Phạm Thị Ly (2018)
(Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Saigon, đăng ngày 05.10.2018)

Câu chuyện biên chế giáo viên đã từng là một điểm nóng dư luận vào tháng 5 năm ngoái, khi Bộ GD-ĐT đề xuất bỏ cơ chế biên chế đối với giáo viên, chuyển sang cơ chế lao động hợp đồng. Trước phản ứng của dư luận, đặc biệt là sự lo lắng của giáo viên, đề xuất này đã bị tạm gác lại. Gần đây, trong phiên họp giải trình do Ủy ban VH-TTN-NĐ tổ chức ngày 24.09.2018, vấn đề này lại được đặt ra một lần nữa. Vấn đề là, Bộ Nội vụ, cơ quan chịu trách nhiệm trong vấn đề nhân sự hưởng lương từ ngân sách, yêu cầu giảm chỉ tiêu biên chế 10% mỗi năm đối với viên chức tất cả các ngành trong đó có giáo dục; trong lúc Bộ GD-ĐT và các tỉnh cho rằng họ đang thiếu giáo viên và muốn được tăng chỉ tiêu biên chế. Thời báo Kinh tế Saigon đã có buổi trao đổi với TS. Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nguồn Nhân lực về chủ đề này.

1.(PV). Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT về tình trạng thừa, thiếu GV (tính đến ngày 15.8.2018), số GV còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế tuyển dụng là 75.989 người. Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu biên chế viên chức do Bộ Nội vụ quyết định, vì thế các địa phương cho dù có nguồn ngân sách để trả cũng không được tuyển dụng thêm ngoài chỉ tiêu đã được giao. Bà có nhận xét gì về tình hình này?

(PTL). Trường công là đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, vì hưởng lương từ nguồn ngân sách, giáo viên các trường công được xem là viên chức. Quan hệ lao động giữa họ với nhà trường (bao gồm cơ chế tuyển dụng/sa thải, lương bổng, quyền lợi, v,v,) được điều chỉnh bằng Luật Viên chức. Chỉ tiêu tuyển dụng cũng như cơ chế đánh giá nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ quản lý viên chức nói chung, tức bao gồm tất cả các ngành, nhưng trong tổng số viên chức của cả nước, ngành giáo dục đã chiếm tới 68,7%. Với tỉ lệ lớn như vậy, lẽ ra Bộ GD-ĐT cần có tiếng nói quan trọng trong cơ chế tuyển dụng, trả lương và đánh giá.

Xem giáo viên là viên chức và quản lý họ theo luật viên chức không giải quyết được vấn đề gì cả. Về phía giáo viên, cơ chế viên chức không bảo đảm một chỗ làm ổn định suốt đời như mọi người thường nghĩ. Viên chức làm việc theo hợp đồng có xác định hoặc không xác định thời hạn. Luật Viên chức cho phép người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động, tuy việc đó phải tuân theo một quy trình nhất định. Chuyển sang cơ chế lao động hợp đồng và chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động, thì Luật lao động cũng có cơ chế bảo vệ người lao động tương tự. Về phía cơ quan chủ quản, chỉ tiêu biên chế và khung lương theo ngạch bậc đã hạn chế quyền chủ động của họ trong việc tuyển dụng và trả lương. Các quy định về đánh giá người lao động cũng không đủ linh hoạt để thích ứng với đặc trưng của ngành. Vì thế, duy trì chế độ viên chức đối với giáo viên sẽ làm hạn chế sáng kiến của các trường, các địa phương trong việc quản lý nhân sự của họ.

Một nghịch lý khác là hiện nay các địa phương dù có khả năng cũng không được tuyển thêm giáo viên, do chỉ tiêu đó là do Bộ Nội vụ quyết định. Dù ngân sách địa phương có đủ tiền, họ cũng không được trả giáo viên mức lương chính thức cao hơn mức quy định. Do lương được quy định theo ngạch bậc, không có cơ chế nào cho phép trả lương một người làm tốt nhiều hơn một người không đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, xét tổng thể thì việc Bộ Nội vụ phải quản lý chỉ tiêu biên chế là điều đúng, bởi lẽ viên chức được trả lương từ nguồn ngân sách và phải có một cơ quan chịu trách nhiệm điều phối việc định biên, nếu không thì không có ngân sách nào đủ tiền để trả lương cho một bộ máy phình ra vô tội vạ.

Hiện nay, có trên 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách, với tỉ lệ 9 người dân phải nuôi một người ăn lương như thế, giảm mạnh chỉ tiêu biên chế là việc cần làm. Vấn đề chỉ là làm như thế nào là hợp lý và tác động tích cực cho sự phát triển.

  1. (PV). Liệu có giải pháp nào để giải quyết những mâu thuẫn nói trên, trong lúc vẫn bảo đảm phát triển giáo dục?

(PTL). Khác với những ngành khác, ngành giáo dục rất dễ đo lường cụ thể số lượng biên chế cần thiết cho nhu cầu. Thông tư 16/2017/TT-BGD-ĐT quy định rõ định mức giáo viên cho mỗi lớp ở từng cấp học, còn Thông tư 12/2011/TT-BGD-ĐT thì quy định sĩ số học sinh tối đa của mỗi lớp ở từng cấp. Từ đó có thể tính ra số lượng giáo viên cần thiết, dựa trên số lượng học sinh. Số lượng học sinh mỗi năm tăng giảm ra sao cũng rất dễ dự đoán, dựa trên số liệu điều tra dân cư hàng năm.

