HỘI ĐỒNG TRƯỜNG –CÓ NÊN BAO GỒM SINH VIÊN?
Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 01.03.2015
Phạm Thị Ly
Điều lệ Trường ĐH vừa ban hành đã cải thiện thẩm quyền của Hội đồng trường (HĐT) theo hướng tiến đến gần hơn với thực tiễn quốc tế. Tuy vậy, Điều lệ quy định thành phần HĐT không bao gồm cán bộ quản lý cấp trung, cựu sinh viên và sinh viên.
Về nguyên tắc, HĐT nên bao gồm các bên liên quan chủ yếu của trường ĐH, vì trong quản lý có một quy luật là những người chịu tác động trực tiếp nhất của quyết định sẽ là người tham gia tích cực và hiệu quả nhất vào quá trình ra quyết định. Trường ĐH là một tổ chức có liên quan tới rất nhiều bên: nhà nước, các doanh nghiệp và thị trường lao động, các tổ chức xã hội, giảng viên, nhân viên, sinh viên, v.v. Sinh viên vừa là “khách hàng”, vừa là “sản phẩm”, vừa là thành viên quan trọng nhất của trường ĐH. Không có sinh viên thì không có trường ĐH.
Thế nhưng có rất nhiều chính sách và quyết định được đưa ra có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh viên, mà những người có thẩm quyền và trách nhiệm dường như không nghĩ đến việc tìm hiểu quan điểm của họ. Một quyết định càng dựa trên nhiều thông tin xác thực từ nhiều phía chừng nào, thì càng có khả năng tránh được sai lầm chừng đó. Một số nước như Australia, Colombia, Philippines có quy định trong Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức hoạt động của trường về những ai phải có trong thành phần của HĐT nhằm đảm bảo sự đa dạng. Ở Tanzania, HĐT phải có mặt của sinh viên, cựu sinh viên, và nữ giới. University of Cape Town quy định thành phần HĐT có mặt của nhà tài trợ. Chile, Malaysia, Spain quy định có đại diện của cộng đồng ở địa phương. Hiện nay, nhiều trường muốn có cả học giả/nhà quản lý quốc tế trong thành phần của HĐT nhằm giúp nhà trường bắt kịp những kinh nghiệm quốc tế trong GDĐH (như trường hợp University of Botswana, University of Nairobi (Kenya), University of Tokyo, và các trường công của Thái Lan).
Ở Hoa Kỳ, sự có mặt của sinh viên trong HĐT chẳng những là một thực tế phổ biến, mà thậm chí họ còn là thành viên đương nhiên của HĐT, do Hội đồng Giảng viên bầu chọn. Có trường, cựu sinh viên chiếm một nửa tổng số thành viên HĐT[1]. Sở dĩ như vậy vì họ quan niệm rằng sinh viên là thành phần quan trọng nhất của trường ĐH, là đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất bởi các quyết định của nhà trường và HĐT cần lắng nghe quan điểm của họ. Cựu sinh viên nên có mặt trong HĐT vì họ chính là cầu nối giữa nhà trường và xã hội, là người mang lại sinh khí mới, sức sống, sự hỗ trợ và cả nguồn lực để xây dựng nhà trường.
Có ý kiến e ngại về sự có mặt của SV trong HĐT, một phần vì cho rằng họ chưa đủ trưởng thành để tham gia vào cơ chế ra quyết định của nhà trường, và lo ngại những phản ứng không đúng mực của họ. Có một quan niệm sai lầm cho rằng SV có mặt trong HĐT là để bảo vệ quyền lợi của SV, cũng như giảng viên cần có mặt trong HĐT là để lên tiếng bảo vệ quyền lợi của giới giảng viên. Thực ra, sự đa dạng thành phần của HĐT không phải là để bảo vệ những lợi ích khác nhau hay đối lập nhau của các bên; mà là để nhìn lợi ích của nhà trường như một tổng thể từ quan điểm của các bên khác nhau. Nhờ sự đa dạng về góc nhìn, HĐT có thể đạt đến những quyết định tốt nhất cho nhà trường. Có người cho rằng những cơ chế góp ý đang có trong trường, thông qua hộp thư góp ý, gặp gỡ lãnh đạo, qua tổ chức Đoàn Thanh niên…đã quá đủ để phản ánh tiếng nói của SV nếu lãnh đạo nhà trường thực sự muốn lắng nghe. Nhưng thực ra, gửi thư góp ý và tham gia HĐT là hai việc rất khác nhau. Vấn đề là, nhà trường đối xử với SV như thế nào thì họ sẽ có một chiến lược đáp ứng như thế đó. Nếu nhà trường cho phép SV góp ý nhưng không thực sự lắng nghe họ, không có giải pháp cho những vấn đề được phản hồi, thì họ sẽ không góp ý nữa mà tự tìm cách giải quyết, và không phải lúc nào cách giải quyết tự phát đó cũng tốt cho cá nhân họ và cho bầu không khí chung của trường. Trong khi đó, việc tham gia vào HĐT sẽ trao cho họ thẩm quyền và trách nhiệm chia sẻ sự thành bại của nhà trường như một tổng thể, đòi hỏi họ phải suy nghĩ những vấn đề của nhà trường với một tầm nhìn thích đáng từ quan điểm của sinh viên. Hiển nhiên là việc đó đòi hỏi ở họ những phẩm chất không phải ai cũng có sẵn, nhưng đó là một cơ hội quý giá để trưởng thành, và họ sẽ chia sẻ những trải nghiệm đó với các bạn đồng học, thúc đẩy các bạn khác đóng góp công sức để tạo nên một môi trường ĐH có ý nghĩa.
[1]http://governingboards.rutgers.edu/
Recent Comments