áp dụng chung cho cả trường ĐH công và tư. Tuy nhiên, một điều rất đáng lưu ý, là Điều 21 đã trao cho HĐKH của trường tư một thẩm quyền lớn hơn nhiều so với trường công: Họ có quyền thông qua những quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; tương tự như đại hội đồng cổ đông có quyền thông qua những quy định liên quan đến tài chính; trên cơ sở đó hội đồng quản trị (HĐQT) ra quyết nghị về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế. Đó là một bước tiến rất đáng ghi nhận trong việc coi trọng tiếng nói thẩm quyền của giới chuyên môn.

Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành cũng đang cản bước trong việc giúp cho tiếng nói thẩm quyền này có hiệu lực trong thực tế. Nhận định này dựa trên hai cơ sở sau đây:

  • Thành phần của HĐKH:

Điều 19 Luật GD 2005 quy định thành phần của HĐKH bao gồm: (a) HT; (b) các phó HT phụ trách đào tạo, NCKH; (c) trưởng các đơn vị đào tạo, NCKH; (d) các nhà KH có uy tín đại diện cho các lĩnh vực, ngành chuyên môn.

Điều lệ ĐH nói cụ thể hơn, nhưng lại cho thấy sự có mặt của giới chuyên môn ngoài trường là không nhất thiết: “HĐ KH&ĐT có Chủ tịch, thư ký và các thành viên; có số lượng thành viên là số lẻ từ 11 đến 25 thành viên, bao gồm: HT, một số phó HT; trưởng của một số khoa, viện, phòng chức năng trong trường; đại diện GV, nghiên cứu viên của nhà trường có chức danh GS, phó GS hoặc trình độ tiến sĩ; một số đại diện các nhà KH có liên quan hoạt động đào tạo, NCKH của nhà trường, không phải GV cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của trường (nếu cần thiết)” (Điều 13). Tác giả bài này nhấn mạnh ba chữ “nếu cần thiết”. Đây là một bước lùi về mặt hướng dẫn thực hiện, vì nó sẽ làm cho HĐKH chủ yếu trở thành tiếng nói của người trong trường, và bị hạn chế bởi năng lực của chính các thành viên trong trường cũng như vị thế độc lập của HĐKH do mâu thuẫn lợi ích.

HĐKH, với tư cách là một tổ chức tư vấn, nếu chỉ bao gồm các thành viên trong trường, thì nhà trường sẽ không vượt quá được lối nghĩ, tầm nhìn đã định hình nên hình ảnh hiện tại của trường. Sự có mặt của các nhà khoa học có uy tín chuyên môn và ở ngoài trường sẽ mang lại những ý tưởng mới và những nhận định khách quan; trong lúc đó một HĐKH chỉ gồm người trong trường, những người đang ăn lương và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của HT, quyền lợi và sự thăng tiến phụ thuộc vào HT thì sẽ khó có khả năng phản biện HT trong trường hợp cần thiết.

  • Quy trình thành lập HĐKH:

Luât GD 2005 và Luật GDĐH 2012 đều không đề cập đến quy trình thành lập của HĐKH, ngoại trừ quy định HĐ KH&ĐT được thành lập theo quyết định của HT (Điều 19 Luật GDĐH).

Điều lệ ĐH nói rõ hơn là quy định cụ thể về HĐKH phải được thể hiện trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường (Điều 13). Điều này có nghĩa là khung pháp lý hiện nay cho phép HT chủ trì việc chọn nhân sự đưa vào HĐKH và ra quyết định thành lập. Theo lẽ tự nhiên, có nhiều khả năng là HT sẽ không chọn những người có năng lực phản biện mạnh mẽ, nhằm bảo vệ quyền tối hậu trong việc ra quyết định của mình, dù rằng luật cũng đã trao quyền quyết định cho HT trong trường hợp HĐKH có ý kiến khác (Điều 25 Điều lệ ĐH).

HĐKH TRONG THỰC TẾ VIỆT NAM – MỘT GÓC NHÌN SO SÁNH

Phần này phác thảo bức tranh thực tế của HĐKH ở các trường ĐH công và tư của Việt Nam. Như trên đã đề cập, dù ở trường công hay trường tư, HĐKH nói chung chỉ là tổ chức tư vấn, không phải là một đơn vị có thẩm quyền. Mặc dù vậy, ở trường tư, HĐKH có một thẩm quyền cụ thể hơn, là thông qua những nội dung liên quan đến tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Thẩm quyền này không phải là nhỏ, tuy vậy trong thực tế nó được thực thi ra sao lại là một vấn đề khác.

