Phạm Thị Ly
(Bài đăng Thời báo Kinh tế Saigon ngày 11.07.2019 dưới tiêu đề: “Lẫn lộn công tư: mảnh đất màu mỡ để biến công thành tư”)
Đã từ lâu, không ai lạ gì việc một số trường ĐH tư mở thêm hệ đào tạo phổ thông, mầm non, mẫu giáo, tương tự như công ty mẹ mở ra các công ty con. Các công ty con này chịu sự điều phối về mặt đầu tư và tài chính của bộ phận phụ trách kinh doanh của công ty mẹ. Mục tiêu đương nhiên là đa dạng hóa sản phẩm để tìm kiếm lợi nhuận.
Giáo dục là một dịch vụ, cung ứng dịch vụ để tìm kiếm lợi nhuận là chuyện bình thường, và tư nhân hóa giáo dục (dưới tên gọi hoa mỹ hơn là xã hội hóa giáo dục) là một giải pháp tất yếu khi xã hội ngày càng phân hóa đa dạng hơn; nhu cầu và khả năng chi trả của người dân ngày một thêm khác nhau trong lúc năng lực của nhà nước và của ngân sách thì có hạn.
Thế nhưng, khi trường ĐH công mở ra hệ đào tạo phổ thông và thu học phí như trường tư thì vấn đề trở nên khác hẳn.
Lợi hay hại?
Khác với giáo dục ĐH, giáo dục phổ thông ở hầu hết các nước đều là trách nhiệm chính của nhà nước, bởi vì học vấn tối thiểu mà con người thụ đắc trong tuổi chưa thành niên có ý nghĩa tối quan trọng trong việc hòa nhập tích cực và đóng góp cho sự phát triển xã hội. Một đất nước mà nhiều người không được học hết phổ thông, hay là chỉ được thụ hưởng một nền giáo dục phổ thông kém chất lượng, thì khó mà cạnh tranh được trên phạm vi toàn cầu. Đó là chưa nói tới việc không chỉ những người thất học thiệt thòi mà cả xã hội cũng sẽ phải trả giá: có câu nói xây thêm một trường học thì bớt đi được một nhà tù là vì thế.
Giáo dục tư bậc phổ thông ở các nước chỉ là một lựa chọn tốt hơn cho những người có điều kiện hoặc có nhu cầu đặc biệt. Vì lợi ích công của cả xã hội, nước nào cũng phải bảo đảm quyền được đến trường của trẻ em bất kể hoàn cảnh gia đình và điều kiện tài chính.
Việt Nam hiện nay cũng quy định về giáo dục miễn phí ở bậc tiểu học, còn bậc trung học thì thu học phí rất thấp ở các trường công.
Vấn đề là, vì ngân sách cấp cho các trường công vừa hạn chế vừa không được quản lý và sử dụng một cách có hiệu quả, cho nên trong thực tế đã nảy sinh những biến tướng như dạy học thêm hay lạm thu các kiểu, làm biến dạng, méo mó quá trình giáo dục ở trường công, khiến nhu cầu học các trường tư trở nên tăng cao trong xã hội.
Nhu cầu đó trở thành cơ hội kinh doanh cho các trường tư. Khi các trường ĐH công lập mở trường phổ thông và thu học phí với mức giá thị trường, thì về bản chất là họ đang tham gia thị trường giáo dục bằng nguồn vốn từ ngân sách.
Hệ quả là ngân sách đã không được sử dụng đúng mục đích. Về nguyên tắc, ngân sách là tiền của người dân đóng thuế, chỉ được phép sử dụng để phục vụ lợi ích công, không phải là để làm vốn kiếm lời cho bất cứ cá nhân ai và dưới bất cứ hình thức nào.
Trường ĐH công, cho dù thu học phí để bù đắp chi phí, thì vẫn là một tổ chức công, có nghĩa là thuộc sở hữu công và có sứ mạng phục vụ lợi ích công, chứ không thể hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận (nếu trong thực tế nó xử sự như một tổ chức vì lợi nhuận, thì đó lại là một vấn đề khác). Nếu trường ĐH công mở trường phổ thông như công ty mẹ mở công ty con, thì ý nghĩa của tổ chức công không còn nữa. Đối với giáo dục phổ thông, một trong những sứ mạng quan trọng nhất của trường công là mang lại cơ hội học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thị trường hóa hoàn toàn dịch vụ giáo dục chắc chắn sẽ đẩy con em nhà nghèo sang bên lề, vì về bản chất nó là thương mại hóa giáo dục, mà thương mại hóa có nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận.
