Phạm Thị Ly
Có thể dễ dàng nhận thấy một điểm chung giữa các nước đang phát triển khi họ bước vào thời kỳ thịnh vượng sau giai đoạn cất cánh về kinh tế, là những tham vọng lớn lao của họ về giáo dục và văn hóa, trong đó có cuộc tìm kiếm con đường đưa những trường đại học đang có lên vị trí “đẳng cấp quốc tế”, hoặc xây dựng mới những trường đại học đẳng cấp quốc tế (world class university- WCU). Trung Quốc (TQ) là một điển hình hết sức đáng chú ý đối với Việt nam, do vai trò đặc biệt của TQ trên thế giới, do sự gần gũi về đặc điểm văn hóa và nhất là chính trị. Bài viết này trình bày tóm tắt quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT) của TQ, kết quả của những kế hoạch và nỗ lực ấy, đồng thời thử tìm cách lý giải nguyên nhân. Trong một bài viết khác, chúng tôi đã nêu lên mô hình ngũ giác bao hàm năm yếu tố cơ bản tạo nên đặc điểm của một trường đại học: những giá trị văn hóa tinh thần, cơ cấu tổ chức và quản trị, nguồn lực, các hoạt động và các thành quả. Con đường xây dựng các ĐHĐCQT của TQ tiêu biểu cho sự lựa chọn nhấn mạnh ba yếu tố sau, tương tự như con đường mà Việt Nam đang đi trong thời gian vừa qua. Do vậy tìm hiểu bài học TQ là một việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng trường ĐH đạt chuẩn mực quốc tế cho Việt nam.
Về quá trình xây dựng ĐHĐCQT của TQ
Vấn đề ĐHĐCQT trong chiến lược phát triển giáo dục đại học của nhà nước TQ
Không thể phủ nhận quyết tâm hết sức lớn lao của nhà nước TQ trong việc chủ trương đưa một số trường đại học TQ vào danh sách các đại học hàng đầu thế giới. Họ coi đó là một chiến lược phát triển quốc gia, và điều này thể hiện rõ trước hết trong chính sách của nhà nước TQ đối với giáo dục đại học.
Về mặt chính sách, nhà nước TQ coi giáo dục đại học là một bộ phận không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa TQ. Mọi kế hoạch phát triển của nhà nước đều nhấn mạnh đến giáo dục ở mọi cấp, từ phổ cập giáo dục tiểu học toàn quốc đến việc xây dựng ĐHĐCQT như là đỉnh cao của hệ thống giáo dục. TQ muốn cạnh tranh với toàn thế giới trong nhiều lãnh vực, và giáo dục đại học là lãnh vực duy nhất mà tiêu chuẩn quốc tế được chính thức dùng làm thước đo cho những thành công ở trong nước.
Ngay từ thập niên 50, TQ đã có chính sách đầu tư đặc biệt cho một số trường trọng điểm, và từ giữa thập kỷ 90, khi Giang Trạch Dân, sau đó là lãnh đạo của TQ, chính thức nêu rõ quyết tâm chuyển biến các trường đại học TQ, ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi trong vòng vài năm, lên tới 10,4 tỷ đô la Mỹ trong năm 2003. Từ những năm 90, TQ bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng 100 trường đại học chất lượng cao trước khi bước sang thế kỷ 21, với một kế hoạch được gọi là Dự án 211. Dự án này hiện nay đang bước sang giai đoạn 3. Năm 1998 tại lễ kỷ niệm 100 năm Đại học Bắc Kinh, chủ tịch nước tuyên bố TQ cần có những trường đẳng cấp quốc tế, ngay sau đó Dự án 985 ra đời nhằm thực hiện chủ trương này. Năm 2005, sau Hội nghị Quốc tế về ĐHĐCQT do Đại học Giao thông Thượng Hải đăng cai tổ chức, Dự án 111 ra đời để khắc phục chỗ yếu của các trường đại học tinh hoa ở TQ nhằm nhanh chóng đạt vị trí “đẳng cấp quốc tế”. Nếu như 211 và 985 nhằm nâng cao nguồn lực tài chính để trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu tối tân cho các trường, thì Dự án 111 chủ yếu để “mua” các tài năng từ nước ngoài đem về các trường đại học TQ nhằm tăng nhanh số lượng công bố khoa học và thành tích nghiên cứu. Các sáng kiến này chủ yếu nhằm vào các trường hàng đầu với mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu để thực hiện tham vọng của TQ trong việc giành ngôi vị đẳng cấp quốc tế. Nhiều lần các quan chức chính phủ đã phát biểu một cách hiển ngôn niềm hy vọng sẽ đưa một loạt các trường đại học TQ vào hàng ngũ ĐHĐCQT trước năm 2020.
Để thực hiện chính sách ấy, nhà nước TQ đã chi những khoản tiền khổng lồ cho giáo dục đại học so với tương quan GDP của họ. Từ những năm 50, đã có những trường được coi là “đại học trọng điểm quốc gia” (national key universities). Năm 1954 có 6 trường được gọi là đại học trọng điểm quốc gia, đến năm 1959 thêm 16 trường và 44 trường tính đến năm 1960, rồi một lần nữa danh sách này được bổ sung thêm 4 trường trong năm 1963. Sau cuộc Cách mạng Văn hóa, các trường đại học trọng điểm quốc gia được đặt tên lại, thêm nhiều trường được bổ sung vào danh sách này, tính đến năm 1981, có tất cả là 96 trường như vậy. Các trường trọng điểm quốc gia này được ưu tiên hơn những trường khác trong các chính sách về tài chính.
Chính sách đầu tư trọng điểm này vẫn tiếp tục và càng lúc càng tăng cường độ. Từ năm 1984, 10 trường đại học được cung cấp tài chính bổ sung từ Dự án Trọng điểm Quốc gia (tức Dự án 211) là: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Giao thông, Đại học Bách khoa TQ, Đại học Y khoa Bắc Kinh, Đại học Remin, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Nông nghiệp TQ. Trong những năm cuối của thập kỷ 80, 416 chương trình trọng điểm quốc gia ở 107 trường đã được chọn để hỗ trợ tài chính bổ sung như một phần nội dung của Dự án 211.
Để thực hiện dự án này, trước hết nhà nước Trung Quốc đầu tư 400 triệu nhân dân tệ (khoảng 50 triệu USD) cho những trường được chọn lựa để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đồng thời chính quyền địa phương cũng được yêu cầu cung cấp hỗ trợ tài chính cho những trường này. Chẳng hạn, chính quyền đặc khu Thượng Hải đã đóng góp cho Đại học Phúc Đán và Đại học Giao thông Thượng Hải mỗi trường 120 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) năm 1995 để nâng cao chất lượng dạy học và điều kiện nghiên cứu ở cả hai trường. Điều này chứng tỏ mong muốn của các chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các trường đại học hàng đầu nằm trong khu vực địa phương của mình.
