Ý NGHĨA CỦA HỆ THỐNG TÍN CHỈ ĐỐI VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CÁC KHOA, ĐỐI VỚI SINH VIÊN, PHỤ HUYNH VÀ CÁC NHÀ TUYỂN DỤNG[1]

Tác giả: GS. Jim Cobbe
Học giả Chương trình Fulbright năm 2007-2008 tại Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng
Cơ quan làm việc: Khoa Kinh tế , Đại học Florida State
Tallahassee FL 32306-2180 USA; [email protected]

Người dịch: Phạm Thị Ly

 Hệ thống đào tạo mà các trường đại học Việt Nam đã thực hiện từ nhiều năm qua, một hệ thống niên chế trong đó sinh viên vào trường để theo học một chuyên ngành cụ thể và tuần tự nhi tiến đi theo một quá trình cố định với những môn học cố định và một lớp sinh viên cố định mà không có quyền lựa chọn nội dung cho đến năm thứ ba hoặc năm thứ tư, vốn là một hệ thống vay mượn của Liên bang Xô viết và của Trung Quốc. Hệ thống đào tạo này rất thích hợp với kinh tế kế hoạch hóa, vì số sinh viên được nhận vào học sẽ phù hợp với nhu cầu chuyên gia mà người ta mong đợi có được trong lĩnh vực ấy năm năm sau. Tuy nhiên, nó không thích hợp với nền kinh tế thị trường mới mẻ của Việt Nam. Cơ cấu kinh tế và cùng với nó là đòi hỏi về chất lượng của sinh viên tốt nghiệp đang thay đổi nhanh chóng do toàn cầu hóa và tốc độ của tiến bộ kỹ thuật. Trong lúc đó, số người vào đại học đang gia tăng mạnh mẽ và mối liên hệ hiển nhiên giữa những đòi hỏi có thể có của nền kinh tế với lực lượng tốt nghiệp đại học nay không còn như xưa nữa. Hệ thống đào tạo theo tín chỉ đem lại một cách thức để tái cấu trúc lại chức năng giảng dạy của các trường đại học theo một cách thức phù hợp hơn với nền kinh tế mới và thế giới hiện đại.

Mục tiêu chủ yếu của việc áp dụng hệ thống tín chỉ phải là, theo ý tôi, đem lại cho sinh viên và cho nhà trường sự linh hoạt nhiều hơn trong nội dung của khóa học, làm cho việc cập nhật nội dung chương trình đào tạo thành ra dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn bằng cách cho phép các cá nhân có thể thay đổi môn học (thêm hoặc bớt, hay cập nhật các môn), và cho phép các trường nhanh chóng điều chỉnh số sinh viên trong từng ngành mà họ đào tạo. Tại sao như vậy? Bởi vì trong nền kinh tế hiện đại, yêu cầu về lực lượng lao động thay đổi rất nhanh, trong lúc những người tốt nghiệp thì sẽ vẫn cứ ở trong lực lượng ấy trong cả quãng đời làm việc bốn mươi năm của họ. Do vậy những thay đổi nhỏ trong nhu cầu chung về nhân lực có bằng đại học trong một loại ngành nghề nào đấy sẽ có thể biến thành những thay đổi rất lớn trong nhu cầu về sinh viên mới ra trường trong một năm nhất định. Cũng như vậy, bất cứ kỹ năng cụ thể và hiện đại nào mà sinh viên đạt được trong trường đại học cũng đều có thể trở thành lạc hậu rất nhanh, cho nên thay vì đi vào chi tiết của các phương pháp kỹ thuật cụ thể, điều quan trọng hơn nhiều đối với sinh viên là đạt được những kỹ năng và kiến thức cơ bản trong chuyên ngành của mình, nói cách khác, “học để biết cách học”; và trở nên thành thạo trong các “kỹ năng mềm”mà bất cứ môi trường làm việc nào cũng đòi hỏi như làm việc theo nhóm, tự lên kế hoạch làm việc cho bản thân, khởi xướng các hoạt động mới, biết cách xử trí trong quan hệ với cấp trên và cấp dưới, biết quản lý thời gian, và biết cách nghiên cứu để tìm câu trả lời nếu nó không có sẵn. Tôi tin rằng tất cả các mục tiêu này có thể đạt được dễ dàng hơn nhiều trong học chế tín chỉ so với trong hệ thống niên chế. Những báo cáo khác sẽ trình bày vấn đề lịch sử hệ thống tín chỉ ở Hoa Kỳ[2], định nghĩa tín chỉ, thiết kế chương trình, nội dung môn học, vai trò của giảng viên và sinh viên và những nhân tố thực tiễn của quá trình chuyển đổi. Trong bài này, tôi sẽ tập trung vào những ý nghĩa của học chế tín chỉ đối với các nhà quản lý cấp khoa và cấp trường, đối với sinh viên và gia đình họ, cũng như đối với các nhà tuyển dụng.

