NGHỊCH LÝ CÔNG TƯ: CẦN MỘT LỐI TƯ DUY KHÁC
Phạm Thị Ly (2018)
Bản ngắn hơn đăng báo Khoa học và Phát triển ngày 19.07.2018 với tên bài “Nghịch lý công tư trong giáo dục”

 

Nói đến chủ nghĩa xã hội (CNXH) và các nước theo CNXH, người ta thường hay nghĩ ngay tới một ưu điểm nổi bật: giáo dục và y tế miễn phí cho toàn dân. Điều này đã từng là một thực tế trước đây. Nhưng kinh tế thị trường đã tạo ra một bức tranh hoàn toàn khác. Quá trình phát triển kinh tế vượt bậc đến cùng với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng dãn rộng và cùng với nó là sự sản sinh những nhu cầu ngày càng đa dạng.

Khi sự hình thành khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng giao thương quốc tế tạo ra một tầng lớp trung lưu và giàu hoặc rất giàu ở các đô thị, thì giáo dục và y tế công vẫn tiếp tục vận hành theo những nguyên tắc của thời bao cấp, tức là trả lương cho thầy thuốc, thầy giáo rẻ mạt như cái thời đồng lương đó còn dùng để mua hàng phân phối theo tiêu chuẩn. Dĩ nhiên với cách trả lương và vận hành đó, trường công và bệnh viện công không thể nào đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân.

Bất cập cung cầu đó đã và đang được giải quyết một cách tự phát bằng hai con đường: bệnh viện tư/ trường tư hoạt động như một doanh nghiệp theo cơ chế thị trường; bệnh viện công/trường công đẻ ra nhiều hình thức “kinh doanh” để tìm kiếm nguồn thu, bù đắp cho nguồn cung ngân sách thiếu hụt và lỗ hổng về thu nhập. Những hình thức đó có thể bắt đầu một cách đơn lẻ như phong bì cho bác sĩ, tiền học thêm hay quà biếu cho thầy cô giáo, và nay đang tiến tới chỗ được hệ thống hóa dưới hình thức có tổ chức: phòng khám dịch vụ ở các bệnh viện công, hay chương trình song bằng ở các trường phổ thông công lập, chương trình liên kết quốc tế/ chương trình chất lượng cao ở các trường ĐH.

Chúng ta nên nhìn nhận về hiện tượng “dịch vụ chất lượng cao/giá cao” trong các cơ sở giáo dục và y tế công lập hiện nay như thế nào? Liệu có nên khuyến khích? Nếu có, thì vì sao, và nếu không, thì có giải pháp nào khác?

Ranh giới công tư

Có một thực tế, là ranh giới công tư trong nhiều lĩnh vực cũng có chỗ đang mờ dần ở các nước. Một ví dụ dễ thấy là trong GD ĐH công. Trước đây ranh giới giữa các trường ĐH công và tư rất rõ ràng: trường công lập thuộc sở hữu công, hoạt động dựa vào nguồn ngân sách của nhà nước, quản trị theo cơ chế tự chủ dựa trên Hội đồng Trường, hoặc do nhà nước quản lý trực tiếp, giảng viên được xem như công chức. Trường tư do nguồn vốn tư nhân xây dựng, thuộc sở hữu tư nhân hoặc sở hữu cộng đồng, có lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận, không dựa vào nguồn tài trợ của ngân sách tuy có thể được nhà nước hỗ trợ dưới nhiều hình thức.