Thành phần HĐKH của các trường và vị trí Chủ tịch Hội đồng

Hầu hết trường công hiện nay có HĐKH trường, và nhiều khoa cũng có HĐKH cấp khoa. Chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ, nhưng phỏng vấn sâu với một số lãnh đạo cấp trường và thu thập thông tin trên website các trường cho thấy, có trường có một danh sách HĐKH rất hùng hậu, ví dụ như trường hợp Trường ĐH Cần Thơ. HĐKH trường này thành lập năm 2012 có 27 ủy viên trong đó có 8 người ngoài trường cùng với 9 tiểu ban chuyên môn, mỗi tiểu ban có từ 7 đến 9 thành viên. Đặc biệt trong số những người ngoài trường, có ba người thuộc về chính quyền, là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Giám đốc Sở GDĐT TP. Cần Thơ. Có 2 người là lãnh đạo các viện nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan. Ngoài ra là HT, Phó HT, các Trưởng khoa và lãnh đạo các viện nghiên cứu thuộc trường. Chủ tịch HĐKH là Phó HT của Trường. Một trường tư khác là Trường ĐH Văn Hiến cũng có 20 thành viên HĐKH trong đó có 7 thành viên ngoài trường, bao gồm các cựu hiệu trưởng trường công.

Tuy nhiên trường hợp Trường ĐH Cần Thơ hay Văn Hiến có vẻ không mấy phổ biến, vì ở hầu hết các trường ĐH công và tư khác, thành phần HĐKH gần như chỉ bao gồm người trong trường (Ban Giám hiệu, các Trưởng khoa, viện, và phòng Đào tạo, phòng NCKH, v.v.), như trường hợp Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên, v.v.

Tuy các ủy viên thuộc cơ quan chính quyền trong trường hợp Trường ĐH Cần Thơ trên đây đều có học vị tiến sĩ, sự tham gia của họ trong HĐKH không giống với thông lệ quốc tế. Với thông lệ quốc tế, thì sự tham gia của đại diện nhà nước trong Hội đồng Trường là bình thường và thậm chí khá phổ biến, vì họ là một bên liên quan rất quan trọng của GDĐH. Nhưng HĐKH không phải là HĐT. Vai trò của HĐKH theo định nghĩa trong quy chế từng trường ĐH ở Hoa Kỳ, Anh, Úc có thể khác nhau ít nhiều, nhưng đều có một điểm chung về chức năng: đó là tổ chức do giảng viên bầu chọn và có trách nhiệm bảo vệ các chuẩn mực học thuật của nhà trường, thông qua xây dựng và rà soát các quy định về giảng dạy, học tập, đánh giá kết quả, bao gồm tuyển sinh, tốt nghiệp, bổ nhiệm giảng viên, v.v.. Ở Việt Nam thì thường có thêm việc xét duyệt các đề tài NCKH cấp trường. Nghĩa là nhiệm vụ của họ bao gồm thuần túy công việc chuyên môn và đi sâu vào những lĩnh vực cụ thể. Vì thế rất ít khi chúng ta thấy viên chức chính quyền tham gia HĐKH ở các trường.

Có trường quy định ngay trong Quy chế, Hiệu Trưởng là Chủ tịch HĐKH như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (năm 2006), Trường ĐH Hoa Sen (năm 2011). Trường ĐH Hồng Đức thì quy định Chủ tịch do Hội đồng bầu trong số thành viên ban giám hiệu (năm 2011). Hiện nay những điều khoản này đã trái với quy định nhà nước hiện hành, vì Điều lệ Trường ĐH 2014 nêu rõ Chủ tịch HĐKH là do các thành viên bầu, và phải đạt trên 50% số phiếu thuận (Khoản 3 Điều 13), tuy nhiên ở những trường trên đây cũng không ai nghĩ đến việc điều chỉnh.

 Bổ nhiệm/ miễn nhiệm, hay bầu chọn?