Đến năm 1998, khi Dự án 985 ra đời, chỉ 38 trường được hưởng nguồn tài chính từ dự án này. Đại học Bắc Kinh, Đại học Triết giang, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Nam Kinh, Đại học Bách khoa TQ, Đại học Giao thông Xi’an và Viện Kỹ thuật Harbin là 9 trường đứng hàng đầu trong những trường được sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất của Dự án 985[1]. Dự án này cung cấp cho Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, hai trường trọng điểm hàng đầu của Trung Quốc một ngân sách trọn gói trong ba năm là 1,8 tỷ nhân dân tệ (234 triệu USD) mỗi trường như một khoản tài trợ đặc biệt nhằm xây dựng ĐHĐCQT. Chính sách tài chính này khiến hệ thống giáo dục đại học TQ phân hóa rõ rệt: chỉ vài mươi trường tinh hoa đang khao khát đạt tới vị trí đẳng cấp quốc tế, và được nhà nước đầu tư rất mạnh, trong lúc phần lớn sinh viên phải theo học ở những trường đại học cấp tỉnh ở địa phương, các cơ sở giáo dục cho người lớn, đào tạo từ xa qua mạng internet, và mới đây là các đại học tư, là những trường bị buộc phải xoay trở để tìm nguồn tài chính mà tồn tại. Mong muốn của TQ trở thành đủ sức cạnh tranh với cả thế giới trong nghiên cứu và đào tạo chỉ giới hạn trong một vài trường hàng đầu, kết quả của chiến lược “nhà nghèo, con đông”: nhà nước chỉ tập trung cho những mũi nhọn với hy vọng tạo được sức mạnh đột phá về thành tích.
Tuy vậy, ngay cả những trường tốt nhất mặc dù đang nhận những khoản tài trợ đặc biệt từ Dự án 985 về xây dựng ĐHĐCQT, cũng phải tìm kiếm những nguồn tài chính phi chính phủ cho ngân quỹ hoạt động hàng năm của họ. Những nguồn tài chính hỗ trợ khác gồm có các tài trợ nghiên cứu của Quỹ Tài trợ Khoa học Quốc gia TQ và Quỹ Tài trợ Khoa học Xã hội, mặc dù mức tài trợ của những quỹ này thấp hơn nhiều so với những tổ chức chính phủ ở Mỹ. Các trường đại học cũng phải tìm kiếm sự hợp tác hỗ trợ của các doanh nghiệp hoặc tổ chức cộng đồng ở địa phương để thực hiện những nghiên cứu ứng dụng cũng như những chương trình giáo dục và đào tạo. Cạnh tranh giữa các trường trong lĩnh vực này khá quyết liệt. Mặc dù nguồn hỗ trợ tài chính dành cho các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ đã tăng rất đáng kể từ năm 1999, ngân sách hoạt động hàng năm của họ vẫn nhỏ hơn nhiều so với các trường ĐHĐCQT của phương Tây (ngân sách của Harvard năm 2008 là 2,996 tỷ USD![2])
Không chỉ đầu tư mạnh về tài chính, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường, về mặt tổ chức, nhà nước TQ đã tiến hành những cải tổ quan trọng. Trong những năm 50, TQ theo mô hình trường đại học chuyên ngành của Xô viết. Vì hầu hết các trường ĐHĐCQT đều là các trường tổng hợp và bao gồm nhiều chuyên ngành, chính phủ TQ đã thực hiện tái cấu trúc các trường đại học và coi đó như một nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả của các trường và phục vụ cho việc đầu tư trọng điểm để xây dựng những trường ĐHĐCQT. Từ năm 1992, đã có hơn 200 trường đại học chuyên ngành được sáp nhập lại thành các trường đại học tổng hợp và đa ngành. Trong quá trình tái cấu trúc, hầu hết các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ đều giành được một trường chuyên ngành có chất lượng đỉnh cao như trường y hay một số trường chuyên ngành hẹp khác. Chẳng hạn, Đại học Y khoa Bắc Kinh đã được sáp nhập vào Đại học Bắc Kinh, Đại học Mỹ Thuật Quốc gia đã được sáp nhập vào Đại học Thanh Hoa.
Bên cạnh việc tái cấu trúc, một nỗ lực đáng chú ý của nhà nước TQ là việc tiến hành xếp hạng các trường đại học, bao gồm cả xếp hạng quốc gia và xếp hạng quốc tế. Xuất phát điểm của chủ trương này là ý muốn xác định khoảng cách giữa các trường đại học TQ và các trường ĐHĐCQT và tìm hiểu những nhân tố nào đưa một trường đại học lên hàng đẳng cấp quốc tế. Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học của Đại học Giao thông Thượng Hải đã tiến hành thu thập dữ liệu của 500 trường đại học trên toàn thế giới theo những tiêu chí xác định, có thể xác minh được, và tiến hành xếp hạng. Bảng xếp hạng này trở thành rất nổi tiếng và được coi là một trong hai hệ thống xếp hạng quốc tế được biết đến rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Năm 2005 họ đã đưa ra một danh sách xếp hạng hầu như hoàn toàn dựa trên những sản phẩm và kết quả nghiên cứu của các trường. TQ cũng đứng ra tổ chức Hội thảo Quốc tế về ĐHĐCQT năm 2005 tập hợp hàng trăm nhà khoa học trên toàn thế giới để bàn về chủ đề này.
Ngoài xếp hạng quốc tế, TQ còn thực hiện xếp hạng quốc gia. Từ giữa thập kỷ 90, việc xếp hạng các trường đại học trở thành một hiện tượng phổ biến ở TQ. Có năm chương trình xếp hạng có ảnh hưởng mạnh, trong đó có 4 là xếp hạng trường. Kết quả xếp hạng được coi là một nguồn thông tin quan trọng đối với sinh viên và phụ huynh. Các trường đại học và chính phủ cũng hết sức quan tâm chú ý tới việc xếp hạng. Dù vẫn còn nhiều trở ngại trong vấn đề xếp hạng các trường đại học ở TQ, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới sự sẵn sàng và độ tin cậy của dữ liệu, kết quả xếp hạng cũng đem lại cho sinh viên một ý niệm đại khái về địa vị của mỗi trường đại học.
Về mặt quản lý, Bộ Giáo dục TQ tuy đã giảm bớt mức độ kiểm soát so với cái thời hoạt động trong một xã hội được điều khiển bằng mệnh lệnh như trước đây, nhưng vẫn giữ quyền quản lý đối với những nhân tố chính của giáo dục đại học, như giảng viên và số lượng sinh viên mỗi ngành học, mức thu học phí, việc bổ nhiệm các chức vụ quản lý lãnh đạo cao cấp. Tuy vậy, trong bộ khung hành chính quan liêu này, các trường đại học cũng có quyền tự chủ nhiều hơn trong việc quyết định nội dung chương trình đào tạo, thành lập những viện nghiên cứu mới, thay đổi cơ cấu tổ chức nhà trường, và xác lập những ưu tiên về tài chính.
