HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
– Một số quan sát và khuyến nghị chính sách
Phạm Thị Ly (2015)
(Bài trình bày tại Hội thảo Đổi mới Quản lý GD ĐH trong bối cảnh toàn cầu hóa, do Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 28.11.2015 tại Hà Nội)
Giáo dục đại học (GDĐH) và nghiên cứu khoa học (NCKH) tự bản thân nó đã mang tính chất toàn cầu, vì mục tiêu nhất quán của nó là phát hiện quy luật, tìm kiếm chân lý và sự thật, vừa là để thỏa mãn nhu cầu nhận thức tự nhiên, vừa là để cải thiện năng suất và tăng cường năng lực cạnh tranh. Quy luật, chân lý và sự thật vốn mang tính chất phổ quát, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Tuy vậy, vấn đề hội nhập quốc tế, hay nói cách khác, vấn đề quốc tế hóa GDĐH, hiểu theo nghĩa hẹp như định nghĩa được chấp nhận rộng rãi mà Jane Knight đề xuất[1], thì mới trở thành một trọng tâm trong nghiên cứu về chính sách khoảng một hai thập kỷ gần đây, dưới ảnh hưởng ngày càng mở rộng mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó, các trường ĐH đã tiến từ chỗ là một thực thể độc lập cao độ đến chỗ là một tổ chức mang tính chất tương thuộc cao độ. Hội nhập quốc tế trở thành một đòi hỏi sống còn đối với GDĐH và NCKH. Bài viết này nêu một số nhận định và đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy quốc tế hóa trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước.
Một số quan sát và nhận định chung về hội nhập quốc tế trong GDĐH và NCKH ở Việt Nam
Cần có một đề tài nghiên cứu ở quy mô quốc gia để khảo sát toàn diện và đưa ra số liệu đầy đủ cho thấy thực trạng của việc quốc tế hóa ở các trường ĐH, trong đào tạo và nghiên cứu. Trong khi chờ đợi một công trình nghiêm túc như vậy, bài viết này đưa ra một số nhận xét tạm thời, có thể có ít nhiều chủ quan, dựa trên quan sát của những người có kinh nghiệm trong giới quản lý và nghiên cứu về GDĐH.
Trước hết, nhìn vấn đề hội nhập quốc tế trong chiều dài lịch sử từ khi đất nước thống nhất đến nay, ai cũng phải thấy một sự thay đổi hết sức đáng kể. Từ chỗ hoàn toàn bị cô lập và đóng cửa với thế giới bên ngoài trong giai đoạn từ 1975 đến 1986, các trường ĐH Việt Nam đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội khi đất nước thực hiện đổi mới, công nhận kinh tế nhiều thành phần và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Sự mở cửa về mặt kinh tế dẫn đến đòi hỏi tất yếu về lực lượng lao động có kỹ năng cao, có trình độ ngoại ngữ, có kiến thức về kinh tế thế giới và kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, là những điều một nền GDĐH đóng cửa và bị cô lập không thể đáp ứng được.
Cùng với nhu cầu khách quan nói trên, xu hướng tư nhân hóa, thương mại hóa, thị trường hóa cũng diễn ra từng bước ngày càng rõ rệt trong lĩnh vực GDĐH. Những xu hướng này được củng cố mạnh mẽ hơn bởi trào lưu đại chúng hóa GDĐH trong thập niên 2000 và sự phát triển của kinh tế thị trường nói chung ở Việt Nam. GDĐH xuyên biên giới phát triển đến một mức độ chưa từng có trước đó, trên cả hai phương diện: số lượng các chương trình đào tạo liên kết ngắn hạn và có cấp bằng với các đối tác quốc tế và số lượng sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài. Chưa có số liệu chính thức được công bố về những chương trình đào tạo liên kết nhưng có thể thấy rõ hiện tượng ngày càng nhiều chương trình như vậy được mở ra, nhất là trong ngành quản trị kinh doanh, và dưới nhiều hình thức phong phú. Ngoài du học tự túc, các chương trình học bổng của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cũng rất phong phú. Ở Hoa Kỳ, từ năm 2010 đến nay số lượng sinh viên Việt Nam đứng hàng thứ 8 trong tất cả các nước có sinh viên du học tại Mỹ. Các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên, mời giảng giáo sư quốc tế, các hội thảo với sự tham gia của giới hàn lâm nước ngoài cũng diễn ra ở hầu hết các trường.
Nhiều trường ĐH có những chính sách cụ thể thúc đẩy quá trình quốc tế hóa trong đào tạo: Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH FPT và nhiều trường khác là những trường đi đầu trong việc dùng giáo trình của nước ngoài và bằng tiếng Anh đưa vào giảng dạy. Các trung tâm ngoại ngữ mọc ra như nấm. Tất cả những biểu hiện đó cho thấy một khuôn mặt mới của GDĐH Việt Nam và khác hẳn với thập kỷ trước đổi mới.