Vấn đề đặt ra

 Sự linh hoạt

Nếu học chế tín chỉ nhằm đem lại cho sinh viên sự linh hoạt trong nội dung chương trình đào tạo, thì trước hết trường đại học phải quyết định mức độ linh hoạt có thể thực hiện được, và khung thời gian để thực hiện sự linh hoạt ấy. Mức độ linh hoạt như thế nào là phù hợp có thể khác nhau rất nhiều giữa trường này và trường khác, ngành này và ngành khác. Một hậu quả của việc đại chúng hóa giáo dục đại học[3] là nhiều sinh viên sau khi ra trường làm những việc ngoài ngành nghề chuyên môn của mình để kiếm sống, mà không được làm việc như một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đã được đào tạo. Về mặt khái niệm, các ngành đào tạo có thể được chia ra thành hai nhóm: một là những ngành nghề “chuyên nghiệp” (‘professional,’), nhằm đào tạo sinh viên trong một lĩnh vực chuyên môn cụ thể; và hai là nhóm ngành “tổng quát” (‘general’), trong đó người ta không chuẩn bị cho sinh viên một nghề nghiệp cụ thể nào. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, một số không đáng kể những người tốt nghiệp các ngành như sử học hay thậm chí kinh tế trở thành các nhà sử học hay các nhà kinh tế học, mà rất nhiều người trong số ấy đã hết sức thành công trên thị trường lao động nếu như họ được đào tạo tốt. Trong lúc đó, phần lớn các sinh viên theo học ngành kỹ thuật sẽ được tuyển dụng như một kỹ sư, hay sinh viên học ngành kế toán sẽ được tuyển dụng như một chuyên viên kế toán, ít ra là vào lúc mới ra trường. Vậy thì trong những ngành như lịch sử hay kinh tế, chìa khóa của sự linh hoạt là cho phép sinh viên có nhiều lựa chọn, bao gồm khả năng theo học những bộ môn hoàn toàn nằm ngoài chuyên ngành của họ nếu như những bộ môn ấy mang lại những kỹ năng có giá trị tiềm năng cao. Nhưng trong các ngành kỹ thuật, chìa khóa của sự linh hoạt này lại nằm ở chỗ xác định rõ đâu là những bộ môn cốt lõi mà tất cả mọi sinh viên cần học, để giảm bớt trùng lắp và tăng hiệu quả trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nhờ đó trong một thời điểm thích hợp chẳng hạn như sau hai năm đầu, sinh viên có thể được chia ra thành những nhóm ngành cụ thể khác nhau ví dụ như kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật dân sự,v.v. với những lựa chọn tương đối ít trong phạm vi từng ngành. Nhà trường cần hợp tác với các khoa để xác định rõ ngành nào phải được coi là thuộc loại nào, và quyết định mức độ linh hoạt mà sinh viên được phép lựa chọn trong mỗi ngành, kể cả việc chuyển hẳn sang một ngành học khác nếu họ được nhận vào học ngành mới ấy. Điều này sẽ dẫn tới nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Thông tin

