Thiên kiến xác nhận và sức mạnh của những bằng chứng cho thấy một niềm tin nào đó là không đúng  
Tác giả: Shane Parrish
Người dịch: Phạm Thị Ly (2020)

Thiên kiến ​​xác nhận (confirmation bias) là xu hướng chỉ lựa chọn hay đưa ra những thông tin xác nhận niềm tin hoặc ý tưởng hiện có của chúng ta. Thiên kiến ​​xác nhận giải thích tại sao hai người có quan điểm đối lập về một chủ đề có thể nhìn cùng một bằng chứng nhưng lại cảm thấy bằng chứng đó có thể xác thực cho những ý kiến ngược nhau. Chúng ta có thể thấy thiên kiến ​​nhận thức này thể hiện rõ ràng nhất trong trường hợp những quan điểm cảm tính, dựa trên ý thức hệ hoặc dựa trên những định kiến đã quá ăn sâu.   Không giải thích thông tin một cách khách quan là điều có thể dẫn đến những đánh giá sai lầm nghiêm trọng. Hiểu rõ điều này, chúng ta có thể học cách xác định liệu bản thân ta và những người khác có nhận định điều gì dựa trên thiên kiến xác nhận hay không. Chúng ta có thể thận trọng với những dữ liệu có vẻ như ngay lập tức hỗ trợ quan điểm của chúng ta.  

Thiên kiến xác nhận: Tại sao bạn nên tìm kiếm những bằng chứng ngược lại?  
Khi chúng ta cảm thấy như thể những người khác “không thể thấy một điều gì đó là hợp lẽ”, thì việc nắm bắt được cách hoạt động của thiên kiến ​​xác nhận có thể giúp chúng ta hiểu tại sao. Willard V. Quine và J.S. Ullian đã mô tả điều ​​này trong The Web of Belief như sau:   Mong muốn hiểu điều gì là đúng và mong muốn được người ta công nhận ta đúng là hai mong muốn khác nhau, và chúng ta càng sớm tách biệt hai thứ đó thì càng có lợi. Khát khao hiểu điều gì thật sự đúng là khát khao về chân lý. Trên tất cả mọi khía cạnh, cả thực tế và lý thuyết, không có gì tốt hơn là nói lên những điều thật sự đúng ấy. Mặt khác, ước muốn được người khác công nhận sự đúng đắn của ta là niềm tự hào về bản thân ta trước người khác, trước khi nó sụp đổ. Nó cản trở chúng ta nhìn thấy rằng chúng ta đã sai, và do đó ngăn cản sự tiến bộ về nhận ​​thức của chúng ta.   Có những thí nghiệm bắt đầu từ những năm 1960 cho thấy xu hướng của chúng ta là xác nhận những niềm tin hiện có, thay vì đặt câu hỏi về những niềm tin ấy hoặc tìm kiếm những niềm tin mới.
Có những nghiên cứu khác đã chứng minh rằng lối suy nghĩ một chiều này là cần thiết để thực thi các ý tưởng.  

Con người rất giỏi giải thích tất cả thông tin mới theo kiểu sao cho các kết luận trước đó của họ vẫn còn nguyên vẹn.” – Warren Buffett  

Giống như nhiều mô hình tư duy khác, khái niệm về thiên kiến xác nhận được người Hy Lạp cổ đại đưa ra đầu tiên. Trong Lịch sử Chiến tranh Peloponnesian, Thucydides đã mô tả khuynh hướng này như sau:   Vì con người có thói quen phó thác những gì họ mong mỏi vào một niềm hy vọng dễ dãi, họ sử dụng chủ quyền lý trí để gạt những gì họ không ưa thích sang một bên.   Việc chúng ta sử dụng con đường tắt cho nhận thức này là điều dễ hiểu. Đánh giá bằng chứng (đặc biệt là khi nó phức tạp hoặc không rõ ràng) đòi hỏi rất nhiều năng lượng tinh thần. Bộ não của chúng ta thích đi đường tắt. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cần thiết để đưa ra quyết định, đặc biệt là khi chúng ta đang gặp áp lực. Như nhiều nhà khoa học tiến hóa đã chỉ ra, tâm trí của chúng ta không có đủ điều kiện để xử lý thế giới hiện đại. Trong phần lớn lịch sử loài người, con người trải qua rất ít thông tin mới trong suốt cuộc đời họ. Các quyết định của chúng ta có xu hướng dựa trên sự sống còn của bản thân. Giờ đây, chúng ta liên tục nhận được quá nhiều thông tin mới và ngày nào cũng phải đưa ra những quyết định lựa chọn phức tạp. Để ngăn chặn sự quá tải, chúng ta có xu hướng tự nhiên là đi đường tắt.  

