Phạm Thị Ly (2018)
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Chủ nhật số ra ngày 30.09.2018)
Ai trong chúng ta cũng từng đi học, cũng từng rất quen thuộc với sách giáo khoa (SGK) đến mức sự cần thiết của nó trở thành đương nhiên. Làm sao có thể hình dung nổi việc dạy và học sẽ diễn ra như thế nào nếu không có SGK, nhất là ở một nơi giáo viên nào cũng đã từng thuộc lòng câu “SGK là pháp lệnh”, một nơi mà mục đích việc học chủ yếu vẫn là để thi?
Thế nhưng, tiến bộ công nghệ, đặc biệt là các phương tiện truyền thông trong mấy thập niên qua đã làm đảo lộn nhiều thứ, trong đó có sự thay đổi về bản chất của việc dạy và học, mà không phải ai cũng nhận thức được để thích ứng. Điều này đương nhiên ảnh hưởng tới cách chúng ta làm ra và sử dụng SGK trong nhà trường.
Sách giáo khoa là gì?
SGK là một tập hợp bao gồm các kiến thức, khái niệm cơ bản trong một lĩnh vực chuyên môn được chọn lọc một cách có hệ thống theo những chủ đề nhất định, được tổ chức sắp xếp theo một trình tự phục vụ cho hoạt động dạy và học. SGK thường do các chuyên gia giáo dục, các nhà chuyên môn, các thầy cô giáo biên soạn, và thường có sách Hướng dẫn giảng dạy đi cùng, giúp người dạy có thêm tư liệu, ý tưởng để biến những nội dung trong SGK thành giáo án, bài giảng cụ thể. SGK cũng thường có sách tham khảo kèm theo, giúp người học mở rộng kiến thức và hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn, sâu hơn, đầy đủ, chi tiết hơn.
SGK đã và vẫn còn đang đóng một vai trò rất quan trọng trong nhà trường. Sở dĩ như vậy là vì những nội dung trong SGK là công cụ hiện thực hóa chương trình giáo dục. Thông qua kịch bản sư phạm của SGK, thầy cô giáo tổ chức hoạt động dạy và học để học sinh đạt được mục tiêu cụ thể của môn học, cấp học. SGK tạo ra một chuẩn mực chung dựa vào đó các bên (thầy cô giáo, các nhà quản lý, học sinh, phụ huynh) biết được mình cần đạt tới điều gì hoặc có thể mong đợi điều gì.
Là một chỗ dựa cho hoạt động dạy và học, SGK đặc biệt hữu ích đối với giáo viên mới vào nghề và với những nền giáo dục truyền thống và cách thi cử theo lối truyền thống. Tuy nhiên, những diễn biến mới trong xu hướng giáo dục trên thế giới đang làm thay đổi vai trò của người dạy, và đồng thời là vai trò này của SGK trong nhà trường.
Những điểm yếu của SGK nói chung
Điểm dễ thấy nhất là sự lạc hậu nhanh về kiến thức, đặc biệt là ở bậc đại học. SGK thường được biên soạn cẩn thận, và tương đối ổn định. Mặc dù những thứ được đưa vào SGK phần lớn là những thứ có tính chất cơ bản, vẫn có những lĩnh vực mà sự hiểu biết của loài người phát triển nhanh đến mức SGK không kịp thay đổi để thích ứng, khiến những kiến thức trình bày trong đó trở thành lạc hậu hoặc không còn thiết yếu với cuộc sống và với người học. Đối với bậc học phổ thông, vấn đề lạc hậu do không bắt kịp những phát triển mới nhất trong chuyên ngành ít đặt ra hơn, do kiến thức ở bậc phổ thông chủ yếu là kiến thức cơ bản. Tuy nhiên vẫn có trường hợp chất liệu xây dựng SGK hoặc những chủ đề được lựa chọn đưa vào SGK trở nên khiếm khuyết hay không còn thích hợp. Ví dụ mạng xã hội và dữ liệu lớn là những hiện tượng hiện đang chi phối mạnh mẽ mọi mặt đời sống xã hội, trước đây chỉ một thập niên hầu như chưa hề có. Trước đây chừng mười năm, những kiến thức về việc chọn lọc thông tin, phân biệt tin giả, đánh giá độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội, các nguyên tắc ứng xử văn minh và an toàn trên mạng XH không phải là những vấn đề thiết thân mà học sinh cần có kiến thức/kỹ năng để xử lý. Độ trễ này càng cần lưu tâm trong một hệ thống được quản lý chặt chẽ như Việt Nam, khi sửa SGK là cả một quá trình nhiêu khê trải qua nhiều cấp thẩm định và phê duyệt.
