Phạm Thị Ly (2018)
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 6.10.2018)

Một trong hai nội dung chính của phiên giải trình ngày 24.9 do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội là chủ đề thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên (GV) với sự tham dự trả lời trực tiếp của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ. Vấn đề nổi bật được nêu ra là theo Bộ GD-ĐT, trường lớp tăng, học sinh tăng mạnh theo từng năm trong khi GV thiếu nghiêm trọng, nhưng lại phải cắt giảm biên chế 10% mỗi năm theo chủ trương chung Bộ Nội vụ đã ban hành.

Những số liệu thực tế

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT về tình trạng thừa, thiếu GV (tính đến ngày 15.8.2018) tại phiên họp ngày 24.09 nói trên, số GV còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế tuyển dụng là 75.989 người. Do tình trạng thiếu GV một số nơi đã hợp đồng GV ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành.

Thế nhưng trước đó, ngày 21.1.2018, Bộ GD-ĐT đã cho biết, theo thống kê của Bộ, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, số giáo viên thừa của các cấp học là 40.264 người. Trong đó bậc trung học cơ sở thừa nhiều nhất (hiện có gần 311.000 giáo viên). Bậc tiểu học đang có 397.000 giáo viên. Triển khai chương trình mới ở lớp một năm học 2019-2020 sẽ thừa khoảng 4.700 giáo viên và thừa thêm gần 5.000 giáo viên vào năm học 2020-2021. Đến năm học 2023-2024, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp học này tổng số giáo viên dôi dư lên đến 21.663. Tuy dôi dư giáo viên về tổng thể nhưng xét theo từng môn ở từng cấp học lại có nhiều môn sẽ thiếu giáo viên với số lượng khá lớn. Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024 bậc trung học lại thiếu giáo viên. Tổng số giáo viên thiếu là trên 5.000 người[1].

Như thế nghĩa là đang có tình trạng thừa thiếu cục bộ, nơi thì thừa, nơi thì thiếu, cấp học này thừa cấp học kia thiếu, do sự thiếu phối hợp giữa ba cơ quan liên quan là Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và UBND địa phương. Về tổng thể, cần đánh giá lại việc thừa thiếu này dựa trên những con số thống kê của Bộ GD-ĐT và của Tổng cục Thống kê.

Bảng dưới đây tổng hợp các số liệu lấy từ trang web của Bộ GD-ĐT ngày 28.09.2018:

 

Số liệu trong bảng này là học sinh trong các trường công lập, và số giáo viên ở đây là những người trực tiếp đứng lớp, không tính cán bộ quản lý hay nhân viên phục vụ. Bảng này cho thấy số lượng học sinh tăng rất ít qua các năm và gần như không thay đổi trong ba năm gần đây.Tỉ lệ số học sinh trên giáo viên tuy có tăng nhưng chậm và không đáng kể. Những con số trên đây cũng nhất quán với tư liệu của Tổng cục Thống kê.

Thông tư 16/2017/TT-BGD-ĐT quy định rõ định mức giáo viên cho mỗi lớp ở từng cấp học, cụ thể là 1,2 GV ở tiểu học; 1,9 GV ở THCS và 2,25 ở THPT. Còn Thông tư 12/2011/TT-BGD-ĐT thì quy định sĩ số học sinh tối đa của mỗi lớp ở từng cấp, cụ thể là 35 HS ở tiểu học; 45 học sinh ở THCS và THPT. Từ hai Thông tư này có thể tính ra định mức số GV dựa trên số HS. Bảng 2 dưới đây so sánh tỉ lệ HS trên GV của năm học 2017-2018 so với mức quy định của Bộ, và cho thấy rõ bức tranh tổng thể hiện nay của chúng ta là không thiếu giáo viên:

Bảng 3  so sánh số lượng GV trong biên chế với tổng số GV trong 4 năm qua:

 

 

 

Bảng này cho thấy số lượng GV ngoài biên chế không thay đổi nhiều và vào khoảng 40 ngàn người trong điều kiện số học sinh trên giáo viên là 18,74. Nếu cắt giảm toàn bộ GV ngoài biên chế thì tỉ lệ này là 19,69, vẫn thấp hơn so với mức quy định của Bộ GD-ĐT.