Chiến lược xây dựng trường ĐHĐCQT của các trường đại học TQ
Tuyển dụng nhân sự trên phạm vi toàn cầu và tăng cường quốc tế hóa
Các trường đại học TQ hiểu rõ con người là nhân tố quyết định cho thành công của một trường đại học. Họ không có đủ sức mạnh tài chính để lôi cuốn được những giáo sư đẳng cấp quốc tế với số lượng đủ để đảm bảo cho hoạt động của một trường, thay vào đó, họ có chủ trương rất rõ ràng nhằm thu hút những trí thức Hoa kiều và những người TQ được đào tạo từ các nước phương Tây.
Các trường đại học ở Bắc Kinh và Thượng Hải đặc biệt thành công trong việc thu hút những người học ở nước ngoài trở về nhận những vị trí nghiên cứu và giảng dạy. Những người này có khi trở về ở hẳn TQ, có khi họ thương lượng một chế độ qua lại thường xuyên cho phép họ duy trì cương vị của họ ở phương Tây trong lúc bỏ ra nhiều tháng mỗi năm làm việc tại TQ. Các trường đại học TQ đang trả một mức lương cạnh tranh để những người TQ được đào tạo ở phương Tây có thể có nhà ở, xe cộ, những phương tiện văn hóa và trường học tốt cho con cái họ, để trở về TQ không còn là một sự hy sinh như trong quá khứ. Một trưởng khoa luật ở một trường đại học hàng đầu của TQ đã được trả một mức lương khó tin: 625.000 đô la Mỹ một năm[3].
Mặc dù chi phí của các đại học TQ tăng cao vì mức lương của những người trở về này phải đủ sức cạnh tranh quốc tế, trong những lĩnh vực được ưu tiên cao (đặc biệt là trong khoa học và kỹ thuật), sự đầu tư này được coi là thiết yếu để tạo ra những chương trình giảng dạy và nghiên cứu với những phương pháp và lý thuyết tối tân nhất. Thêm vào đó, cơ sở vật chất mới cũng tạo điều kiện cho các trường đại học TQ tuyển mộ giảng viên và cán bộ nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu, nhất là các khoa học gia người TQ có bằng tiến sĩ ở châu Âu. Mục tiêu của TQ là tự lực và tăng sức cạnh tranh dài hạn, cho nên dùng những người trở về này thay cho các chuyên gia nước ngoài là hết sức phù hợp.
Để tăng cường tính chất quốc tế hóa, TQ cũng đang nỗ lực để thu hút sinh viên nước ngoài, thường là từ các quốc gia châu Á, chứ không chỉ quan tâm đến việc gửi nhân tài của họ sang phương Tây. Họ đặt ra mục tiêu 100,000 sinh viên nước ngoài đến học tại TQ trong một tương lai gần. Các trường đại học TQ không chỉ tiếp tục đưa ra những khóa học ngắn hạn về ngôn ngữ và văn hóa cho người nước ngoài, phần lớn là người Mỹ, mà ngày càng có nhiều trường đào tạo sinh viên nước ngoài cả trong những ngành học khác và cấp bằng chính quy cho họ. Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở TQ rất quyết tâm khẳng định vị trí của mình một cách tích cực trong bối cảnh toàn cầu và do vậy rất thiết tha với các hoạt động hợp tác quốc tế. Họ đã đạt được nhiều thành công trong những chương trình trao đổi sinh viên và liên kết đào tạo. Nhiều trường đang có những tiến bộ vượt bậc trong việc thu hút sinh viên quốc tế và xây dựng những chương trình hợp tác nghiên cứu. Mặt khác họ cũng đang cố gắng vận dụng những tiêu chuẩn đánh giá có tính chất quốc tế đối với đội ngũ giảng viên của mình cũng như đối với các chương trình đào tạo.
Đầu tư mạnh vào phòng thí nghiệm và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu
Với nguồn ngân sách đặc biệt dành cho mục tiêu nâng cấp các trường hàng đầu, các trường đại học TQ rất chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo về các bộ môn khoa học kỹ thuật, đầu tư các nguồn quỹ mà họ có quyền chủ động sử dụng vào việc xây dựng những phòng thí nghiệm mới với những thiết bị kỹ thuật tối tân. Việc cộng tác với các đại học nước ngoài là một hướng đi đã được thử thách qua thời gian và khẳng định được hiệu quả để các đại học TQ khởi động những chương trình nghiên cứu ở trình độ quốc tế.
Năm 1986, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đầu tiên được xây dựng tại Đại học Bắc Kinh. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của các đại học nghiên cứu cùng với khoản tài trợ nghiên cứu và phát triển cho các phòng thí nghiệm được nhà nước trung ương hỗ trợ và đặt tại các trường đại học, và cho thấy việc nghiên cứu của trường đại học đã được xem như một bộ phận của hệ thống nghiên cứu khoa học cơ bản của quốc gia. Ý tưởng thành lập các phòng nghiên cứu trọng điểm của quốc gia và đặt tại các trường đại học thực ra là học tập từ mô hình của các trường đại học nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, chủ trương tài trợ của nhà nước Liên bang Hoa Kỳ đối với việc nghiên cứu của các trường đại học đã ảnh hưởng mạnh đến việc cải cách hệ thống nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc. Ví dụ nổi bật nhất là Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos tại hệ thống đại học California. Các phòng thí nghiệm quốc gia tại các trường đại học Trung Quốc hầu hết được thành lập dựa trên cơ sở chuyên ngành nhằm mục đích tạo ra các trung tâm chất lượng cao trong từng lĩnh vực. Những phòng thí nghiệm ấy biểu hiện niềm hy vọng các trường đại học Trung Quốc rồi đây sẽ có được những trung tâm nghiên cứu giống như những trung tâm nghiên cứu của các trường ĐHĐCQT ở phương Tây.
Theo Mạng lưới Nghiên cứu và Giáo dục Trung Quốc, đến năm 2002 đã có 91 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại các trường đại học hàng đầu. Hiện nay chỉ riêng Đại học Bắc Kinh đã có 13 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia như thế, những công trình nghiên cứu tại đó gắn chặt với những vấn đề khẩn thiết nhất của quốc gia trong việc phát triển, nhưng chủ yếu vẫn là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Xây dựng các trường đại học nghiên cứu và coi nghiên cứu như là một chức năng chính ở các trường trọng điểm khác
Trong thập kỷ 50, TQ áp dụng mô hình Xô viết về việc thành lập các viện nghiên cứu độc lập và nằm ngoài trường đại học, kể cả Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia TQ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TQ, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp. Những viện hàn lâm này có hàng trăm viện nghiên cứu bao gồm tất cả các lãnh vực chuyên ngành. Cho đến thập kỷ 80, hầu hết các hoạt động nghiên cứu ở TQ đều được thực hiện ở các viện nghiên cứu độc lập này, còn nhiệm vụ chính của các trường đại học chỉ là giảng dạy.
