Phạm Thị Ly (2020)
Bài đăng Tuổi trẻ Cuối Tuần số ra ngày 09.07.2020
Trên tờ Business Insider năm ngoái có một bài báo tiêu đề “Tại sao học phí đại học Mỹ lại cao chưa từng có” (và 5 lý do cho thấy tình hình sẽ chỉ càng tệ hơn)”. Bài này đã cho thấy một thực tế, về tình trạng chi phí ĐH tăng cao và gánh nặng nợ học phí đang là quả bom chờ nổ ở Mỹ. Số liệu từ một báo cáo của College Board cho biết, chi phí để lấy được tấm bằng ĐH đã tăng 213% ở trường công và 129% ở trường tư, sau khi đã điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát, trong thời gian từ 1980 đến 2018.
Vay và nợ
Một nghiên cứu khác cho biết, so với thu nhập trung bình của các gia đình, thì học phí ĐH cũng chiếm một tỉ lệ ngày càng lớn: trong khi học phí tăng từ $12.716 đến $31.231/năm (trường tư) và từ $2.810 to $9.139 (trường công), thì thu nhập bình quân của một hộ gia đình chỉ tăng thêm có $6.710, từ $47.181 năm 1984 đến $53.891 năm 2014. Khoảng trống này được giải quyết bằng nợ vay.
So với 35 nước thuộc Tổ chức Phát triển Kinh tế Thế giới, Mỹ là nước có mức học phí cao nhất. Một phần ba các nước OECD miễn học phí ĐH, tức là kinh phí hoạt động của các trường đều do nhà nước bao cấp hoàn toàn, ví dụ như Đan Mạch hay Phần Lan. Các nước có thu học phí thì cũng ở mức thấp hơn nhiều. Có 10 nước trong số này học phí ở mức dưới 4 ngàn đô la Mỹ một năm.
Ở Anh trước đây cũng miễn học phí ĐH, chỉ từ 1998 mới bắt đầu thu một mức tương trưng. Luật GD Anh 2004 cho phép các trường thu học phí tối đa 3.000 bảng/năm, đến năm 2010 thì con số này được quy định là 9.000 bảng (khoảng 11.200 đô la Mỹ) và được điều chỉnh hàng năm theo tỉ lệ lạm phát.
Những thông tin trên cho thấy một bức tranh chung ở các quốc gia phát triển phương Tây, là GD ĐH vẫn chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của nhà nước. Mỹ là trường hợp khá đặc biệt khi các trường tư đã có truyền thống phát triển từ lâu đời, dựa trên nguồn quỹ hiến tặng rất lớn, và nhiều trường tư không hề thua kém các trường công về mặt xuất sắc. Khu vực GD vì lợi nhuận (theo định nghĩa truyền thống về “vì lợi nhuận”) của Mỹ chỉ mới phát triển về sau, và không nắm giữ vai trò đáng kể nào trong hệ thống. Nhưng dù công hay tư, thì chi phí học đại học ở Mỹ vẫn rất đắt đỏ, và con đường gần như độc đạo đối với hầu hết sinh viên Mỹ là vay học phí.
Trước tình hình đó, có ba câu hỏi cần đặt ra, là tại sao học phí ĐH lại cao như thế, hệ quả trực tiếp/gián tiếp của nó là gì, và liệu có giải pháp nào cho việc đó?
Học phí chi cho những gì?
Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ là học phí tăng cao do ngân sách nhà nước cấp cho các trường giảm sút. Trong trường hợp Mỹ, ngân sách tiểu bang cấp trực tiếp cho các trường, còn ngân sách liên bang thì cấp cho các quỹ cho sinh viên vay hoặc tài trợ trực tiếp cho sinh viên. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Paul F. Campos, giáo sư luật trường ĐH University of Colorado, Boulder, thậm chí còn nói đó là câu chuyện thần thoại ưa thích của các nhà quản lý. Một nghiên cứu năm 2015 cho biết, việc mở rộng các quỹ cho sinh viên vay và hỗ trợ sinh viên dưới mọi hình thức chính là nhân tố chủ yếu đẩy học phí lên cao chứ không phải là ngược lại.