Khác biệt thấy rõ nhất giữa HĐKH ở Việt Nam và các trường phương Tây là ở phương thức hình thành: trừ một số ít thành viên mặc định, tuyệt đại đa số thành viên HĐKH ở các nước là được bầu chọn từ đơn vị công tác của họ, trong khi ở Việt Nam, khung pháp lý hiện nay chỉ quy định thành phần của HĐKH mà không đề cập gì về quy trình lựa chọn, ứng cử, đề cử hay bầu cử những vị trí này.

Điều lệ Trường ĐH có yêu cầu “quy định cụ thể về HĐKH của trường ĐH phải được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường” (Điều 13). Tuy nhiên việc khảo sát bản quy chế này ở một số trường cho thấy hầu hết các trường không quy định cụ thể về việc thành viên HĐKH sẽ được lựa chọn theo quy trình và nguyên tắc nào, ví dụ trường hợp Trường Đại học Luật TPHCM[1]. Một số trường có nêu ra như Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia TPHCM thì quy định Hội đồng bao gồm những thành viên đương nhiên, và thành viên do Giám đốc bổ nhiệm. Dựa trên tiêu chuẩn nào để lựa chọn và bổ nhiệm thì Quy chế không đề cập. Tương tự như vậy là trường hợp Trường ĐH Hồng Đức nêu trong quy chế việc bổ nhiệm/miễn nhiệm là do Chủ tịch Hội đồng đề xuất. Không một trường ĐH Việt Nam nào quy định rằng thành viên HĐKH được bầu ra từ tổ bộ môn hay ở cấp khoa.

Ngược lại, ở phương Tây, HĐKH (academic senate) được định nghĩa là tổ chức có thẩm quyền cao nhất về mặt học thuật trong trường ĐH[2]. Ở Scotland, Luật Đại học quy định thành viên mặc định của Hội đồng bao gồm các Trưởng khoa, trưởng phòng phục vụ đào tạo, thư viện, đại diện sinh viên, còn lại là các thành viên được bầu chọn. Ở Hoa Kỳ, thành viên H ĐKH có thể bao gồm HT, Phó HT đào tạo, các trưởng khoa, còn lại là các thành viên được bầu chọn [Birnbaum, R. 1989][3].

 Vị trí của HĐKH trong thực tế

Có trường trên website không có thông tin nào về HĐKH, chẳng hạn Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Nhiều trường tuy có HĐKH nhưng không nêu danh sách trên website, chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế Luật thuộc ĐHQG-HCM, Trường ĐH Thăng Long, v.v. Có trường chẳng những trên website không có danh sách thành viên HĐKH mà thậm chí trong sơ đồ tổ chức nhà trường cũng không có chỗ cho HĐKH như Trường ĐH Hoa Sen, mặc dù gần đây, mãi đến năm 2014 sau tám năm nâng cấp thành ĐH, trường mới thành lập được HĐKH. Ngược lại, có trường trong sơ đồ tổ chức có dành một chỗ cho HĐKH nhưng không thể tìm thấy thông tin cụ thể về Hội đồng trên website nhà trường, như trường hợp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HN, Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQG-HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Có trường chỉ nêu mỗi tên Chủ tịch Hội đồng, như Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG –HN.

Khảo sát nhanh của chúng tôi qua trang web của 27 trường ĐH (trong đó có 8 trường tư thục) cho thấy chỉ 6 trường có thông tin về HĐKH, trong đó có 01 trường tư là Trường ĐH Hồng Đức. Có 11 trường trong sơ đồ tổ chức có chỗ cho HĐKH, trong số đó có đến 5/11 trường dù có chỗ cho HĐKH trong sơ đồ nhưng không có bất cứ thông tin nào về HĐKH. Điều này nói lên một ý nghĩa khá rõ: vai trò của HĐKH trong thực tế ở các trường hiện nay rất mờ nhạt. Mặc dù được định nghĩa là “có chức năng tư vấn cho HT”, có 5/7 HĐKH có chủ tịch hội đồng chính là HT, 1 trường chủ tịch là Phó HT, và một trường tư, chủ tịch là thành viên HĐQT. Tuy thế, dường như không ai cảm thấy việc “tự mình tư vấn cho chính mình” là một điều kỳ cục.

