Phạm Thị Ly (2019)
Trả lời phỏng vấn báo Văn hóa Nghệ An số Xuân Kỷ Hợi
Phan Văn Thắng thực hiện
Lời Tòa soạn: Dư luận xã hội hiện đang quan tâm đến nội dung Luật giáo dục đang được thảo luận, góp ý. Một trong những câu hỏi lớn nhất đối với dự thảo luật này nếu được thông qua và có hiệu lực là nó có giải quyết được tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục hiện nay hay không. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi muốn được bà trao đổi, giải đáp một số nội dung liên quan đến vấn đề này với tư cách là một chuyên gia giáo dục, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực (2016 – 2021).
Phan Văn Thắng: Thưa bà, tôi, và rất nhiều người khác nữa vẫn thường nghe, và nói về bất bình đẳng trong giáo dục, nhất là trong nền giáo dục Việt Nam nhưng qủa thực cũng chưa hiểu đầy đủ, tường tận về khái niệm này. Theo bà, khái niệm bất bình đẳng trong giáo dục nên được hiểu như thế nào?
Phạm Thị Ly (PTL). Bất bình đẳng trong giáo dục thường được hiểu là sự phân phối không công bằng các nguồn lực cho việc học tập (ngân sách, giáo viên, công nghệ hay phương tiện, v.v) giữa các nhóm khác nhau trong xã hội, khiến những nhóm “bên lề” không có hay có ít cơ hội được thụ hưởng giáo dục và đạt tới những thành tựu đáng lẽ họ có thể đạt được.
Bất bình đẳng trong giáo dục thường được quy cho cội nguồn của nó là bất bình đẳng về mặt kinh tế. Tất nhiên nó còn có thể liên quan tới bất bình đẳng xã hội (giới, vùng miền, màu da, ngôn ngữ, v.v.), nhưng trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam thì quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt về giàu nghèo. Thực tế cho thấy đó là hai thứ không thể tách rời.
Trên thế giới người ta rất quan tâm tới vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục, vì nó liên quan trực tiếp tới sự chuyển dịch xã hội, những động lực tạo ra thay đổi trong xã hội bắt nguồn từ mong muốn “đổi đời” của những người xuất thân trong hoàn cảnh không thuận lợi muốn cải thiện vị trí của mình trên thang bậc xã hội. Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục là tạo ra cơ hội cho bất cứ ai, không kể nguồn gốc xuất thân, hoàn cảnh gia đình như thế nào, cũng có thể phát triển được tiềm năng của họ nhờ vào giáo dục. Nhu cầu được sống một cuộc sống tốt hơn, được tôn trọng là nhu cầu tự nhiên của tất cả mọi người. Niềm tin vào cơ hội bình đẳng chính là một động lực quan trọng để con người tìm kiếm những cách thức hòa bình trong việc vươn lên. Không có niềm tin đó, người ta rất dễ rơi vào tuyệt vọng, dẫn tới thái độ sống tiêu cực và những hành động phá hủy, tạo ra bất ổn xã hội.
Phan Văn Thắng: Xin bà hãy điểm danh các loại bất bình đẳng trong giáo dục Việt nam hiện nay?
Phạm Thị Ly: Bình đẳng trong giáo dục trước hết là bình đẳng trong cơ hội được đến trường. Tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới năm 2000, đã có 164 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký vào một bản cam kết toàn cầu (Educational for All Act) do UNESCO khởi xướng, hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu được học của tất cả mọi người. Có nhiều tổ chức quốc tế đã hành động để hỗ trợ các nước nghèo đạt tới mục tiêu này. Chương trình Đối tác Toàn cầu về Giáo dục (Global Partnership for Education) đã hỗ trợ cho 22 triệu trẻ em ở các nước nghèo được đến trường bằng cách trang bị cho hơn 50 ngàn phòng học và đào tạo trên 300 ngàn giáo viên.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên đây mới chỉ đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất trong việc học và hướng tới những mục tiêu đơn giản nhất, chẳng hạn xóa mù chữ. Xét về mặt này Việt Nam đạt được thành tựu tốt so với các nước. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ biết đọc biết viết của Việt Nam năm 2018 với trẻ dưới 15 tuổi là 98,1%. So với tỉ lệ trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á là 95,7%, của Nam Á là 89%, thành tựu của Việt Nam không tệ.