Chủ trương xây dựng ĐHĐCQT khiến nhà nước TQ phải xem lại điều này. Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống tiêu chí xếp hạng quốc tế của SJTU rất xem trọng thành quả nghiên cứu của các trường. Thành tích nghiên cứu hiển nhiên là tác động trực tiếp tới uy tín của nhà trường, hiển nhiên là tác động tới trình độ phát triển của quốc gia, và chắc chắn có ảnh hưởng tích cực đối với việc giảng dạy và đào tạo. Vì vậy những trường đại học hàng đầu và được đầu tư trọng điểm ở TQ để đạt đẳng cấp quốc tế đều xác định rõ định hướng nghiên cứu của mình. Quỹ Khoa học Quốc gia TQ thành lập năm 1986 đã mang lại cho các trường đại học TQ cơ hội cạnh tranh các nguồn tài trợ dành cho việc nghiên cứu. Việc dựa trên những sáng kiến nghiên cứu của Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ khác trong chính phủ TQ trong thập kỷ 80 và 90 cũng tạo cho các trường đại học TQ thêm nhiều cơ hội quan trọng. Đồng thời, bản thân các trường đại học khác cũng bắt đầu chú trọng hơn đến công tác nghiên cứu, vì nghiên cứu đã được thừa nhận là một chức năng trọng yếu của nhiều trường đại học ở TQ. Nhà nước TQ tiến hành phân loại đại học nghiên cứu loại 1, loại 2, v.v…căn cứ vào tỷ lệ sinh viên cao học, và những trường được phân loại là đại học nghiên cứu được cấp kinh phí cao hơn. Các giáo sư ở những trường hàng đầu TQ đang dành thời gian cho nghiên cứu nhiều hơn là giảng dạy, thậm chí có những giáo sư chẳng hề dạy một môn nào ở bậc đại học. Để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, năm 2003 Bộ Giáo dục TQ đã phải ban hành một hướng dẫn yêu cầu các giáo sư và phó giáo sư phải tham gia giảng dạy ở bậc học cử nhân.
Sự thành công của các trường đại học nghiên cứu Hoa Kỳ đã được công nhận là một khuôn mẫu cho giáo dục đại học trên toàn thế giới. Ở thập kỷ 80 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thậm chí đã khởi động những cuộc thảo luận về mô hình hệ thống nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ. Mô hình Hoa Kỳ có một tác động rất lớn đối với hệ thống giáo dục đại học TQ. Từ năm 1978, hàng ngàn giảng viên và sinh viên TQ đã đổ xô vào Hoa Kỳ vì họ quan tâm đến giáo dục và tri thức bậc cao. Rất nhiều hội thảo và ấn phẩm tập trung vào các trường đại học nghiên cứu Hoa Kỳ: họ đã hoạt động như thế nào và chúng ta có thể học tập ở họ những gì. Kinh nghiệm Hoa Kỳ đã trở thành cội nguồn cho rất nhiều ý tưởng về cải cách giáo dục đại học ở TQ, trong đó có ý tưởng về xây dựng các trường đại học nghiên cứu.
Những kết quả mà TQ đã đạt được
Thành tựu
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của giáo dục đại học tại TQ và sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của chính phủ TQ, các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ đã có những bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của họ và tạo ra những tiến bộ rất đáng kể nhằm đạt mục tiêu chiến lược của họ là trở thành những trường ĐHĐCQT.
Trong khoảng từ năm 2000 đến 2005, số lượng công bố khoa học của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong danh mục SCI đã tăng gấp đôi. Đại học Thanh Hoa đã có khoảng 2700 bài báo được liệt kê trong danh mục SCI năm 2003, gần bằng con số của các trường hàng đầu thuộc top 50 của thế giới. Các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ cũng đã bắt đầu nhấn mạnh đến chất lượng của các công bố khoa học bằng cách khen thưởng những bài báo có tỉ lệ được trích dẫn cao hoặc xuất hiện trên những tạp chí chuyên môn danh tiếng. Một ví dụ như thế là Xu Tian, nhà nghiên cứu di truyền học hàng đầu của TQ được đào tạo tại Đại học Yale và hiện nay vẫn đang dạy tại đó, phụ trách một phòng thí nghiệm ở Đại học Phúc Đán nơi tiến hành những nghiên cứu về biến đổi gen. Ngày 12 tháng 8 năm 2005, nghiên cứu có tính đột phá của ông đã được nêu trên trang bìa của tờ tạp chí nghiên cứu uy tín lừng lẫy- Tạp chí Nghiên cứu Các Tế bào- lần đầu tiên một khoa học gia TQ có vinh dự ấy!
Số giảng viên có bằng tiến sĩ đã đạt đến 50% ở các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ tính đến năm 2005 và được hy vọng sẽ đạt đến 75% trước năm 2010. Những trường này cam kết nâng cao số giảng viên có bằng tiến sĩ từ các trường ĐHĐCQT. Các nhà quản lý của Đại học Bắc Kinh ước lượng khoảng 40% cán bộ giảng dạy của họ được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ.
Thêm vào đó, họ còn nỗ lực đặc biệt để lôi cuốn các giáo sư đẳng cấp quốc tế bằng nhiều cách. Trường Đại học Bắc Kinh đã lôi kéo được tài năng của Tian Gang- một nhà toán học hàng đầu của MIT, trong việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu quốc tế về toán cao cấp trong số các trung tâm nghiên cứu trình độ cao khác.
Nhìn rộng ra cả hệ thống, chỉ trong vòng một thế hệ, kể từ năm 1978, TQ đã đưa tỉ lệ những người trong độ tuổi vào đại học từ 1,4% lên đến 20%. Chỉ riêng trong lãnh vực kỹ thuật, TQ tạo ra 442,000 cử nhân hàng năm, cùng với 48,000 người hoàn tất bằng thạc sĩ và 8,000 người đạt học vị tiến sĩ.
Tuy vậy, cho đến nay chỉ có Trường Đại học Bắc Kinh và một vài trường hàng đầu của TQ là được thế giới công nhận là có chất lượng cao. Tiêu chí số lượng bài báo khoa học trong danh mục SCIE và SSCI tính trên đầu người được đưa ra nhằm phản ánh hiện tượng cạnh tranh quốc tế ngày càng phát triển và đặt TQ trong một bối cảnh có tính chất quốc tế. Con số thấp nhất về tỉ lệ công bố khoa học trên đầu người trong số 60 trường thành viên của Hiệp hội Các trường Đại học Hoa Kỳ được chọn làm tiêu chuẩn cho TQ, chỉ số này được xác định là 0,7 trong năm 2004. Chỉ có 10 trường đại học TQ có được chỉ số này ở trên mức tối thiểu của Hoa Kỳ.