Hiện nay có rất ít thông tin về nội dung của chương trình và các bộ môn, hoặc về triển vọng của sinh viên tốt nghiệp trên thị trường lao động được công bố rộng rãi cho các trường đại học Việt Nam. Rất khó có được thông tin thậm chí về điểm chuẩn của từng ngành ở những trường đại học khác nhau, dù rằng đó là dấu hiệu tốt nhất cho thấy tính phổ biến tương đối của các ngành và các trường, có lẽ còn cho thấy cả nhận thức của công chúng về chất lượng của các trường và các ngành ấy nữa. Thường thì trước khi quyết định thi vào một trường nào đó, sinh viên không thực sự tiếp cận được nội dung chi tiết của chương trình đào tạo, nhưng những người khác- gia đình, bạn bè họ, hay các nhà tuyển dụng thì có thể, nếu họ có hiểu biết về ngành ấy. Trong kinh tế học có một quy ước rằng những quyết định được đưa ra bởi những người gần nhất với hậu quả của những quyết định ấy, sẽ là những quyết định khôn ngoan nhất. Sinh viên sẽ phải chịu hậu quả những quyết định của họ, cho nên phải giả định rằng họ có thể đưa ra những quyết định tốt nhất về việc mình cần phải học những gì- nhưng để làm được điều này, họ cần những thông tin cập nhật và đáng tin cậy, cũng như cần được tư vấn để diễn giải đúng ý nghĩa của những thông tin ấy. Cả hai thứ ấy hiện nay đều không có ở Việt Nam.

Các trường đại học có thể giúp được sinh viên nếu họ đưa lên website những thông tin về chương trình đào tạo và về các môn học, với những diễn giải vắn tắt và đường dẫn tới những thông tin đầy đủ hơn chẳng hạn như đề cương môn học; chất lượng giảng dạy của trường, của khoa, thông tin này có thể được tiếp cận qua những con đường độc lập, và những đánh giá ấy cũng cần được công bố trên trang web[4]. Có thể yêu cầu các ngành đào tạo công bố trên trang web điểm chuẩn đầu vào của họ trong những năm gần đây, số sinh viên được tuyển vào hàng năm, số sinh viên tốt nghiệp sau bốn năm. Các trường có thể bị bắt buộc, với sự trợ giúp của nhà nước, theo dõi tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường, định kỳ sáu tháng, một năm, ba năm, và năm năm sau khi tốt nghiệp, và một lần nữa, cần công bố những thông tin ấy trên website, bao gồm nghề nghiệp, vị trí công tác, thu nhập bình quân của họ, để sinh viên có được một khái niệm ít nhất là về viễn cảnh nghề nghiệp của họ sau khi ra trường. Nhà nước có thể thực hiện những dự án tiên liệu nhu cầu về nguồn lao động mới cho năm năm sau tính theo từng nghề nghiệp hay chức danh công việc và bằng cấp tiêu biểu[5]. Cần khuyến khích cả các trường đại học và trung học tư vấn cho học sinh về các đơn vị đào tạo, về chương trình và ngành học, về việc lựa chọn môn học, vì chỉ một số ít sinh viên có khả năng diễn giải các thông tin một cách đúng đắn trước khi chính thức theo học, ngay cả khi thông tin ấy có sẵn. Tất nhiên, những thứ ấy đều có cái giá của nó, và một điều cần làm rõ ngay từ đầu là các trường đại học sẽ không thể làm tốt việc áp dụng học chế tín chỉ theo nghĩa đạt được mục tiêu về tính linh hoạt, nếu không có thêm nguồn lực.