Cơ hội đến trường là một thước đo quan trọng. Chúng ta không có số liệu chính thức về số trẻ bỏ học ở Việt Nam, tuy rằng theo số liệu do Bộ GD-ĐT công bố, tỉ lệ này khá thấp (0,12% ở bậc tiểu học). Một báo cáo khác của UNICEF cho biết số trẻ trong độ tuổi 5-14 không được đến trường ở Việt Nam là 714.400 em (tại thời điểm năm 2014). Không có gì đáng ngạc nhiên khi báo cáo này cho biết tỉ lệ trẻ bên ngoài nhà trường thuộc ngũ phân vị nghèo nhất lớn gấp mười lần so với ngũ phân vị giàu nhất. Số trẻ chưa bao giờ được đến trường chiếm 1,47%, còn đi học rồi bỏ học chiếm 9,7% tổng số trẻ trong độ tuổi đến trường.
Bên cạnh cơ hội đến trường, bình đẳng trong giáo dục còn là vấn đề cơ hội thụ hưởng giáo dục có chất lượng. Trường chuyên, trường điểm, trường công chất lượng cao, trường tư, trường quốc tế đang là bức tranh phân hóa về cơ hội thụ hưởng giáo dục chất lượng cao ở Việt Nam.
Giữa một trường tư thu học phí gần một tỷ đồng cho mỗi học sinh một năm học với trường công bình thường mà ngân sách chỉ đủ trả lương giáo viên chưa đầy mười triệu đồng mỗi tháng, lẽ dĩ nhiên là các điều kiện học tập có khác nhau đáng kể. Nhưng sự khác biệt này là khó tránh khi xã hội vẫn có khoảng cách lớn về thu nhập giữa các tầng lớp xã hội. Khả năng chi trả khác nhau, nhu cầu và đòi hỏi cũng khác nhau, giáo dục tư tất yếu ra đời là để đáp ứng những nhu cầu đa dạng ấy.
Cái đáng bàn hơn là liệu ngân sách có được sử dụng một cách công bằng cho nhu cầu giáo dục, và nếu nó có ưu tiên nào đó, thì liệu những ưu tiên đó có dành cho những tầng lớp yếu thế, bên lề, có ít tiếng nói trong xã hội hay không, hay là lại đổ dồn cho những người đã có sẵn ưu thế?
Phan Văn Thắng: Bà đánh giá như thế nào về mức độ bất bình đẳng trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay?
Phạm Thị Ly: Về lý thuyết và về mặt chính sách, Việt Nam đang dành nhiều thuận lợi cho những người yếu thế. Chẳng hạn chính sách đối với người dân tộc, vùng sâu, vùng xa, các trường phổ thông dân tộc nội trú, chính sách cử tuyển, chính sách cho vay học phí không phân biệt công tư, v.v. Luật GD sửa đổi cũng minh định quyền bình đẳng về giáo dục, cùng với ưu tiên dành cho đối tượng khó khăn: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.” (Điều 12).
Tuy nhiên, vấn đề là luật chỉ quy định nguyên tắc chung như vậy, còn thực hiện như thế nào thì tùy thuộc nhiều vào nguồn lực cụ thể cũng như tầm nhìn của các địa phương.
Từ chính sách đến thực tế, bao giờ cũng có một khoảng cách. Luật quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí, nhưng do nguồn lực nhà nước cung cấp cho các trường công không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, thực tế đã nảy sinh đủ mọi loại biến tướng: chạy trường, lạm thu, dạy thêm học thêm, phong bì quà cáp, v.v. làm xói mòn chất lượng giáo dục. Cuối cùng thì phụ huynh vẫn phải trả khá nhiều tiền mà chất lượng không được như mong đợi.
Phan Văn Thắng: Mức độ bất bình đẳng trong những năm qua có gia tăng hơn so với trước không, thưa bà?