Trong thực tế, ranh giới công tư đối với ĐH không rõ rệt như vậy. Ví dụ như các trường ĐH tư phi lợi nhuận của Hoa Kỳ, mặc dù hình thành từ nguồn vốn tư nhân, nhưng vì là hiến tặng và thuộc sở hữu cộng đồng, về nhiều mặt các trường này rất giống với ĐH công truyền thống, đặc biệt là về đặc điểm sứ mạng phục vụ lợi ích công và về mô hình quản trị. Trong lúc đó có những trường ĐH công lập ở Trung Quốc hay Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo thu phí theo giá thỏa thuận của thị trường, một hình thức “tư” trong “công” (Priest, D. M., & John, E. P. S. (Eds.). 2006). Còn có những trường công mà tỉ lệ ngân sách cấp rất thấp so với tổng kinh phí hoạt động của trường, chẳng hạn ở University of Virginia (Hoa Kỳ) con số đó là 8%. Trong một bài báo trên New York Times, Katharine C. Lyall, một nhà kinh tế học và Hiệu trưởng danh dự của University of Wisconsin nói rằng “Với mức độ tài trợ như thế, chúng ta phải tự hỏi, ĐH công có nghĩa là gì” [1]. Nói cách khác, các trường ĐH công ở Hoa Kỳ đang bị tư nhân hóa theo nghĩa, khi các doanh nghiệp và các nhà tài trợ cung cấp tiền cho các trường này, họ chắc chắn sẽ chi phối các trường ĐH công vốn có sứ mạng phục vụ lợi ích công. Con đường các trường sẽ đi dưới sự kiểm soát của họ có thể phục vụ lợi ích công, mà cũng có thể không. Vì thế, mặc dù xét về mặt sở hữu các trường này vẫn là ĐH công, nhưng trong thực tế thì phức tạp hơn nhiều.

Hợp tác công tư là lĩnh vực ít phức tạp hơn, nhưng cũng làm cho bức tranh phân biệt công tư không rõ rệt như trước. Thêm vào đó là xu hướng doanh nghiệp hóa các trường ĐH công, mà ví dụ nổi bật là Nhật Bản và Singapore, tức là biến các trường thành những thực thể độc lập, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Những trường này có thể vẫn nhận kinh phí nhà nước cấp nhưng là dưới dạng hợp đồng, chứ không phải phụ thuộc và chịu chi phối hoàn toàn như cách làm truyền thống.

Tuy nhiên, có một điều cần khẳng định: những thay đổi trên đây chủ yếu là nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ sở công lập, vì nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các trường cần có sự độc lập và linh hoạt trong việc quyết định con đường và cách làm của mình để đạt hiệu quả tốt nhất. Nó hoàn toàn không có nghĩa là biến các cơ sở công lập này thành của riêng một nhóm người và kiếm lợi cá nhân từ đó.

Trở lại vấn đề ranh giới công tư, có lẽ cần phải phân định dựa trên chức năng của nhà nước. Trường tư, bệnh viện tư cũng giống như các doanh nghiệp tư, cung cấp dịch vụ và tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng về chất lượng và giá cả theo cơ chế thị trường: tiền nào của đó, lời ăn lỗ chịu. Chức năng của nhà nước trong giáo dục và y tế là bù đắp cho những thiếu hụt của thị trường nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài của cả xã hội. Trường công/bệnh viện công sử dụng tiền thuế của toàn dân, vì thế một trong những chức năng chủ yếu cần có là đáp ứng nhu cầu tối thiểu về y tế và giáo dục cho người thu nhập thấp, nhằm bảo toàn sự ổn định của xã hội, và tạo ra động lực cho sự dịch chuyển của các giai tầng xã hội, thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ.

Những hình thức dịch vụ giá cao/chất lượng cao trong các cơ sở công lập có làm tổn hại đến chức năng này và tạo ra thêm bất công hay không?

Thực tế của Việt Nam

Cuộc sống vận hành dựa trên những quy luật nhiều khi không cưỡng được. Khi mức lương nhà nước trả cho thầy thuốc, thầy giáo quá thấp không đủ tái tạo sức lao động, thì tự nhiên sẽ nảy sinh các hình thức để bù đắp, đó là điều không thể tránh được.

