Phạm Thị Ly (2019)
(Bài đăng Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 26.01.2019)
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã có lần từng nghe bài hát này rót từng giọt mật tha thiết vào tim: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, quê hương là gì, và tại sao quê hương lại có ý nghĩa như thế với chúng ta? Vì sao mỗi lần năm hết tết đến, hàng trăm triệu người không quản đường xa mệt nhọc tốn kém để về quê? Mà đâu phải chỉ người Việt, người Trung Quốc hay dân Châu Á? Các nước khác cũng vậy thôi, ngày Lễ Tạ ơn, Lễ Giáng sinh hay Năm mới, mọi sân bay, bến tàu đều tràn ngập những người là người. Người ta vượt nhiều nghìn dặm về thăm gia đình, cha mẹ, ông bà, quê hương, để sum họp với gia đình lớn, gặp lại anh chị em, thăm lại nơi mình trải qua thời thơ ấu.
Tại sao chúng ta lại làm thế? Không phải chỉ là thói quen, thấy người ta làm thì mình cũng làm. Nếu chỉ là thói quen hay bắt chước, thật không đáng để mất chừng ấy tiền bạc, công sức, thời gian. Hẳn là nó bắt nguồn từ một nhu cầu sâu thẳm và mạnh mẽ hơn nhiều.
Những đứa trẻ là con nuôi, nhất là con nuôi xuyên quốc gia, khi trưởng thành hầu như luôn có nhu cầu tìm về nguồn cội. Cho dù cha mẹ nuôi có tốt đến đâu đi nữa, mối quan hệ giữa đứa trẻ và cha mẹ nuôi có gắn bó hoàn hảo đến mức nào, cũng sẽ có một lúc đứa trẻ nung nấu ý định tìm hiểu xem cha mẹ đẻ của chúng là ai, cuộc sống của họ ra sao, quê hương, bản quán, ông bà của mình như thế nào.
Những thanh thiếu niên Việt thế hệ thứ hai sống ở nước ngoài cũng vậy. Họ sinh ra ở nước ngoài, hoặc rời quê hương khi còn thơ ấu, giờ đây nói tiếng Việt không rành, nhưng vẫn cảm thấy một nhu cầu mạnh mẽ tìm hiểu về đất nước mà mình hay cha mẹ mình đã sinh ra và khôn lớn. Vì sao vậy?
“Ta là ai, ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu”
Trong bài diễn văn nhậm chức, bà Drew Faust, hiệu trưởng Trường ĐH Harvard, đã nói rằng bốn năm học đại học là thời gian để chúng ta trả lời câu hỏi “Ta là ai, ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu”. Nói một cách văn hoa, bản chất con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự sinh tồn, và câu hỏi quan trọng nhất là câu hỏi về căn cước cá nhân, căn cước dân tộc của mình. Cái gì đã khiến chúng ta trở thành một cá nhân độc đáo, một thực thể không lặp lại, không thể nhân bản hay thay thế? Cái gì đã gắn chúng ta với dân tộc, đất nước, quê hương, tổ quốc? Và là một người Việt Nam thì có ý nghĩa như thế nào?
Bạn sẽ cảm thấy những câu hỏi này rất rõ như thể nó cứa vào da thịt bạn khi bạn sống ở nước ngoài, khi bạn nghe một người nào đó nói tiếng mẹ đẻ của bạn giữa một xứ sở xa lạ.
Cách đây vài chục năm, đi nước ngoài là cả một vấn đề. Khi có người từ nước ngoài trở về, cả làng xúm đến nghe anh ta kể chuyện về những xứ sở xa xôi, về những người da trắng, da đỏ, da đen mọi người chỉ thấy trong phim ảnh. Lúc đó lằn ranh phân biệt “nước ta” và “nước họ”, giữa “quê hương mình” và xứ sở của người ta” có vẻ rất rõ ràng, dễ hiểu. “Ta” là khăn đen mỏ quạ, là đống rơm, đàn bò, ngọn lúa, là cá kho canh chua bông điên điển. “Họ” là áo vét cà-vạt, là nhà chọc trời, là bơ là sữa.