Học phí tăng cao đặt ra câu hỏi, các trường đã chi tiền vào những việc gì? Khoản chi phí lớn nhất ở các trường, là chi cho giảng dạy, bao gồm tiền lương giảng viên và đội ngũ quản lý. Khoản này nhiều ít tùy loại trường, thấp nhất là cao đẳng công lập 2 năm (28% trong tổng chi) và cao nhất là ĐH tư không vì lợi nhuận (42%).
Nhưng nhìn kỹ vào cơ cấu chi tiêu và nhân sự của các trường, có thể thấy một xu hướng nhất quán: số vị trí của nhân viên quản lý trong các trường đã tăng 60% trong mấy thập kỷ qua, nhiều gấp 10 lần so với mức độ mở rộng của biên chế giáo sư. Một phân tích do GS. Pomoma thực hiện cho biết trong thời gian từ 1975 đến 2008, giảng viên toàn thời gian trong hệ thống California State University tăng từ 11.614 người lên 12.019, thì số nhân viên quản lý tăng từ 3800 người lên 12.183 người, tức là 221%.
Campos cho là điều này có thể giải thích được, do áp lực của các thứ quy định cần đáp ứng, do nhu cầu cạnh tranh, do nhu cầu đảm bảo chất lượng, v.v. Tuy vậy, theo ông thì không có lý lẽ nào có giá trị có thể biện minh cho xu hướng gần đây về mức lương tăng tới bảy chữ số của giới quản lý cấp cao ở các trường ĐH.
Thêm nữa, các trường còn chạy theo cuộc đua “trang bị vũ khí” bằng các sân vận động, các đội bóng chuyên nghiệp, với những huấn luyện viên hưởng lương triệu đô hàng năm. Thể thao, nghệ thuật là một phần của đời sống đại học, và không ai cho rằng nó vô ích, nhưng vấn đề là tất cả những hóa đơn này đều sẽ được tính ra thành học phí và làm nảy sinh câu hỏi “liệu những giá trị nó mang lại có đáng với cái giá mà chúng ta phải trả?”
Cầm tấm bằng rồi cả đời mang nợ
Thế hệ “baby boomers” ở Mỹ đã trả tiền học phí đại học bằng tiền cắt cỏ mùa hè hay giao báo mỗi sáng, hoặc tiền tip khi phục vụ nhà hàng, quán café. Ngày nay thì những khoản tiền này chỉ đủ cho các khoản tiêu vặt nhỏ nhoi. Học phí quá cao đã khiến vay nợ chính phủ là điều không thể tránh. Thủ tục để vay cũng khá dễ dàng, vì thế nhiều người đã không ngần ngại vay. Họ còn quá trẻ để thấy hết hệ quả của nó.
Tổng nợ học phí của sinh viên Mỹ hiện nay là 1.600 tỉ đô la, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số 40 triệu sinh viên Mỹ đã ra trường và còn đang mắc nợ học phí, 14% còn đang nợ ít nhất là 50 ngàn đô la. Phần lớn sinh viên Mỹ ngày nay ra trường với khoản nợ chừng 27 ngàn (trường công) tới 34 ngàn đô la Mỹ (trường tư). Sinh viên ngành y nợ trung bình là 201.490 USD (số liệu 2019). Một nghiên cứu ở UCLA thu thập dữ liệu 13 năm liền đã cho thấy nợ học phí có tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần của thanh niên lứa tuổi 25-31, từ đó dẫn tới sức khỏe chung cũng có vấn đề. Nó là nhân tố quan trọng trong sự lo âu, áp lực, thậm chí tuyệt vọng, đặc biệt là khi thất nghiệp.