Trong cuốn“Trường hợp về lý luận có động cơ”, Ziva Kunda viết, “Chúng ta đặc biệt coi trọng những thông tin cho phép chúng ta đi đến kết luận mà mình muốn đạt được”. Việc chấp nhận những thông tin xác nhận niềm tin của chúng ta rất dễ dàng và cần ít năng lượng tinh thần. Những thông tin mâu thuẫn dễ khiến chúng ta né tránh, hoặc ta chỉ nắm bắt vì lý do nhằm loại bỏ nó.  
Trong Cuốn sách nhỏ về sự ngu ngốc, Sia Mohajer đã viết:   Thiên kiến xác nhận là một yếu tố cơ bản đối với sự phát triển của bạn và nó tồn tại trong thực tế nhận thức của bạn nhiều đến mức bạn có thể không nhận ra nó đang diễn ra. Chúng ta tìm kiếm bằng chứng ủng hộ niềm tin và ý kiến ​​của chúng ta về thế giới nhưng loại trừ những bằng chứng trái ngược với những niềm tin và ý kiến ấy… Trong nỗ lực đơn giản hóa thế giới và làm cho nó phù hợp với mong đợi của chúng ta, thiên kiến ​​nhận thức là một món quà chúng ta đã được ban tặng.  

Sự hiểu biết của con người thường dựa trên việc chấp nhận một nhận định, dựa trên việc rút ​​ra những thông tin từ các nguồn họ có để ủng hộ và đồng tình với nhận định ấy. Và mặc dù có một số trường hợp hay thông tin được tìm thấy ở phía có nhận định ngược lại với số lượng lớn hơn và có trọng lượng đáng kể, nhưng những trường hợp này thường là bị người ta bỏ qua và coi thường, hoặc dựa vào một số khác biệt để đặt nó sang một bên và loại bỏ. ” – Francis Bacon  

Thiên kiến xác nhận đã làm lu mờ sự phán xét của chúng ta như thế nào?
Sự phức tạp của thiên kiến xác nhận nảy sinh một phần từ thực tế là chúng ta không thể vượt qua nó nếu không có nhận thức về khái niệm. Ngay cả khi được đưa ra bằng chứng trái ngược với quan điểm thiên vị, chúng ta vẫn có thể giải thích nó theo cách củng cố quan điểm hiện tại của chúng ta.  
Trong một nghiên cứu ở Stanford, một nửa số người tham gia ủng hộ hình phạt tử hình, và nửa còn lại phản đối. Cả hai nhóm đều đọc chi tiết của hai nghiên cứu hư cấu giống nhau. Một nửa số người tham gia được cho biết rằng một nghiên cứu ủng hộ tác dụng răn đe của hình phạt tử hình, nghiên cứu kia phản đối. Những người tham gia khác đọc thông tin ngược lại. Không hề chi, hầu hết những người tham gia vẫn giữ quan điểm ban đầu của họ, chỉ vào dữ liệu hỗ trợ cho quan điểm ấy và loại bỏ quan điểm ngược lại.  

