CHƯƠNG TRÌNH CỐT LÕI CHUNG CỦA HONG KONG UNIVERSITY – MỘT CẢI CÁCH QUAN TRỌNG ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGÀY CÀNG CAO CỦA XÃ HỘI

Phạm Thị Ly (2014)

(Bài đăng Kỷ yếu Khoa học Đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành Tập 1, 2014, tr. 402-404, NXB Khoa học Kỹ thuật, 2014)

Khắp nơi trên thế giới đều có tình trạng số người tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm ngày càng nhiều. Tuy khủng hoảng và suy thoái kinh tế có thể là một tác nhân quan trọng, không thể phủ nhận một điều là chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) đang có vấn đề, nói cách khác là các nhà tuyển dụng đang đòi hỏi ngày càng cao, và thế giới đang biến đổi nhanh đến mức nhà trường ở mọi nước hầu hết đã không theo kịp. Các nhà tuyển dụng vừa yêu cầu những năng lực tổng quát của người tốt nghiệp lại vừa muốn họ làm được ngay những công việc đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Bởi vậy sinh viên có khuynh hướng ngày càng tập trung hơn vào kiến thức chuyên ngành trong những lĩnh vực hẹp thay vì có định hướng học thuật. Tuy thế, con đường sự nghiệp của họ đang thay đổi nhiều hơn bao giờ hết. Ngày nay chúng ta có thể gặp khắp nơi những sinh viên học ngành này nhưng đi làm một ngành khác hẳn và rất thành công; chưa kể các lĩnh vực chuyên môn ngày nay phần nhiều đều mang tính chất liên ngành hay xuyên ngành ở một mức độ nhất định nào đó, thậm chí có những công việc không có trường nào đào tạo, và hầu hết mọi lĩnh vực đều biến đổi nhanh đến mức không một trường ĐH nào có thể dạy đủ kiến thức cụ thể cần thiết cho việc hành nghề chuyên môn trình độ cao.

Trường ĐH theo mô hình truyền thống, đặc biệt là ở những nước chịu ảnh hưởng mô hình “dạy nghề bậc cao” và đi sâu vào chuyên ngành hẹp của nước Nga Sô viết cũ, tập trung chủ yếu vào việc dạy kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể, đã thiếu hẳn việc chuẩn bị cho người học khả năng tự học suốt đời, và nhất là đã không chú trọng đầy đủ đến những vấn đề về giá trị và đạo đức, là điều cốt yếu đối với việc xây dựng năng lực công dân và phát triển bền vững một xã hội hài hòa.

Vì lẽ đó, từ năm 2007, HKU đã thực hiện một bước cải thiện rất quan trọng: xây dựng Chương trình Cốt lõi chung[2], áp dụng cho sinh viên tất cả các khoa, như là một phần chính yếu trong nội dung đào tạo, nhằm giúp học sinh chuyển tiếp từ môi trường phổ thông sang đại học và mang lại những trải nghiệm học tập chung, giúp mở rộng chân trời kiến thức của họ ra ngoài lĩnh vực chuyên ngành. Chương trình chung cốt lõi này tập trung vào những vấn đề đã và sẽ tiếp tục có một ý nghĩa quan trọng, tác động sâu sắc đến đời sống con người; những kỹ năng trí tuệ cơ bản cần đạt được và những giá trị tinh thần cốt lõi mà họ cần gìn giữ.

Mục tiêu của Chương trình Cốt lõi chung

Mục tiêu giáo dục của HKU là tạo điều kiện để người học xây dựng năng lực cho việc theo đuổi sự ưu tú trong học thuật hay trong nghề nghiệp chuyên môn, cho việc tìm kiếm tri thức và có khả năng học tập suốt đời; để họ có thể xử lý được những tình huống khó khăn, những vấn đề chưa hề được biết đến trước đó. Mục tiêu giáo dục nàycòn là giúp sinh viên biến thành hiện thực những nguyên tắc đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp; có khả năng tự phản ánh về chính mình và hiểu biết về người khác; có tư cách của công dân toàn cầu và hiểu biết về liên văn hóa; biết giao tiếp và hợp tác; đồng thời có kỹ năng lãnh đạo và ủng hộ sự tiến bộ.