Về hoạt động NCKH, nếu như cách đây chừng một thập niên, hầu như không ai biết gì về chỉ số H hay chỉ số trích dẫn, cũng không ai quan tâm đến số lượng hay chất lượng công bố quốc tế, trừ một số rất ít các nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài và vẫn còn giữ mối liên hệ với đồng nghiệp quốc tế, thì nay những khái niệm liên quan đến đánh giá khoa học và trắc lượng thư mục đã trở nên trung tâm của nhiều cuộc thảo luận chung quanh đề tài cải thiện năng lực NCKH của Việt Nam. Hơn thế nữa, nhiều trường, nhiều tổ chức nhà nước bắt đầu coi công bố quốc tế là thước đo để xét thành tích hay tài trợ nghiên cứu. Năng suất nghiên cứu trong mười năm qua tăng đáng kể, và nhiều công trình là kết quả hợp tác với đồng nghiệp quốc tế[2].
Hiển nhiên là những hiện tượng trên đây đã nói lên một số đóng góp quan trọng của GDĐH Việt Nam trong việc đáp ứng với những thay đổi của đời sống kinh tế, và là những bước đi quan trọng, cần thiết và đáng khích lệ hướng về mục tiêu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, những bước phát triển đó đã và đang kèm theo những mặt trái, và những thành tựu đã đạt được không đủ biện minh cho những bất cập của hệ thống GDĐH hiện tại. Vì vậy, để GDĐH Việt Nam tiến lên một giai đoạn phát triển mới về chất lượng, rất cần lùi một bước để nhìn lại, phân tích và đánh giá thực chất những hiện tượng nói trên trong mối tương quan với chính sách, để khơi thông những cản ngại và thúc đẩy sự phát triển.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, đâu là những hạn chế của quá trình hội nhập quốc tế trong hai thập niên qua?
Về giáo dục xuyên biên giới
Nhu cầu học tập của người Việt vốn rất lớn do truyền thống hiếu học và do động lực muốn thay đổi số phận cuộc đời, cùng với sự thiếu lòng tin với hệ thống GDĐH trong nước, là hai nhân tố đã tạo ra một thị trường đầy tiềm năng hứa hẹn cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài.
Trong các đối tác quốc tế đặt chân vào Việt Nam, không phải tất cả đều là những trường có uy tín và tuân thủ các chuẩn mực học thuật nghiêm ngặt trong quá trình đào tạo. Các trường ĐH danh tiếng và có truyền thống lâu đời, những người khổng lồ trong giới GD ĐH quốc tế như Harvard, Yale, Oxford, v.v. cho đến nay vẫn không có ý định đặt chi nhánh hay liên kết đào tạo ở Việt Nam.
Có những chương trình liên kết nghiêm túc, theo mô hình 2+2 hay 3+1, hoặc đào tạo toàn phần tại Việt Nam với toàn bộ chương trình, giáo trình, giảng viên, và đánh giá kết quả do trường đối tác đảm nhiệm hoặc kiểm soát chất lượng. Tuy không được thực sự nghiêm ngặt như ở chính quốc, những chương trình đào tạo này cũng đã thổi một làn gió mới vào GDĐH Việt Nam, giúp cho nhiều sinh viên được tiếp cận với tri thức và phương pháp giảng dạy tiên tiến.
Tuy thế, cũng đã có những chương trình liên kết đào tạo được phát hiện là trường ma, thầy dỏm. Có những trường nước ngoài hầu như chỉ tồn tại trên không gian ảo, mà cũng liên kết được với những trường tên tuổi của Việt Nam[3] thu học phí cao gấp vài chục lần so với trường trong nước và thực hiện một chương trình đào tạo với chất lượng đáng ngờ vực. Tiếng là thầy “ngoại” nhưng sự thực thì ít có giáo sư thực thụ trong chuyên ngành từ chính quốc sang dạy, phần lớn là lực lượng tại chỗ và kiêm nhiệm nhiều môn, tạo thành cảnh chắp vá. Trong nhiều trường hợp, khi người học ở bậc thạc sĩ là những người có kinh nghiệm nghề nghiệp, họ có thể nhận ra và phản ứng vì chất lượng và nội dung giảng dạy không tương xứng với bậc học. Có những chương trình liên kết chỉ trong vài năm sản xuất ra hàng ngàn người có bằng thạc sĩ. Có những người cầm tấm bằng tiến sĩ ngoại nhưng một chữ tiếng Anh không biết. Các nhà kinh doanh giáo dục dày dạn kinh nghiệm ở nước ngoài nắm bắt rất nhanh tâm lý chạy theo bằng cấp của người Việt và khai thác nó bằng nhiều cách, cả những cách “chính thống” lẫn những cách “ma giáo”.
