HỆ THỐNG TÍCH LŨY VÀ CHUYỂN ĐỔI TÍN CHỈ CHÂU ÂU & PHƯƠNG HƯỚNG HỘI NHẬP CỦA VIỆT NAM

Phạm Thị Ly (2009)

Năm 2009 đánh dấu một cột mốc trong quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam, vì theo Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (GATS), ngày 1-1-2009 là thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn nước ngoài hoạt động trong nước. Mức độ cam kết mở cửa sâu và rộng của Việt Nam cùng với xu hướng lưu chuyển ngày càng tăng của giáo dục xuyên biên giới khiến hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dù muốn dù không cũng sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng tăng của giáo dục quốc tế. Thúc đẩy quá trình liên thông giữa các trường, các hệ đào tạo trong nước và tiến đến liên thông với các trường đại học nước ngoài là một chủ trương lớn của nhà nước phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Việc nghiên cứu hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu sẽ mang lại cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở Việt Nam một cái nhìn toàn diện và đi vào cốt lõi của vấn đề nhằm tìm ra những giải pháp thích hợp cho Việt Nam.

Tiến trình Bologna với Hệ thống Tích lũy và Chuyển đổi Tín chỉ Châu Âu

Hệ thống Tích lũy và Chuyển đổi Tín chỉ Châu Âu (European Credit Transfer and Accumulation System-ECTS) là sáng kiến của 40 Bộ trưởng Giáo dục các nước châu Âu được đưa ra tại Hội nghị Bologna năm 1999. Mục tiêu của Tiến trình Bologna là tạo ra một không gian chung cho giáo dục đại học Châu Âu nhằm xây dựng một cơ chế chung, tăng cường sự lưu chuyển của giảng viên và sinh viên, nâng cao sự hợp tác và giao lưu trong lĩnh vực đào tạo đại học giữa các trường trong phạm vi châu Âu. Sáng kiến này được nêu lên trong một văn bản được gọi là Tuyên ngôn Bologna gồm 6 điều khoản và sau đó tại Prague, tháng 5 năm 2001, được bổ sung thêm 3 điều nữa, mà mục tiêu chung là xây dựng hệ thống tín chỉ nhằm đạt được một hệ thống các văn bằng có thể được diễn giải và so sánh với nhau một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho sự lưu chuyển của sinh viên thông qua sự công nhận văn bằng lẫn nhau của các trường, thúc đẩy sự hợp tác của châu Âu trong vấn đề đảm bảo chất lượng và tạo ra một không gian giáo dục đại học chung cho châu Âu.

ECTS là kết quả của Tiến trình Bologna, thông qua cuộc họp hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1999 của Bộ trưởng Giáo dục các nước Châu Âu, mà nội dung chính qua năm lần họp bao gồm các vấn đề có thể tóm tắt như sau:Thông qua một hệ thống văn bằng dễ đọc và có thể so sánh được với nhau, thông qua một hệ thống đào tạo hai vòng: cử nhân và thạc sĩ, xây dựng hệ thống đào tạo theo tín chỉ ECTS với những quy ước chung về thời gian và kết quả học tập.    Thúc đẩy học tập suốt đời. Thúc đẩy kết hợp đào tạo và nghiên cứu ở bậc tiến sĩ, xem xét các chương trình đào tạo tiến sĩ theo hướng đào tạo liên ngành và chú trọng những kỹ năng có thể chuyển đổi giữa các ngành khác nhau. Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học; tạo ra những cách tiếp cận giáo dục linh hoạt; thúc đẩy hoạt động của những tổ chức đảm bảo chất lượng ở Châu Âu.

Cho đến nay ECTS vẫn là hệ thống tín chỉ duy nhất đã được thử nghiệm và áp dụng thành công trên toàn lãnh thổ Châu Âu. Đây là cuộc tái cấu trúc giáo dục đại học lớn nhất từ trước đến nay ở Châu Âu. Hệ thống này đã tạo điều kiện cho sự công nhận thời gian học tập tại nước ngoài và qua đó nâng cao chất lượng cũng như mức độ lưu chuyển của sinh viên ở châu Âu. Gần đây ECTS đang được phát triển trở thành một hệ thống tích lũy tín chỉ để được áp dụng ở cấp trường, cấp khu vực, cấp quốc gia, và ở toàn châu Âu.

