Phạm Thị Ly (2010)

Kết quả xếp hạng các trường đại học trên thế giới gần đây nhất của hệ thống xếp hạng Thượng Hải (SJTU) được công bố tháng 11 năm 2009 không cho thấy một sự chuyển biến về chất nào trong vị trí của các trường đại học châu Á, so với kết quả xếp hạng của những năm trước đó. Điều này có gì mâu thuẫn chăng với những thành công hết sức ấn tượng của các quốc gia châu Á trong phát triển kinh tế, đặc biệt là của Trung Quốc, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu? Sự trỗi dậy của Trung Quốc, về mặt nào đó, tiêu biểu cho các nước phương Đông, đã trở thành một hiện tượng thu hút sự chú ý của mọi quốc gia, vì nó ngụ ý một sự đổi thay bản đồ địa chính trị trên thế giới. Quyết tâm của các trường đại học Trung Quốc và các nước châu Á khác trong việc vươn lên là điều ai cũng có thể thấy. Nhưng những nỗ lực đó sẽ dẫn đến đâu?

Trong bối cảnh đó, bài Diễn thuyết Thường niên Lần thứ bảy của Giáo sư Levin, Hiệu trưởng đương nhiệm của Đại học Yale, về sự trỗi dậy của các trường đại học châu Á đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ Âu sang Á. Ông đã đưa ra những cứ liệu hết sức thuyết phục cho thấy bước tiến thần kỳ của các quốc gia châu Á, nổi bật là Trung Quốc: Trong vòng một thập kỷ từ 1998 đến 2008, số trường đại học ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi.1 Trong khi đó, số sinh viên nhập học mỗi năm đã tăng gấp năm lần – từ 1 triệu sinh viên năm 1997 đến hơn 5,5 triệu sinh viên năm 2007.2 Sự mở rộng này quả là chưa từng có tiền lệ. Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giáo dục đại học có quy mô lớn nhất thế giới chỉ trong thời gian một thập kỷ. Trong thực tế, số sinh viên đại học tăng thêm ở Trung Quốc từ khi bước sang thiên niên kỷ mới còn lớn hơn tổng số sinh viên đại học ở Hoa Kỳ. Hiện nay Trung Quốc có 2.263 trường đại học và cao đẳng, tuy số người vào đại học trên số dân trong độ tuổi chỉ mới là 23% (so với 58 % ở Nhật Bản, 59 % ở Anh, và 82 % ở Hoa Kỳ).[1] Tham vọng của Ấn Độ cũng không hề thua kém: trong vòng hai thập kỷ tới, họ sẽ là quốc gia đông dân nhất trên hành tinh này, và đến 2050, nếu duy trì được mức tăng trưởng, họ sẽ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Để duy trì mức tăng trưởng ấy, Ấn Độ đã đặt mục tiêu tăng tỉ lệ vào đại học ở Ấn từ 12 đến 30 % trước năm 2020.

Ở Việt Nam, sự mở rộng hệ thống giáo dục đại học cũng hết sức ấn tượng. Từ năm 1987 đến 2009, số trường đại học và cao đẳng tăng từ 101 đến 412 và số sinh viên trong cùng kỳ đã tăng từ 130.000 đến trên 1,9 triệu. Tổng số sinh viên Việt Nam trong những năm đầu của thập kỷ 90 chiếm 2% dân số trong độ tuổi vào đại học. Con số này đã tăng đến 15% năm 2005 và đạt đến 21,2% vào năm 2008. Tuy nhiên sự phát triển quá nhanh về số lượng ấy đã kéo theo nhiều vấn đề về chất lượng, một hệ quả không thể tránh đối với mọi quốc gia khi chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng.

Nhưng điều đáng nói là bên cạnh một hệ thống giáo dục đại chúng đang có nhiều vấn đề, các nước châu Á hết sức chú trọng đến việc xây dựng một số rất ít các trường đỉnh cao trong hệ thống giáo dục của họ, nơi được kỳ vọng là sẽ tạo ra những người hàng đầu trong giới tinh hoa, những nhà lãnh đạo chính trị ưu tú, những doanh nhân tài ba, những nhà khoa học xuất sắc.

Theo Altbach: “Chiến lược của các nước châu Á rất khác nhau. Singapore và Hong Kong đã đạt được những thành công rất đáng kể chỉ đơn giản bằng việc xây dựng các trường đại học phương Tây ở châu Á qua việc thuê nhiều giảng viên ngoại quốc, dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy, và sao chép những chuẩn mực phương Tây về tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Hàn Quốc đã hỗ trợ hàng loạt chiến dịch quốc gia nhằm nâng cấp việc nghiên cứu khoa học và đào tạo, chẳng hạn như dự án “Trí tuệ Hàn Quốc”. Đài Loan phần nào dựa vào việc thuyết phục các nhà khoa học người Đài Loan được đào tạo từ phương Tây trở về cố hương để nâng cao chất lượng những trường trọng điểm đang được hỗ trợ ngân sách bổ sung. Singapore có chiến lược mời gọi các trường đại học nước ngoài mở chi nhánh tại Singapore và cho họ nhiều điều kiện khuyến khích về mặt tài chính để thực hiện điều này – tuy rằng hàng loạt chi nhánh như thế đã thất bại. Nỗ lực của Trung Quốc gây ấn tượng nhiều nhất: sự kết hợp các nguồn tài chính to lớn dành cho những trường được xác định là đang hoạt động tốt nhất; và những nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường học thuật kích thích năng suất cao”[2]. Việt Nam cũng đang có kế hoạch đầu tư cho bốn trường được giao nhiệm vụ trở thành “trường đại học kiểu mới” phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trừ Việt Nam là nước mới bắt đầu kế hoạch này, các nước trên đây đã đạt được những thành công hết sức to lớn. Tuy vậy, giáo sư Albach cho rằng, rất có thể là ở Trung Quốc và đâu đó ở châu Á, có một cái “trần thủy tinh” sẽ sớm bị chạm đến. Tài chính và những nguồn lực khác kết hợp với những chiến lược đổi mới có thể tạo ra những tiến bộ chỉ đến thế mà thôi. Những thách thức về văn hóa, khoa học và lịch sử tồn tại dai dẳng có thể làm chậm đi nhiều tiến trình nâng cấp chất lượng các trường đại học châu Á.