Tờ Market Watch tháng 10 năm 2019 kể câu chuyện cô Melanie Lockert, hiện 34 tuổi, tốt nghiệp cử nhân California State University of Long Beach năm 2006 ngành nghệ thuật, với món nợ 23,000 ngàn đô la. Ba năm sau, cô muốn học lên cao hơn và được nhận vào ngôi trường mơ ước NYU’s Tisch School of Arts. Cô được vay 80 ngàn đô để trả tiền ăn học, nhưng con số này làm cô sợ cho nên chỉ dám vay 58 ngàn. Cô tốt nghiệp năm 2011 với tổng số nợ 68 ngàn cho cả hai bậc học, và không tìm được việc làm. Cô đã phải nhận một việc tạm thời với thù lao 10-12 đô mỗi giờ, và cuối cùng thì phải xin phiếu trợ cấp thực phẩm của chính phủ.
Sinh viên tốt nghiệp có thể chọn trả món nợ này trong thời gian dài hoặc ngắn, nếu trả trong vòng 5-10 năm thì số tiền hàng tháng phải trả khá cao, hệ quả là phải thắt lưng buộc bụng và hoãn lại việc kết hôn hay mua căn nhà đầu tiên. Nếu trả kéo dài, thì lãi suất 5-6%/năm cộng vào, khoản nợ một vài trăm ngàn sau 30 năm có thể phải trả tổng cộng lên đến tiền triệu.
Hệ quả của nợ sinh viên không chỉ là áp lực tâm lý, sức khỏe tâm thần, và trì hoãn việc kết hôn, mua nhà đối với người mang nợ. Nó có những hệ quả ở tầm mức quốc gia. Khoản chi phí và nợ nần này có thể là một nguyên nhân khiến người ta cân nhắc hơn, và số người có bằng ĐH trong lứa tuổi 25-34 của Mỹ đang tụt hạng thê thảm trên thế giới: năm 1990, nước Mỹ đứng đầu về tỉ lệ này, ngày nay thì đứng thứ 12, thua xa các quốc gia mới nổi như Hàn Quốc, Nhật, Na-Uy chẳng hạn.
Ngày càng nhiều sinh viên không trả nổi nợ học phí. Tỉ lệ người vay tiền bị áp mức lãi suất cao hơn do chậm trả hay trả không đúng kỳ hạn đã tăng gấp đôi trong thời gian từ 2003 đến 2011, và đến 2023 người ta tính rằng sẽ có khoảng 40% người vay không trả nổi nợ. Nếu biết rằng nợ sinh viên còn vượt xa cả tổng nợ tín dụng của toàn dân Mỹ (hiện là một ngàn tỉ đô la Mỹ), thì việc không trả nổi nợ học phí trên diện rộng có thể coi là một quả bom chờ nổ. Nó có thể ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn của nước Mỹ.
Ta nên nghĩ tới điều gì?
Tình trạng báo động của nợ học phí ở Mỹ cho thấy việc tăng học phí và bù đắp bằng cho vay tuy có vẻ rất hợp lý, nhưng có những hệ quả dài lâu rất cần cân nhắc. Việt Nam đã giữ mức học phí đại học ở mức thấp trong thời gian dài, vì vậy việc tăng học phí để bảo đảm chất lượng là không thể tránh khỏi. Nhưng tăng đến mức nào và học phí được sử dụng ra sao là vấn đề không thể coi nhẹ. Nếu phó mặc cho các trường tăng học phí và mở rộng tín dụng sinh viên, thì sẽ đến một lúc chúng ta rơi vào tình cảnh nước Mỹ hôm nay: bên cạnh những người đạt được thành công đủ bù đắp cho khoản vay của họ, sẽ có những người đã vay và đã tốt nghiệp có thể cảm thấy họ là nạn nhân của “trò chơi bằng cấp”, những người khác không thể bước vào đại học, và trên bình diện quốc gia, chúng ta sẽ không đủ số người được đào tạo ở trình độ cao để đưa nền kinh tế tiến lên trong một thế giới cạnh tranh khắc nghiệt.
0 Comments