Phạm Thị Ly (2018)
(Bản ngắn hơn đăng báo Nhân Dân số ra ngày 27.12.2018 với tiêu đề “Đại học Không vì Lợi nhuận- Từ nhận diện đến thực thi)
Một điểm nổi bật của Luật GD ĐH sửa đổi vừa được thông qua là những thay đổi liên quan tới khung pháp lý dành cho trường ĐH không vì lợi nhuận (KVLN).
Trong hai thập niên qua, các nhà làm luật ở Việt Nam đã phải chịu đựng một áp lực lớn của dư luận trong việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho trường ĐH tư KVLN cho Việt Nam. Các Quyết định 61, 63 mặc định các trường tư là những tổ chức VLN tương tự như các doanh nghiệp. Trước đây không có một định nghĩa chính thức hay một khuôn khổ nào cho trường KVLN. Hệ quả là “KVLN” chỉ làmột tuyên bố tự thân của các trường chủ yếu nhằm thuyết phục người học và xã hội hơn là để vận hành và điều chỉnh hoạt động của các trường. Nghị định 141 đưa ramột số hướng dẫn cho các trường ĐH KVLN, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống bất cập. Đã có một số trường thành lập sau năm 2014 được công nhận cương vị “KVLN” ngay trong Quyết định thành lập trường, như Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV), hay Trường ĐH Hoa Kỳ tại Việt Nam (AUV). Tuy vậy, chưa có bằng chứng cho thấy rõ tác động cụ thể của cương vị KVLN lên nội dung, phương thức hay chất lượng hoạt động của các trường này.
Vì thế, Luật GD ĐH sửa đổi lần này chứa đựng những thay đổi rất đáng kể đối với vấn đề VLN/KVLN.
Thế nào là trường ĐH KVLN?
Lần đầu tiên trường ĐH KVLN được định nghĩa rõ ràng và hiển ngôn trong văn bản luật cấp cao nhất sau hiến pháp: “Cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở GDĐH mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi nhận trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở GDĐH; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở GDĐH.” (Điểm b, khoản 2, Điều7).
Định nghĩa này tương đối nhất quán với thực tiễn quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nói là “tương đối” vì nó vẫn không giải quyết triệt để vấn đề cốt lõi nhất là sở hữu, nhưng đã bao gồm hai khía cạnh quan trọng nhất là pháp lý (được công nhận bằng một văn bản quyết định của nhà nước) và nguyên tắc sử dụng tài chính (không rút vốn, không hưởng lợi tức). Về sở hữu, trường ĐHKVLN vẫn thuộc sở hữu tư nhân của các nhà đầu tư, chỉ có lợi nhuận mới thuộc về sở hữu chung không phân chia. Nói là “phù hợp với điều kiện Việt Nam, vì ở bối cảnh và trình độ phát triển hiện tại, nếu đòi hỏi trường ĐH KVLN thuộc sở hữu cộng đồng (chứ không phải sở hữu tập thể của các nhà đầu tư, hoặc của CB-NV nhà trường) như thực tiễn quốc tế, thì trên thực tế nó sẽ không khả thi. Điểm khác biệt cơ bản giữa trường KVLN ở Việt Nam theo luật này và trên thực tế so với các trường KVLN ở các nước phát triển, là nguồn vốn ban đầu trong trường hợp Việt Nam là từcác nhà đầu tư, còn trong trường hợp các nước, là từ nguồn hiến tặng.
Nếu chưa thể có các nguồn hiến tặng lớn đủ để xây dựng và vận hành mộttrường ĐH KVLN, thì thường chỉ có hai cách xử lý, hoặc mặc định tất cả các trườngtư đều là VLN như một số nước đã làm trong đó có Việt Nam (trước đây), hoặc như cách xử lý hiện nay trong Luật GD ĐH sửa đổi của Việt Nam, tức là thừa nhận vai trò quyết định và quyền sở hữu của các nhà đầu tư, nhưng có một số quy chuẩn cho việc sử dụng tài chính. Cách xử lý này sẽ mang lại kết quả như thế nào là điều cần tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục phát triển chính sách, bởi vì điều quan trọng không chỉ là cương vị pháp lý VLN hay KVLN, mà là những chính sách gắn với từng loại hình trường.