Ở các nước phương Tây, HT thường là chủ tịch HĐKH, bởi vì hội đồng này không phải là một tổ chức tư vấn, mà là một tổ chức có quyền đưa ra quyết định trong mọi vấn đề có tính chất nguyên tắc liên quan đến học thuật, ví dụ như xây dựng chính sách giảng viên, các tiêu chuẩn học thuật, định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, cần lưu ý là Academic Senate, hay Academic Council không quyết định những việc cụ thể như xét duyệt đề tài hay kinh phí nghiên cứu. Công việc này là của các Quỹ tài trợ nghiên cứu hoạt động trên cơ sở bình duyệt đồng nghiệp.

Nhiệm vụ chính của HĐKH ở các trường phương Tây là thảo luận để đưa ra những quyết định có tính chất nguyên tắc trong lĩnh vực học thuật, đào tạo và nghiên cứu. Họ phải xây dựng chính sách, rà soát các quy định, quy trình do các bộ phận chuyên môn đề xuất, để bảo vệ các chuẩn mực học thuật và bảo đảm rằng những quy định quy trình này phù hợp với mục tiêu và giá trị của nhà trường. HT là chủ tịch của HĐ này là để bảo đảm rằng giới lãnh đạo sẽ đưa ra những quyết định về học thuật ở cấp trường trên cơ sở thảo luận và đồng thuận của giới hàn lâm trong trường.

Trong khi đó, HĐKH ở Việt Nam được định nghĩa là một tổ chức tư vấn và có thẩm quyền rất giới hạn. Đó là lý do dẫn tới vị trí mờ nhạt của HĐKH trong thực tế ở các trường hiện nay. Mặc dù Luật GD ĐH quy định trong trường hợp ý kiến của HĐKH khác với ý kiến của HT, HT được quyền lấy quyết định và báo cáo HĐT/HĐQT, nhưng trường hợp này chưa từng xảy ra ở Việt Nam, vì HĐKH hầu như không có khả năng và động lực để phản biện quan điểm của HT.

KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TỔ CHỨC HĐKH

Như đã phân tích trong phần trên, HĐKH ở Việt Nam là một tổ chức có chức năng tư vấn, nhưng thành phần của nó lại chủ yếu là người trong trường, và chủ tịch HĐKH hầu hết là HT, khiến nó không thể thực hiện tốt chức năng tư vấn hay phản biện. Vì vậy, về bản chất nó khác với HĐKH ở các trường phương Tây, vốn là một tổ chức có thẩm quyền quyết định trong những vấn đề chuyên môn.

Với tư cách là một tổ chức có thẩm quyền quyết định, HĐKH là một thiết chế dựa trên nền tảng của cơ chế đồng quản trị. Ý nghĩa cốt lõi của cơ chế đồng quản trị đã được nêu ra trong định nghĩa của Tuyên ngôn năm 1966 của Nhà nước (Hoa Kỳ) về Đại học: “Việc quản trị được coi như những nỗ lực liên kết các tổ chức, con người, nguồn lực trong hoạt động nội bộ nhà trường, nhưng đồng thời cũng được miêu tả như là những quyết định thuộc loại nào sẽ là lãnh địa của nhóm người nào” (Adriana Kezar, 2008; Berdahl Robert 1991[4]). Kết quả là, quyền ra quyết định trong mỗi lĩnh vực sẽ thuộc về những người có khả năng tốt nhất trong lĩnh vực ấy. Vì quyết định được đưa ra trên cơ sở thảo luận và biểu quyết trong hội đồng, nó có thể bao hàm được trí tuệ của nhiều người, tránh được sự thao túng và khả năng hạn hẹp của một cá nhân.

Vì thế, HĐKH là một trong ba chân kiềng quan trọng trong cơ chế quản trị cấp trường, bao gồm HĐQT, HT và HĐKH. Ba đơn vị chức năng này có trách nhiệm khác nhau, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác cùng nhau, nhưng đồng thời có mức độ độc lập tương đối nhằm giám sát lẫn nhau, tạo ra thế cân bằng cho quản trị cấp trường. Trong cơ chế đó, HĐQT đóng vai trò điều phối hơn là một đơn vị ra quyết định trong tất cả mọi vấn đề (Kenneth Mortimer và Thomas McConnell, 1979). Một cơ chế như vậy có thể bao hàm được quan điểm toàn diện, phát huy được trí tuệ tập thể, giảm nhẹ những mâu thuẫn tiềm tàng, và làm cho giảng viên nhân viên gắn bó với trường, bởi tiếng nói của họ được lắng nghe và đóng góp của họ có ý nghĩa, cũng như được ghi nhận.