Sự chuyên môn hóa và trao đổi

Lý do chính khiến người ta mong đợi rằng kinh tế thị trường sẽ năng động hơn và có hiệu suất cao hơn so với kinh tế kế hoạch hóa là vì nó khuyến khích sự chuyên nghiệp hóa và sự trao đổi dựa trên quyết định của các cá nhân chịu ảnh hưởng sát sườn nhất hậu quả của những quyết định ấy[6]. Các trường đại học Việt Nam hiện nay đang làm ngơ trước nguyên tắc cơ bản về chuyên nghiệp hóa theo những thuận lợi đối sánh, vì mỗi ngành đang tiến hành dạy tất cả các môn cho sinh viên ngành mình, cho dù các khoa chuyên môn về những lĩnh vực ấy đang tồn tại đâu đó ngay trong trường. Hệ thống tín chỉ có thể và cần phải ngăn chận sự trùng lắp, tập trung vào chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ khoa học và cán bộ giảng dạy trong một môn nhất định ở một khoa thích hợp. Chẳng hạn, khoa toán nên dạy môn toán cho sinh viên tất cả các ngành học, và các khoa khác không nên dạy môn toán hoặc tuyển dụng các nhà toán học đến làm việc ở khoa mình. Điều này sẽ loại trừ hiện tượng cán bộ giảng dạy bị buộc phải dạy những môn không phải chuyên ngành mà họ được đào tạo, và các cán bộ nghiên cứu phải dạy những môn khác với chuyên ngành chính tại khoa của họ. Những cán bộ nghiên cứu này là những người có ít cơ hội tương tác với những người khác đang dạy cùng một bộ môn với họ. Sự chuyên môn hóa này sẽ cải thiện chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi thông tin và sự hợp tác tốt hơn nhiều giữa các khoa, và có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với cách phân bổ nguồn lực trong phạm vi một trường đại học; cách lưu trữ hồ sơ, tư liệu; cách lên thời khóa biểu dạy các môn; và cách sinh viên đăng ký môn học.

Phân bổ nguồn lực và Quản lý việc đăng ký môn học

Nhà nước đã tuyên bố rằng họ muốn chuyển sang cơ chế phân bổ ngân sách cho các trường đại học dựa trên số sinh viên được tuyển vào trường. Đặc biệt là khi điều này diễn ra, nhưng trong bất cứ trường hợp nào, một khi học chế tín chỉ đã cho phép sự lựa chọn của sinh viên và chấp nhận tính linh hoạt, các trường đại học cũng đều cần phải xem xét những vấn đề nội bộ sau đây, như phân bổ ngân sách cho các khoa dựa trên số sinh viên đầu vào, nhưng chỉ dựa vào đó phần nào và một cách rất thận trọng. Nếu sinh viên được phép lựa chọn một cách linh hoạt, nhất là khi họ được phép chuyển hẳn sang ngành khác và đăng ký học nhiều môn khác nhau, mỗi sinh viên mỗi khác dù họ học cùng một ngành, thì số lượng sinh viên theo học một ngành nào đó có thể thay đổi một cách đáng kể và rất nhanh[7]. Sự linh hoạt đòi hỏi các trường đại học và các khoa điều chỉnh những thay đổi này ở một mức độ nhất định, vì nếu không thì sự linh hoạt sẽ thành ra vô nghĩa- khi những sự lựa chọn không thể thực hiện được. Vậy thì câu hỏi là bằng cách nào, và trong chừng mức nào, có thể điều chỉnh các thay đổi theo yêu cầu của sinh viên.

Một lần nữa cần nhắc lại, các ngành khác nhau thì có sự khác nhau rất lớn về mức độ điều chỉnh mà người ta có thể thực hiện để sự điều chỉnh đó có thể làm thay đổi số lượng sinh viên mà không làm giảm sút chất lượng một cách nghiêm trọng. Một số ngành học có thể tìm được giảng viên bán thời gian dễ dàng và không đòi hỏi phòng thí nghiệm hay những trang thiết bị chuyên môn, những nguồn lực đặc biệt, thì có thể dễ dàng thay đổi số lượng sinh viên ở mức độ lớn nếu nhà trường có đủ nguồn tài chính để trả tiền cho giảng viên thỉnh giảng làm việc bán thời gian và nếu trường có đủ không gian lớp học để bố trí. Ở cực đối lập, những ngành đào tạo lệ thuộc chặt chẽ vào các phòng thí nghiệm và thiết bị chuyên ngành, hoặc phụ thuộc vào một cơ sở hạ tầng đặc biệt, như một số ngành trong khoa học tự nhiên, y khoa, kỹ thuật, trong những lĩnh vực ấy không dễ gì có một chuyên gia có đủ năng lực để làm việc bán thời gian cho trường lại có sẵn tại địa phương; là những ngành có rất ít khả năng nhận thêm một số lượng sinh viên nhiều hơn là năng lực dài hạn của họ, cho dù có thêm nguồn tài chính đi chăng nữa.