Thiên kiến xác nhận làm lu mờ đi sự phán xét của chúng ta. Nó cho chúng ta một cái nhìn lệch lạc về thông tin, ngay cả khi nó chỉ bao gồm các số liệu. Hiểu được điều này là điều không thể không biến đổi thế giới quan của một người – hay đúng hơn là quan điểm của chúng ta về nó. Lewis Carroll tuyên bố, “chúng ta là những gì chúng ta tin rằng chúng ta đang có,” nhưng có vẻ như thế giới cũng chỉ là những gì chúng ta tin tưởng mà thôi.  

Một bài thơ của Shannon L. Alder có thể minh họa khái niệm này:  
Hãy đọc nó với nỗi buồn và bạn sẽ cảm thấy chán ghét.
Hãy đọc nó với sự tức giận và bạn sẽ cảm thấy muốn báo thù.
Hãy đọc nó với hoang tưởng và bạn sẽ cảm thấy hoang mang.
Hãy đọc nó với sự đồng cảm và bạn sẽ cảm thấy lòng trắc ẩn trỗi dậy.
Hãy đọc nó với tình yêu và bạn sẽ cảm thấy được đánh giá cao.
Hãy đọc nó với hy vọng và bạn sẽ cảm thấy những cảm xúc tích cực.
Hãy đọc nó với sự hài hước và bạn sẽ cảm thấy niềm vui.
Hãy đọc nó mà không thiên vị và bạn sẽ cảm thấy bình yên.
Đừng đọc nó chút nào và bạn sẽ không cảm thấy gì.  

Thiên kiến ​​xác nhận phần nào có liên quan đến ký ức của chúng ta (tương tự như mọi thành kiến khác). Chúng ta có khuynh hướng nhớ lại những bằng chứng ủng hộ niềm tin của mình. Tuy nhiên, cho dù thông tin gốc có là trung lập, chúng ta vẫn rơi vào tình trạng tiếp thu có chọn lọc.

Như Leo Tolstoy đã viết:   Có thể giải thích được dễ dàng những môn học khó nhất cho một người chậm hiểu nhất nếu anh ta chưa hình thành bất kỳ ý tưởng nào về những môn đó; nhưng lại khó lòng nói rõ được một điều đơn giản nhất với một người cực kỳ thông minh, nếu người ấy đã bị thuyết phục một cách chắc chắn rằng anh ta đã biết, không chút nghi ngờ, về những gì đang được bày ra trước mắt.  

“Niềm tin có thể tồn tại trước những thách thức logic hoặc bằng chứng thực nghiệm mạnh mẽ. Nó có thể tồn tại và thậm chí được củng cố bởi bằng chứng rằng hầu hết các nhà quan sát khách quan sẽ đồng ý những yêu cầu hợp lý sẽ làm suy yếu những niềm tin như vậy. Niềm tin thậm chí vẫn có thể sống sót cho dù những căn cứ dùng làm bằng chứng ban đầu của nó đã bị phá hủy”. – Lee Ross và Craig Anderson  

Tại sao chúng ta bỏ qua những bằng chứng mâu thuẫn với niềm tin của mình?  
Tại sao chúng ta phải vật lộn để thừa nhận những thông tin mâu thuẫn với quan điểm của mình?   Khi lần đầu tiên biết rằng trên đời có cái gọi là thiên kiến xác nhận, nhiều người phủ nhận rằng họ đã bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến đó. Suy cho cùng, hầu hết chúng ta đều tự cho mình là những người thông minh, lý trí. Vì vậy, làm sao niềm tin của chúng ta có thể tồn tại ngay cả khi đối mặt với những bằng chứng thực nghiệm rõ ràng? Ngay cả khi điều gì đó đã được chứng minh là không đúng sự thật, nhiều người hoàn toàn bình thường vẫn tiếp tục tìm cách giảm thiểu sự bất hòa giữa những nhận thức trước và sau khi sự thật sáng tỏ đó.  