Nhưng hệ quả của nó là gì? Hiển nhiên là phong bì thầy thuốc và tiền dạy thêm đã làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ giữa thầy thuốc/thầy giáo và đối tượng mà họ phục vụ, đặc biệt là trong giáo dục. Những hình thức có tổ chức quy củ, kiểu như phòng khám dịch vụ trong bệnh viện công, các lớp chất lượng cao hay chương trình song bằng ở các trường công khắc phục được nhược điểm ấy. Ở những hình thức này, đối tượng phục vụ được xem như khách hàng, và chấp nhận trả tiền nhiều hơn để được phục vụ tốt hơn, còn thầy thuốc hay thầy giáo thì được trả lương khá hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đó là cách đáp ứng của thực tế cuộc sống trước những bất cập trong việc sử dụng nguồn lực công cho các dịch vụ công.

Vấn đề là các bệnh viện công và trường công này đang sử dụng một phần nguồn lực ngân sách cho các hoạt động dịch vụ ấy. Như thế có phải là cạnh tranh bất bình đẳng với các cơ sở y tế/giáo dục tư nhân hay không, và có lấy mất nguồn lực lẽ ra được dùng để chi trả/bao cấp toàn bộ hoặc một phần cho người thu nhập thấp để thực hiện chức năng của nhà nước như đã nói trên hay không?

Do được dựa một phần vào nguồn lực công (cơ sở vật chất, đất đai, trang thiết bị, lương cơ bản), phí dịch vụ ở các cơ sở này có phần thấp hơn các cơ sở tư nhân với chất lượng tương đương. Dù vậy, người nghèo cũng không thể với tới. Điều này có nghĩa là, những nơi có thể cung cấp dịch vụ giáo dục/y tế cơ bản cho người nghèo với mức giá mà người nghèo có thể chi trả được sẽ bị thu hẹp lại, khiến một bộ phận sẽ bị đẩy ra bên lề.

Cần một tư duy khác

Giáo dục và y tế là một vấn đề kinh tế hay một vấn đề xã hội? Một mặt, hai lĩnh vực này đang là những công nghiệp tỉ đô, bởi nó liên quan thiết thân tới từng người trong xã hội, và nó tạo ra/tiêu tốn những nguồn lực khổng lồ của từng gia đình và của mỗi quốc gia. Phải xem nó là một vấn đề kinh tế để quản lý nó một cách hiệu quả.

Nhưng nó cũng lại là một vấn đề xã hội. Trong kinh tế thị trường, cách biệt giàu nghèo là điều không thể tránh khỏi, và vì chúng ta chưa có chủ nghĩa xã hội, nên bảo đảm một dịch vụ chất lượng cao cho tất cả mọi người theo nhu cầu thay vì theo khả năng chi trả là một điều bất khả thi. Nhưng nếu một bộ phận lớn người dân bị đẩy ra bên lề, không được thụ hưởng dịch vụ giáo dục và y tế ở mức độ cơ bản, thì hệ quả sẽ là chất lượng nguồn nhân lực giảm sút, bất công xã hội giãn rộng tạo ra tiền đề cho bất ổn.

Vì lẽ đó các nước luôn có những hình thức cung cấp giáo dục và y tế tối thiểu cho người thu nhập thấp với chi phí thấp hoặc miễn phí, bằng cách sử dụng nguồn lực công, tức là bằng tiền của người đóng thuế, như một cách san sẻ giàu nghèo làm giảm nhẹ bất công và giữ gìn sự ổn định xã hội. Trước năm 1975 miền Nam cũng từng có “nhà thương thí” tức là bệnh viện miễn phí hoàn toàn cho người nghèo, và ở trường công thì người học không phải đóng góp gì, kể cả các thứ đóng góp tự nguyện trá hình như kiểu phong bì hay quỹ phụ huynh.

Nhà nước cần bù đắp cho những thiếu hụt của thị trường, cả về quy mô và địa lý. Về quy mô, tư nhân có thể mở trường phổ thông hay đại học, nhưng tỷ lệ nhân lực được đào tạo từ trường tư vẫn đang còn chiếm một thị phần khiêm tốn. Và điều đó còn kéo dài trong vài chục năm tới. Vì thế cần hết sức khuyến khích tư nhân mở trường và nhà nước sẽ thu hẹp trường công tương ứng với sự phát triển của trường tư, để tiến tới chỗ bảo đảm nhu cầu đào tạo nhân lực và ngân sách có thể tập trung cho một số ít trường có chất lượng cơ bản và chi phí thấp thực sự, thay vì dàn trải như hiện nay: trường công tuy nhiều nhưng không thực sự là chi phí thấp cho người nghèo.