Trên cơ sở đó, Chương trình chung cốt lõi của HKU được xây dựng nhằm mục đích tạo điều kiện để sinh viên phát triển một quan điểm, một tầm nhìn rộng lớn hơn, và một sự hiểu biết có tính chất cốt yếu về sự phức tạp và tương liên của những vấn đề mà họ sẽ phải đương đầu trong thực tế cuộc sống hàng ngày. Nó cũng tạo điều kiện cho sinh viên phát triển những kỹ năng trí tuệ rất cần thiết cho việc học tập kiến thức chuyên ngành. Đồng thời, nó nuôi dưỡng trong sinh viên sự trân trọng đối với nền văn hóa của dân tộc mình và những dân tộc khác, cũng như hiểu biết về những quan hệ qua lại giữa các nền văn hóa. Chương trình này sẽ giúp sinh viên xem họ vừa như một thành viên trong ngôi làng toàn cầu vừa là thành viên của cộng đồng địa phương, và thực thi một vai trò tích cực như những cá nhân có trách nhiệm trong những cộng đồng ấy.

Cấu trúc tổ chức chương trình

Chương trình cốt lõi chung bao gồm 170 môn thuộc bốn lĩnh vực (kiến thức cơ bản về khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, những vấn đề toàn cầu, và văn hóa xã hội Trung Quốc) để sinh viên lựa chọn. Sinh viên được khuyến khích chọn 6 môn, không quá 2 môn trong mỗi lĩnh vực, mỗi môn 6 tín chỉ, tổng cộng khoảng 120-180 giờ học, bao gồm 36 giờ học trực tiếp với giảng viên (2 giờ giảng và 1 giờ hướng dẫn mỗi tuần), thực hiện trong hai năm đầu. Số giờ còn lại là thời gian đọc tài liệu, tự học, đi thực địa, tham quan, làm dự án nhóm, nghiên cứu, và làm bài.

Sinh viên chọn môn học bằng cách đăng ký trực tuyến. Tuy vậy, với những môn có quá nhiều người đăng ký thì hệ thống sẽ tự động tạm ngưng nhận, sinh viên sẽ phải chờ đến đợt kế tiếp. Việc đánh giá được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ làm bài theo lối truyền thống đến những sản phẩm tự làm như video clip, báo cáo thực địa, kết quả nghiên cứu, tạo một website, thực hiện một dự án nhóm hay bài trình bày.

Chương trình bắt buộc của HKU cho bằng cử nhân mọi chuyên ngành bao gồm 240 tín chỉ được cấu tạo như sau:

Bộ phận (tỉ lệ số tín chỉ trên tổng số tín chỉ) Môn Số tín chỉ
Bắt buộc đối với mọi sinh viên

(22.5%)

Chương trình Cốt lõi chung 36 tín chỉ
Tiếng Anh 12 tín chỉ
Tiếng Trung 6 tín chỉ
Môn chuyên ngành

(30% – 40%)

(15% – 20%)

Môn chính 72-96 tín chỉ
Môn phụ 36-48 tín chỉ
Tự chọn

(17.5% – 32.5%)

Tự chọn với mọi sinh viên Tiêu chuẩn: 6 tín chỉ mỗi môn. SV có thể chọn 2- 3 môn x 3 lĩnh vực
Tổng sốtín chỉ bắt buộc 240 tín chỉ

 Nội dung Chương trình Cốt lõi chung

Cơ sở xây dựng Chương trình Cốt lõi chung là nhu cầu mở rộng kiến thức và tầm nhìn của sinh viên, kích thích tính ham hiểu biết của họ, tạo điều kiện cho họ phát triển kỹ năng tư duy phản biện, quen với cách nhìn sự vật từ nhiều chiều, hiểu những quan điểm khác nhau, đánh giá được sự phức tạp của mọi vấn đề trong một thế giới ngày càng tương liên và tương thuộc. Chương trình này cần giúp sinh viên nhìn thấy bản chất tương liên và tương thuộc ấy của thế giới con người thông qua những trải nghiệm của chính họ. Từ “chung” trong tên gọi “chương trình chung cốt lõi” phá vỡ giới hạn của chương trình đào tạo theo nghĩa truyền thống, và từ “cốt lõi” phản ánh cái bản chất của chương trình là những vấn đề đã và sẽ tiếp tục có một ý nghĩa lớn lao đối với đời sống con người.