Cần làm rõ sự khác biệt giữa “năng lực dài hạn”- số lượng sinh viên có thể nhận vào học phù hợp với cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ cơ hữu, và “năng lực ngắn hạn”- số lượng sinh viên mà trường hoặc khoa có thể nhận trong ngắn hạn nếu tận dụng trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ cơ hữu, cùng với một số cán bộ hợp đồng bán thời gian nếu như trường có đủ nguồn ngân sách. Dựa vào chỗ khác nhau của các bộ môn/ngành học để cố gắng điều chỉnh sự gia tăng số lượng sinh viên bằng cách tăng thêm nguồn lực cho cấp khoa là một cách làm hợp lý. Nhưng nếu bản chất các bộ môn này tương tự nhau thì việc tiếp cận nó cần phải được hạn chế chỉ trong số sinh viên của khoa mà thôi, đồng thời phải tăng yêu cầu đầu vào (nâng mức điểm chuẩn để được nhận vào học).

Giảng viên cơ hữu là những người -hay ít nhất có tiềm năng trở thành người hưởng lương của nhà trường trong khoảng 30 năm chẳng hạn cho đến khi về hưu. Vì vậy việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu chỉ nên tăng nếu như có những sự kiện cho thấy rõ yêu cầu về bộ môn ấy vẫn đang tiếp diễn, chẳng hạn bộ môn ấy đã tồn tại được qua nhiều năm. Những cân nhắc tương tự như vậy cũng nên được áp dụng cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phòng thí nghiệm chuyên ngành vốn là những thứ không có tính chất linh hoạt giữa ngành này và ngành khác. Tuy nhiên, khi sinh viên được quyền lựa chọn thì nhu cầu đối với một bộ môn cụ thể của các khoa có thể giảm mạnh cũng như có thể tăng cao. Rõ ràng là năng lực giảng dạy không được dùng tới thường xuyên sẽ đưa đến kết quả làm các khoa gần như mất đi những nguồn lực đáng lẽ được phân bổ cho khoa, vì chúng có thể được sử dụng cho các mục đích khác trong trường, chẳng hạn một khoa có thể mất đi nguồn lực của mình khi không có khả năng thay thế những cán bộ khoa học đã nghỉ hưu hoặc từ chức trong khoa, vì nhu cầu của sinh viên đối với bộ môn không đủ để thuyết phục nhà trường.

Tuy nhiên, các khoa chẳng bao giờ muốn điều này xảy ra, cho nên kết quả của việc sinh viên được quyền lựa chọn và phân bổ nguồn lực trong nội bộ trường phần nào phụ thuộc vào số lượng sinh viên đăng ký học là luôn luôn có sự cạnh tranh sinh viên giữa các khoa trong trường. Điều này có thể là tốt nếu nó có nghĩa là các khoa sẽ tạo ra nhiều nguồn thông tin đầy đủ hơn, phong phú hơn để cung cấp cho những sinh viên tiềm năng, hoặc nâng cao chất lượng giảng dạy để lôi cuốn sinh viên. Nói cách khác, cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng là điều đáng mong muốn. Nhưng thực tế phổ biến lại là các khoa làm cho các bộ môn và ngành đào tạo của mình dễ học hơn để sinh viên tốn ít công sức hơn mà vẫn có được điểm tốt hay bằng cấp. Điều này có thể xói mòn chất lượng một cách nghiêm trọng, và là một hiện tượng thường thấy, đầy sức cám dỗ mà giới quản lý không mấy khi muốn thừa nhận[8].

