GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP ỨNG DỤNG: ĐẶC ĐIỂM, THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG Ở VIỆT NAM
Phạm Thị Ly
Tham luận tại Diễn đàn Quốc gia của Các bên liên quan trong GDĐH, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18.12.2014)
Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) ban hành năm 2012 đã xác định rõ hệ thống GDĐH Việt Nam sẽ được phân tầng theo sứ mạng, bao gồm các trường nghiên cứu, ứng dụng, và thực hành. Trong báo cáo nghiên cứu về Quy hoạch Tổng thể Hệ thống Giáo dục Việt Nam[1], nhóm tư vấn quốc tế cũng đã khuyến nghị rằng các trường nghiên cứu chỉ nên giữ ở quy mô khoảng 5% tổng số sinh viên trong toàn hệ thống. Điều này có nghĩa là đại bộ phận hệ thống sẽ là những trường ứng dụng thực hành. Việc phát triển những tri thức chuyên môn về GDĐH định hướng nghề nghiệp để áp dụng trong quản lý hệ thống, cũng như trong quản lý trường ĐH, theo hướng ứng dụng thực hành, trở thành một nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết; đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam: cho đến nay, đại bộ phận các trường vẫn hoạt động theo lối truyền thống, không có sự phân biệt rõ ràng về sứ mạng và thiếu gắn kết với thế giới việc làm. Bài viết này trình bày những đặc điểm chính của GDĐH nghề nghiệp ứng dụng và bàn về những thách thức cũng như triển vọng cho các trường ĐH thiên về ứng dụng thực hành ở Việt Nam.
Đặc điểm chính của GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng
Vai trò của GDĐH đã và đang thay đổi sâu sắc trong mấy thập kỷ gần đây và ngày càng được nhìn nhận như một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, cũng như cho sự giàu mạnh của cá nhân. Trong khi xu hướng “tháp ngà” mờ nhạt dần, thì tất cả các bên liên quan của GDĐH, bao gồm nhà nước, nhà trường, các doanh nghiệp, và người học, ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường lao động, là nơi mà kết quả đào tạo của nhà trường được thử thách và được chứng minh.
Trường ĐH theo mô hình truyền thống từ thời Humboldt tập trung mạnh mẽ vào hoạt động nghiên cứu nhằm tìm kiếm tri thức mới. Mô hình này ngày nay vẫn tiếp tục được xem trọng và được coi là tối cần thiết cho tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, khi sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức biến tri thức thành một lực lượng sản xuất trực tiếp, vai trò của trường ĐH trở thành đa dạng hơn: nó không chỉ nhằm đào tạo ra những nhà khoa học làm công việc nghiên cứu và khai phá tri thức mới, mà còn cónhiệm vụ chuẩn bị cho một lực lượng lao động trình độ cao,đem lại cho họ những kiến thức và kỹ năng mà thị trường lao động cần đến để họ có thể tham gia vào hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làm việc với chất lượng tốt nhất ngay sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu này khác với mục tiêu của các trường ĐH theo mô hình truyền thống, vì vậy, nó đòi hỏi một cách tiếp cận khác.
GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng (professional oriented higher education – POHE) ra đời và tồn tại song hành với các trường ĐH nghiên cứu, với sứ mệnh đặc thù và những cách tiếp cận đặc thù. Sứ mệnh của các trường trong phân khúc này là tập trung mạnh mẽ vào việc phục vụ thị trường lao động, bao gồm cả thị trường lao động địa phương, thị trường nội địa và quốc tế. Để thực hiện sứ mệnh đó, các trường POHE nhấn mạnh thực hành nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo và nhấn mạnh tính chất ứng dụng trong nghiên cứu.
Đặc trưng của POHE là mối quan hệ chặt chẽ với thế giới việc làm, thể hiện trong toàn bộ hoạt động của nhà trường. Chương trình đào tạo POHE dựa trên hồ sơ năng lực nghề nghiệp, được xây dựng thông qua khảo sát ý kiến của nhà tuyển dụng và nghiên cứu nhu cầu của thế giới việc làm một cách có hệ thống. “Năng lực” ở đây được hiểu là khả năng vận dụng hài hòa kiến thức, kỹ năng và thái độ trong hoạt động nghề nghiệp. Hồ sơ năng lực được chuyển đổi thành một quá trình sư phạm bao gồm nhiều hoạt động dạy và học với những phương pháp phù hợp, ví dụ như dạy học tương tác, nhằm trợ giúp sinh viên đạt được các mục tiêu học tập dự kiến.