Những kinh nghiệm chung của đời sống con người cần thiết cho bất cứ ai để có thể hội nhập vào xã hội như một thành viên tích cực, bất kể lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn hay công việc cụ thể của họ là gì. Những kinh nghiệm ấy bao gồm khả năng diễn đạt ý tưởng và cảm xúc một cách tinh tế; khả năng tương tác với người khác một cách hiệu quả; sự hiểu biết về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, quan hệ giữa con người và tự nhiên, quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng như những niềm tin và giá trị gắn kết con người lại với nhau.

Chương trình này bao gồm bốn bộ phận như sau:

  1. Tri thức nhân văn: Có các chủ đề như nghệ thuật sáng tạo; nhận thức về lịch sử: quá khứ và hiện tại; các vấn đề về truyền thông và xã hội; quan hệ giữa thân thể, trí tuệ và tinh thần; những vấn đề về đạo đức và xã hội.
  2. Kiến thức cơ bản về khoa học và công nghệ: bản chất của khoa học và những phương pháp của khoa học; mối quan hệ giữa khoa học công nghệ (KH-CN) và xã hội; KH-CN với những vấn đề toàn cầu; những lĩnh vực tiên tiến nhất những tiến bộ mới nhất hiện nay trong KH-CN.
  3. Những vấn đề toàn cầu: thách thức trong việc quản trị toàn cầu; toàn cầu hóa với việc phát triển kinh tế; vấn đề đạo đức và tư cách công dân toàn cầu.
  4. Văn hóa, nhà nước và xã hội Trung Quốc: Văn hóa và văn minh Trung Quốc; môi trường đang thay đổi của Trung Quốc; con đường hiện đại hóa và sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Các bộ phận này không phải là những mảnh rời rạc độc lập mà có liên đới với nhau, được biên soạn không phải như những mảng kiến thức chuyên môn riêng mà là trong một mục tiêu tổng thể, do vậy nó không lấy trực tiếp từ giáo trình của các chuyên ngành liên quan, mà được biên soạn lại cho phù hợp với mục tiêu.

Phương pháp giảng dạy

 Thực hiện qua nhiều hình thức phong phú, nhấn mạnh sự tham gia và trải nghiệm của sinh viên, chẳng hạn những cách học dựa trên phân tích trường hợp điển cứu, dựa trên giải quyết vấn đề, dựa trên hoạt động, dựa trên thảo luận nhóm và dự án. Mục đích của những phương thức dạy và học này là giúp sinh viên gắn với công việc tập thể, rèn luyện năng lực lãnh đạo và làm việc nhóm, thực hiện phân tích có phê phán, nhìn vấn đề từ nhiều quan điểm và ra quyết định dựa trên thông tin đầy đủ.

Quản lý việc xây dựng chương trình và bảo đảm chất lượng

 HKU có một Ủy ban đặc trách Chương trình Cốt lõi chung, gồm Chủ tịch (do Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo đảm nhiệm), Phó Chủ tịch, Điều phối viên, các thành viên. Ủy ban này điều phối công việc của bốn nhóm chuyên môn phụ trách bốn lĩnh vực chuyên môn nêu trên, mỗi nhóm có từ 4-6 thành viên.