Hệ thống Tích lũy và Chuyển đổi Tín chỉ Châu Âu là gì?

Hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu là một hệ thống lấy người học làm trung tâm, dựa trên khối lượng công việc sinh viên được yêu cầu phải thực hiện để hoàn thành mục tiêu của khóa học, những mục tiêu này được cụ thể hóa qua kết quả học tập cần đạt của khóa học và những năng lực mà sinh viên cần thụ đắc sau khóa học.

ECTS dựa trên nguyên tắc coi khối lượng công việc mà một sinh viên học toàn thời gian phải thực hiện trong một năm học có thể đo lường được bằng định mức 60 tín chỉ, tương đương khoảng 1500-1800 giờ mỗi năm và như vậy mỗi tín chỉ tương ứng với 25-30 giờ. Nhưng tín chỉ không phải là một hệ thống tính đếm thời gian, không phải cứ hoàn tất 25-30 giờ học tập là đạt được một tín chỉ, mà tín chỉ trong hệ thống ECTS chỉ có thể đạt được sau khi người học làm tốt những công việc được yêu cầu, và kết quả học tập được đánh giá một cách thích hợp. Vì vậy cốt lõi của việc xây dựng một hệ thống tín chỉ có thể chuyển đổi được lẫn nhau giữa các trường chính là sự thống nhất khi xác định nội dung của những năng lực mà sinh viên cần thụ đắc sau khóa học, những gì sinh viên sẽ biết, sẽ hiểu, và sẽ làm được sau khi hoàn thành một đơn vị trong tiến trình học tập.

Khối lượng công việc của sinh viên trong hệ thống ECTS bao gồm thời gian cần thiết để hòan thành tất cả các hoạt động học tập đã được lên kế hoạch như tham dự bài giảng, tham gia seminar, tự học, chuẩn bị các đề tài/dự án và tham gia thi. Tín chỉ được phân bổ cho tất cả các phần của chương trình học: các mô-đun (module), các môn học (course), thực tập, thực hiện luận văn, v.v. và phản ánh số lượng công việc mỗi phần yêu cầu để đạt được mục tiêu cụ thể của phần ấy trong mối liên hệ với tổng số khối lượng công việc cần thiết để hoàn tất một năm học.

Kết quả học tập của sinh viên được ghi nhận qua hệ thống điểm số của ECTS, được cho theo thang bậc A,B,C,D,E. Thực ra ở Châu Âu có nhiều hệ thống cho điểm khác nhau, vì vậy mà hệ thống điểm số ECTS được xây dựng là nhằm giúp các trường có thể chuyển dịch kết quả học tập của sinh viên ở trường mình sang một trường khác. Điểm số ECTS không nhất thiết thay thế điểm số của sinh viên vốn đã được đánh giá theo hệ thống cho điểm của trường gốc mà họ theo học. Mỗi trường tự quyết định sẽ áp dụng thang điểm của ECTS vào hệ thống của mình như thế nào.

Hiện nay ECTS đang có mối liên hệ với 45 quốc gia, 16 triệu sinh viên và 4000 trường đại học trên toàn thế giới, trong đó có những trường đã có lịch sử hoạt động hơn 800 năm và những trường vừa mới thành lập. Tất cả những trường này đều đồng ý áp dụng những quy tắc chung cho việc cấp bằng, cấp chứng chỉ, công nhận tín chỉ và kết quả học tập của sinh viên ở những trường khác trong hệ thống.

Phương hướng hội nhập ECTS của Việt Nam

         Giáo dục đại học Việt Nam còn một chặng đường dài để tiến đến chỗ được công nhận chuyển đổi tín chỉ với các trường đại học của các quốc gia trong hệ thống ECTS. Câu hỏi về giá trị của các tín chỉ đương nhiên gắn với vấn đề hệ thống bảo đảm chất lượng. Có thể bắt đầu bằng việc so sánh đối chiếu những khả năng đạt được tương ứng với các loại bằng cấp. Bằng cử nhân của hệ thống Châu Âu dựa trên kết quả học tập của sinh viên về các mặt:

  • Những tri thức và sự hiểu biết được xây dựng trong quá trình học tập
  • Khả năng lập luận và giải quyết vấn đề
  • Khả năng thu thập, xử lý và diễn giải thông tin
  • Khả năng giao tiếp với giới chuyên gia và với người nghe thông thường ngoài lãnh vực chuyên môn
  • Những kỹ năng học tập cần thiết để có thể tiến hành những nghiên cứu ở bậc cao hơn một cách chủ động.