Phạm Thị Ly: Theo các số liệu thống kê, thì số học sinh bỏ học, không được đến trường đều giảm đáng kể so với các năm trước. Nhưng số liệu thống kê (giả sử là đáng tin cậy) chỉ nói lên được một phần. Một số nghiên cứu định tính đã được giới nghiên cứu độc lập thực hiện cho thấy hiện tượng “ngồi nhầm lớp” rất đáng lưu ý. Một học sinh lớp bảy chẳng hạn, thú nhận là em không biết đọc, biết viết. Điều này có nghĩa là chúng ta cần nhiều nghiên cứu độc lập để đánh giá đúng bức tranh thực tế, để nhận định có cơ sở về mức độ và xu hướng bất bình đẳng trong giáo dục.
Một chuyên gia làm việc cho Ngân hàng Thế giới có quá trình theo sát giáo dục phổ thông Việt Nam cho tôi biết rằng nếu đã có cơ hội đến trường, thì thành tích học tập của những em xuất thân trong gia đình nghèo ở Việt Nam không thua kém gì những em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khá hơn. Điều này có thể đúng, nhưng cũng cần lưu ý là “thành tích học tập” được đo như thế nào.
Phan Văn Thắng: Sự bất bình đẳng trong giáo dục, theo tôi hiểu, là có ở tất cả quốc gia trên thế giới. Nhưng liệu tình trạng này ở nước ta có gì khác so với các nước khác, những nước cùng ý thức hệ và những nước khác ý thức hệ không?
Phạm Thị Ly: Theo quan sát cá nhân của tôi, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục ở các nước phát triển như Mỹ hay Bắc Âu thể hiện tốt hơn trong thực tế, so với Việt Nam. Tất nhiên có phần là do họ có nguồn lực tốt hơn, nhưng điều quan trọng đáng nhấn mạnh, là cơ chế chính trị xã hội cho phép sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn. Ở Mỹ chẳng hạn, mặc dù trường công có chất lượng rất tốt, vẫn có nhiều trường tư với học phí không hề thấp để thỏa mãn nhu cầu đa dạng của xã hội. Trường công cũng không chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước, mà còn dựa vào nguồn hiến tặng của doanh nghiệp và cộng đồng.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, mọi sự trưởng thành đều cần thời gian và đều có cái giá phải trả. Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng, nhưng cũng cần lưu ý xu hướng thương mại hóa triệt để. Ở bất cứ nước nào, thì giáo dục phổ thông cũng phải là trách nhiệm cơ bản của nhà nước, bởi nó liên quan trực tiếp tới chất lượng nguồn nhân lực, sự an toàn, ổn định và phát triển của quốc gia. Để cho nó tự do cạnh tranh hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường thì chắc chắn là khoảng cách bất bình đẳng sẽ giãn rộng. Cái nghèo và cái dốt sẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một sợi dây xích sắt. Nếu không thể tháo ra, người ta có thể sẽ dùng búa để đập vỡ.
Phan Văn Thắng: Vâng, đúng vậy. Phải dùng búa để đập vỡ sự vô lý, phi khoa học và phi nhân bản. Hậu quả của tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục là gì? H
Phạm Thị Ly: Bất bình đẳng trong giáo dục xói mòn động lực phấn đấu của người trẻ, làm giảm mức độ năng động của sự dịch chuyển xã hội, là nguồn gốc tạo ra bạo lực và bất ổn xã hội.
Phan Văn Thắng: Bạo lực và bất ổn xã hội. Tôi đồng tình cao với bà về nhận định này và xin nhấn mạnh rằng bạo lực học đường trong nhiều năm qua tăng cao một phần không nhỏ là bởi bất bình đẳng trong giáo dục. Sự phân chia “đẳng cấp”, phân biệt giàu – nghèo, địa vị xã hội của phụ huynh… trong học trò là mầm mống của bạo lực. Bạo lực học đường, bất bình đẳng trong giáo dục là “gương chiếu hậu” thực trạng xã hội, các mối quan hệ xã hội, trong đó rõ nhất là mối quan hệ gia đình – nhà trường và xã hội. Theo bà, trong hệ thống giáo dục, bất bình đẳng ở bậc học nào là đáng lo ngại vì lắm hậu quả nhất?