Chương trình POHE phản ánh cách tiếp cận tích hợp, trong đó kiến thức lý thuyết kết hợp với thực hành và đào tạo các kỹ năng mềm, tập trung vào thực hành nghề nghiệp của sinh viên. Phương pháp giảng dạy POHE nhấn mạnh sự tương tác và hợp tác, nhấn mạnh kỹ năng làm việc theo nhóm và hoạt động độc lập, như làm đồ án, thực hiện dự án; nhờ đó sinh viên có cơ hội trải nghiệm, phát triển sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm.
Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng nhất quán với mục tiêu của chương trình: không chỉ là đánh giá kiến thức lý thuyết theo lối truyền thống, mà còn đánh giá hợp phần thực tập, tức quá trình thực hành trong thực tế của thế giới việc làm, ví dụ, đánh giá khả năng của sinh viên trong thực hành nghề nghiệp, trong việc sử dụng các công cụ thiết bị đặc trưng của nghề nghiệp, sử dụng phòng thí nghiệm, thiết bị mô phỏng, v.v.
Hoạt động nghiên cứu của POHE tập trung vào các đề tài ứng dụng, chuyển giao công nghệ và cải thiện nghề nghiệp. Các câu hỏi nghiên cứu được hình thành trong mối quan hệ mật thiết với thế giới việc làm. Đồ án tốt nghiệp của sinh viên thường hướng tới giải quyết những vấn đề/bài toán nảy sinh từ thực tế nghề nghiệp.
Những đặc điểm trên đây chỉ có thể thực hiện được trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với thế giới việc làm. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội trong lĩnh vực chuyên ngành có một vai trò hết sức quan trọng đối với POHE. Họ cung cấp thông tin về những bước phát triển mới trong chuyên ngành, giúp nhà trường xây dựng hồ sơ năng lực nghề nghiệp và cập nhật chương trình đào tạo, cung cấp môi trường thực tập, hướng dẫn đồ án, gửi diễn giả đến với các sinh hoạt chuyên môn của nhà trường, hỗ trợ cơ sở vật chất trang thiết bị thực hành, là đối tác của nhà trường trong các hoạt động hướng nghiệp, hội chợ việc làm, tư vấn tuyển sinh, và là nhà tuyển dụng đầy tiềm năng. Họ nêu ra các bài toán cần giải quyết trong hoạt động chuyên ngành, cung cấp kinh phí nghiên cứu để giải quyết những bài toán ấy, qua đó tăng cường năng lực nghiên cứu của nhà trường.
Trong phạm vi nhà trường, các chương trình POHE đòi hỏi một cơ sở vật chất tương thích với nhu cầu thực tập, thực hành và dạy học tương tác; vì vậy, nó đòi hỏi sự phối hợp tham gia tích cực của nhiều bộ phận, phòng ban liên quan, và vì vậy cần có sự lãnh đạo ở cấp cao nhất.
Thách thức và cơ hội
Thách thức trong việc thực hiện chương trình POHE trước hết là vấn đề động lực và sức ỳ trong nhận thức. Với các đặc điểm nêu trên, chương trình POHE có nhiều khác biệt so với nhà trường truyền thống, vốn nhấn mạnh lý thuyết hàn lâm và có ít cơ hội trải nghiệm. Thực hiện cái mới đòi hỏi sự thay đổi, và sự thay đổi không tự nhiên đến, mà phải học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Chừng nào các trường vẫn còn được ngân sách bao cấp với rất ít trách nhiệm giải trình, chừng nào lối dạy chay, chủ yếu đáp ứng nhu cầu bằng cấp của người học vẫn có đất sống, thì chừng đó các trường chưa có động lực thay đổi. Hiện nay, nhu cầu bằng cấp[2] gần như đã bão hòa, thể hiện qua mức độ xuống dốc không phanh của con số sinh viên hệ tại chức. Sau một thời gian tăng trưởng quá nóng về số lượng mà chất lượng không theo kịp, GDĐH Việt Nam đã ở vào một thời điểm mà ai cũng nhận thấy là nhu cầu cải cách đã trở nên hết sức cấp bách. Tình hình cử nhân thất nghiệp[3]; lạm phát bằng cấp; năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực[4]; số người vào ĐH bắt đầu giảm từ ba năm qua cùng lúc với số lượng du học tự túc tăng nhanh[5], là những hiện tượng cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng ĐH đã giảm sút rất nhiều, đòi hỏi các trường phải tự cải thiện.