Những hiện tượng tiêu cực nói trên không phủ nhận những thành tựu đạt được của hai thập kỷ hội nhập quốc tế, và là những hiện tượng, những hạn chế dễ thấy. Hạn chế khó thấy hơn, và quan trọng hơn, nằm ở chỗ, chúng ta chỉ “nhập khẩu” một phần những chuẩn mực chất lượng được quốc tế công nhận. Các trường ĐH danh tiếng của phương Tây đã tạo ra nhiều thế hệ những nhà khoa học và những người lãnh đạo xã hội tài ba không chỉ nhờ vào những chương trình giảng dạy kiến thức thuần túy chuyên môn kỹ thuật mà còn do đặt nền tảng trên cơ sở giáo dục khai phóng, một triết lý giáo dục mang lại cho người học một thế giới quan rộng lớn, giúp họ có sự hiểu biết và suy nghĩ thấu đáo về những sức mạnh lịch sử chi phối cuộc sống của con người, giúp họ “có một cái nhìn đánh giá đối với cái cách mà chúng ta tiếp nhận kiến thức, đối với những hiểu biết về tự nhiên, về xã hội và về bản thân chúng ta” (David E. Bloom and Henry Rosovsky, 2003). Đó là những thứ không thể thiếu trong việc xây dựng năng lực đáp ứng với một thế giới đang thay đổi, và đã không được chú trọng đầy đủ trong các chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam.
Về các chương trình sinh hoạt học thuật, trao đổi giảng viên, giao lưu văn hóa
Một phần không thể thiếu trong hội nhập quốc tế là sự tham gia các mạng lưới của giới hàn lâm toàn cầu, vì nó tạo điều kiện cho sự trao đổi ý tưởng và mang lại cơ hội hợp tác. Từ khi đất nước mở cửa, trong vòng hai thập niên vừa qua, số lượng các buổi hội thảo, sinh hoạt học thuật có sự tham gia của giới học giả quốc tế đã tăng một cách ấn tượng ở hầu hết các trường, nhất là những trường lớn. Chủ đề thảo luận rất đa dạng, đặc biệt đáng chú ý là ngoài những hội nghị chuyên ngành hẹp, có những hội thảo về quản trị đại học, về giáo dục quốc tế và so sánh, nơi giới nghiên cứu và quản lý Việt Nam có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của đồng nghiệp quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề chung cho mọi hệ thống.
Những chương trình trao đổi học giả của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ thực hiện, như Chương trình Fulbright của chính phủ Mỹ, Chương trình DAAD của chính phủ Đức, chương trình Endeavor Award của chính phủ Australia, học bổng của các trường ĐH nước ngoài cho giảng viên Việt Nam, các chương trình nghiên cứu của World Bank, của OECD, các hội thảo quốc tế có tài trợ cho diễn giả Việt Nam, v.v. đã mang lại cơ hội cho giới hàn lâm Việt Nam tiếp xúc với dòng chảy tri thức toàn cầu. Hiệu quả của những chương trình này trong việc nâng cao năng lực cho giới nghiên cứu và quản lý Việt Nam là một điều chắc chắn cần phải khẳng định. Có được những hoạt động đó là nhờ chính sách mở cửa và làm bạn với các nước. Nếu so sánh với tình hình những năm 1975- 1986 chúng ta sẽ thấy sự thay đổi này lớn lao đến mức độ nào.
Tuy nhiên, hạn chế của những họat động này là khả năng áp dụng những tri thức mới vào thực tế Việt Nam. Một giáo sư Mỹ có hai mươi năm làm việc ở Việt Nam đã nói rằng ông tiếp xúc với rất nhiều người Việt đi học ở nước ngoài về và đang giữ những chức vụ cao trong hệ thống, và nhận thấy rằng nhiều người trong số họ xử sự và hành động như thể họ chưa từng đi học ở nước ngoài.
Nói cách khác, chúng ta muốn có một trường ĐH theo những chuẩn mực được quốc tế công nhận, nhưng không muốn chấp nhận nền tảng của những chuẩn mực ấy, chẳng khác nào muốn có quả trứng mà không muốn nuôi gà. Hậu quả là chúng ta có những quả trứng bằng nhựa, nhìn rất giống quả trứng thật nhưng không ăn được.
Hợp tác quốc tế trong NCKH
Hợp tác quốc tế trong NCKH ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua đã diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng vẫn chủ yếu là những hợp tác thông qua mạng lưới quan hệ cá nhân hoặc tuyệt đại đa số là thông qua những dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ, và những dự án dựa vào vốn vay. Hiện vẫn còn rất ít những thiết chế hợp tác thực sự giữa các đơn vị, xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả hai phía và có tính chất bền vững, nhất là còn thiếu những hợp tác nghiên cứu có khả năng thương mại hóa và mang lại lợi ích trực tiếp.
Một số nghiên cứu trắc lượng thư mục về kết quả NCKH của Việt Nam cho thấy những bài báo có hợp tác quốc tế thì có số lượng trích dẫn cao hơn nhiều, và tác giả Việt Nam thường không phải là tác giả chính[4]. Điều này nói lên nội lực của NCKH ở Việt Nam còn thấp, và việc hợp tác với đối tác nước ngoài phụ thuộc nhiều vào họ, cả về tài chính lẫn chuyên môn. Mô hình phổ biến là người nghiên cứu trong nước cung cấp dữ liệu hoặc thực nghiệm, đối tác nước ngoài thực hiện thiết kế nghiên cứu và phân tích, và viết bài báo khoa học. Mô hình này có thể xem là phù hợp trong việc xây dựng năng lực NCKH, nhưng nếu thiếu những chính sách khích lệ phù hợp, thì hợp tác quốc tế trong NCKH khó mà vươn ra khỏi mô hình ấy để đạt đến những hình thức hợp tác mới có tính chất bình đẳng hơn và căn cơ hơn, bền vững hơn.