Phần lớn điều này là kết quả của nhu cầu nhất quán về nhận thức của chúng ta. Chúng ta bị tấn công bởi thông tin. Thông tin đến từ những người khác, từ phương tiện truyền thông, từ kinh nghiệm của chúng ta và nhiều nguồn khác. Tâm trí của chúng ta phải tìm các phương tiện để mã hóa, lưu trữ và truy xuất dữ liệu mà chúng ta tiếp xúc. Một trong những cách chúng ta làm điều này là phát triển các mô hình và lối tắt nhận thức. Những thứ này có thể hữu ích hoặc vô ích.  

Thiên kiến xác nhận là một phép suy đoán ít hữu ích hơn và tồn tại như là kết quả của “lối tắt” trong nhận thức. Thông tin mà chúng ta diễn giải bị ảnh hưởng bởi niềm tin hiện có, nghĩa là chúng ta có nhiều khả năng nhớ lại nó. Kết quả là, chúng ta có xu hướng xem nhiều bằng chứng hơn để thực thi thế giới quan của chúng ta. Dữ liệu xác nhận được coi trọng, trong khi dữ liệu không xác nhận bị hoài nghi. Sự đồng hóa thông tin chung của chúng ta có thể dựa trên những thành kiến sâu sắc.  

Liên tục đánh giá lại thế giới quan của chúng ta là một điều mệt mỏi, vì vậy chúng ta muốn củng cố thế giới quan của mình. Cộng với việc nắm giữ những ý tưởng khác nhau trong đầu là một công việc khó khăn. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ tập trung vào một thứ thôi.   Chúng ta bỏ qua những bằng chứng mâu thuẫn vì nó quá khó tin đối với bộ não của chúng ta.

Theo nghiên cứu của Jennifer Lerner và Philip Tetlock, chúng ta chỉ có động lực suy nghĩ chín chắn khi phải chịu trách nhiệm trước người khác. Nếu chúng ta được kỳ vọng phải biện minh cho niềm tin, cảm xúc và hành vi của mình với người khác, chúng ta sẽ ít có xu hướng thiên vị đối với bằng chứng xác nhận. Điều này không hẳn là mong muốn có được một nhận thức chính xác hơn, mà là kết quả của việc muốn tránh những hậu quả tiêu cực hoặc bị chế giễu là phi logic.

Việc bỏ qua những bằng chứng trái với niềm tin có sẵn cũng có thể có lợi, chẳng hạn như khi chúng ta đứng về phía niềm tin của người khác để tránh không bị xã hội xa lánh.  

Ví dụ về thiên kiến xác nhận trong hành động: Các nhà sáng tạo so với các nhà sinh học tiến hóa

Ta có thể thấy một ví dụ điển hình về thiên kiến xác nhận trong cuộc đụng độ giữa các nhà sáng tạo luận và các nhà sinh học tiến hóa. Các nhà sinh học sử dụng bằng chứng khoa học và thí nghiệm để trình bày quá trình tiến hóa sinh học qua hàng triệu năm. Các nhà sáng tạo luận coi Kinh thánh là đúng theo nghĩa đen và cho rằng thế giới chỉ có vài nghìn năm tuổi. Các nhà sáng tạo luận có kỹ năng giảm thiểu sự bất hòa về nhận thức gây ra bởi bằng chứng thực tế bác bỏ ý tưởng của họ. Nhiều người coi “bằng chứng” phi thực nghiệm cho niềm tin của họ (chẳng hạn như kinh nghiệm tâm linh và sự tồn tại của thánh kinh) có giá trị lớn hơn bằng chứng thực nghiệm cho sự tiến hóa.   Các nhà sinh học tiến hóa đã sử dụng hồ sơ hóa thạch để chứng minh rằng quá trình tiến hóa đã xảy ra trong hàng triệu năm. Trong khi đó, một số nhà sáng tạo xem những hóa thạch giống như được một vị thần trồng để kiểm tra niềm tin của chúng ta. Những người khác cho rằng hóa thạch là bằng chứng về trận lụt toàn cầu được mô tả trong Kinh thánh. Họ bỏ qua bằng chứng trái ngược với những ý tưởng âm mưu này và thay vào đó sử dụng nó để xác nhận những gì họ đã nghĩ.  