Hậu quả có nhiều khả năng xảy ra và không nằm trong dự tính này là một luận cứ để xây dựng một hệ thống kiểm soát và đánh giá chất lượng mạnh mẽ, cả đánh giá trong và đánh giá ngoài, với tư cách một hệ thống cốt yếu đi cùng với học chế tín chỉ. Điều này rất có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với các chương trình đào tạo thông thường của các trường đại học Việt Nam, biểu hiện qua mối quan ngại hiện đang lan rộng về chất lượng đào tạo của một số chương trình đào tạo bán thời gian vào buổi tối ở các trường, khi động cơ tăng thu nhập khuyến khích các khoa nhận thật nhiều sinh viên vì họ được giữ lại phần lớn học phí làm nguồn thu nhập. Bài viết ngắn này cho thấy việc áp dụng thành công một học chế tín chỉ linh hoạt có thể cho phép các trường đáp ứng nhanh chóng hơn với việc thay đổi nhu cầu của sinh viên như thế nào, cũng như có thể cho phép các trường cập nhật và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo một cách hệ thống hơn và mạnh mẽ hơn.

Mặc dù học chế tín chỉ có thể mang lại nhiều lợi ích, nó cũng sẽ thay đổi tận gốc cách thức mà các nhà quản lý điều hành nhà trường và các khoa trong trường, cũng như đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của hệ thống đánh giá nếu nó nhằm vào mục tiêu là những lợi ích mà học chế tín chỉ mang lại.

(Nguồn: Jim Cobbe “The Credit System: What it should mean for Universities, Departments, Students and their Families, and Employers”, Fulbright Program in Vietnam, 2008)

 

[1] Bài này sẽ đăng trên Tạp chí Giáo dục số tháng 11 năm 2008. Người dịch xin nêu nguyên văn yêu cầu của tác giả:  không được sử dụng hay trích dẫn bài viết này mà không được sự chấp thuận của tác giả.

[2] Các nước khác dùng những thuật ngữ khác nhau cho cùng một khái niệm cơ bản, chẳng hạn các thuật ngữ như “mô-đun” (module) hay “đơn vị” (‘unit’), nhưng Hoa Kỳ dường như là hệ thống mà Việt Nam đang hướng đến để mô phỏng.

[3] Với thuật ngữ “đại chúng hóa” (‘massification’), tôi muốn nói tới sự thay đổi từ chỗ đại học là nơi chỉ dành cho một nhóm tinh hoa đến chỗ dành cho đại bộ phận những người trong lứa tuổi đi học. Quá trình này đang bắt đầu mạnh mẽ ở Việt Nam.

[4] Chẳng hạn, theo một quá trình tương tự như quá trình mà Tổ chức Bảo đảm Chất lương Châu Âu đã áp dụng (xem http://www.qaa.ac.uk)

[5] Những dự đoán như vậy, tất nhiên, sẽ không đúng, nhưng dù vậy nếu được thực hiện tốt nó vẫn có thể được coi như chỉ báo cho những xu hướng có khả năng chắc chắn sẽ xảy ra. Nó có thể giúp tránh được khả năng xấu nhất là cực kỳ thừa hay cực kỳ thiếu trên diện rộng một loại lao động trong một lãnh vực cụ thể nào đó.

[6] Đây không phải là lý do chính để người ta thiên về kinh tế thị trường thay vì kinh tế kế hoạch hóa. Kinh tế thị trường đồng thời cũng khuyến khích những sáng kiến và cải tiến thành công, mà kết quả của nó là tạo điều kiện cho sự thay đổi diễn ra nhanh chóng, và cho sự thích nghi với hoàn cảnh đang đổi thay, do đó tạo ra tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống.

[7] Trong một khoa mà tôi từng là chủ nhiệm ở Hoa Kỳ, số môn trong hệ đào tạo cử nhân tăng gấp ba trong vòng năm năm; đồng thời trong ba năm ấy, tỉ lệ sinh viên chính quy trên giảng viên cũng đã tăng 36% (thành ra 25.3, tì lệ này là cao ngay cả so với tiêu chuẩn Việt Nam), ít hơn nhiều so với sự gia tăng các chuyên ngành vì chúng tôi dạy vô số sinh viên không phải thuộc chuyên ngành của chúng tôi.

[8] Cụm từ ‘dumbing down’ (bình dân hóa học thuật) thường được dùng để miêu tả tình trạng này ở Hoa Kỳ.