Bối cảnh GDĐH hiện tại và nhu cầu hội nhập quốc tế
Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông đã làm thay đổi rất sâu sắc bối cảnh và cả bản chất của trường ĐH. Lịch sử nhân loại có thể được chia thành bốn kỷ nguyên chính: kỷ nguyên nông nghiệp và du mục trong hàng chục ngàn năm; kỷ nguyên công nghiệp hóa của thế kỷ 18; kỷ nguyên thông tin của thế kỷ 20; còn hiện nay, ở thế kỷ 21, chúng ta đã bước sang kỷ nguyên tri thức (Staron M et al. 2008).
Công nghệ thông tin đã biến thế giới trở thành một ngôi làng toàn cầu, trong đó tính chất tương thuộc của mọi nền kinh tế, mọi quốc gia, mọi tổ chức ngày càng rõ rệt. Cùng lúc đó, kinh tế tri thức đã biến trường ĐH thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Hơn bao giờ hết, trường ĐH có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội ở mọi nước.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi GDĐH trở thành vấn đề nóng bỏng trở đi trở lại trên bàn nghị sự của mọi quốc gia. Tất cả các nước không kể Âu hay Á, giàu hay nghèo, hay đang ở mức độ phát triển nào, hoặc thuộc thể chế chính trị nào, đều đồng loạt nhấn mạnh nhu cầu quốc tế hóa hệ thống GDĐH của nước mình. Đối với những nước phát triển, quốc tế hóa giúp họ tăng cường hiểu biết về các nền văn hóa, tăng cường tác động của họ đối với các nước khác và duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Đối với các nước đang phát triển, quốc tế hóa trở thành vấn đề sống còn, vì nếu họ thất bại trong việc hội nhập vào dòng chảy tri thức toàn cầu thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bị loại khỏi cuộc chơi và trở thành một thứ nô lệ kiểu mới cho những nước giàu mạnh.
Trong lĩnh vực NCKH, tri thức tăng nhanh theo cấp số nhân. Trong mọi lãnh vực, không ai có thể nghiên cứu nghiêm túc mà không dựa trên những thành quả trước đó của người khác, cùng làm việc với người khác, và duy trì truyền thông khoa học với mạng lưới hàn lâm trong chuyên ngành trên phạm vi toàn cầu.
Vì vậy, tăng cường hội nhập quốc tế trong GDĐH và NCKH là vấn đề gần như là đòi hỏi hiển nhiên của thời đại, hơn thế nữa, một xu thế không thể né tránh. Câu hỏi đặt ra không phải là có hay không, mà là như thế nào. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vì hai lý do. Một là truyền thống văn hóa khác biệt. Văn hóa nông nghiệp, phong kiến và tư tưởng đạo Khổng vẫn còn lưu dấu ấn rất đậm nét trong cách suy nghĩ, cách nhận thức về thế giới và cách xử sự của người Việt. Hai là thể chế chính trị khác biệt dẫn tới cơ chế quản lý khác biệt về cơ bản. Đứng trước sự khác biệt nổi bật đó, hội nhập quốc tế là một bài toán rất khó.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Một số nước hay vùng lãnh thổ đã Âu hóa khá thành công như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan hay Hong Kong. Đây là những nước tiêu biểu cho văn hóa Á Đông, khi tiếp nhận văn minh phương Tây, hiện đại hóa nền GDĐH họ cũng gặp những khó khăn do khác biệt về truyền thống văn hóa, và đã vượt qua nó để đạt những thành công ấn tượng, trong lúc vẫn duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Tuy vậy, trường hợp gần gũi nhất với Việt Nam là Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã hiểu rõ nhu cầu phải học hỏi văn minh phương Tây để hiện đại hóa đất nước và cải thiện hệ thống GDĐH. Đứng trước sự khác biệt quá nổi bật về thể chế chính trị, người Trung Quốc từ lâu đã chủ trương “Trung thể Tây dụng” (中体西用) tức là học lấy những tri thức hữu dụng của phương Tây nhưng vẫn giữ lấy những giá trị bản thể cốt lõi của Trung Quốc; đó là ý tưởng của Cai Yuanpei về tự chủ đại học và tự do học thuật. Bởi đó là điều rất khó, nên người Trung Quốc cũng thường dùng thành ngữ “dò đá qua sông” để nói về cách làm theo lối thử nghiệm từng bước của họ. Đại học Thanh Hoa có thể là một minh họa xuất sắc cho lối đi này.
Trong cuốn sách “Tự chủ Đại học, Nhà nước, và những thay đổi xã hội ở Trung Quốc” xuất bản năm 2009, tác giả Su Yan Pan đã cho thấy Đại học Thanh Hoa đã tận dụng những lực lượng thị trường, bối cảnh kinh tế xã hội, xu hướng của GDĐH toàn cầu, và tầm nhìn của những người lãnh đạo quốc gia như thế nào để kiểm nghiệm và nâng dần từng bước mức độ tự chủ của mình, tăng cường sự khoan dung của nhà nước đối với văn hóa và giá trị của phương Tây; nhằm theo đuổi mục tiêu đạt đến địa vị đẳng cấp quốc tế của nhà trường.