Nhưng giờ đây, thế giới đã như một ngôi làng toàn cầu. Không chỉ người giàu mới đi đông đi tây, giờ đây người nghèo cũng đi, dù là đi bán sức lao động ở xứ người, thì cũng là đi tới một xứ sở khác xa lạ về văn hóa. Đi học, đi làm, đi du lịch ở nước ngoài, hôn nhân đa quốc gia, làm ăn xuyên biên giới là những con đường ngày càng phổ biến. Ngày càng nhiều người biết ngoại ngữ, am tường âm nhạc, nghệ thuật của nước ngoài, làm việc với đồng nghiệp đủ mọi quốc tịch, ăn đủ mọi loại ẩm thực Tây Tàu.
Và bằng kinh nghiệm cá nhân, người ta khám phá ra rằng, hóa ra dù da đen, da trắng, hay da vàng, ăn bơ sữa hay ăn nước mắm, con người ta đều chia sẻ những đau khổ, vui sướng, sợ hãi, hy vọng, dằn vặt chẳng khác gì nhau. Dù là một nước giàu như Mỹ, hay còn nghèo như Việt Nam, hóa ra chúng ta đều không hài lòng về giáo dục, đều đang đương đầu với nhiều thách thức rất giống nhau. Dù làm việc với đồng nghiệp Tây hay đồng nghiệp Việt, chúng ta đều có thể phải đối diện với sự cạnh tranh, kèn cựa, hoặc có thể tìm kiếm sự hợp tác, hỗ trợ bằng những cách rất như nhau.
Vậy thì cái gì là căn cước của chúng ta như một cá nhân, và như một dân tộc? Và tại sao chúng ta phải tìm kiếm nó?
Mỗi người có một câu trả lời
Đây là câu hỏi không thể có câu trả lời chung. Không ai có thể trả lời thay cho ai. Cũng không phải chỉ trả lời một lần là hết. Vì bản thân chúng ta, cả với tư cách một sinh vật lẫn một con người xã hội, đều không ngừng diễn tiến, không ngừng thay đổi. Dân tộc, như một tập hợp những người cùng tiếng nói, màu da, lịch sử, cũng là một khuôn mặt không ngừng thay đổi.
Nhưng có lẽ có một điểm chung: chúng ta đi tìm căn cước của mình, bởi đó là nhu cầu tự nhiên của con người. Nó nằm ở ba bậc cao nhất trên đỉnh tháp nhu cầu Maslow: được yêu mến, được gắn bó và thuộc về một cộng đồng; được người khác tôn trọng; và đạt đến tất cả tiềm năng của cá nhân. Chúng ta đi tìm căn cước của dân tộc mình, cũng chính là để hiểu rõ về bản thân mình, để tìm kiếm cảm giác được kết nối, được thuộc về, cảm giác an toàn, vì con người vốn là một sinh vật bầy đàn. Có thể nhìn thấy điều này rất rõ khi chúng ta chứng kiến những hành động điên rồ trong các cuộc “đi bão” mừng chiến thắng bóng đá của đội nhà. Dường như niềm tự hào về những thành tích của Việt Nam có thể giúp khỏa lấp cảm giác thiếu tự tin về bản thân mình và cộng đồng mà mình thuộc về trong mỗi chúng ta.
Với nhiều người khác, sự gắn kết với dân tộc, với tổ quốc, quê hương, chính là những niềm vui và nỗi đau mà họ cảm thấy cùng với những niềm vui và nỗi đau của dân mình, của nước mình, của những con người, số phận cụ thể mà họ thấy mỗi ngày.
Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cha sinh mẹ đẻ có một ý nghĩa như thế nào với những người con xa xứ? Emma Phạm Thị Chín lớn lên trong một trại mồ côi ở Tân Mai (Biên Hòa), được đưa sang Úc lúc cô 4-5 tuổi để chữa khiếm thị (nhưng không thành công) và đã được thu xếp làm con nuôi từ nhà này sang nhà khác, tất cả là 13 gia đình cho đến khi cô 17 tuổi và có thể sống một mình. Trong từng ấy năm cho đến khi 50 tuổi, cô luôn mơ về Việt Nam, dù mất tiếng mẹ đẻ, đêm đêm cô vẫn nghe bài hát “Lòng mẹ” của Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”.Trong mơ cô vẫn hướng về đất mẹ, trò chuyện với người mẹ cô chưa bao giờ gặp…Và rồi có một cái gì thôi thúc mãnh liệt là cô phải trở về. Gương mặt cô khi trở về cô nhi viện, gặp gỡ các sơ đã bồng ẵm cô lúc sơ sinh, sáng ngời một tình yêu lớn lao mà một số người trong chúng ta, những người đang sống hàng ngày trên mảnh đất này, có thể đã không cảm thấy. Gương mặt ấy đã gây xúc động mạnh cho cả những người đã còn và không còn cha mẹ, những người đang sống trên quê hương và phải rời bỏ quê hương.
Lê Duy Loan, một kỹ sư người Mỹ gốc Việt, là người châu Á đầu tiên và người phụ nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật cho hãng công nghệ toàn cầu Texas Instruments trong lịch sử 83 năm của hãng này, đã nói với gương mặt rơm rớm nước mắt: “Tôi yêu quê hương từ khi mới thành người”. Quê hương với cô là cha mẹ, ông bà, những người đã truyền cho cô niềm tin vào giá trị cốt lõi của học vấn và giá trị của sự sẻ chia, là những đứa trẻ lớn lên bên bờ tre ruộng lúa đang khao khát được học hành và thay đổi số phận, là nỗi đau mà cô cảm thấy khi chứng kiến một người nào đó cùng dòng máu, màu da, tiếng nói với mình bị những người xứ khác coi thường.
Có lẽ, với người ở trong nước, quê hương là nơi ta sẻ chia chung một số phận, với người sống ở nước ngoài, quê hương là nơi ta sẻ chia cùng nguồn cội và lịch sử, cùng thừa kế chung một di sản văn hóa tinh thần.
Cái gì đã định nghĩa, đã tạo thành bản sắc cá nhân hay dân tộc của chúng ta? Ngoài một thứ bất biến [cho đến nay] là di truyền, một thứ ta rất ít khả năng can thiệp là hoàn cảnh sống thời thơ ấu, phần chủ yếu chính là những trải nghiệm sống của một người. Những trải nghiệm này làm thay đổi nhận thức của chúng ta về tất cả mọi thứ, kể cả về bản thân mình. Vì thế mà người ta không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới, và định nghĩa mình qua những thứ mình có hay mình từng trải nghiệm.
Nhưng tình yêu thì là một trải nghiệm không cần lý giải. Nhà thơ Đỗ Trung Quân rất có lý khi so sánh quê hương và mẹ. Con người ta có thể đi năm châu bốn bể, hưởng đủ mọi món ngon vật lạ trên đời, vẫn cảm thấy không gì ngon bằng những món mẹ cho ăn lúc còn thơ ấu. Chúng ta yêu mẹ, dù mẹ ta tóc bạc, da mồi, chân tay run rẩy, thậm chí khi mẹ thương yêu ta theo cách mà ta không muốn. Cũng như vậy, chúng ta yêu quê hương, cho dù còn bao nhiêu xấu xí. Chúng ta thương đồng hương, đồng bào cả khi họ làm chúng ta tự hào và khi họ làm chúng ta xấu hổ, nhất là khi chúng ta thấy họ đau khổ bởi những gì không phải là lỗi của họ.
Toàn cầu hóa trong lúc xóa nhòa lằn ranh ngăn cách các quốc gia, dân tộc, và tạo điều kiện giao lưu văn hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì cũng đồng thời làm sản sinh nhu cầu bảo vệ những nét riêng có đặc biệt của mỗi nền văn hóa. Bạn phải có một cái gì của riêng bạn, thì bạn mới có cái để đóng góp vào gia sản văn hóa chung của nhân loại, làm cho nó phong phú hơn. Mất đi cái căn cước đó, chúng ta chỉ còn là hạt bụi vô nghĩa giữa cuộc đời.
0 Comments