Phạm Thị Ly (2018)
Bài đăng báo Tia Sáng số ra ngày 6.12.2018
Cũng như ở các nước khác, GD ĐH Việt Nam đang trải qua nhiều thách thức và áp lực, giữa một bên là kỳ vọng ngày càng cao của tất cả các bên liên quan, và một bên là nguồn lực có hạn của nhà nước. Bối cảnh này khiến chính sách đối với GD ĐH đóng một vai trò quan trọng trong việc khơi thông các nguồn lực xã hội, làm giảm nhẹ các rào cản, và khích lệ sự phát triển.
Những điểm đáng ghi nhận
Giới quản trị và nghiên cứu về quản trị ĐH đều biết tự chủ và trách nhiệm giải trình là hai khái niệm quan trọng bậc nhất đối với chính sách GD ĐH. Một điểm đáng ghi nhận là Luật GDĐH sửa đổi lần này đã sử dụng đúng từ “trách nhiệm giải trình” chứ không còn dùng những từ mơ hồ gây ra lẫn lộn như trước, chẳng hạn “tự chịu trách nhiệm” hay “trách nhiệm xã hội”. Sự nhầm lẫn này đã kéo dài quá lâu, nay chính thức kết thúc. Tất nhiên vấn đề không phải chỉ là từ ngữ. Đàng sau từ ngữ là cách hiểu, cách vận dụng và thực thi trong thực tiễn hoạt động của các trường và của cơ quan quản lý nhà nước.
So với Luật GDĐH ban hành năm 2012 chỉ có hai lần nhắc đến “trách nhiệm xã hội” và chỉ có tổng cộng 110 từ đề cập đến chủ đề này trên tổng số hơn 26 ngàn từ của văn bản, thì Luật GD ĐH sửa đổi đưa hẳn khái niệm này vào phần định nghĩa để tránh mọi sự hiểu lầm hay suy diễn tùy tiện. Tuy vậy phần định nghĩa này vẫn chưa thật đầy đủ. Nó nhấn mạnh việc minh bạch thông tin và vai trò của các bên liên quan. Tuy như thế là đúng, nhưng nó chưa chú ý đúng mức đến nghĩa vụ biện minh và khả năng gánh chịu hậu quả đối với những quyết định của nhà trường. Dù vậy, đó đã là một bước tiến lớn xét về mặt tư duy. Hơn thế nữa, tại khoản 5 Điều 12, trách nhiệm giải trình gắn với tự chủ còn là một nội dung quan trọng trong chính sách nhà nước về GD ĐH. Điều 16, Điều 18 Luật quy định chức năng của Hội đồng trường là giám sát trách nhiệm giải trình của Hiệu trưởng. Điều 20 quy định hiệu trưởng phải thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Toàn bộ Điều 32 nói về trách nhiệm giải trình của trường ĐH và giao cho chính phủ quy định chi tiết thêm nữa. Điều 52 nói về tổ chức kiểm định ĐH cũng nêu rõ về trách nhiệm giải trình của các tổ chức này. Tổng cộng có đến 14 lần Luật GDĐH sửa đổi đã sử dụng cụm từ này. Điều này cho thấy các nhà làm luật đã có tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn, và có ý thức về tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình trong bối cảnh mở rộng tự chủ.
Một điểm đáng lưu ý khác là những quy định về điều kiện thực hiện quyền tự chủ. Điều này có thể khá xa lạ đối với thực tiễn quốc tế, nhưng nó có lẽ cần được xem là hợp lý trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, khi hầu hết các trường mới bắt đầu làm quen với những khái niệm như “trách nhiệm giải trình” hay “các bên liên quan”, vốn là những yếu tố cốt lõi bảo đảm cho tự chủ mang lại kết quả tốt đẹp.
Những điều kiện này nhìn chung là hợp lý, và nó có tác dụng thúc đẩy các trường thực thi những hoạt động nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình: thành lập hội đồng trường, kiểm định chất lượng, thực hiện minh bạch thông tin. `Tất cả những điều này nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng đắn, sẽ giúp các trường đi vào quỹ đạo của quản trị ĐH hiện đại, tiến gần hơn tới các chuẩn mực trong thực tiễn quốc tế.