Có thể phản biện rằng tất cả những điều nói trên chỉ đúng về mặt lý thuyết. Trong thực tế các trường phổ thông công lập dưới sự lãnh đạo của các trường ĐH thường có chất lượng chuyên môn tốt hơn nhờ dựa vào đội ngũ nhân sự trình độ cao. Thêm nữa, nhờ dựa một phần vào nguồn lực nhà nước và không bị áp lực hoàn vốn đầu tư, các trường này có thể có mức học phí thấp hơn so với các trường tư cùng chất lượng, vì vậy nó đáp ứng một nhu cầu lớn của người dân. Đương nhiên nó tạo ra cạnh tranh không công bằng với các trường tư, nhưng xét về mặt nào đó thì người học cũng có chút lợi ích, còn người vận hành trường thì đương nhiên là hưởng lợi từ việc tận dụng nguồn lực công. Đó cũng là cách góp phần nâng cao thu nhập cho đội ngũ giảng viên, nhân viên trường ĐH để họ sống được với nghề. Nói cách khác, đó là dùng cái sai này để sửa cái sai khác: trường ĐH mở trường phổ thông là sai về nguyên tắc (không kể trường thực nghiệm nói ở phần sau), nhưng nó nhằm sửa một cái sai khác của hệ thống: tiền lương nhà nước không đủ bảo đảm mức sống tối thiểu cho giảng viên, nhân viên trường ĐH.
Cái hại ở đây là làm lẫn lộn công tư, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho việc biến công thành tư, khiến nguồn lực dành cho giáo dục công càng thêm thu hẹp. Giáo dục công càng ít nguồn lực thì cơ hội cho con nhà nghèo càng ít đi. Sửa cái sai này bằng cái sai khác sẽ tạo ra một vòng lẩn quẩn không lối thoát, khiến ai cũng là nạn nhân và ai cũng là thủ phạm.
Vấn đề trường phổ thông thực nghiệm và trường phổ thông năng khiếu
Đây là những trường hợp cần khích lệ, và cần được đầu tư đầy đủ của nhà nước. Trường ĐH Sư phạm rất cần có trường phổ thông thực nghiệm theo đúng nghĩa, tức là nơi áp dụng những kết quả nghiên cứu về giáo dục để theo dõi, phân tích, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm trước khi đem áp dụng ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, rất tiếc là trong thực tế, các trường phổ thông trực thuộc trường ĐH sư phạm hiện nay hầu như không hề có tính chất thực nghiệm, bởi vì nó vẫn chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của Sở Giáo dục tỉnh/thành phố và tuyệt nhiên không được phép làm bất cứ thứ gì khác với những điều đã được quy định và hướng dẫn, giống như tất cả những trường phổ thông khác.
Các trường phổ thông năng khiếu cho đến nay vẫn hoàn toàn mang tính chất công lập, tuyển chọn đầu vào với yêu cầu cao, chương trình đào tạo khắt khe và thầy giáo giỏi nhằm đào luyện nhân tài. Trong thực tế các trường chuyên, trường năng khiếu đã tạo ra nhiều thế hệ học sinh có thành tích cao, là một mô hình đáng nghiên cứu để xây dựng chính sách. Nó hoàn toàn khác với việc các trường ĐH công hiện nay đang mở thêm trường phổ thông như là một cách “làm kinh tế”.
Cần những giải pháp tổng thể
Khi nguồn lực công dành cho giáo dục không được quản lý và sử dụng đúng đắn, thì những biến tướng nói trên là tất yếu.
Việc nhập nhèm công tư, thật ra không chỉ xảy đến với giáo dục. Bệnh viện công mở phòng khám dịch vụ thu tiền theo giá thị trường, về bản chất cũng không khác. Nếu chỉ là một giải pháp tình thế trong phạm vi nhỏ nhằm “sửa sai” cho tình trạng ngân sách không đủ bảo đảm cho các hoạt động công, thì người ta không thấy rõ tác hại của nó. Nhưng khi trở thành tràn lan, người người mở trường, nhà nhà kinh doanh giáo dục, các tổ chức công cũng coi giáo dục là cách “làm kinh tế”, thì sứ mạng phục vụ lợi ích công sẽ không chỉ bị đẩy xuống hàng thứ yếu mà còn bị triệt tiêu.
Vì vậy, để giải quyết những vấn nạn của giáo dục thì phải trở về cái gốc của vấn đề. Về mặt chuyên môn là đa dạng hóa cách tiếp cận, về mặt tài chính thì cải tổ cách quản lý và sử dụng ngân sách cho giáo dục, trước hết là công ra công, tư ra tư, để không xảy ra nhập nhèm và lạm dụng. “Công ra công” bao hàm cả một nguồn lực vật chất phù hợp đủ bảo đảm cho chất lượng hoạt động, để thực hiện một sứ mạng nhất quán là phục vụ lợi ích công, tức là mang lại cơ hội giáo dục ở mức độ cơ bản cho mọi trẻ em. Nếu ngân sách hạn hẹp phải có thứ tự ưu tiên, thì ưu tiên hàng đầu phải dành cho những gia đình nghèo, vì với họ, giáo dục hầu như là cơ hội duy nhất để thay đổi cuộc đời.
Đẩy giáo dục vào khu vực thị trường hoàn toàn là đóng lại cánh cửa nhà trường với họ. Thất học, thu nhập thấp, không có hy vọng vào tương lai, không có con đường nào để vươn lên, họ không chỉ trượt xuống hố một mình, mà còn kéo theo nhiều hệ quả tai hại khác cho xã hội.
0 Comments