Về địa lý, ở những nơi không thuận lợi, vùng sâu vùng xa, chắc chắn ít tư nhân nào bỏ tiền mở trường. Do đó các trường đại học công hiện có ở miền núi như Đại học Sơn La, Đại học Tây Bắc tuy chất lượng thấp vẫn nên tiếp tục duy trì và cần đầu tư để đáp ứng được yêu cầu cơ bản của một trường đại học đại chúng.

Ngoài những hình thức dịch vụ miễn phí do nhà nước đảm nhận, cần có nhiều hoạt động khác như cứu trợ, học bổng, v.v. của các tổ chức tư nhân và tôn giáo, nhằm đem lại những dịch vụ giáo dục/y tế tối thiểu cho người thu nhập thấp.

Việc tổ chức các dịch vụ thu phí cao trong các cơ sở công lập tuy hợp lý nhưng chỉ là giải pháp tình thế trong hiện tại, nó không thực sự giải quyết được vấn đề. Vì thế cần một tư duy khác: tạo điều kiện cho khu vực tư trong giáo dục/y tế phát triển, khích lệ người giàu sử dụng các dịch vụ chất lượng cao giá cao do tư nhân cung cấp, còn nhà nước thì tập trung cung cấp dịch vụ với chất lượng cơ bản và giá thấp để phục vụ người thu nhập thấp.

Điều này có thể áp dụng đối với dịch vụ y tế và giáo dục phổ thông. Còn giáo dục ĐH thì có hơi khác. GD ĐH không chỉ đáp ứng những nhu cầu trước mắt của cá nhân và xã hội, mà còn là đầu tư cho tương lai của quốc gia, nên vẫn cần nhà nước đầu tư có trọng điểm nhằm xây dựng những trường ĐH tốt thực sự để phục vụ cho những mục tiêu dài hạn và bảo đảm chỗ học cho những người xuất sắc bất kể khả năng chi trả của họ. Vì ngân sách không đủ để bao cấp cho tất cả các trường ĐH công ở mức tốt nhất, sẽ cần có một hệ thống đa dạng: bên cạnh những trường được bao cấp và đầu tư mạnh mẽ, cần những trường công tự chủ tài chính, dựa vào nguồn thu từ người học và các nguồn thu tự tìm kiếm khác để phát triển chất lượng, như ĐH Ngoại Thương, ĐH Tôn Đức Thắng, v.v. chẳng hạn. Những trường công này có thể quản lý theo mô hình doanh nghiệp và hoạt động theo các nguyên tắc của thị trường nhằm bảo đảm hiệu quả, nhưng vì là sở hữu công và sử dụng một phần nguồn lực công, cần phải có những chương trình học bổng/ trợ giúp sinh viên với quy mô tương xứng để thực hiện sứ mạng phục vụ lợi ích công của họ và góp phần tạo cơ hội cho người thu nhập thấp.

Xây dựng các trường tinh hoa ở bậc ĐH là việc đòi hỏi nguồn vốn lớn và là đầu tư dài hạn, vì thế nó nên là nhiệm vụ chính của nhà nước. Điều đó không có nghĩa là tư nhân không thể tạo ra những trường chất lượng cao. Nhưng không thể chỉ dựa vào tư nhân và chờ đợi họ tạo ra những trường như vậy.

Nhà nước chỉ nên làm những việc mà tư nhân không làm được, hoặc chưa đủ điều kiện để làm. Đó là lý do nhà nước trở thành cần thiết không thể thiếu, và đó là cách làm cho nhà nước trở thành chính danh và hiệu quả.

 

 

 

 

 

[1] https://www.nytimes.com/2005/10/16/education/at-public-universities-warnings-of-privatization.html