Mô hình quản trị của trường ĐH KVLN
Hội đồng Trường (HĐT) là bộ phận trực tiếpl ãnh đạo cách thức hoạt động của trường ĐH thông qua tuyển dụng và giám sát bộ phận quản lý điều hành bao gồm hiệu trưởng (HT) và các cán bộ quản lý cấp cao. Nguyên tắc này thống nhất đối với cả trường công và trường tư, VLN hoặc KVLN. Khác biệt về mô hình quản trị giữa các loại trườngtrên đây chủ yếu dựa trên những nguyên tắc chi phối việc thiết lập HĐT và thẩm quyền của HĐT.
Điểm khác biệt quan trọng giữa Luật GD ĐH sửa đổi và các văn bản trước đó trong vấn đề mô hình quản trị, là lần này các nhà làm luật đã tạo điều kiện để tách “sở hữu”ra khỏi “quản trị và điều hành”, nếu muốn. Tuy nhiên, nó không hạn chế việc những người sở hữu đồng thời thực thi cả vai trò quản trị và điều hành như từ trước đến nay. Nhìn chung, tinh thần của luật vẫn là trao quyền tối đa cho nhà đầu tư, tương tự như mô hình quản trị của các doanh nghiệp. Dù là VLN hay KVLN, tiếng nói tối hậu trong việc thiết lập HĐT vẫn là tiếng nói của nhà đầu tư, tuy mức độ có khác nhau giữa hai loại hình VLN và KVLN.
Đối với trường VLN, thì HĐT bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường đại học do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp. Nghĩa là nhà đầu tư nắm 100% quyền quyết định ai là người có mặt trong HĐT. Nói cách khác, HĐT là công cụ thực hiện ý chí của nhà đầu tư, điều này trái với định nghĩa của HĐT được nêu ra chính trong văn bản này: “HĐT của trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động KVLN là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan” (Khoản 1 Điều 17). Nguyên tắc ra quyết định ở đây là nguyên tắc đối vốn, tức là ai bỏ vốn nhiều hơn thì tiếng nói có giá trị quyết định lớn hơn. Tuy HĐT này cũng có sự có mặt của các thành viên trong trường, nhưng “các bên liên quan” này hoàn toàn không có quyền bầu chọn đại diện của mình để tham gia vào HĐT. Điều này có nghĩa là trường ĐH được xem như một doanh nghiệp thuần túy và hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các nhà đầu tư.
Đốivới trường KVLN, thì quyền quyết định của nhà đầu tư trong vấn đề HĐT có nhỏ hơn một chút và thay vào đó là sự tham gia lớn hơn của các bên liên quan: nhà đầutư chỉ quyết định ai là người đại diện cho các nhà đầu tư tham gia vào HĐT, nhưng không chi phối hai bộ phận còn lại là thành viên đương nhiên (bộ tứ: bí thư cấp uỷ,hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, đại diện Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM)và thành viên được bầu (do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường quyết định). Thành viên được bầu bao gồm cả giảng viên, cán bộ nhân viên trong trường lẫn người ngoài trường.
Tuy vậy, có một khía cạnh tế nhị ở đây: Luật không quy định cơ cấu và tỉ lệ cácthành phần của HĐT trong trường hợp trường KVLN. Cơ cấu và tỉ lệ này do các trườngtự quyết định. Vì thế nếu cơ cấu thành viên đại diện nhà đầu tư đủ lớn, thì cácnhà đầu tư vẫn nắm quyền tối hậu trong mọi quyết định của HĐT. Vì vậy có thểnói sự khác biệt về mô hình quản trị giữa trường ĐH VLN và KVLN là không đáng kể.
Hơn thế nữa, dù là VLN hay KVLN, thẩm quyền của HĐT đối với trường tư cũng khá hạn chế. Những quyền quyết định quan trọng nhất (theo truyền thống và theo mô hình phương Tây là thẩm quyền của HĐT) được trao cho nhà đầu tư: kế hoạch chiến lược phát triển, quy chế tài chính của nhà trường, quyết định đầu tư và sử dụng lợi nhuận, thông qua báo cáo tài chính hàng năm của trường, quyết định về nhân sự cấp cao bao gồm thành viên HĐT và hiệu trưởng, v.v. . Lưu ý là ngay cả đối với trường hợp trường KVLN, Luật cũng dùng từ “nhà đầu tư” chứ không còn dùng từ “thànhviên góp vốn” như trước đây. Điều này một lần nữa khẳng định rõ hơn bản chất doanh nghiệp của các trường ĐH tư ở VN, dù là VLN hay KVLN.
