BỎ ĐIỂM SÀN ĐH: CÓ LOẠN CHẤT LƯỢNG?
Phạm Thị Ly (2016)
(Bài đăng báo Người Lao động số ra ngày 19.12.2016)

Theo Dự thảo công bố ngày 16/12 của Bộ GD-ĐT về quy chế tuyển sinh đại học năm 2017, Bộ dự kiến bỏ quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (thường gọi là điểm sàn) vốn đã tồn tại nhiều năm qua. Chủ trương này đang gây ra những ý kiến trái chiều, trong đó nổi bật là những lo ngại về loạn chất lượng nhất là đối với các trường ngoài công lập, và làm cho việc phát triển bậc học cao đẳng càng thêm khó khăn.

ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ CHỦ TRONG TUYỂN SINH

Bỏ quy định về điểm sàn chính là một bước tiến trong việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Cần lưu ý là bỏ điểm sàn chỉ có nghĩa là Bộ không bắt buộc các trường phải tuyển sinh trên một ngưỡng đầu vào nhất định, chứ Bộ không cấm các trường tự quy định điểm sàn cho mình. Bài toán nên xác định điểm sàn như thế nào giờ đây được trao về cho các trường. Có khả năng là những trường đưa ra điểm sàn càng cao, thì uy tín của họ càng lớn. Điểm sàn là một trong những dấu hiệu của “đẳng cấp”. Các trường sẽ phải tự mình giải quyết tình thế lưỡng nan giữa số lượng và chất lượng, tùy theo tầm nhìn, chiến lược, và phân khúc thị trường mà họ lựa chọn.

Nhưng cũng có khả năng các trường mở rộng cửa đầu vào không giới hạn điểm sàn, là do họ có chiến lược riêng và tự tin vào khả năng mang lại giá trị gia tăng cho người học, đặc biệt là những trường có những bài trắc nghiệm riêng để đánh giá năng lực của người học mà không dựa vào điểm thi như một yếu tố độc nhất.

Cũng không loại trừ khả năng các trường vơ bèo vạt tép, miễn sao có người học để có nguồn thu và duy trì sự tồn tại của nhà trường, bất kể khả năng và kết quả học tập của người học, biến nhà trường thành một cỗ máy bán bằng về bản chất.

Điều quan trọng là, với chủ trương bỏ điểm sàn của Bộ, các trường được quyền tự do lựa chọn việc định nghĩa họ là ai, tồn tại bằng cách nào, và hình dung như thế nào về tương lai của họ.

AI SẼ BẢO VỆ NGƯỜI HỌC?

Trong trường hợp xấu nhất, các trường chỉ cần có người học, bất chấp năng lực nền tảng của họ và cũng không có những hành động thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, ai sẽ bảo vệ người học?

Cái giá phải trả của quyền tự do lựa chọn, là phải chịu trách nhiệm về những hệ quả mà quyết định của mình gây ra. Thí sinh ngày nay đang có rất nhiều quyền lựa chọn. So với cách đây một vài thập kỷ, đường vào ĐH rất hẹp, thí sinh không có nhiều cơ hội như ngày nay. Bức tranh ĐH ngày nay đã đa dạng hơn rất nhiều, với sự tham gia của các trường tư, các trường có yếu tố nước ngoài, các chương trình liên kết. Trong từng loại công hay tư, các trường cũng có đặc điểm rất khác nhau, mức học phí khác nhau, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập, triết lý đào tạo, chương trình học khác nhau.

Hơn bao giờ hết, người học phải là người tiêu dùng khôn ngoan. Họ cần ý thức rõ theo đuổi bậc ĐH là một cuộc đầu tư nghiêm túc không chỉ về tiền bạc mà còn về thời gian và cơ hội. Vì vậy, nếu họ không nỗ lực để tìm hiểu và đánh giá các trường qua nhiều nguồn thông tin, nếu họ lựa chọn những trường dễ dãi chỉ vì họ muốn có tấm bằng ĐH mà không muốn bỏ công học tập nghiêm túc, thì họ đã đạt được cái họ muốn và không nên trách ai khi họ phát hiện ra rằng tấm bằng không đi kèm những năng lực tương xứng chỉ là một mảnh giấy vô dụng.

Nhà nước có thể bảo vệ người học bằng cách tạo ra một môi trường minh bạch về thông tin. Các trường nên có toàn quyền giới thiệu về trường mình để thu hút người học, nhưng nếu có chứng cứ về những quảng cáo sai sự thật, thì cần được xử lý rất nặng.

QUYỀN ĐƯỢC HỌC VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG BẢN CHẤT CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Những lo ngại về “loạn chất lượng” xuất phát từ những quan niệm truyền thống về bản chất của GD ĐH và về lối tổ chức đào tạo hiện nay của Việt Nam. Cho đến nay, vẫn không ít người nghĩ rằng ĐH là để đào tạo những người làm quan, làm thầy, làm chủ, vì thế là đặc quyền của một số ít trong xã hội. Kinh tế tri thức đã làm cho điều này thay đổi, ĐH trở thành nơi đào tạo lao động có kỹ năng và nâng cao phẩm chất công dân. Nó không nên là đặc quyền, mà cần mở rộng cho mọi đối tượng.

Xu hướng thế giới ngày nay đang ngày càng nhấn mạnh tính chất cá nhân hóa việc học. Việc đo lường khả năng tiếp thu và tiềm năng của mỗi cá nhân chỉ qua điểm thi vài môn học đang trở nên bất cập. Một học sinh kém toán không có nghĩa là kém tất cả mọi thứ và cánh cửa ĐH nên đóng sập lại. Cùng với việc cá nhân hóa quá trình học tập, các trường cần được tạo điều kiện để sáng tạo những thước đo riêng và lựa chọn những người học phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.

Thêm vào đó, xu hướng học tập suốt đời đã và sẽ tiếp tục ngày càng mạnh. Người ta không nhất thiết vào đại học ngay khi tốt nghiệp phổ thông, mà có thể đi làm nhiều năm, đến khi có điều kiện và nhu cầu thì quay lại việc học ở bậc ĐH. Lúc đó những kiến thức cụ thể để làm bài thi toán lý hóa có lẽ đã rơi rụng đi nhiều, nhưng như vậy không có nghĩa là họ không thể theo đuổi việc học tập ở bậc ĐH.

Lối tổ chức đào tạo truyền thống của Việt Nam xưa nay là siết chặt đầu vào nhưng thả lỏng đầu ra. Điều này lẽ ra cần phải ngược lại. Bất cứ ai cũng nên có quyền được học, nhưng giá trị của tấm bằng cần được bảo vệ bằng những chuẩn mực không khoan nhượng. Khi người học biết rõ rằng, chỉ cần trả học phí là họ được học, và học trong trường bao nhiêu năm cũng được, nhưng nếu họ không chứng minh được những kiến thức, kỹ năng, năng lực được quy định cụ thể trong chuẩn đầu ra của từng ngành, họ có thể sẽ không bao giờ chạm tay được vào tấm bằng ĐH, thì họ chắc chắn sẽ cân nhắc hơn nhiều trong việc đóng tiền học.

Các trường cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về chuẩn đầu ra được công bố, và kết quả đào tạo thực sự của những người cầm tấm bằng trường mình. Thị trường lao động là nơi kiểm nghiệm khắc nghiệt giá trị của mỗi tấm bằng, và sẽ ban thưởng hay trừng phạt các trường dựa trên chất lượng của sản phẩm mà họ tạo ra.