Theo Anthony D. Fredericks (tác giả cuốn “The Complete Idiot’s Guide to success as a Teacher”, tạm dịch”Hướng dẫn để một tên ngốc cũng thành giáo viên giỏi”), khi hoạt động dạy và học chủ yếu dựa vào SGK, SGK thường được/bị coi như một nguồn thông tin độc nhất, khiến người học chỉ thấy được một quan điểm về vấn đề hay khái niệm nào đó, vì thế bị hạn chế trong nhận thức và tầm nhìn. Những câu hỏi SGK đặt ra cho người học cũng thường có xu hướng đơn giản, chỉ đòi hỏi thu thập đủ dữ kiện để chứng minh. Điều này khiến người học có ấn tượng việc học chỉ đơn giản là thu thập con số và sự kiện. Dĩ nhiên về lâu dài nó làm hạn chế năng lực phản biện và giải quyết vấn đề. SGK cũng tạo ra cảm tưởng nó chứa đựng câu trả lời cho mọi vấn đề, vì thế người học có khuynh hướng coi việc học là quá trình tích lũy những câu trả lời đúng, trong lúc thực tế thường không bao giờ có câu trả lời đúng cho mọi trường hợp, mọi bối cảnh.
Và những đòi hỏi của giáo dục hiện đại
Do những hạn chế nói trên, không có SGK nào là hoàn hảo. Nó chỉ nên được xem là một nguồn tài nguyên cho dạy và học, không phải là nguồn duy nhất. Do những thay đổi ngày càng nhanh của thế giới bên ngoài, giáo dục hiện đại đã chuyển từ việc dạy học theo lối truyền thống (dựa trên SGK, một hệ thống tri thức và quy trình cố định) sang xu hướng dạy học dựa trên các tiêu chuẩn (dựa trên mục tiêu mong muốn).
“Tiêu chuẩn” (standard-based education) ở đây là một bản mô tả những gì chúng ta muốn học sinh biết và những gì có thể làm được, tức là những kiến thức và kỹ năng đạt được sau khi kết thúc một môn học hay một cấp lớp, gần đây thường được gọi là “chuẩn đầu ra”. Nói cách khác, các nhà giáo dục và quản lý chỉ xác định mục tiêu cụ thể cần đạt, thay vì quy định chi tiết phải dùng công cụ hay vật liệu nào để đạt tới mục tiêu ấy.
Ai định ra tiêu chuẩn nói trên? Ở Mỹ, tiêu chuẩn được các tổ chức chuyên môn phối hợp với Bộ Giáo dục và cơ quan giáo dục địa phương xây dựng nên. Bộ tiêu chuẩn này nhằm trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh biết những gì và có khả năng làm được những thứ gì? Chúng ta muốn họ biết, hay làm được những thứ đó nhiều/tốt/thành thạo tới mức độ nào? Làm sao chúng ta biết họ thực sự biết, hay làm được những thứ ấy? Chúng ta sẽ thiết kế việc dạy và học trong trường như thế nào để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn?