Trong nội dung về tự chủ tài chính, luật GD ĐH sửa đổi đã mở đường cho các ĐH công lập được tự quyết định mức thu học phí nếu họ đảm bảo được các khoản chi thường xuyên, tức là giống với các trường hợp thí điểm tự chủ hiện nay. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tăng học phí, nhưng đó là một thực tế tất yếu không thể tránh khỏi, khi mức thu học phí theo quy định của nhà nước đã được giữ ở mức thấp trong thời gian quá dài và không thể bù đắp cho những nhu cầu về bảo đảm chất lượng. Cần lưu ý là luật cũng quy định “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khoá học và từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Và những khoảng trống còn lại
Tự chủ có lẽ là nội dung được chờ đợi nhiều nhất, vì nó đã nhiều lần được coi là “nút thắt” để cải cách về quản trị. Điều 32 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật”. Cụm từ “theo quy định của pháp luật” cho thấy trường ĐH (công cũng như tư) chỉ được làm những gì luật cho phép, chứ không phải là được làm tất cả những gì luật không cấm. Mà luật thì không thể liệt kê tỉ mỉ chi tiết tất cả những việc được phép làm. Giả sử có thể liệt kê được, thì cũng không thể điều chỉnh cho kịp với những thay đổi của bối cảnh/ môi trường bên ngoài. Vì thế, mặc dù được đề cập nhiều và tương đối chi tiết, phạm vi tự chủ thực sự của các trường vẫn còn phải chờ xem “các quy định pháp luật” sẽ như thế nào mới có thể đánh giá được.
Giới quản trị có lẽ mong đợi nhất là tự chủ về tài chính. Điều này cũng dễ hiểu vì không có quyền quyết định trong việc tìm kiếm nguồn thu và sử dụng tài chính thì không thể tạo ra thay đổi về chất lượng. Tuy nhiên, tự chủ về chuyên môn học thuật mới thực sự là cốt lõi của hoạt động đào tạo, nghiên cứu và sáng tạo. Khoản 3 Điều 32 quy định “Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật”, đã là một bước tiến so với trước, nhưng trong toàn bộ văn bản, cũng không có một chữ nào nhắc đến “tự do”, cho thấy “tự do học thuật” vẫn còn là một từ nhạy cảm. Tự do học thuật lẽ ra cần được chính thức đề cập đến như là quyền được quyết định nghiên cứu/giảng dạy những vấn đề gì và như thế nào.
Hội đồng trường là một thiết chế quan trọng nhằm bảo đảm trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng, vì thế Luật GD ĐH sửa đổi đã dành một phần quan trọng để nói về hội đồng trường. Điều 16, 17, 18 nói về Hội đồng trường, chiếm một phần ba tổng số chữ của toàn bộ văn bản, nêu ra các quy định rất chi tiết về thành phần, trách nhiệm, chức năng, thẩm quyền của hội đồng trường ở các trường công lập, tư thục, và tư thục không vì lợi nhuận. Tuy các nhà làm luật giao cho hội đồng trường nhiều thẩm quyền quan trọng tương tự như hội đồng trường ở phương Tây, không có một chữ nào nhắc tới quyền lợi của thành viên hội đồng trường. Có thể hiểu là điều này do các trường tự quy định, nhưng thực tế của Việt Nam không giống như các nước phát triển phương Tây. Ở phương Tây phục vụ trong HĐT là một vinh dự vì cống hiến cho xã hội, và thường không hưởng lương. Ở Việt Nam chưa có văn hóa đó, vì vậy đòi hỏi trách nhiệm nặng nề mà không có quyền lợi là không khả thi. Vì thế không có gì lạ khi một vị thành viên hội đồng trường ở Việt Nam, vốn là chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng, đã ép sinh viên phải mở tài khoản tại ngân hàng này, một việc mà không một thành viên HĐT nào trên thế giới lại làm.
Nhìn chung, các quy định về tự chủ và trách nhiệm giải trình được nêu trong Luật GD ĐH sửa đổi đã là một bước tiến theo hướng tháo gỡ khó khăn cho các trường, đồng thời tạo ra một hành lang pháp lý tương đối phù hợp. Điều băn khoăn còn lại là những thứ này sẽ được thực hiện trong thực tế như thế nào. Kinh nghiệm cho thấy, thiết chế phương Tây khi thực hiện trong bối cảnh Việt Nam, vốn dựa trên một nền tảng khác hẳn về chính trị và văn hóa, rất dễ biến dạng.
0 Comments