Những kẻ tiên tri ngày tận thế
Đi dạo qua London vào một ngày bận rộn, và bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy một kẻ tiên tri ngày tận thế ở một góc phố, nói về ngày tận thế sắp tới. Quay trở lại một lúc sau và bạn sẽ thấy chúng vẫn ở đó, thông báo rằng phần cuối đã bị hoãn lại.  

Trong cuốn Khi lời tiên tri thất bại, Leon Festinger đã giải thích hiện tượng theo cách này:   Giả sử một cá nhân tin vào điều gì đó bằng cả trái tim; giả sử thêm rằng anh ta rất gắn bó với niềm tin này, rằng anh ta đã thực hiện những hành động không thể đảo ngược vì nó; cuối cùng, giả sử rằng người ta đưa ra cho anh ta một bằng chứng rõ ràng và không thể phủ nhận, rằng niềm tin của anh ta là sai: điều gì sẽ xảy ra? Bản tính cá nhân sẽ trỗi dậy, anh ta không những không bị lay chuyển mà thậm chí còn tỏ ra bị thuyết phục về tính đúng đắn của niềm tin ấy hơn bao giờ hết. Thật vậy, anh ta thậm chí có thể thể hiện một bầu nhiệt huyết mới về việc thuyết phục và làm mọi người chuyển đổi theo quan điểm của anh ấy.  

Âm nhạc  
Thiên kiến xác nhận trong âm nhạc rất thú vị vì nó thực sự là một phần lý do tại sao chúng ta lại thích nó đến vậy. Theo Daniel Levitin, tác giả của cuốn This Is Your Brain on Music:   Khi âm nhạc phát ra, bộ não chúng ta liên tục cập nhật các ước tính về thời điểm xuất hiện các nhịp đập mới và cảm thấy hài lòng khi khớp nhịp điệu tinh thần với nhịp đập trong thế giới thực.   Hãy chứng kiến ​​cách một nhóm thanh thiếu niên hành động khi ai đó mở “Wonderwall” của Oasis hoặc “Creep” của Radiohead. Hoặc cách cha mẹ họ phản ứng với “Starman” của Bowie hoặc “Alone” của Heart. Hoặc thậm chí là ông bà của họ với “The Way You Look Tonight” của Sinatra hoặc “Non, Je ne Regrette Rien” của Edith Piaf. Khả năng dự đoán từng nhịp hoặc âm tiết liên tiếp về bản chất là rất thú vị. Đây là một trường hợp thiên kiến xác nhận phục vụ tốt cho chúng ta. Chúng ta học cách hiểu các mẫu và quy ước âm nhạc, thích nhìn thấy chúng.  
 
Vi lượng đồng căn  
Ngành vi lượng đồng căn trị giá hàng tỷ đô la là một ví dụ về thiên kiến xác nhận hàng loạt.   Vi lượng đồng căn được Jacques Benveniste phát minh. Ông là một nhà nghiên cứu người Pháp nghiên cứu về histamine. Benveniste bị thuyết phục rằng khi dung dịch histamine được pha loãng, hiệu quả sẽ tăng lên do cái mà ông gọi là “ký ức nước”. Kết quả thử nghiệm được thực hiện mà không gây chói mắt, dẫn đến hiệu ứng giả dược.  

Benveniste tin chắc chắn vào giả thuyết của mình đến nỗi ông tìm mọi dữ liệu để xác nhận nó và bỏ qua những bằng chứng cho thấy điều đó không đúng. Các nhà nghiên cứu khác lặp lại các thí nghiệm của ông với cách làm mù thích hợp và chứng minh kết quả của Benveniste là sai. Kết quả là nhiều người làm việc với ông đã rút lui khỏi hoạt động khoa học.  