Đối với trường hợp Việt Nam, khuyến nghị của chúng tôi là:

  1. Củng cố HĐKH như một thiết chế trong cơ chế đồng quản trị, tức là một tổ chức có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp này, phải xây dựng lại quy chế tuyển chọn, bổ nhiệm thành viên dựa trên những tiêu chí về năng lực chuyên môn, về uy tín, và dựa trên bầu chọn. Thành viên sẽ chủ yếu là người trong trường, và Chủ tịch Hội đồng có thể là HT. Điều quan trọng là, đi cùng thiết chế này là những quy định trao quyền cho HĐKH ra quyết định trong những vấn đề có tính chất nguyên tắc và chính sách về hoạt động chuyên môn.
  1. Trong trường hợp chưa thể áp dụng cơ chế HĐKH như một thiết chế thẩm quyền, mà vẫn duy trì tính chất tư vấn của HĐKH như hiện nay, thì các nhà khoa học có uy tín ngoài trường phải là một thành phần quan trọng nếu không nói là chủ yếu của HĐKH. HT không nên là Chủ tịch HĐKH trong trường hợp này.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

AMERICAN ASSOCIATIONOF UNIVERSITY PROFESSORS. 1995. Statement on Government of Colleges and Universities. Washington, DC: American Association of University Professors.

ASSOCIATION OF GOVERNING BOARDS OF UNIVERSITIES AND COLLEGES. 1996. Renewing the Academic Presidency: Stronger Leadership for Tougher Times. Washington, DC: Association of Governing Boards.

BERDAHL, ROBERT O. 1991. “Shared Academic Governance and External Constraints.” In Organization and Academic Governance in Higher Education, 4th edition, ed. Marvin W. Peterson, Ellen E. Chaffee, and Theodore H. White. Needham Heights, MA: Ginn Press.

BIRNBAUM, ROBERT. 1991. How Colleges Work: The Cybernetics of Academic Organization and Leadership. San Francisco: Jossey-Bass.

DILL, DAVID D., and HELM, K. P. 1988. “Faculty Participation in Policy Making.” In Higher Education: Handbook of Theory and Research, vol. 4, ed. John C. Smart. New York: Agathon.

LEE, BARBARA. 1991. Campus Leaders and Campus Senates. In Faculty in Academic Governance: The Role of Senates and Joint Committees in Academic Decision Making, ed. Robert Birnbaum. San Francisco: Jossey-Bass.

MORTIMER, KENNETH P., and MCCONNELL, THOMAS RAYMOND. 1979. Sharing Authority Effectively. San Francisco: Jossey-Bass.

SCHUSTER, JACK H., and MILLER, LYNN H. 1989. Governing Tomorrow’s Campus: Perspectives and Agendas. New York: American Council on Education/Macmillan.

SCHUSTER, JACK H. ; SMITH, DARYL G. ; CORAK,KATHLEEN A.; and YAMADA, MYRTLE M. 1994. Strategic Governance: How to Make Big Decisions Better. Phoenix, AZ: Oryx Press.

WESTMEYER, PAUL. 1990. Principles of Governance and Administration in Higher Education. Springfield, IL: Charles Thomas Publishers.

[1]

http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=1152&Itemid=245

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Academic_Senate

[3] Birnbaum, R. (1989), “The latent organizational functions of the academic senate: why senates do not work but will not go away”, The Journal of Higher Education, Ohio State University Press, 60 (4): 423–443, doi:10.2307/1982064JSTOR 1982064

[4] Bản dịch tiếng Việt có thể đọc tại: https://lypham.tungbui.vn/?p=719.

BERDAHL, ROBERT O. 1991. “Shared Academic Governance and External Constraints.” In Organization and Academic Governance in Higher Education, 4th edition, ed. Marvin W. Peterson, Ellen E. Chaffee, and Theodore H. White. Needham Heights, MA: Ginn Press.