Khoảng cách, và những thử thách đang đặt ra
Trong bảng xếp hạng quốc tế của SJTU năm 2005, không một trường đại học TQ nào lọt vào danh sách 100 trường hàng đầu trên thế giới. Chỉ có 8 trường đại học TQ lọt vào danh sách 500 trường hàng đầu. Vị trí cao nhất mà các trường đại học TQ đạt được là trong khoảng 151 đến 200[4]. Còn trong bảng xếp hạng THES cùng năm, Đại học Bắc Kinh được xếp thứ 15, và chỉ có 5 trường đại học TQ nằm trong top 200 mà thôi. Ba năm sau, trong bảng xếp hạng năm 2008 cũng của SJTU thực hiện với cùng phương pháp và tiêu chí, vẫn không có tên một trường đại học nào của Trung Quốc trong danh sách 100 trường hàng đầu. Năm trường lọt vào thứ hạng cao nhất từ 152-200 là Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nam Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Giao thông Thượng hải (SJTU), tức là không có bước tiến nào đáng kể so với kết quả xếp hạng năm 2005. Trong bảng xếp hạng THES năm 2008, chỉ có 2 trường đại học TQ lọt vào danh sách 100, nhưng lại tụt hạng so với chính họ: Đại học Bắc Kinh xếp hạng 50 năm 2008 trong lúc được xếp hạng 36 năm 2007, hạng 14 năm 2006. Đại học Thanh Hoa xếp hạng 56 năm 2008 trong lúc được xếp hạng 40 năm 2007 và hạng 28 năm 2006. Mặc dù giới khoa học quốc tế gièm pha, chê bai cả hai hệ thống xếp hạng này vì những đánh giá không thỏa đáng về chất lượng, nhưng các trường đại học TQ thì nhìn vấn đề này một cách nghiêm túc như là một chỉ số cho thấy vị trí cạnh tranh của họ. Họ biết rằng phải mất một thế hệ hoặc hơn nữa để các trường đại học TQ có thể có chất lượng thực sự ngang bằng với những trường của Âu Mỹ. Các học giả TQ không phải là không có lý khi nghĩ như vậy, vì mặc cho mọi khác biệt về phương pháp và kỹ thuật, vẫn có một sự đồng thuận rất cao giữa hai hệ thống xếp hạng về 12 vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng, điều này cho thấy uy tín của các trường ĐHĐCQT là một thực thể thực sự tồn tại khách quan và đo lường được.
Điểm phân biệt chủ yếu giữa các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ và các trường đại học đẳng cấp quốc tế là chất lượng của giảng viên và nghiên cứu, được thể hiện qua số cán bộ khoa học đoạt được các giải thưởng khoa học quốc tế chính, qua số lượng tác giả được nhiều nhà khoa học khác nêu trích dẫn trong những lĩnh vực khoa học chủ yếu, qua số lượng cán bộ giảng viên được đào tạo bậc tiến sĩ ở các trường ĐHĐCQT, qua số lượng các bài báo khoa học được công bố quốc tế, và qua một số nhân tố khác nữa.
Các trường ĐHĐCQT có trung bình 4,4 giảng viên đoạt giải Nobel và Huy chương Fields[5], có trung bình 56 nhà nghiên cứu được nhiều người trích dẫn trong những lĩnh vực khoa học chủ yếu, trong lúc không một trường đại học nào ở TQ có được một cán bộ khoa học đạt giải Nobel hoặc Huy chương Fields. TQ cũng thiếu những tác giả được nhiều người trích dẫn trong những lĩnh vực khoa học chủ yếu.[6]
Hơn 85% giảng viên tại các trường ĐHĐCQT có bằng tiến sĩ do các trường thuộc top 100 trên toàn thế giới cấp, trong lúc con số này chỉ là 10% ở các trường đại học TQ hàng đầu như Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh[7]. Số trích dẫn trung bình trên mỗi bài báo khoa học trong Danh mục Trích dẫn Khoa học- SCI vào khoảng từ 2 đến 3 đối với các đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, so với 25 ở Harvard [8].
Tỷ lệ sinh viên sau đại học, nếu tính cả nghiên cứu sinh trong các lãnh vực nghề nghiệp (như y, luật) và sinh viên đại học đã lên đến xấp xỉ mức 1:1[9] là mức tương đương với các trường đại học nghiên cứu lớn của phương tây như Havard, Stanford, nhưng các trường đại học vẫn đang phải vật vã đấu tranh với việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đặc biệt là tính cách tân và năng lực sáng tạo của một bộ phận nghiên cứu sinh tiến sĩ, bởi vì TQ sản sinh ra một số lượng tiến sĩ tăng với cấp số nhân nhưng chất lượng thì chưa so sánh được với những người được đào tạo từ các trường hàng đầu ở phương Tây. Vì vậy họ đang nỗ lực để cải thiện điều này: nghiên cứu sinh tiến sĩ thường được yêu cầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế trước khi có thể bảo vệ luận án.
Trong thực tế ở TQ chỉ có một số rất nhỏ các giáo sư đại học thực hiện việc nghiên cứu vì những mối quan tâm thuần túy khoa học. Phần lớn họ dạy học và làm nghiên cứu như một cách để kiếm sống. Chất lượng giảng viên, tiêu chí đề bạt, và quy trình đánh giá còn rất xa so với ước muốn xây dựng trường ĐHĐCQT.
Sự kiểm soát của nhà nước đối với các trường đại học TQ đang giảm đi. Tuy vậy nhà nước TQ vẫn giữ ảnh hưởng mạnh mẽ thông qua việc phân bổ nguồn lực, chuẩn thuận chương trình đào tạo, đánh giá dự án, và vô số các buổi họp hành. Vẫn còn một chặng đường rất dài để các trường đại học TQ có thể đạt được sự mở rộng quyền tự chủ. Nhà nước khuyến khích các trường đại học nghiên cứu những vấn đề khoa học công nghệ trực tiếp phục vụ việc phát triển kinh tế của quốc gia vì đến nay năng lực đổi mới kỹ thuật của công nghệ TQ vẫn rất yếu kém. Phần lớn các nghiên cứu thực hiện ở TQ là nghiên cứu ứng dụng và tuyệt đại đa số là có liên quan đến phát triển công nghệ. Nghiên cứu cơ bản vẫn còn là một thứ xa xỉ đối với các trường đại học nghiên cứu ở TQ.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh giữa Viện Hàn lâm Khoa học TQ và các trường đại học vẫn đang tiếp diễn. Viện Hàn lâm được bảo đảm quyền cấp bằng sau đại học, và mục đích của họ là đạt được 50.000 nghiên cứu sinh trước năm 2020. Hơn nữa, họ còn có ngân sách bổ sung do nhà nước trung ương cấp bên cạnh ngân sách hoạt động thường xuyên. Bởi vậy khả năng cạnh tranh của họ trong những khoản tài trợ nghiên cứu chính và đáp ứng nhu cầu của đất nước sẽ tăng lên.