Phạm Thị Ly: Ở bậc phổ thông. Vì hai lý do. Một là vì đây là giai đoạn hình thành tính cách. Những gì được học trong thời thơ ấu sẽ tác động đến cả cuộc đời mỗi người. Hai là, đây là chặng khởi đầu cho con đường dài học vấn. Chặng đầu tiên đã bị đóng cửa, thì rất khó có cơ hội cho những chặng kế tiếp.
Phan Văn Thắng: Bà đánh giá như thế nào về dự thảo Luật giáo dục đang thảo luận? Liệu nó tác động như thế nào đến tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục hiện nay của đất nước?
Phạm Thị Ly. Dự thảo Luật GD sửa đổi cũng như những phiên bản đã ban hành trước đây đều nhất quán trong chủ trương bình đẳng trong cơ hội giáo dục đối với mọi thành phần xã hội, và đều nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho những nhóm yếu thế. Nhưng điều quan trọng không chỉ là Luật nói gì, mà là nó được thực hiện trên thực tế ra sao. Bất bình đẳng về cơ hội giáo dục gắn chặt với tình trạng giãn rộng khoảng cách về thu nhập, và về cơ chế phân bổ, sử dụng tài chính trong giáo dục. Dự thảo Luật GD sửa đổi hiện nay, một lần nữa, khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục và khuyến khích xã hội đóng góp cho giáo dục bằng các quy định miễn thuế (Điều 96, 101). Điều này khá mới đối với Việt Nam và cần được nhấn mạnh. Xã hội hóa không chỉ là dựa vào học phí. Xã hội hóa là dựa vào các nguồn lực xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, là dựa vào trí tuệ của nhiều bên, là lắng nghe tiếng nói của người dân để đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết nhất của họ.
Phan Văn Thắng: Bà có đọc và có bình luận gì về quan điểm của nhà giáo Vũ Thế Khôi trong một bài báo công bố trên VNN khi ông cho rằng chủ trương về trường công chất lượng cao nếu được thông qua sẽ đi ngược lại tinh thần, ý chí của cách mạng Tháng Tám và của Hồ Chí Minh về giáo dục?
Phạm Thị Ly: Trường công chất lượng cao là một dự định của TP Hà Nội, không phải chủ trương chung được quy định trong Dự thảo Luật GD sửa đổi. Tôi đồng ý rằng trường công chất lượng cao là dùng tiền ngân sách để phục vụ cho một nhóm nhỏ có ưu quyền đặc lợi, tức là gây bất công nghiêm trọng. Bất cứ thứ gì sử dụng tiền ngân sách, thì đều phải mang lại cơ hội công bằng. Đã là trường công, thì giàu hay nghèo cũng đều có quyền học, vì họ đều đóng thuế. Người giàu muốn học trong điều kiện tốt hơn, đã có trường tư.
Phan Văn Thắng: Trong bối cảnh nước ta hiện nay, theo bà cần làm gì, làm như thế nào để giảm thiểu tình trang bất bình đẳng, thậm chí lúc, có chỗ có thể nói là bất công trong giáo dục? Điều kiện tiên quyết nhất của quá trình giải bất công, giảm thiểu bất công trong giáo dục là gì?
Phạm Thị Ly: Nhà nước cần xem xét lại cách phân bổ nguồn lực giáo dục, sự phân cấp ngân sách và trách nhiệm quản lý đối với giáo dục phổ thông. Ở cấp quốc gia, cần khơi thông cơ chế tạo nguồn lực cho giáo dục, và đặc biệt là những chính sách hỗ trợ người nghèo, trong đó có dân nghèo thành thị.
Phan Văn Thắng: Vẫn biết là thế nhưng tôi vẫn cho đó chỉ là giải pháp “ngọn”, chưa phải, chưa thể là giải pháp căn cơ nhất để có thể giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Tôi vẫn nghĩ là để thay đổi được bất bình đẳng trong giáo dục chúng ta cần đặt nó trong một không gian to lớn hơn. Giáo dục là công việc thường xuyên không thể không có, không thể không làm của toàn xã hội. Bởi vậy, nó sẽ bình đẳng hơn trong một xã hội bình đẳng hơn.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Phan Thắng (thực hiện)
0 Comments