Những số liệu trên đây mâu thuẫn với việc Bộ GD-ĐT và các địa phương phản ứng với việc giảm biên chế giáo viên. Đó là chưa nói tới dự báo thừa giáo viên trong những năm sắp tới.

Từ những số liệu này, có thể khẳng định xét về tổng thể hiện không thiếu giáo viên, thậm chí đang thừa so với định mức quy định. Tình trạng thừa giáo viên đã được báo động nhiều trong những năm qua dẫn tới nhu cầu quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm và siết chặt chỉ tiêu để tránh dư thừa dẫn đến tình trạng thất nghiệp, chạy việc và nhiều tiêu cực khác.

Tình trạng nơi thừa nơi thiếu có thể giải quyết tạm thời bằng cách phối hợp tốt hơn ba bên, hoặc bằng cách trao quyền cho Bộ GD-ĐT là nơi trực tiếp quản lý nhu cầu về GV, nhưng nó không giải quyết được vấn đề cơ bản hơn: bất cập hiện nay không nằm ở số lượng giáo viên, mà quan trọng nhất, là thu nhập chính thức không đủ sống, cơ chế tuyển dụng thiếu minh bạch, và quản lý chuyên môn có vấn đề.

Giáo viên: cán bộ, công chức, viên chức, hay lao động hợp đồng?

Xét về cơ chế tuyển dụng thì kể từ khi có Luật Viên chức (thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012), giáo viên trường công đã không còn là công chức như trước, mà được coi là viên chức và từ đây việc tuyển dụng, quản lý hay sa thải họ được điều chỉnh bởi luật này. “Biên chế” nếu được hiểu là một chỗ làm suốt đời và không thể mất việc trừ khi vi phạm nghiêm trọng, đã không còn áp dụng cho giáo viên nữa. Viên chức làm việc theo hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn. Khác nhau chính giữa công chức, viên chức và lao động hợp đồng là công chức thì được tuyển dụng dựa trên yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, bắt buộc qua thi tuyển để được bổ nhiệm, chủ yếu do ngân sách nhà nước trả lương; viên chức thì được tuyển dựa trên nhu cầu của đơn vị, tiêu chuẩn chức danh và quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, có thể thi tuyển hoặc xét tuyển và giao kết qua hợp đồng lao động có hoặc không có thời hạn, được trả lương bằng quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, mức lương được xác định qua chức danh nghề nghiệp; còn lao động hợp đồng thì do chủ sử dụng lao động trả lương, tất cả dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng và người lao động miễn không trái luật. Về bảo hiểm và hưu trí, cả ba loại công chức, viên chức và hợp đồng đều phải tuân theo Luật bảo hiểm Xã hội như nhau.

Hiện nay, ở các trường công, chỉ có hiệu trưởng là công chức (riêng bậc ĐH thì trưởng phó khoa/đơn vị có thể là công chức), giáo viên được xem là viên chức, làm việc theo hợp đồng. Còn ở trường tư, đã từ lâu giáo viên làm việc theo cơ chế lao động hợp đồng không khác gì nhân viên các doanh nghiệp.

Vấn đề đang nóng trên nghị trường Quốc hội hiện nay về việc giảm biên chế giáo viên, thực chất là vấn đề nguồn ngân sách chi trả lương cho giáo viên trường công vì hiện nay quỹ lương của các trường phổ thông công lập đều là do ngân sách cấp. Vì là nguồn ngân sách, các tỉnh không phải muốn tuyển bao nhiêu là tuyển mà phụ thuộc vào chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao. Bộ Nội vụ đang yêu cầu cắt giảm 10% biên chế hưởng lương ngân sách trong đó có giáo viên. Các địa phương có nguồn ngân sách lớn và có khả năng tự chủ đang muốn được tự quyết định số lượng giáo viên/viên chức thay vì phụ thuộc vào chỉ tiêu của Bộ Nội vụ.

Tăng chỉ tiêu biên chế có giúp cải thiện chất lượng giáo dục?