Dù các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ đang tìm cách trở thành ĐHĐCQT, họ đang chú ý nhiều hơn đến cạnh tranh trong nước thay vì cạnh tranh quốc tế để duy trì vị thế hiện tại và giành các nguồn lực cần thiết, điều này làm giảm sự tập trung trong những nỗ lực cạnh tranh quốc tế của họ.
Bài học Trung Quốc
Qua con đường của TQ và những thành tựu mà họ đạt được đã nêu tóm tắt trên đây, có thể nói, nhờ nhà nước TQ có chính sách đẩy mạnh giáo dục đại học, TQ đã tiến một bước rất dài trong việc đại chúng hóa giáo dục đại học, và đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ TQ chính thức tuyên bố tham vọng có được những trường ĐHĐCQT vào năm 1998 đến nay, mười năm đã trôi qua cùng với những khoản đầu tư khổng lồ, khoảng cách của các trường đại học hàng đầu của TQ với những trường đẳng cấp quốc tế vẫn còn rất xa.
Năm 2005, Tạp chí McKinsey đã thực hiện một nghiên cứu về thị trường lao động TQ và kết luận, thật nghịch lý là TQ có hàng triệu người tốt nghiệp đại học nhưng lại thiếu nhân tài. Hai tác giả của cuộc nghiên cứu Diana Farrell và Andrew J. Grant ước lượng chỉ khoảng 10% các kỹ sư trẻ người TQ có những kỹ năng thích hợp cho công việc trong các doanh nghiệp đa quốc gia; số còn lại không có đủ kỹ năng ngôn ngữ và những hiểu biết văn hóa cần thiết để thực hiện chức phận của mình trong những công việc có tính cạnh tranh cao. Theo họ truyền thống giáo dục của TQ là một trong những thủ phạm gây ra vấn đề này. Điển hình là lối dạy thuần túy thuyết giảng và lối học ghi nhớ: các giáo sư thường đòi hỏi sinh viên phải nhớ bài giảng và những nội dung trong sách giáo khoa rồi lặp lại trong các bài thi thay vì phải phát triển sự hiểu biết thấu đáo và tinh thần sáng tạo.
Đã vậy, sinh viên ngành kỹ thuật còn phải chịu đựng những chương trình đào tạo đã quá lạc hậu. Có rất ít cơ hội làm việc cùng nhau, cũng như không có dịp cho họ trải nghiệm thế giới thực, và những vị trí thực tập thì không đủ cho tất cả mọi người. Đặt những nhân tố này cùng nhau, các nhà phân tích McKinsey kết luận rằng TQ sẽ không thể chuyển sang công nghiệp dịch vụ trong thập kỷ tới và như vậy cũng không thể cạnh tranh ở mức toàn cầu về công nghệ kỹ thuật cao trong tương lai gần[10].
Hiển nhiên là các học giả TQ biết rõ họ phải nỗ lực đẩy mạnh cải cách và tư duy phê phán. Một số trường hàng đầu đã xây dựng chương trình giáo dục tổng quát ở bậc đại học nhằm đem lại cho sinh viên một nền tảng kiến thức rộng rãi hơn, mặc dù những nỗ lực này chưa đủ để đem lại những kết quả mong đợi vì bị cấy ghép vào một hệ thống thi cử khắt khe và cứng nhắc, một hệ thống vẫn còn đang ban thưởng cho sự học vẹt! Điều này chắc chắn cũng sẽ phải thay đổi trong một tương lai gần.
Đó là nói về giáo dục đại học TQ nói chung, còn nói riêng về giấc mộng ĐHĐCQT của TQ, thì lý do chính khiến TQ chưa thể lọt vào danh sách các trường hàng đầu trên thế giới là do TQ thiếu những tài năng đỉnh cao trong khoa học cơ bản đủ để sánh bằng thành tích của các trường ĐHĐCQT. Một số nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường tỏ ra hết chịu đựng nổi cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn về vấn đề ĐHĐCQT. Người ta bắt đầu nhận ra rằng xây dựng một ĐHĐCQT là một quá trình lâu dài chứ không phải là kết quả tức thời của một ước muốn và một số tiền đầu tư “một cục” khổng lồ. Thực ra, nhiều người thậm chí còn hoài nghi về khả năng liệu TQ có thể thực sự xây dựng được một ĐHĐCQT hay không, bởi vì những trường được công nhận rộng rãi là một mẫu mực về ĐHĐCQT như Oxford ở Anh hay Havard và Yale ở Hoa Kỳ đều đã phải trải qua hàng thế kỷ phát triển. Chẳng những thế, những trường này đều đã rất tiến triển trong một môi trường chính sách khác và hình thức khác của cơ cấu quản lý đại học.
Thử đi tìm nguyên nhân
Nhà nước TQ và giới học giả, giới quản lý giáo dục đại học có một quyết tâm hết sức to lớn trong việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, và đã dành nhiều nguồn lực tài chính lớn lao cho kế hoạch này, nhưng dường như kết quả đạt được vẫn chưa được như họ mong đợi.
TQ đang tập trung vào khoa học tự nhiên và kỹ thuật, những lĩnh vực phản ánh nhu cầu phát triển của quốc gia, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự thiên vị của một hệ thống chính trị độc tài vốn ngăn cấm những phát biểu tự do. Khoa học xã hội và nhân văn thường liên quan tới những ý tưởng phê phán về chính trị, kinh tế và lịch sử. Nhà nước ít nhấn mạnh đến việc đạt đẳng cấp quốc tế trong những môn này. Tuy vậy, nhiều người TQ cũng nhận định –thường là một cách gián tiếp – rằng việc hạn chế những cuộc tranh luận khoa học có thể cản trở những nỗ lực tạo ra các trường ĐHĐCQT.
Lin Jianhua, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Bắc Kinh nhận định: “Hiện nay, tôi cho rằng chẳng có trường đại học nào ở TQ có một bầu không khí có thể so sánh được với các trường đại học lâu đời ở phương Tây- Harvard hay Oxford – về mặt tự do diễn đạt ý tưởng” (…) “Chúng ta cố gắng đem lại cho sinh viên một môi trường tốt hơn, nhưng để có thể làm được điều đó, cần có thời gian. Không phải là 10 năm, mà là một hay hai thế hệ”[11].
Một nhà địa lý lỗi lạc ở Đại học Phúc Đán, Ge Jianxiong nói rằng văn hóa Trung Hoa đòi hỏi những kết quả nhanh chóng, điều này có thể xói mòn việc nghiên cứu. “Ở TQ, các dự án thường ngắn hạn, thông thường là 3 năm. Sau đó người ta đòi hỏi phải có các ấn phẩm đồ sộ. Trong những cuộc nghiên cứu thực sự, cần phải cho các nhà khoa học sự tự do cần thiết để có được kết quả tốt, chứ không chỉ là kết quả mà người ta muốn”. Trong khi đó, cơ chế bảo đảm quyền tự do học thuật ở phương Tây cho phép một nhà khoa học có thể chẳng có một bài nghiên cứu nào được công bố trong hàng chục năm, để rồi đến năm thứ mười chẳng hạn, thì công bố một bài báo đưa ra cách giải quyết cho những câu hỏi đã tồn tại hàng trăm năm nay mà chưa có lời đáp!