Lực lượng đặc trách này có trách nhiệm xem xét sự phù hợp của nội dung các môn và chuẩn năng lực đầu ra từng môn so với mục tiêu tổng quát của Chương trình cốt lõi chung và mục tiêu giáo dục của HKU; cũng như tính thích đáng, sự thiết yếu và mức độ cố kết của từng môn với toàn bộ chương trình; sự phù hợp của các hoạt động học tập và cách đánh giá đi kèm. Mỗi đề cương môn học như thế đều trải qua ba bước bình duyệt trước khi được chấp thuận và đem ra thực hiện.

Đề cương môn học, từ tên môn học cho đến nội dung đều là do giảng viên trong và ngoài trường tự đề xuất. Ủy ban chỉ nêu ra mục tiêu của chương trình và đánh giá sự phù hợp của các đề xuất được nộp. Một số ví dụ về các môn học được đề xuất là: Hiểu biết về biến đổi khí hậu; Thực phẩm và giá trị; Tình yêu, tình dục và hôn nhân trong xã hội Trung Quốc hiện đại; Gia đình với sự phát triển của xã hội hiện đại, v.v. Ngoài ra, chương trình còn bao gồm các bài giảng của những giáo sư quốc tế nổi tiếng, chẳng hạn như “Trung Quốc thế kỷ 21: những nghịch lý nội tại và thách thức quốc tế” của GS. Jeffrey Wasserstrom, University of California, Irvine; “Đạt sự sự ưu tú cùng với một tâm hồn sâu sắc: sứ mạng của đào tạo đại học” của GS. Hary Lewis, Đại học Harvard; “Tại sao khoa học nhân văn lại là vấn đề quan trọng” của GS. Sander Gilman, Đại học Emory, v.v.

Harry Lewis, người từng là trưởng khoa ở Đại học Havard trong một lần làm việc với HKU năm 2009 đã nhận xét là so với Chương trình Giáo dục Tổng quát của Đại học Harvard thì Chương trình Cốt lõi chung của HKU có tính chất linh hoạt hơn, có khả năng thích nghi hơn, và kết nối qua lại nhiều hơn giữa các môn.

Phản hồi của sinh viên

Nhiều người đánh giá cao Chương trình chung cốt lõi và cho rằng nó truyền cảm hứng, nuôi dưỡng khát vọng cũng như mở rộng tầm nhìn và tăng cường kỹ năng giao tiếp cho họ. Cũng có sinh viên than phiền phải đọc quá nhiều và khối lượng công việc quá tải với họ.

***

Còn quá sớm để nói về kết quả thực tế, nhưng có một điều chắc chắn, rằng đây là một nỗ lực tích cực của HKU trong việc đáp ứng với một thế giới đang thay đổi. Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa đã nói một câu nổi tiếng: “Không phải tạo vật mạnh khỏe nhất hay thông minh nhất sẽ có thể sinh tồn, mà chính là những tạo vật đáp ứng tốt nhất với thay đổi của môi trường”. Toàn cầu hóa và những tiến bộ trong khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, đã làm thế giới thay đổi mạnh mẽ đến mức, nếu trường đại học không thay đổi về mặt này hay mặt khác, cách này hay cách khác để đáp ứng, nó không còn lý do để tồn tại.

Viết xong tại Hong Kong, ngày 21.6.2014

Notes

[1]Những thông tin cụ thể về Chương trình Cốt lõi chung của HKU trong bài này chủ yếu dựa trên trang web của HKU, phỏng vấn một số giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên HKU và bài trình bày của Prof. L G Tham, Phó Hiệu Trưởng phụ trách Đào tạo của HKU, Quyền Chủ tịch Hội đồng Chương trình Cốt lõi chung, ngày 20 tháng 6 năm 2014 tại Summer Institute “GDĐH cho ngày mai”do Khoa Giáo dục HKU tổ chức. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn.

[2]Thực ra năm 2007 là mốc thời gian đầu tiên ý tưởng này được đưa ra. Đến năm 2008 nó được Hội đồng Giảng viên chấp thuận, cuối năm 2008 có Sổ tay Hướng dẫn và kêu gọi nộp đề xuất môn học. Tháng 9-2010 khởi động thử nghiệm và đến tháng 9-2012 mới bắt đầu thực hiện chương trình đầy đủ.