Những nỗ lực của Đại học Thanh Hoa cho ta thấy, ngay cả trong một hệ thống xã hội có cơ chế quản lý nhà nước tập trung, quan hệ giữa nhà nước và nhà trường vẫn là một quan hệ hai chiều. Thanh Hoa không chỉ từng bước nới rộng dần tấm thanh chắn về quyền tự chủ, mà còn tác động tích cực làm đổi thay chính sách của nhà nước. Đại học Thanh Hoa đã thuyết phục nhà nước bằng sự thành công của những hành động ít nhiều “vượt rào” của mình. Bằng cách đó, Thanh Hoa đã đóng góp tích cực trong việc đưa nền kinh tế Trung Quốc hội nhập vào thị trường toàn cầu và tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc những năm qua. Thanh Hoa đã không thể làm được điều đó nếu như họ không có khát vọng vươn lên và can đảm theo đuổi những sáng kiến và tầm nhìn của chính họ.
Ở cấp độ hệ thống, Su Yan Pan viết:
“Trong lĩnh vực giáo dục đại học,“vượt sông bằng cách dò dẫm từng hòn đá dưới đáy” miêu tả những thay đổi từ từ từng bước trong quan hệ giữa nhà nước và trường đại học, và những cách tiếp cận thử nghiệm từ cả hai phía, nhà nước và trường đại học, nhằm đáp ứng với những tác động của toàn cầu hóa và cải cách kinh tế trong nước đối với giáo dục đại học. Có thể thấy rõ những điều này trong năm quá trình sau đây: phi tập trung hóa, đặc biệt là trong quản lý và tài chính; thị trường hóa, hay là sự áp dụng cơ chế thị trường trong các trường đại học; tư nhân hóa, thông qua sự phát triển của giáo dục tư; việc ban hành các quy định luật pháp về giáo dục, ở đó luật pháp trở thành “luật chơi mới” trong việc xây dựng chính sách giáo dục; và phong trào giáo dục đẳng cấp quốc tế, nhằm xây dựng những trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế.”
Có thể thấy năm quá trình trên đây cũng là những gì chúng ta đã chứng kiến ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Những dò dẫm của ĐH Thanh Hoa, những trở ngại mà họ phải vượt qua, mức độ thành công mà họ đạt được cho thấy rằng cho dù có những khác biệt lớn lao đến đâu đi nữa về truyền thống văn hóa, nhân tố cốt lõi tạo ra thành công của các trường ĐH trên thế giới vẫn là những giá trị phổ quát, và hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta không chỉ giống như người khác ở bề ngoài, mà đòi hỏi chúng ta phải nói chung một thứ “ngôn ngữ”, chấp nhận chung một luật chơi, hành xử theo một chuẩn mực phổ quát. Chừng nào còn tự coi mình là ngoại lệ[5], chúng ta còn tự tạo ra rào cản cho quá trình hội nhập quốc tế. Phần lớn những khó khăn và rào cản hiện tại là do chính chúng ta tạo ra. Tháo dỡ những khó khăn và rào cản đó là điều không thể thiếu để hệ thống GDĐH đạt được những thành tựu xứng với tiềm năng của nó.
Một số khuyến nghị về chính sách
Một vấn đề chúng ta thường gặp ở Việt Nam trong mọi lãnh vực không riêng với vấn đề hội nhập quốc tế, là khoảng cách giữa chủ trương, đường lối với những chính sách cụ thể và với thực tế.
Trong bối cảnh đó, nhiều nỗ lực có thể được thực hiện ở cấp trường, với một tầm nhìn chiến lược và một năng lực lãnh đạo đủ mạnh. Mặc dù rất cần tiếp tục có những cam kết mạnh mẽ ở cấp quốc gia về việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, các trường cần chủ động nhiều hơn trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược hội nhập quốc tế và thiết lập những chính sách khích lệ cụ thể ở cấp trường để thực hiện kế hoạch ấy.
Xây dựng chiến lược dựa trên tầm nhìn dài hạn
Chiến lược hoạt động của các đơn vị thường được xây dựng theo những mốc thời gian 5 năm hoặc 10 năm, là vì thế giới chúng ta sống đang biến đổi với một tốc độ chưa từng có trước đó. Mạng xã hội và công nghệ truyền thông đã khiến rất nhiều yếu tố trong cách hoạt động của các trường thay đổi nhiều so với cách đây chỉ vài năm. Vì vậy khó mà có thể lên kế hoạch dài hơn 5 năm hay 10 năm. Tuy thế, kế hoạch chiến lược không đơn giản chỉ là bản phác thảo những mong đợi, hay bảng liệt kê những việc cần làm. Nó cần được xây dựng dựa trên một tầm nhìn dài hạn và những giá trị cốt lõi mà nhà trường xem là một thứ DNA của mình. Một tầm nhìn dài hạn không chỉ có nghĩa là dự đoán trước bối cảnh của tương lai 10 năm, 20 năm sau và hình dung xem trường mình, đơn vị mình sẽ đứng ở đâu trong bức tranh 20 năm sau ấy; mà còn có nghĩa là thay vì chỉ nhằm vào những kết quả bề mặt và tức thời, nó nhìn sâu vào những yếu tố tạo ra thành công và kiên trì bồi đắp cho những yếu tố đó nảy nở và phát triển.