Bằng thạc sĩ dựa trên:

  • Tri thức và sự hiểu biết làm tăng cao những gì họ đã đạt được ở bậc cử nhân
  • Khả năng có thể áp dụng tri thức và kỹ năng vào những môi trường mới và không quen thuộc với họ
  • Khả năng kết hợp các tri thức xà xử lý những trường hợp phức tạp
  • Khả năng trình bày các kết luận một cách tuyệt đối rõ ràng, không chút mơ hồ
  • Khả năng tiến hành các nghiên cứu độc lập.

Bằng tiến sĩ dựa trên:

  • Hiểu biết có hệ thống về một lãnh vực tri thức nhất định và làm chủ những phương pháp nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực đó
  • Tự hình dung những vấn đề cần nghiên cứu, có khả năng thiết kế và thực hiện những nghiên cứu quan trọng
  • Có đóng góp cho việc mở rộng biên giới của tri thức
  • Biết phân tích trên tinh thần phản biện, biết đánh giá và tổng hợp những ý tưởng mới mẻ và phức tạp
  • Có khả năng thúc đẩy tiến bộ xã hội về văn hóa hay công nghệ kỹ thuật.

Từ những tiêu chí chung nhất trên đây, cần thực hiện các bước đối sánh (benchmark) trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, tài liệu và phương tiện học tập giữa Việt Nam và các nước để tiến đến chuẩn chất lượng trong đào tạo đại học và sau đại học cho Việt Nam.

Một vấn đề khác cũng cần được đặt ra là ngôn ngữ giảng dạy. Một trong những mục tiêu quan trọng của ECTS là tăng cường sự trao đổi và lưu chuyển giảng viên và sinh viên sẽ không thực hiện được nếu họ không có một ngôn ngữ chung để trao đổi, cho dù họ có cùng một nền tảng tri thức và kỹ năng. Trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ tri thức ngày nay, khó có thể hình dung một nhà khoa học có thể hoạt động trong sự cô lập với giới chuyên môn trên phạm vi quốc tế. Vì vậy trong tương lai Việt Nam sẽ cần có những đơn vị đào tạo sau đại học chất lượng cao với định hướng hội nhập quốc tế và phương tiện giảng dạy là tiếng Anh, vì ngôn ngữ này đã trở thành ngôn ngữ thống trị trong giới học thuật toàn cầu.

Kết luận

Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo là một xu thế tất yếu. Sau nhiều thập kỷ cô lập, Việt Nam cần những nỗ lực lớn lao để chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Xây dựng hệ thống đào tạo theo tín chỉ để thực hiện liên thông là một chủ trương hết sức đúng đắn, tuy nhiên, quá trình này cần gắn với cải cách về hệ thống thi cử và đánh giá chất lượng học tập, gắn với cải cách trong việc xây dựng và thiết kế chương trình. Ở cấp độ sâu hơn, quá trình này cần gắn với việc xác định mục tiêu của giáo dục.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Briller V.(tổng thuật) (2007) Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ Châu Âu. Phạm Thị Ly dịch. Tài liệu tham khảo lớp Tập huấn Đào tạo Theo Tín chỉ do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức tháng 5-2007.
  2. ECTS-European Credit Transfer System. Truy cập tại địa chỉ: http://www.aic.lv/ace/ace_disk/ECTS/Abo_ECTS.htm
  3. ECTS Users Guide. Truy cập tại địa chỉ: hrk.de/de/ download/dateien/ECTSUsersGuide.pdf
  4. ECTS Key Features. Địa chỉ: bologna.msmt.cz/?id
  5. ECTS- Facilitator of Changes. Địa chỉ: seua.am/eng/seminar
  6. The German ECTS Experiences. Địa chỉ: coe.int/t/dg4/ highereducation/EHEA2010/Moscow08/The%20German%20ECTS%20Experience.pdf