Đó chính là điều ở Việt Nam chúng ta đang nỗ lực thực hiện với Chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể (CTGDTT), hiện nay đã qua mấy vòng dự thảo và sắp được công bố chính thức. Như vậy có thể nói về mặt tư duy chiến lược và phương pháp tiếp cận, chúng ta đang tiệm cận với cách làm của giáo dục hiện đại. Vấn đề là từ CTGDTT đến thực tế, SGK đang đóng vai trò then chốt trong bối cảnh đại bộ phận giáo viên vẫn chủ yếu quen thuộc với cách làm truyền thống và dựa vào SGK như con chiên dựa vào kinh thánh.
Sách giáo khoa với vấn đề của Việt Nam hiện tại
Trong khi giáo dục còn chật vật tìm cách thích ứng, thì nền kinh tế Việt Nam đã và đang có mức độ hội nhập khá sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đứng hàng thứ 13 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet và đứng thứ 7 về số người sử dụng mạng XH Facebook. Cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực giờ đây đang là cạnh tranh toàn cầu: trong lúc hàng trăm ngàn người Việt ra đi khắp nơi trên thế giới theo con đường lao động xuất khẩu để làm những việc nặng nhọc và giản đơn, thì chuyên gia các nước phát triển, đặc biệt là các nước trong khu vực, đến Việt Nam làm việc trong những vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và năng lực xử lý vấn đề.
Vì thế, giáo dục đang đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia. Nền giáo dục truyền thống nhấn mạnh việc học kiến thức và học để thi rõ ràng là không thể đáp ứng được nhu cầu tạo ra nguồn nhân lực kỹ năng cao cho đất nước. Chúng ta cần một nền giáo dục nhấn mạnh đến việc hình thành năng lực tư duy độc lập, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng mềm và các tri thức hiện đại. Muốn vậy, nó phải có một mức độ linh hoạt nhất định, phải nhấn mạnh hơn vào vai trò của người dạy như là người thiết kế quá trình học tập của người học và chủ động lựa chọn phương pháp, nội dung cụ thể, thay vì hoàn toàn nô lệ vào SGK.
Với cách tiếp cận đó, SGK vẫn rất cần thiết, nhưng không còn quá quan trọng như trước. Cách chúng ta làm ra và sử dụng SGK cũng phải khác trước. Một chương trình nhiều bộ SGK là một bước tiến tích cực về mặt tư duy theo hướng chấp nhận rằng có thể có những con đường khác nhau để đạt đến cùng một mục tiêu. Thực hiện điều này chúng ta sẽ có những khó khăn ban đầu, nhưng đó là một xu hướng không thể tránh nếu chúng ta không muốn kéo lùi sự phát triển của giáo dục.
Thêm nữa, trong kỷ nguyên công nghệ số ngày nay, cần phải nghĩ tới việc số hóa SGK. Hầu hết các nguồn tư liệu tham khảo đều nằm trên không gian mạng, không lý nào SGK vẫn giữ mãi hình thức giấy in truyền thống. Số hóa không phải chỉ giúp cho việc lưu trữ, vận chuyển, trao đổi, sử dụng dễ dàng hơn, mà còn tạo ra những hình thức tương tác đa dạng với người sử dụng. Những người biên soạn SGK cần hiểu biết đầy đủ về những khả năng của công nghệ số trong việc diễn đạt nội dung của SGK và trong việc tìm kiếm những phương pháp thích hợp cho hoạt động dạy và học trong môi trường số.
Lực lượng tham gia viết SGK cần có thêm nhiều người trẻ, và có nhiều trải nghiệm quốc tế phong phú trong chuyên ngành. CTGDTT dựa trên một tư duy chiến lược mới và cách tiếp cận mới cần được chuyển tải qua SGK bằng một lực lượng viết SGK có tư duy mới, tri thức mới và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Thế giới hôm nay của chúng ta đã khác rất xa với thế giới của thời bao cấp, thậm chí đã khác xa so với chỉ một thập niên trước đây. Làm sao giáo dục có thể giúp giải quyết vấn đề của hôm nay bằng lối tư duy của hôm qua, vốn là lối tư duy đã tạo ra những vấn đề mà hôm nay chúng ta đang phải đương đầu?
0 Comments