Đối với các trường công lập, việc mở rộng tự chủ sẽ đặt các trường vào một vị trí năng động hơn, tăng cường sự cạnh tranh có tính chất thị trường hơn; bởi lẽ khi ngân sách nhà nước cấp cho các trường giảm đi, cũng đồng nghĩa với việc nhà trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí nhiều hơn và sẽ phải cạnh tranh để giành sinh viên. Trong lúc đó, chính sách với trường ngoài công lập vẫn còn nhiều bất cập và chưa tạo điều kiện cho việc xây dựng tầm nhìn dài hạn. Trường ngoài công lập vốn đã khó khăn, nay càng thêm khó trong bối cảnh trường công được mở rộng tự chủ, nghĩa là có thêm lợi thế cạnh tranh. Trong tương lai không xa chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường tư không thể tồn tại nổi và sẽ phải đóng cửa hay sáp nhập, vì không tuyển sinh được.
Tình hình đó đòi hỏi tất cả các trường phải chủ động thay đổi, cả trường công lẫn trường tư. Đặc biệt là chủ trương phân tầng sắp tới của nhà nước sẽ đặt các trường vào một vị thế bắt buộc phải lựa chọn một hướng đi và hành động nhất quán với sứ mệnh của mình. Lối nghĩ đặt nặng thành tích nghiên cứu và coi thành tích nghiên cứu là “đẳng cấp” của nhà trường vẫn rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhưng cũng đang có một xu hướng khác, tiệm tiến nhưng không kém phần mạnh mẽ, nhấn mạnh tính thiết yếu của nhà trường đối với xã hội (John Douglass, 2014) thay cho những con số ấn phẩm.
Trong xu thế đó, GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng là một lối thoát. Nó cung cấp cho các trường một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được ở các nước cũng như ở 8 trường ĐH ở Việt Nam trong giai đoạn thí điểm, để cải thiện chương trình đào tạo, hoạt động dạy và học của mình. Những phân tích trên đây cho thấy, nó đặc biệt phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, là lúc mà nhu cầu cấp bách nhất là nâng cao năng suất lao động của người dân.
Triển vọng tương lai và các khuyến nghị chính sách
GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng là một xu hướng đã có chỗ đứng vững chắc ở Hà Lan, Ba Lan và nhiều nước khác ở châu Âu. Tuy không có một định nghĩa rõ ràng và được công nhận rộng rãi về thuật ngữ “GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng”(Stefan Delplace, 2013), nhìn chung người ta coi nó là một phần của hệ thống GDĐH nhấn mạnh việc phát triển các kỹ năng thực hành nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, đối lập ít nhiều với xu hướng “hàn lâm” tức nhấn mạnh lý thuyết của các trường ĐH nghiên cứu theo lối truyền thống. Cho đến nay, các trường này vẫn bị coi là các trường “hạng hai”. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế trong thập niên qua đã đặt nhiều trường và nhiều người vào một tình thế khó khăn, khiến khả năng tìm được việc làm (vốn gắn với kỹ năng thực hành và những năng lực có được thông qua trải nghiệm) trở thành ưu tiên số một.
Giới hàn lâm châu Âu thoạt đầu miễn cưỡng áp dụng cách tiếp cận này, nhưng tính chất “có lý” của nó ngày càng trở nên rõ ràng và vững chắc. Ngày càng nhiều trường, kể cả các trường ĐH nghiên cứu, vận dụng những ý tưởng và cách làm của POHE, khiến cho ranh giới giữa những chương trình đào tạo “hàn lâm” và chương trình “POHE” đang mờ đi. Lưu ý rằng luôn có chỗ cho những học phần “tổng quát” trong các chương trình đào tạo POHE, chính những học phần này khiến POHE vẫn thuộc về khu vực đại học chứ không phải là trường dạy nghề. Bản thân chương trình đào tạo POHE cũng diễn tiến theo hướng kết hợp việc huấn luyện kỹ năng chuyên môn với những kỹ năng tổng quát do bản chất của nó là nhằm vào kết quả đầu ra, mà tiêu chuẩn của kết quả đầu ra này được xây dựng dựa trên hồ sơ năng lực nghề nghiệp trong đó có chứa đựng các kỹ năng tổng quát.