Thêm vào đó là những khó khăn của giáo dục khi nó luôn luôn được coi là công cụ của chính trị. Điểm yếu lớn nhất, như nhiều nhà khoa học TQ đã cho biết, là sự thiếu vắng tự do học thuật. Yang, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Phúc Đán, cảnh báo rằng nếu không xây dựng được một bầu không khí đúng đắn, những bộ óc vĩ đại ở nước ngoài có thể sẽ chỉ đến TQ một hay hai năm là tìm đường rút vì bực bội. Gong Ke, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thanh Hoa, nói rằng các trường đại học “có bổn phận bảo đảm cho tự do học thuật”. “Chúng tôi có những giáo sư dạy ở đây, người nước ngoài, đang dạy rất khác với quan điểm của chính phủ TQ”. Ông nói thêm: “Có những người phê phán mạnh chính sách kinh tế của TQ”.
Li Ao, một nhà văn Đài Loan nổi tiếng, đã kêu gọi mở rộng tự do học thuật và độc lập với nhà nước trong một diễn văn đọc hồi tháng 9 năm 2005 tại Đại học Bắc Kinh. Ngày hôm sau, sau bản tin được đưa ra dưới áp lực chính thống khá nặng nề, ông đã trình bày một phiên bản được thuần hóa hơn nhiều tại Đại học Thanh Hoa, nơi mà các phương tiện truyền thông được kiểm soát rất chặt chẽ.
Chính phủ TQ cũng kiểm duyệt các bản tin trên mạng của các trường đại học và của các nhóm thảo luận, và gần đây đã ngăn chặn sinh viên Trường Đại học Trung Sơn ở Quang Du nói chuyện tự do với những quan chức HongKong được mời đến viếng thăm trường.
Sinh viên ở đây không được khuyến khích để thử thách quyền lực hay tri thức. Điều này giải thích vì sao TQ chưa từng bao giờ có giải Nobel trong bất cứ lãnh vực nào. Điều cần nhất bây giờ, như các nhà khoa học giỏi nhất của TQ nói, và nhấn mạnh, là những bộ óc độc đáo.
Điều vĩ đại nhất mà TQ đã làm được trong 20 năm qua là đưa 200 triệu người thoát cảnh đói nghèo. Xu nói: “Tuy vậy, TQ vẫn chưa nhận ra rằng nếu muốn tiến lên một trình độ mới, thì phải hiểu rằng các con số là không đủ. Chúng ta cần một cuộc cách mạng mới để đưa chúng ta ra khỏi nền văn hóa mà giải thưởng là trở thành quan chức nhà nước. Chúng ta phải học cách ban thưởng cho những đổi mới thực sự, cho những tư tưởng độc lập, và những công trình học thuật chính cống!” [12]
Phải chăng tình trạng thiếu vắng tự do học thuật là nguyên nhân khiến các trường hàng đầu ở TQ chưa thể đi xa hơn được, dù quyết tâm của chính phủ rất lớn và đầu tư cũng không nhỏ? Liệu điều này có thể giải thích những hạn chế của hệ thống giáo dục đại học TQ, khi tự do học thuật không phải là vấn đề đối với các bộ môn khoa học kỹ thuật và ứng dụng, những lĩnh vực mà nhà nước TQ rất khuyến khích?
Có lẽ câu trả lời phải tìm không chỉ trong những nhân tố về thể chế, mà còn trong những nhân tố văn hóa. Nền giáo dục TQ chưa bao giờ thoát ly hoàn toàn truyền thống Khổng giáo, nơi người ta đi học là để tiếp thu những chân lý có sẵn của thánh hiền, chứ không phải để thử thách hay cọ xát với những tri thức đã có. Điều này tất nhiên ảnh hưởng lớn đến phương pháp dạy và học trong nhà trường và không khuyến khích tinh thần phản biện, tinh thần tự do sáng tạo, là những nhân tố cốt yếu của đời sống đại học, và là những nhân tố quyết định đối với năng lực nghiên cứu.
Trong một bản tin trên CCTV ngày 26-3-2008, biên tập viên Trương Ninh cho biết nhà nước TQ đang triển khai giai đoạn 3 của Dự án 211, mà nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn này từ nay đến 2011 là xây dựng các ngành học chủ chốt bao gồm các ngành cơ bản như Toán và Khoa học ứng dụng, vốn là các ngành rất cần thiết cho sự phát triển quốc gia, cùng các ngành Triết học và Khoa học xã hội có liên quan đến những vấn đề quan trọng cả về lý thuyết lẫn thực hành. Dự án nói trên chủ yếu sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước từ trung ương, cùng với các nguồn hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các trường đại học. Giai đoạn 3 vẫn tiếp tục duy trì nguyên tắc “chọn lọc tự nhiên” (tức ai mạnh nhất sẽ tồn tại). Những cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia sẽ ngay lập tức bị đào thải. Các nhà chức trách nói rằng các trường sẽ được hỗ trợ đặc biệt để tuyển dụng những nhà khoa học cũng như các tài năng tốt nhất, kể cả đội ngũ giảng viên từ các khu vực Hong Kong, Macao, Đài Loan. Trong giai đoạn này, Dự án tiếp tục ưu tiên cho các trường Đại học sư phạm. Hai trường đại học sư phạm ở vùng Tây Trung Quốc đã được đưa vào danh sách “Dự án 211”[13].
Có lẽ giờ đây, sau khi đã trút một núi tiền cho giấc mơ đại học đẳng cấp quốc tế mà kết quả là hai trường hàng đầu của Trung Quốc vẫn bị tụt hạng trong ba năm liền, TQ đã nhận ra rằng phải đầu tư vào khoa học cơ bản, đặc biệt là các ngành khoa học xã hội nhân văn, và phải đầu tư cho ngành sư phạm, nghĩa là phải quan tâm đến giáo dục con người và nhân cách. Nói cách khác, phải đầu tư vào chiều sâu, tức là học từ khoa học cơ bản, chứ không thể chỉ nhắm vào phần ngọn bằng cách chú trọng đến khoa học công nghệ ứng dụng mà thiếu quan tâm đến phát triển con người.