Với tầm nhìn đó, hội nhập quốc tế không chỉ là có bao nhiêu bản ghi nhớ được ký, có bao nhiêu sinh viên được gửi đi du học, có bao nhiêu chương trình liên kết được thực hiện, có bao nhiêu bằng thạc sĩ với các đối tác quốc tế được cấp, có bao nhiêu học giả thỉnh giảng được gửi đi hay được nhận, có bao nhiêu hội thảo có sự tham gia của đối tác quốc tế, tuy tất cả những yếu tố đó đều rất quan trọng và rất cần thiết. Điều quan trọng hơn là tất cả những yếu tố đó đã góp phần xây dựng năng lực cho nhà trường như thế nào; giúp nhà trường hướng đến những chuẩn mực chất lượng được quốc tế công nhận như thế nào, và rút cục là đã tạo ra những sinh viên như thế nào cho thị trường lao động toàn cầu và đóng góp như thế nào cho nền kinh tế toàn cầu hóa của đất nước?
Việc trả lời những câu hỏi đó sẽ đặt nhà trường vào một quan điểm rộng lớn hơn và toàn diện hơn, khiến cho quan niệm về “hội nhập quốc tế” mang một chiều kích mới. Hội nhập quốc tế theo quan điểm này sẽ gắn chặt với quá trình quốc tế hóa trên mọi mặt của đời sống đại học, bao gồm cả việc tổ chức và quản trị, lẫn chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.
Xác lập những thước đo và chính sách khích lệ
Những người làm chính sách cần thay đổi tư duy và quan niệm từ chỗ coi làm chính sách là ban hành quy định và luật lệ, trong đó nội dung chủ yếu là đòi hỏi và cấm đoán, đến chỗ coi chính sách chủ yếu là các biện pháp đo lường và khích lệ. Tuy điều này có thể áp dụng cho tất cả mọi lãnh vực, nó vẫn đặc biệt có ý nghĩa cho lãnh vực hội nhập quốc tế.
Hiện nay nhiều trường đã có chính sách khích lệ công bố quốc tế bằng tiền thưởng. Cũng có thể khích lệ bằng hỗ trợ kinh phí tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế và tạo ra nhiều cơ chế để đẩy mạnh trao đổi giảng viên. Cần ghi nhận thành tích của những giảng viên/ nhà nghiên cứu đạt được sự công nhận của giới hàn lâm quốc tế, thông qua những chỉ báo như được mời giảng, được mời báo cáo hội nghị, mời viết sách hay tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế. Những chỉ báo về hội nhập quốc tế như vậy cần được phát triển hoàn thiện và đưa vào bộ công cụ đánh giá chất lượng hoạt động của giảng viên và của các đơn vị. Tuy “không phải cái gì đếm được cũng có ý nghĩa đáng phải tính đếm, và không phải cái gì có ý nghĩa đáng phải tính đếm thì đều có thể đếm được” (“Not everything that can be counted counts, and not everything that counts can be counted.” – Albert Enstein), nhưng chúng ta đều biết một thực tế là những gì không thể đếm hay không được đếm sẽ rất khó quản lý.
Thúc đẩy việc học ngoại ngữ và khuyến khích môi trường học tập đa dạng
Singapore là một đảo quốc rất nhỏ với số dân chỉ bằng một thành phố, nhưng ĐH Quốc gia Singapore là ĐH đẳng cấp quốc tế, còn thành tựu về NCKH của Singapore thì vượt xa tất cả các nước láng giềng. Hong Kong, Đài Loan đều có những bước tiến vượt bậc trong việc hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức trong giảng dạy và giao tiếp chắc chắn có vai trò quan trọng trong những thành tựu mà họ đã đạt được. Vì vậy, đưa ra những khích lệ cho việc học ngoại ngữ là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của các trường. Nhiều trường đã đưa ra chính sách hoàn học phí cho giảng viên khi họ hoàn tất một chương trình ngoại ngữ nâng cao, trả thù lao cao hơn cho những người có thể dùng tiếng Anh để giảng dạy.
Có một điểm cần lưu ý là nhiều tập san khoa học của Việt Nam hiện đang có mục tóm tắt bằng tiếng Anh, hoặc một số trường ĐH có trang tiếng Anh, đang sử dụng một thứ tiếng Anh rất thiếu chuẩn mực, thậm chí có nơi còn dùng cả Google Translate. Điều này chẳng những tổn hại cho uy tín của nhà trường mà về lâu dài sẽ làm lẫn lộn và gây nhiễu chuẩn mực, có hại cho sinh viên. Nhiều trường chưa hiểu tầm quan trọng của việc có một người biên tập bản ngữ có trình độ và chuyên môn để bảo đảm chất lượng mọi văn bản bằng ngoại ngữ và có tính chất chính thống đưa ra bên ngoài. Điều này đặc biệt cần thiết trong giai đoạn đầu của hội nhập quốc tế mà chúng ta đang trải qua.