Cái “trần thủy tinh” ấy (“glass ceiling”, từ của GS. Altbach – không thể có từ nào hay hơn!) là những rào cản vô hình cản trở việc thực hiện chế độ dùng người chỉ trên cơ sở tài năng và phẩm chất, cản trở sự tự do theo đuổi tri thức bất kể là tri thức ấy sẽ dẫn đến đâu, cản trở tinh thần phản biện, sự độc lập và sáng tạo của người châu Á[3]. Tất cả những nhân tố bị cản trở vừa kể trên đều là bản chất sống còn của các trường đại học hàng đầu thế giới, bất kể là ở châu Âu hay ở Mỹ, ở thế kỷ trước hay thế kỷ này, không có ngoại lệ.

Cần khẳng định rõ một điều là mỗi nước có những bối cảnh và nền tảng văn hóa đặc thù, và có lẽ không có một mô hình cụ thể nào đó có thể áp dụng thành công cho tất cả mọi nơi. Nhưng điều này không phủ nhận rằng có những nguyên tắc bất di bất dịch trong việc tạo nên sự ưu tú trong khoa học và giáo dục. Chừng nào những nguyên tắc ấy không được tuân thủ, thì sự ưu tú vẫn còn bị hạn chế. Vì chúng ta không thể điều khiển hay thay đổi được quy luật. Chúng ta chỉ có thể nhận thức được quy luật và hành động hợp quy luật để đạt kết quả tốt nhất.

Nhưng đó có phải là định mệnh của các nước châu Á? Liệu chúng ta có thể vượt qua được cái “trần thủy tinh” ấy để đạt đến những đỉnh cao trong khoa học mà chúng ta mong muốn? Liệu có con đường nào khác để đi qua cái trần thủy tinh ấy mà không phải phá vỡ nó?

Câu trả lời tất nhiên không đơn giản. Đàng sau câu hỏi này là hàng nghìn năm quân chủ phong kiến, là truyền thống Khổng giáo, là nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Ngay cả khi các nước châu Á chuyển mình thành những nước công nghiệp hóa, thì những truyền thống hàng nghìn năm ấy cũng không thể thay đổi ngày một ngày hai. Câu ngạn ngữ phương Tây thành La Mã không thể chỉ được xây trong một đêm, ngày nay có thể không còn đúng nữa với nghĩa đen, vì với công nghệ hiện đại, những tòa nhà, những thành phố, những công trình trước đây phải mất hàng chục, hàng trăm năm để xây dựng, thì nay rất có thể mọc lên trong một vài ngày. Nhưng câu ngạn ngữ này chắc chắn vẫn còn đúng trong lĩnh vực văn hóa, và nhất là văn hóa học thuật. Sự thay đổi sâu sắc những thành lũy của kinh nghiệm học thuật là một con đường dài, và sự lựa chọn tốc độ đi trên con đường đó phần lớn ở trong tay chúng ta.

Có một quan niệm rất phổ biến cho rằng giáo dục đại học quyết định tăng trưởng kinh tế, nhưng Malcolm McPherson, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Hoa Kỳ, đã chứng minh rằng giáo dục đại học và phát triển kinh tế có mối quan hệ tương thuộc. Điều này nghĩa là không phải chỉ những tiến bộ trong giáo dục đại học có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế, mà sự tăng trưởng kinh tế, đến một lúc nào đó, vừa là sức ép, vừa tạo điều kiện, buộc giáo dục đại học phải thay đổi.

Toàn cầu hóa đang tạo ra áp lực sống còn cho các quốc gia. Trong bối cảnh đó, giáo dục đại học ở các nước đang phát triển chắc chắn sẽ phải thay đổi. Câu hỏi đặt ra chỉ là: chúng ta chọn cho mình nhịp độ nào và sẽ đạt được những thay đổi ấy với giá nào. Tất nhiên, cái giá phải trả không chỉ là tiền. Cái “trần thủy tinh” do con người tạo ra, không phải là một định mệnh bất biến.

 

[1] UNESCO, 2009 Global Education Digest, p. 128-137

[2] Philip Altbach. “Is the Asian Higher Education Century”. Higher Education No 59, 2010.

[3] Thậm chí đến mức đã có cả một cuốn sách nêu vấn đề “Liệu người châu Á có biết suy nghĩ không?” (!!!) (“Can Asian think?” Tác giả: Mahubabani, Kishore Publisher: Times Editions 1998)