Tài chính và tài sản
Luật GD ĐH không phân biệt trường VLN hay KVLN trongvấn đề tài sản. Nguyên tắc chung được xác lập là tài sản Nhà nước giao bao gồm quyền sử dụng đất phải được quản lý, sử dụng theo quy định về tài sản công; không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với tài sản khác của Nhà nước phải theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.Tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng và tài sản khác được pháp luật quy định là tài sản chung hợp nhất không phân chia, thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, do HĐT đại diện quản lý; không được chuyển thành sở hữu tư nhân. Trong trường hợp chuyển nhượng vốn thì tài sản chung hợp nhất không phân chia không được tính vào giá trị tài sản được định giá của cơ sở GD ĐH.
Trong trường hợp giải thể, tài sản chung hợp nhất không phân chia được coi là tài sản chung của cộng đồng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụngcho mục đích phát triển Gd ĐH. Ngoài các khoản này, nhà trường có quyền tự quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt và tự chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp (Khoản 2 Điều 67).
Như vậynghĩa là Luật đã mở đường để nhà nước và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho trường ĐH tư cho dù là VLN hay KVLN. Tài sản của nguồn gốc là tài sản công thì khôngđược biến thành tài sản tư, tài sản hiến tặng được coi là tài sản chung của cộngđồng nhà trường, không phải của nhà đầu tư, và trong trường hợp giải thể thì được xem như tài sản công. Quy định như vậy là hợp lý và nhất quán với thực tiễn quốc tế.
***
Những phân tích trên đây cho thấy, không có nhiều khác biệt đáng kể giữa các trường VLN và KVLN ở Việt Nam, xét về phương diện pháp lý. Khác biệt lớn nhất có lẽ là chênh lệch thu chi của trường KVLN không được chia cho các nhà đầu tư mà phải xem là tài sản hợp nhất không phân chia. Tuy nhiên điều này trong thực tế không có nhiều ý nghĩa, vì có nhiều giải pháp kỹ thuật để xử lý việc đó, ví dụ như lập các công ty con, công ty sân sau để giải quyết việc phân chia và sử dụng lợi nhuận. Luật cũng không cấm các nhà đầu tư tham gia vào việc quản lý điều hành, kiêm nhiệm các vai trò HĐT và quản lý cấp cao, cũng không hạn chế mức lương của các vị trí đó. Vì thế hạch toán để chênh lệch thu chi bằng không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà thôi.
Nhìn ra bên ngoài, chúng ta có thể thấy một thực tế là các trường ĐH lừng danh trên thế giới thường là các trường ĐH công và các trường ĐH tư KVLN, còn các trường VLN thì thường phải hứng chịu cái nhìn không mấy thiện cảm của công chúng, bị coi là “tội phạm” của thương mại hóa giáo dục, hy sinh chất lượng cho lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Không chỉ trường VLN, mà cả các trường công và trường tư KVLN cũng đều đang bị thương mại hóa dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Trường KVLN ở các nước phát triển có thể tạo ra những thành tựu đáng kể là vì nó thu hút một nguồn lực khổng lồ qua quỹ hiến tặng, đó là điều chưa có ở Việt Nam.
Các nhà làm luật đã xử lý vấn đề VLN/KVLNtheo hướng phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam hiện nay, tức là không có sự khác biệt đáng kể. Có thể trong những giai đoạn phát triển sắp tới, sẽ đến một thời điểm nào đó mà chúng ta cần có những trường KVLN thực sự như mô hình phương Tây, nhưng rõ ràng là hiện nay, trong bối cảnh thực tế về chính trị và văn hóa hiện tại, thì cách xử lý của luật có thể xem là phù hợp.
Với cách xử lý đó, có lẽ người học cũng không cần phải quan tâm đến cương vị VLN/KVLN của các trường. Điều quan trọng hơn là nhìn vào những việc các trường làm, và kết quả mà nó đem lại cho người học.
1 Comments
GSTS Lê Sỹ Thiệp
1- Mong muốn đó có thể hình dung như sau:
– Tư nhân bỏ tiền xây dựng Trường,- Thuê Giáo viên và Trả lương cao cho GV- Tuyển sinh – Thu học phí Thấp- GD&ĐT chất lượng cao- Không quan tâm đến “LỢI ÍCH” của mình khi đã bỏ ra Ngàn Tỷ xaAY DỰNG Trường.
– Các Nhà giáo GIỎI góp T iền xây dựng Trường- Trực tiếp Giảng dạy và DẠY TỐT- Thu học phí Thấp – Hưởng lương theo Học phí thấp do Học viên đóng-