Để GDĐH nghề nghiệp phát huy tác dụng của nó trong quá trình tái cấu trúc hệ thống, có một số vấn đề chính sách cần được lưu ý.
Vấn đề bằng cấp POHE trong khung văn bằng quốc gia
Ở nhiều nước có một khu vực giao nhau giữa GDĐH và đào tạo nghề. Khái niệm Trường ĐH ngày nay bao hàm một ngoại diên khá rộng từ những trường “tháp ngà” theo tinh thần Humboldt cho tới những trường ĐH “định hướng kinh doanh”, trong đó có cả những trường được gọi là “song đôi” (‘dual universities’) ở Đức, một mô hình pha trộn giữa quyền sở hữu của nhà nước ở trường công, với sự tham gia quản lý sâu của các công tư tư nhân trong việc điều hành phương diện kỹ thuật hay chuyên ngành của hoạt động đào tạo, một mô hình đối tác công tư nhằm chia sẻ trách nhiệm.
Hiện nay ở một số nước đang có sự phân biệt giữa bằng ‘cử nhân hàn lâm”(“academic bachelor”) và “cử nhân nghề nghiệp- ứng dụng” (“professional bachelor”), tuy được xếp loại ngang nhau trong khung văn bằng quốc gia, nhưng không hoàn toàn tương thích khi tiếp tục bậc thạc sĩ, vì người có loại bằng thứ hai cần trải qua một khóa học bổ sung mới được tiếp nhận vào bậc cao học. Khái niệm “định hướng nghề nghiệp ứng dụng” trở nên hiếm thấy trong bậc cao học, và hoàn toàn không tồn tại trong bậc tiến sĩ (Stefan, 2013).
Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng cần xây dựng cả văn bằng thạc sĩ và tiến sĩ theo con đường định hướng nghề nghiệp ứng dụng, như Tuyên bố của một nhóm các trường định hướng nghề nghiệp – ứng dụng của Đan mạch, Đức, Ireland, Hà Lan, Áo, Phần Lan, và Thụy Sĩ đã nêu. Các trường này cho rằng cần tạo ra sự công nhận đầy đủ đối với chương trình POHE và không giới hạn chỉ ở bậc cử nhân. Bởi lẽ các trường ứng dụng thực hành vẫn có hoạt động nghiên cứu, nhưng đặc điểm của họ là những nghiên cứu này mang tính chất ứng dụng và gắn chặt với nhu cầu của thị trường. Ở bậc cao học, các trường ứng dụng có thể mang lại kiến thức cập nhật cho giới quản lý và giới chuyên môn cấp trung trong các lĩnh vực chuyên ngành, vì vậy chương trình này có những nét đặc thù so với các chương trình cao học có tính hàn lâm truyền thống, và cần được tôn trọng một cách bình đẳng. Ở bậc tiến sĩ, xu hướng ứng dụng nghề nghiệp cũng có những đóng góp đặc thù. Anh, và một vài nước khác bên ngoài Châu Âu đang đào tạo tiến sĩ trong những lĩnh vực chuyên ngành rất hẹp, gắn với một khu vực cụ thể trong thị trường lao động. Những chương trình này mang tính chất nghề nghiệp ứng dụng rất rõ ràng và kinh nghiệm này cần được phân tích để mở rộng cho các hệ thống GDĐH khác.
Tuyên bố của Hội nghị Bộ Trưởng Giáo dục các nước Châu Âu về việc cải thiện Tiến trình Bologna sau năm 2010, đã khẳng định những giá trị mà GDĐH định hướng mang lại như nhấn mạnh sự tham gia của các bên liên quan, coi trọng vai trò trung tâm của người học và hướng tới kết quả đầu ra, đồng thời nêu rõ các nước tham gia Tiến trình Bologna cần mở rộng khung bằng cấp quốc gia nhất quán với chuẩn chung châu Âu, bao gồm cả học tập suốt đời, và dựa trên kết quả đầu ra. Bản Tuyên bố cũng nêu ra khả năng xây dựng Khung bằng cấp cho từng loại hình, vì nó sẽ bảo đảm cho sự tham gia của các bên liên quan trong mỗi loại hình cụ thể.