Một điểm khác cần lưu ý là tạo ra môi trường học tập có tính chất quốc tế. Nhiều trường ĐH nước ngoài cấp học bổng cho sinh viên quốc tế là vì muốn tăng cường một môi trường học tập đa dạng về văn hóa. Trải nghiệm đa văn hóa là điều không thể thiếu để mở rộng tầm nhìn và quan điểm toàn cầu. Ngày càng nhiều công ty đa quốc gia, ngày càng nhiều những dự án nghiên cứu bao gồm nhiều nước tham gia. Kể cả những công ty thông thường cũng sẽ có đối tác từ nhiều nước, vì vậy hiểu biết và trải nghiệm về các nền văn hóa khác là điều quan trọng để tăng cường tính thích ứng với một môi trường ngày càng tăng tính chất toàn cầu.
Có những trường ĐH ngoài nước muốn đưa sinh viên sang giao lưu với sinh viên Việt Nam, nhằm mục đích như đã nói trên, nhưng không phải lúc nào cũng được chào đón, bởi nhiều trường không nhìn thấy hay không coi trọng lợi ích của những hoạt động ấy đối với sinh viên của mình.
Kết luận
Hội nhập quốc tế, một lần nữa cần khẳng định, là xu thế không thể đảo ngược. Một điều đang diễn ra và cần tránh, là hội nhập nửa vời theo lối hình thức, tức chỉ tạo ra vẻ bề ngoài cho giống với các trường ĐH nước ngoài, mà không tính đến những nhân tố cốt lõi đã tạo ra thành công của họ.
Hệ thống nào thì sản phẩm đó. Nếu chúng ta không muốn nuôi gà thì sẽ lại tiếp tục tạo ra những quả trứng bằng nhựa, nhìn thì đẹp nhưng không ăn được. Bởi vậy, hội nhập quốc tế chỉ có thể đạt được kết quả mong muốn khi chúng ta khởi sự từ một quan điểm hệ thống và bắt đầu bằng thay đổi cấu trúc tạo ra sản phẩm. Những điều này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, đòi hỏi sự can đảm và dấn thân của người lãnh đạo.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
Altbach, P. (2004), “Higher Education Crosses Borders”, Change, Vol. 36, No. 2, pp. 18-24.
Altbach, P. and R. Bassett (2004), “The Brain Trade”, Foreign Policy, September- October, pp. 30-31.
Baruch, Y., P. Budhwar and N. Khatri (2007), “Brain Drain: Inclination to Stay Abroad After Studies”, Journal of World Business, Vol. 42, pp. 99-112.
Bennell, P. and T. Pierce (2003), “The Internationalisation of Tertiary Education:Exporting Education to Developing and Transitional Economies”, International Journal of Educational Development, Vol. 23, pp. 215-232.
Bevelander, P. and H. Nielsen (1999), “Declining Employment Assimilation of Immigrants in Sweden: Observed or Unobserved Characteristics?”, CEPR Discussion Paper, No. 2132, Centre for Economic Policy Research, London.
Böhm, A., M. Follari, A. Hewett, S. Jones, N. Kemp and D. Meares (2004), Forecasting International Student Mobility – a UK Perspective, British Council, Universities UK and IDP Education Australia, London.
Bologna Secretariat (1999), Joint Declaration of the European Ministers of Education, 19 June 1999.
Bratsberg, B. and J. Ragan (2002), “The Impact of Host-Country Schooling on Earnings-A Study of Male Immigrants in the United States”, Journal of Human Resources, Vol. 37, pp. 63-105.
Cervantes, M. and D. Guellec (2002), “The Brain Drain: Old Myths, New Realities”, OECD Observer, May 2002.
Clarke, M. (2007), “The Impact of Higher Education Rankings on student Access, Choice, and Opportunity”, Higher Education in Europe, Vol. 32, No. 1, pp. 59-70.
Cobb-Clark, D. (2000), “Do Selection Criteria Make a Difference? Visa Category and the Labour Market Status of Immigrants in Australia”, Economic Record, Vol. 76, pp. 15-31.
De Vita, G. and P. Case (2003), “Rethinking the Internationalisation Agenda in UK Higher Education”, Journal of Further and Higher Education, Vol. 27, No. 4, pp. 383-398.
Dill, D. and M. Soo (2005), “Academic Quality, League Tables, and Public Policy: A Cross-national Analysis of University Rankings”, Higher Education, Vol. 49, pp. 495-533.
Dockery, A., M. Thorpe and P. Haslehurst (1999), “International Students at Curtin University: Their Impact on the Western Australian Economy”, Australasian Journal of Regional Studies, Vol. 5, No. 1, pp. 23-35.
Docquier, F. and A. Marfouk (2004), “Measuring the International Mobility of Skilled Workers (1990-2000): Release 1.0”, World Bank Policy Research Working Paper, No. WPS 3381, Washington, D.C.
Douglass, J. (2006), “The Waning of America’s Higher Education Advantage:International Competitors Are No Longer Number Two and Have Big Plans in the Global Economy”, Center for Studies in Higher Education, Research and Occasional Paper Series, CSHE 9.06.