Những con số trên đây cho thấy, vấn đề giáo viên hiện nay không phải là số lượng. mà là chất lượng. Vì vậy tăng chỉ tiêu biên chế chỉ làm tăng gánh nặng ngân sách dù là trung ương hay địa phương, mà không giúp ích gì cho việc cải thiện chất lượng. Thay đổi cách phối hợp giữa ba bên Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và UBND các tỉnh cũng chỉ giải quyết phần ngọn, là vấn đề nơi thừa nơi thiếu, nhưng không giải quyết được vấn đề sử dụng có hiệu quả lực lượng GV trong phạm vi ngân sách hiện tại.

Các trường phổ thông công lập là những đơn vị sự nghiệp công, vì thế mà giáo viên được coi là viên chức và được hưởng lương từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, hệ thống viên chức hiện đang quy định mức lương theo ngạch bậc và phải khống chế số lượng chỉ tiêu do nguồn ngân sách có hạn, do vậy có thể không đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của các trường và các địa phương có hoàn cảnh rất khác nhau.

Thay cho việc tuyển thêm giáo viên, cần thay đổi cơ chế quản lý nhân sự của các trường, tạo ra động lực để các trường sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn nhằm tăng thu nhập chính thức của giáo viên. để họ có thể tập trung vào nhiệm vụ giáo dục.

Nghịch lý hiện nay ở các trường công là học phí thì rất thấp, nhưng các khoản đóng góp khác bên ngoài học phí thì không thấp, cho nên chi phí giáo dục vẫn là một gánh nặng với nhiều gia đình. Lương chính thức của giáo viên quá thấp khiến nhiều hiện tượng tiêu cực nảy sinh. Tăng chỉ tiêu biên chế không giúp giải quyết những nghịch lý ấy.

Phân quyền cho các địa phương, thậm chí cho các trường để họ chủ động và linh hoạt sử dụng quỹ lương (cấp khoán dựa trên số lượng học sinh) có thể sẽ giúp các trường thích ứng tốt hơn với bối cảnh cụ thể của họ. Trước đây nhiều giáo viên phản ứng mạnh với việc xóa bỏ chế độ viên chức với họ vì họ vẫn nghĩ viên chức là một vị trí suốt đời. Thực tế không phải như vậy. Dù là viên chức hay lao động hợp đồng thì người sử dụng lao động cũng đều có thể đơn phương quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với người lao động, và việc đó phải tuân thủ một quy trình, không phải muốn đuổi ai là đuổi. Luật Lao động cũng bảo vệ người lao động không ít mạnh mẽ hơn so với Luật Viên chức. Chỉ có điều Luật Viên chức cứng nhắc hơn do liên quan trực tiếp tới việc sử dụng ngân sách nhà nước, còn Luật Lao động thì cho phép người sử dụng lao động linh hoạt hơn trong việc tuyển dụng, đánh giá và trả lương, do dựa vào năng lực và nhu cầu thực tế của từng đơn vị và từng địa phương.

Tuy nhiên việc khoán quỹ lương và chuyển giáo viên sang lao động hợp đồng sẽ trao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng, vì thế cần có cơ chế minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình đi cùng, nhất là cần có cơ chế để phụ huynh cùng tham gia giám sát việc thực hiện chính sách của nhà trường. Phụ huynh là người có động lực mạnh mẽ nhất trong việc cải thiện chất lượng giáo dục. Họ cần được thông tin đầy đủ và cần có vai trò mạnh mẽ hơn trong việc quản lý nhà trường để hỗ trợ cũng như để đòi hỏi trách nhiệm giải trình của nhà trường và nhà nước.

Giáo viên là nhân tố cực kỳ quan trọng của chất lượng giáo dục, vì thế đào tạo, sử dụng và đãi ngộ giáo viên cần được xem là một phần không thể thiếu của quá trình đổi mới giáo dục. Có thể nói, chất lượng giáo viên có ý nghĩa quyết định trong giáo dục phổ thông. Chương trình có hay, sách có tốt, phòng học có đẹp, mà giáo viên không tốt thì rất khó có hy vọng vào kết quả. Vì thế vấn đề giáo viên cần được xem xét và xử lý một cách hệ thống trên cơ sở lợi ích của người học, vì chất lượng giáo dục chính là tương lai của quốc gia.

 

 

 

[1] Nguồn: https://news.zing.vn/thua-hon-40000-giao-vien-khi-day-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-post813381.html