Tuy thế, những người ủng hộ vi lượng đồng căn vẫn phát triển thêm về số lượng. Những người ủng hộ bám vào bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ vi lượng đồng căn trong khi bỏ qua cái những bằng chứng ngược lại.   “Một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới ngày nay là chúng ta có nhiều nhóm người chấp nhận bất cứ tin đồn nhảm nào họ nghe thấy từ những nguồn lá cải, chỉ vì nó phù hợp với thế giới quan của họ — không phải vì nó thực sự đúng hay vì họ có bằng chứng để chứng minh điều đó. Điều đáng nói là sẽ không mất nhiều nỗ lực để xác minh trong hầu hết các trường hợp này… nhưng mọi người thích yên tâm hơn là thích nghiên cứu ”. – Neil deGrasse Tyson  

Thí nghiệm khoa học  
Trong những thí nghiệm khoa học đạt chuẩn mực, các nhà nghiên cứu cần tìm cách tìm hiểu chỗ sai trong giả thuyết của họ, chứ không phải tìm dữ liệu để xác nhận chúng. Thật không may, điều này không phải luôn luôn như vậy (như ví dụ về vi lượng đồng căn cho thấy). Có nhiều trường hợp các nhà khoa học giải thích dữ liệu theo cách thiên lệch, hoặc lặp lại các thí nghiệm cho đến khi họ đạt được kết quả mong muốn. Thiên kiến xác nhận cũng phát huy tác dụng khi các nhà khoa học bình duyệt các công trình nghiên cứu. Họ có xu hướng đưa ra những đánh giá tích cực về các nghiên cứu khẳng định quan điểm của họ và các nghiên cứu được cộng đồng khoa học chấp nhận.  

Điều này thật có vấn đề. Các chương trình nghiên cứu không đầy đủ nếu tiếp tục sẽ có thể vượt quá điểm mốc ở đó bằng chứng cho thấy giả thuyết là sai. Thiên kiến xác nhận đã làm lãng phí một lượng lớn thời gian và kinh phí. Chúng ta không được nhìn nhận khoa học theo giá trị bề ngoài và cần phải nhận thức được tác hại của những kết quả nghiên cứu chứa đựng thiên kiến.  

“Con mắt chúng ta chỉ nhìn thấy những gì tâm trí đã được chuẩn bị để lĩnh hội.” – Robertson Davies  

Phần kết luận Bài viết này có thể đem lại cơ hội để bạn đánh giá mức độ ảnh hưởng của thiên kiến ​​xác nhận đến bạn. Hãy cân nhắc nhìn lại các đoạn trước và hỏi:  
Tôi đã tự động đồng ý với những phần nào? Những phần nào tôi đã bỏ qua hoặc lướt qua mà không nhận ra? Tôi đã phản ứng như thế nào với những điểm tôi đồng ý hoặc không đồng ý? Bài này có xác nhận bất kỳ ý tưởng nào tôi đã có không? Tại sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nghĩ ngược lại với những ý kiến ​​đó?

Nhận thức được thiên kiến xác nhận là một điều không dễ dàng, nhưng với thực tiễn, chúng ta có thể nhận ra vai trò của nó trong cách chúng ta giải thích thông tin. Bạn cần tìm kiếm những bằng chứng xác nhận cho những quan điểm hay niềm tin trái với những gì bạn đang có.  

Như Rebecca Goldstein đã viết trong Incompleteness: The Proof and Paradox of Kurt Godel:   Tất cả sự thật – ngay cả những sự thật dường như chắc chắn đến mức miễn nhiễm với khả năng bị sửa đổi – về cơ bản đều được tạo ra. Thật vậy, chính khái niệm về cái đúng khách quan là một huyền thoại được xây dựng về mặt xã hội. Trí óc hiểu biết của chúng ta không gắn liền với sự thật. Thay vào đó, toàn bộ khái niệm về sự thật đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta, chính chúng là những tay sai vô tình của các hình thức ảnh hưởng có tổ chức.  

Nguồn: https://fs.blog/2017/05/confirmation-bias/