Vì thế, giải pháp hợp lý là khoán quỹ lương cho từng địa phương và từng trường dựa trên số học sinh, đồng thời xóa bỏ cơ chế viên chức đối với giáo viên, chuyển sang hợp đồng lao động. Các địa phương và các trường có thể chủ động quyết định việc định biên, tuyển dụng và trả lương, đặc biệt là có thể áp dụng những cách trả lương linh hoạt dựa trên kết quả công việc. Điều này có thể kích thích giáo viên học hỏi và nâng cao trình độ.

  1. (PV). Nhưng năm ngoái, khi Bộ GD-ĐT đề xuất thí điểm bỏ biên chế viên chức đối với giáo viên, đã có một làn sóng phản đối mạnh mẽ…

(PT). Vâng, đó là vì giáo viên sợ bị mất việc. Nhất là những người đã từng “chạy việc” thì viễn cảnh mỗi lần ký lại hợp đồng là một lần hối lộ sẽ là một viễn cảnh đáng kinh hãi. Nhưng thực ra, đó là vì nhiều người vẫn tưởng biên chế viên chức là một chỗ làm suốt đời, trong lúc thực tế không phải như vậy.

Nhu cầu có việc làm ổn định và đồng lương đủ sống của giáo viên là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và cần được đáp ứng, nhưng nó không nhất thiết được đáp ứng bằng biên chế viên chức. Theo các quy định hiện nay, xét về mặt bảo đảm an toàn việc làm thì biên chế viên chức hay lao động hợp đồng không thời hạn cũng không có gì khác nhau. Xét về phúc lợi, bảo hiểm, thì viên chức hay lao động hợp đồng cũng đều như nhau, vì đều phải theo Luật Bảo hiểm Xã hội. Trong lúc đó, không bị hạn chế bởi các quy định trong Luật Viên chức, các trường có thể tổ chức sắp xếp công việc hợp lý hơn, giảm bớt những việc không cần thiết của giáo viên, để giảm số lượng người, từ đó có thể tăng thêm thu nhập một cách chính đáng trong điều kiện quỹ lương đã được khoán gọn cho các trường.

Kể cả nếu việc thay đổi cơ chế có làm cho một số giáo viên mất việc, thì đó cũng là vận động thông thường của cuộc sống, không có nó cuộc sống sẽ không thể phát triển. Hiện nay trên thị trường lao động, không có bất cứ công việc hay vị trí nào là vĩnh viễn. Nghề nào cũng phải chấp nhận sự đào thải, nghề giáo cũng như vậy. Trong lĩnh vực giáo dục, phải nhìn vào lợi ích của người học và của sự phát triển, coi đó là cơ sở của mọi chính sách. Cuộc sống như một dòng sông, nước có chảy thì mới có sự phát triển lành mạnh, ngừng lại sẽ thành tù đọng. Quá trình đào thải của nghề giáo giúp giữ lại những người có năng lực, loại bỏ những người không phù hợp. Nên có những chương trình hỗ trợ để giúp những người mất việc tìm kiếm công việc hay nghề nghiệp khác. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra, cuộc đời luôn có cơ hội cho những người nỗ lực làm việc. Không thể vì một số ít người sợ mất việc mà làm méo mó quá trình tuyển dụng và phát triển của ngành giáo dục.

  1. (PV). Hiện tượng “chạy việc” trong khu vực giáo dục là một nguồn cơn quan trọng tạo ra những hành vi tiêu cực. Xóa bỏ biên chế viên chức giáo viên, chuyển sang lao động hợp đồng có giúp giải quyết tình trạng này?

(PTL). Xóa bỏ biên chế viên chức phải đi cùng với khoán quỹ lương dựa trên số học sinh. Nó không phải cây đũa thần giúp giải quyết mọi vấn nạn tiêu cực. Nó phải đi cùng với nhiều cải cách khác về mặt quản trị trường học. Tuy nhiên nó là bước đi đầu tiên, một thay đổi quan trọng theo hướng trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các địa phương và các trường. Chừng nào ngân sách chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống bình thường của người làm nghề giáo và hoạt động trường học, thì sẽ vẫn còn đủ mọi khoản thu dưới mọi hình thức diễn ra ở các trường công, từ các khoản linh tinh cho tới việc dạy thêm hay phong bì, quà cáp, những thứ đã làm méo mó hoàn toàn quan hệ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Ai cũng hiểu, nếu không có những thứ ngoài tiền lương, không ai bỏ tiền để chạy việc.

Vì thế, thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên chỉ là một mắt xích trong quản trị trường học. Việc quản lý chuyên môn trong các trường phổ thông hiện nay cũng rất có vấn đề, nhưng đó là câu chuyện khác. Giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường và cải thiện chất lượng giáo dục là tạo ra một cơ chế minh bạch có thể mang lại nguồn thu phù hợp với nhu cầu chính đáng của các trường. Hoặc ngân sách phải đáp ứng, hoặc phải chấp nhận thu học phí ở mức phù hợp với từng địa phương. Chừng nào các trường có đủ nguồn lực để hoạt động, hiệu trưởng có quyền chủ động quyết định, và có một cơ chế minh bạch thông tin để giám sát hoạt động quản lý của nhà trường, lúc đó nạn chạy việc sẽ không còn. Nếu không thay đổi được điều này, thì mọi nỗ lực khác về chương trình, sách giáo khoa, v.v. không có nhiều hy vọng tạo được những chuyển biến tích cực.

(MỸ LỆ thực hiện)