Xây dựng khung bảo đảm chất lượng phù hợp với từng loại hình
Cần có tiêu chí kiểm định chất lượng khác nhau cho các trường ĐH (hoặc các chương trình đào tạo) có tính chất nghiên cứu hàn lâm và các trường ĐH (hoặc các chương trình đào tạo) nghề nghiệp – ứng dụng. Điều này đặc biệt quan trọng để tạo ra sự công nhận đối với bản chất và kết quả thực sự mà các trường ĐH định hướng nghề nghiệp – ứng dụng tạo ra. Không có lý gì dùng số lượng công bố khoa học để đo kết quả hoạt động của các trường ĐH định hướng nghề nghiệp – ứng dụng, và điều này không có nghĩa là các trường ĐH định hướng nghề nghiệp – ứng dụng kém cỏi hơn. Thay vào đó cần phải đo kết quả hoạt động của các trường này bằng số lượng bằng sáng chế, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sự gắn kết với thế giới việc làm, những đóng góp cụ thể cho sự phát triển của cộng đồng địa phương, chất lượng các kỳ thực tập, khả năng kiếm được việc làm, sự hài lòng của cựu sinh viên và các nhà tuyển dụng[6].
Tuyên bố của Hội nghị các Bộ Trưởng Châu Âu nêu trên cũng nhấn mạnh rằng bộ khung Bảo đảm Chất lượng cần được xây dựng dựa trên tinh thần chia sẻ những giá trị và nguyên tắc chung, dựa trên lòng tin và sự thúc đẩy văn hóa chất lượng thay vì nhằm tới những cơ chế kiểm soát.
Đối với Việt Nam, triển vọng phát triển của POHE rất lớn, đặc biệt là trong bước ngoặt cải cách và tái cấu trúc hệ thống. Khi thị trường bằng cấp đã bão hòa và bằng đại học đã gần mất hết giá trị, chỉ những trường ĐH chứng minh được ý nghĩa thiết yếu của mình đối với người học và đối với xã hội là có thể tồn tại và lớn mạnh. Định hướng nghề nghiệp ứng dụng, với đặc trưng của nó là nối kết chặt chẽ với thế giới việc làm, gắn bó với thị trường lao động và nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, sẽ là một hướng đi bảo đảm cho sự sống còn của các trường.
Tài liệu tham khảo
Declaration on professional oriented higher education.To the ministers of Higher Education, present in Bergen (Norway).Truy cập ngày 8 tháng 12.2014:
www.aic.lv/bolona/Bologna/contrib/Statem…/decl_on_prof_educ.pdf
EURASHE(2013).Moving Professional Higher Education into‘Bologna post 2010’EURASHE statement for the Leuven / Louvain-la-NeuveMinisterial conference. Truy cập ngày 8 tháng 12.2014: http://www.ehea.info/Uploads/LEUVEN/EURASHE_Statement_Leuven_22April_final.pdf
John A. Douglass (2014). Đại học hoa tiêu, một đề xuất thử nghiệm từ thứ hạng cao trở thành có ý nghĩa thiết yếu cho xã hội. Người dịch: Phạm Thị Ly. Bản tin Giáo dục Quốc tế Nguyễn Tất Thành số 14-2014. Tia Sáng 2-2014.
Stefan Delplace (2013). Harmonising the Approaches to professional Higher Education in Europe. http://www.eurashe.eu/projects/haphe/
Mười đặc điểm của POHE.http://pohevn.grou.ps/
Phụ lục: Xu hướng tuyển sinh những năm gần đây:
Bảng 1: Số lượng sinh viên ĐH-CĐ trong cả nước từ 2001-2013.
Nguồn: MOET (2013)
Bảng 2. Số lượng sinh viên Việt Nam đi du học ngoài nước 2009-2013
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2013)
[1]Do GS. Martin Hayden làm trưởng nhóm, thực hiện trong khuôn khổ Dự án GDĐH 2 của Ngân hàng Thế giới.Bản báo cáo này đã hoàn thành năm 2012 và là cơ sở cho chủ trương phân tầng hiện nay.Xem: “Master Plan for Higher Education System in Vietnam”, trang 30.
[2]Ý nói bằng cấp thuần túy không cần gắn với thực học.
[3]Số liệu điều tra về lao động – việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy Quý 3 năm 2014 có 174.000 người thất nghiệp.
[4]Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (2014). Báo cáo “Thế giới Việc làm 2014: Phát triển với việc làm”.
[5]Xem phụ lục 1: Xu hướng tuyển sinh trong mấy năm gần đây.
[6]Xem thêm: Phạm Thị Ly (2013).GDĐHHà Lan với các trường đại học ứng dụng:
kinh nghiệm cho việc xây dựng hệ thống phân tầng ở Việt Nam.
0 Comments