Dreher, A. and P. Poutvaara (2005), “Student Flows and Migration: An Empirical Analysis”, IZA Discussion Paper Series, No. 1612.
Hoof, H. van (1999), “Why Send Students Abroad? A Comparison of the Opinions of Hospitality Industry Recruiters on International Internships and International Exchange Programs”, FIU Hospitality Review, Vol. 17, No. 1-2, pp. 63-72.
Hoof, H. van and M. Verbeeten (2005), “Wine is for Drinking, Water is for Washing: Student Opinions About International Exchange Programs”, Journal of Studies in International Education, Vol. 9, No. 1, pp. 42-61.
Huang, F. (2006), “Internationalisation of University Curricula in Japan: Major Policies and Practice since the 1980s”, Journal of Studies in International Education, Vol. 10, No. 2, pp. 102-118.
Kim, J. (1998), “Economic Analysis of Foreign Education and Students Abroad”, Journal of Development Economics, Vol. 56, No. 2, pp. 337-365.
Knight, J. (2001), “Issues and Trends in Internationalisation: A Comparative Perspective”, in Bond, S. and J-P. Lemasson (eds.), A New World of Knowledge: Canadian Universities and Globalisation, International Development Research Center, Ottawa.
Knight, J. (2003), “Updated Internationalisation Definition”, International Higher Education, Vol. 33, pp. 2-3.
Knight, J. (2004), “Internationalisation remodelled: Definition, Approaches and Rationales”, Journal of Studies in International Education, Vol. 8, No. 1, pp. 5-31.
Knight, J. and H. de Wit (1997), Internationalisation of Higher Education in Asia Pacific Countries, European Association for International Education, Amsterdam.
Kwiek, M. (2001), “Social and Cultural Dimensions of the Transformation of Higher Education in Central and Eastern Europe”, Higher Education in Europe, Vol. 26, No. 3, pp. 399-410.
Lee, M. (2002), “The Academic Profession in Malaysia and Singapore: Between Bureaucratic and Corporate Cultures”, in P. Altbach (ed.), The Decline of the Guru: The Academic Profession in Developing and Middle-income Countries, Boston College, Chestnut Hill, pp. 141-172.
Lee, J., A. Maldonado-Maldonado and G. Rhoades (2006), “The Political Economy of International Student Flows: Patterns, Ideas, and Propositions”, in J. Smart (ed.), Higher Education: Handbook of Theory and Research, Vol. 21, pp. 545-590.
Lewington, J. (1999), “Canadian Universities are Losing Top Professors to US Institutions”, Chronicle of Higher Education, 17 September 1999.
Lloyd, N. (2003), A Research Study Exploring the Attitudes and Experiences of International Students Enrolled in the Faculty of Engineering, Computing and Mathematics at the University of Western Australia, Unpublished manuscript, Equity and Diversity Office, University of Western Australia.
Marginson, S. (2007), “Global Position and Position-Taking: the Case of Australia”, Journal of Studies in International Education, Vol. 11, No. 1, pp. 5-32.
Marginson, S. and M. van der Wende (2007a), “Globalisation and Higher Education”, OECD Education Working Papers Series, No. 8.
Marginson, S. and M. van der Wende (2007b), “To Rank or to be Ranked: the Impact of Global Rankings in Higher Education”, University of Twente, forthcoming in Journal on Studies in International Education.
McBurnie, G. and C. Ziguras (2001), “The Regulation of Transnational Higher Education in Southeast Asia: Case Studies of Hong Kong, Malaysia and Australia”, Higher Education, Vol. 2, pp. 85-105.
Pimpa, N. (2005), “Marketing Australian Universities to Thai Students”, Journal of Studies in International Education, Vol. 9, No. 2, pp. 137-146.
Pritchard, R. and B. Skinner (2002), “Cross-Cultural Partnerships Between Home and International Students”, Journal of Studies in International Education, Vol. 6, No. 4, pp. 323-354.
Ghi chú:
[1] Knight (2001, 2003) đề xuất phân biệt toàn cầu hóa và quốc tế hóa dù hai từ này thường được dùng thay thế cho nhau. Toàn cầu hóa tác động đến từng quốc gia theo những cách khác nhau do lịch sử, truyền thống, văn hóa và ưu tiên của từng nước rất khác nhau. Ngược lại, quá trình quốc tế hóa của GDĐH là quá trình hội nhập vào những chiều kích liên văn hóa và quốc tế trên toàn cầu làm thay đổi mục đích, chức năng và cách thức giảng dạy của các trường.
[2] Xem Đào Văn Khanh, Phạm Thị Ly, Nguyễn Văn Tuấn (2011 ). Thực trạng nghiên cứu khoa học Việt Nam
[3]Tham khảo: http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/200944/20091101225226.aspx
và http://vnn.vietnamnet.vn/tinnhanh/201007/Vu-tien-si-6-thang-DHQG-Ha-Noi-co-dinh-liu-925587/
[4] Xem Nguyễn Văn Tuấn
[5] Xem thêm bài của Thomas Valleley (2014): Diễn từ nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh.
0 Comments