GIÁO DỤC MỘT NĂM NHÌN LẠI (2013)
Phạm Thị Ly (2013)
Bài đăng báo TTCT ngày 4.2.2014 với tên Bắt đầu từ giáo dục)
Trong năm qua, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với giới hàn lâm quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Tham dự sáu hội thảo quốc tế và đi qua bảy quốc gia trong vòng một năm, tôi có dịp nhìn lại những vấn đề của giáo dục nước mình từ góc nhìn của một người “từ bên ngoài”. Điều gì đọng lại sau một năm đi và nghĩ?
Với những gì quan sát được dù còn hạn chế, tôi có cảm tưởng môi trường hoạt động khoa học ở nước ngoài cực kỳ áp lực và cạnh tranh; cũng đồng thời hoàn toàn tự do và hợp tác. Có thể hiểu được áp lực này qua phát biểu của Peter Higgs, người đã đoạt giải Nobel năm 1980 nhờ công trình nghiên cứu về hạt Higgs. Ông nói rằng theo các thước đo và tiêu chuẩn đánh giá nhà khoa học hiện nay thì hẳn ông đã bị sa thải; và nếu ông bận rộn với việc sản xuất cho đủ các bài báo khoa học theo những yêu cầu ngày nay để khỏi bị sa thải thì ông đã không thể có đủ thời gian và sự yên tĩnh cần thiết để khám phá ra hạt Higgs, công trình mà ông đã thực hiện vào năm 1964 và mang lại giải Nobel cho ông[1]!!!.Nói cách khác, để tồn tại trong môi trường ấy mà không bị đào thải, người ta bắt buộc phải tiến bộ không ngừng. Còn “tự do” có nghĩa là về nguyên tắc không ai có thể can thiệp vào kết quả nghiên cứu của nhà khoa học bằng mệnh lệnh dù là ở cấp nào. Giới hàn lâm cạnh tranh theo nghĩa người khác đã tiến được một bước, thì mình cần tiến thêm một bước dài hơn, chứ không phải là kéo người khác lùi lại để mình biến thành người có bước đi xa nhất. Trong công việc, họ có tinh thần hợp tác rất tốt. Khi làm việc nhóm, họ có sự phối hợp giữa các cá nhân để tận dụng năng lực và thế mạnh của từng người, nhờ vậy họ tạo ra những kết quả mà một người sẽ không đủ khả năng thực hiện. Trong công việc, họ không tránh khỏi bất đồng, nhưng họ giải quyết bất đồng đó bằng kỹ năng thương lượng, và kể cả khi thương lượng thất bại, họ biết chấp nhận sự khác biệt.
Cách làm việc trên đây có thể phần nào giải thích cho năng suất và thành tựu của giới hàn lâm ở các nước phát triển. Nhưng điều quan trọng hơn và đáng suy nghĩ nhiều hơn, là những phẩm chất đó hình thành từ đâu, và bằng cách nào tạo ra một môi trường giáo dục nuôi dưỡng, vun trồng những phẩm chất đó để nó nảy nở và phát triển? Cái gì đã ngăn cản chúng ta không có được phẩm chất ấy? Sinh viên Việt Nam khi ra trường thường bị giới chủ phàn nàn về kỹ năng giao tiếp và tinh thần làm việc nhóm. Các cuộc tranh luận ở Việt Nam kể cả tranh luận“học thuật” thường dẫn đến bế tắc và nhiều khi quay sang đả kích cá nhân và cuối cùng là biến thành đổ vỡ quan hệ đồng nghiệp. Tại sao như vậy? Trong khi làm việc cùng nhau, hợp tác với nhau, chúng ta rất thiếu lòng tin, luôn sợ bị ăn cắp ý tưởng, luôn sợ bị lừa gạt, luôn sợ mình thua thiệt. Rất khó tìm thấy một tổ chức, một đơn vị nào mà thành viên của nó gắn kết với nhau vì chia sẻ một mục tiêu chung và những giá trị chung, mà hầu hết chỉ là chia sẻ những lợi ích chung và trách nhiệm chung.
Giáo dục có vai trò gì trong việc tạo ra tính cách và tình trạng đó? Phải chăng vì từ nhỏ, chúng ta đã được dạy học thuộc lòng, ghi nhớ những chân lý có sẵn theo kiểu “Tử viết…”, con ngoan trò giỏi có nghĩa là tuân lệnh, cho nên lớn lên, chúng ta giống như con ngựa bị bịt mắt, chỉ nhìn thấy những gì trước mặt và chỉ chấp nhận một chân lý độc nhất mà chúng ta tin là đúng? Nhà trường không cho phép chúng ta nói khác, nghĩ khác, và làm khác; xã hội không khuyến khích chúng ta tìm kiếm những câu trả lời khác cho một vấn đề. Trong gia đình có cha mẹ quyết định thay, ở trường học thầy cô giáo quyết định thay, trong cơ quan công sở có sếp quyết định thay, ngoài xã hội có nhà nước quyết định thay, chúng ta không được phép suy nghĩ, không cần suy nghĩ, và cuối cùng là không còn khả năng suy nghĩ.
Vì không có khả năng suy nghĩ độc lập, chúng ta cũng không có khả năng đánh giá đúng suy nghĩ của người khác và không được dạy cách chấp nhận sự khác biệt. Một khi không chấp nhận sự khác biệt thì cũng sẽ rất khó làm việc cùng nhau, có lòng tin với nhau và bổ sung cho nhau. Nếu không làm việc cùng nhau, thì chúng ta cũng sẽ không thể làm được những việc lớn.
Vì ít có khả năng nhìn xa chúng ta chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến lợi ích dài hạn, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình mà bất chấp lợi ích của cộng đồng, không hiểu rằng lợi ích của mình nằm trong lợi ích của cộng đồng. Chỉ cần quan sát cách ra vào thang máy, xe bus hay tàu điện, hoặc quan sát cách xử sự của mọi người khi kẹt xe, hay xếp hàng, là có thể thấy rõ điều này. Một người có giáo dục sẽ hiểu rằng phải nhường người ta bước ra khỏi thang máy trước, thì mình mới có chỗ để mà bước vào, sẽ hiểu rằng hôm nay mình xả rác làm nghẹt cống thì ngày mai chính nhà mình sẽ bị ngập.
Bởi vậy, mọi thay đổi phải bắt đầu từ giáo dục. Có thể nói như một bậc lão thành đã nói mà không sợ quá lời rằng bất luận bối cảnh xã hội như thế nào, cải cách giáo dục là vấn đề nhất thiết phải được đặt ra như một khởi sự của mọi khởi sự. Sẽ chẳng ích gì nếu chúng ta chỉ than vãn hay chê trách. Mọi sự sẽ thay đổi nếu từng người trong chúng ta đều nhận lấy trách nhiệm ấy về mình: thay đổi bắt đầu từ chính chúng ta chứ không phải bất kỳ ai khác.
Phạm Thị Ly
Tháng 1-2014
[1] Nguồn: http://www.theguardian.com/science/2013/dec/06/peter-higgs-boson-academic-system
0 Comments