Kết luận
Thực tiễn xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc cho chúng ta thấy quyết tâm của nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó giúp mang lại những nguồn lực cần thiết cho các trường để thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, chỉ nguồn lực thôi thì không đủ để tạo ra được những thay đổi mong đợi. TQ đã đi từ Dự án 211 đến Dự án 985 theo hướng tập trung tăng cường nguồn lực tài chính cho một số ít trường trọng điểm, rồi lại tiếp tục đến dự án 111[14] theo hướng “mua” người tài từ bên ngoài về để tăng nhanh số lượng công bố khoa học và thành tích nghiên cứu, nhưng kết quả vẫn không được như họ mong muốn, bởi vì đó vẫn chỉ là những giải pháp chắp vá. Phải chăng TQ đã nhắm đến những nhân tố bề ngoài, những thứ ở phần ngọn, những biểu hiện của kết quả hoạt động chẳng hạn số lượng công bố khoa học và trích dẫn, thay vì phải nhắm vào những nhân tố bên trong, những thứ có ý nghĩa cốt lõi và là nguyên nhân của thành công, chẳng hạn những chính sách thực sự giải phóng năng lực của con người? Phải chăng những chính sách ấy chính là điều mà TQ cần, để tạo ra một tầng lớp trí thức có thể sáng tạo ra những giá trị tinh thần thực sự, vì chỉ với những giá trị ấy, trường đại học mới thực sự là nơi kiến tạo tri thức, vun trồng tài năng và thực hiện được sứ mệnh của nó? Xét cho cùng, thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ quan trọng nếu nó phản ánh được mức độ đạt được sứ mạng mà một trường đại học phải thực hiện. Đó là sứ mạng làm động lực thúc đẩy sự phát triển của từng cá nhân, của cả cộng đồng, của từng quốc gia và sau hết là sự tiến bộ của toàn thể nhân loại.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
Altbach, Philip (2003). “The costs and benefits of world-class universities,” World class worldwide, 2006
Business Weekly (2002). “Building top-notch universities.” (April 24, 2002) Web-site:
http://www.chinadaily.com.cn/chinagate/doc/2002-04/24/content_247215.htm
Cai, N.C.& Cheng, Y. (2005). “Academic ranking of world universities – methodologies
and problems.” In Liu, Nian Cai, ed. (2005) Proceedings of the First International
Conference on World-Class Universities (ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong
University).
Cheng, Y & Liu, N.C. (2005). “Forecasting world class universities from GDP
perspective,” In Liu, Nian Cai, ed. (2005) Proceedings of the First International
Conference on World-Class Universities (ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong
University).
Da Hsuan Feng. “Generic and Intangible Features of Universities?”. First International Conference on World Class Universities at Shanghai Jiao-Tong University June 16-18, 2005
Howard W. French (2005). “China Spending Billions to Better Universities”. The International Herald Tribune, 27 October 2005
Jackman, W. Robert and Randolph M. Siverson (1996). “Ratings the Rating: An Analysis
of the National Research Council’s Appraisal of Political Science Ph. D. Programs.”
PS: Political Science and Politics, Vol. 29, No. 2 (Jun., 1996), 155-160.
Jiang, Xueqin (2001). “China’s Top 2 Universities Try for ‘World Class’ Status.” The Chronicle of Higher Education Web-site: http://chronicle.com/weekly/v48/i17/17a03301.htm
Liu, Nian Cai, ed. (2005). Proceedings of the First International Conference on World-
Class Universities (ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong University).
Liu, N.C (2008). “Research Universities in China”. World Class Worldwide: Transforming Research Universities in Asia and Latin America– Editted by Philip Albach and Jorge Balan. The Johns Hopkins University Press, 2008.)
Mohrman, Kathryn (2005). “World-class universities and Chinese higher education
reform,” International Higher Education (Spring 2005)
Mohrman. Kathryn (2006). “Degrees of Change:Aiming for World-Class Higher Education” ,http://www.sais-jhu.edu/pubaffairs/publications/saisphere/winter06/mohrman.html
National Research Council (1995). Research-Doctorate Programs in the United States:
Continuity and Change. Washington, DC: National Academy Press.
Niland, John (2000). “The challenge of building world class universities in the Asian
region,” On Line opinion (Australia’s e-journal of social and political debate) Website:
http://www.onlineopinion.com.au/view.asp?article=997
Shanmugaratnam, Tharman (2002). “Shanghai Jiao Tong University joins in world class
universities program,” Speech at the inauguration ceremony of Shanghai Jiao Tong
University’s Graduate school in Nanyang Technological University
van Raan, A FJ. (2005). “Challenges in ranking of universities,” In Liu, Nian Cai, ed.
(2005) Proceedings of the First International Conference on World-Class Universities
(ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong University).
Vest, Charles (2005). “World class universities: American lessons,” International Higher
Education (Winter 2005)
Wang, Yingjie (2001). “Building the world-class university in a developing country:
universals, uniqueness, and cooperation.” Asia Pacific Education Review (2001), Vol.
2, No.2
Water, Jack (2005). “Building a world class university: Reality vs. Rhetoric,” presentation at Thai
Ghi chú:
[1] Nian Cai Liu, 2005. Research Universities in China: Differentiation, Classsification, and Future World-Class Status
[2] Nguồn: QS Quacquarelli Symonds (www.topuniversities.com)
[3] Nguồn: Paul Mooney. The Long Road Ahead China’s Universities. The Chronicle of Higher Education, May 19, 2006
[4] Institute of Higher Education, Shanghai Jiao Tong University 2005. Academic ranking of world universities-2005.http://ed.sjtu.edu.cn/ranking.htm.
[5] Giải Fields (Fields Medal) là một giải thưởng rất cao quý, ba năm mới xét chọn một lần, giành cho các nhà toán học. Giải này thường được xem là Nobel của ngành Toán.
[6] Cheng, Y., S. X. Liu. 2005. When will Chinese universities be able to become world – class? Journal of Higher Education 26 (4) : 1-6
[7] Jiang, Y., P. 2004. The origins of doctoral degrees of faculty members in world-class universities. Jiangsu Gaojiao no. 4: 106-09.
[8] Liu, Cheng, and Liu, 2005. Academic Rankings of World Universities, Tạp chí Giáo dục Thanh Hoa, số 26, tr. 8-15
[9] Nguồn: Nian Cai Liu, 2008. “Research Universities in China”. Transforming Research Universities in Asia and Latin America”. Edited by Philip Altbach&Jorge Balan. John Hopkins, Boston College
[10] Kathryn Mohrman 2005. Nguồn: http://www.saisjhu.edu/pubaffairs/publications/saisphere/winter06/
[11] Howard W. French 2005. Nguồn: The International Herald Tribune, 27 October 2005
[12] Howard W. French 2005. Bài đã dẫn
[13] Nguồn: China further develops higher education, CCTV.com | 03-26-2008 12:42, Editor: Zhang Ning
[14] Dự án 111 là dự án do Bộ Giáo dục và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng tài trợ, bắt đầu từ năm 2006 và dự kiến kéo dài trong 5 năm, theo đó 600 triệu nhân dân tệ sẽ được đổ ra (mỗi bộ bỏ ra 300 triệu) cho 100 trường đại học của TQ thu hút 1000 giảng viên nước ngoài vào giảng dạy ở TQ ở 100 lãnh vực nghiên cứu trong vòng vài tuần đến tối đa 6 tháng. Nguồn: báo cáo của Shao Wei, bộ phận giáo dục Tổng lãnh sự quán TQ tại San Francisco, Tháng 1/2009
0 Comments