Phạm Thị Ly (2018)
Bài đăng báo Văn hóa Nghệ an số ra ngày 25.07.2018)
Nhiều người nói rằng vụ sửa điểm diễn ra ở Hà Giang chẳng có chi là lạ, vì đã từ lâu, ai cũng biết tiêu cực xảy ra trong việc thi cử xảy ra ở tất cả mọi cấp, mọi nơi, chỉ là với những mức độ khác nhau và có bị phát hiện hay không mà thôi. Thế nhưng giữa cái “ai cũng biết” và “có bằng chứng” là một khoảng cách lớn. Vụ Hà Giang gây sốc bởi vì đó là bằng chứng, một bằng chứng không thể rõ ràng hơn về việc tham nhũng, bất công, thối nát đã chen vào học đường và tạo ra tác hại như thế nào.
Hà Giang chỉ là một ví dụ về tiêu cực. Xử lý những người liên quan tất nhiên là cần thiết, nhưng chắc chắn là không đủ. Cần nhìn lại cả kỳ thi, và việc thi cử nói chung để cải thiện tình trạng hiện nay.
Chất lượng của dữ liệu được công bố
Có khoảng 4039 trường hợp điểm 0 trong kỳ thi TNPT/tuyển sinh ĐH năm nay. Nếu không tính 103 trường hợp điểm 0 môn Văn (tự luận) và 45 trường hợp bị kỷ luật buộc rời phòng thi (đương nhiên 0 điểm), vẫn có gần 4000 trường hợp điểm 0 với các bài thi trắc nghiệm. Lấy môn Toán làm ví dụ: xác suất điểm 0 đối với bài thi 50 câu, 4 phương án lựa chọn mỗi câu là vô cùng thấp (0,00000056) tức trong 2 triệu bài thi đánh hú họa mới có 1 trường hợp điểm 0. Vì thế, nhìn chung rất khó giải thích về các trường hợp điểm 0 này. Có hai cách giải thích: (i) số liệu không đúng; (ii) Nếu số bài thi điểm 0 này thực sự đúng trong thực tế, thì lý do duy nhất hợp logic là những trường hợp này thí sinh nộp giấy trắng. Tuy nhiên cách giải thích đó có phù hợp với thực tế hay không là một vấn đề khác. Giả sử có, thì việc hơn 4.000 thí sinh chọn nộp giấy trắng thay vì đánh hú họa (ít nhất cũng được 1-2 điểm) là một lựa chọn bất thường và cần được nghiên cứu.
Thêm vào đó, phổ điểm môn Toán cho thấy có 916.954 thí sinh có điểm kể cả điểm 0. Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết buổi thi môn Toán có mặt 916.789 thí sinh. Như vậy có 165 thí sinh không có mặt dự thi cũng có điểm! Có hai cách giải thích cho điều này: (i) số liệu tổng hợp không chính xác; (ii) quả thật có 165 thí sinh không đi thi vẫn có điểm, tức là có tiêu cực.
Trên đây là một vài ví dụ về những nghi vấn đặt ra qua những số liệu được công bố. Nếu chất lượng dữ liệu không đảm bảo, thì mọi giải thích, suy luận, kết luận rút ra từ bộ số liệu đó không có giá trị gì.
Đề khó hay dễ, và để làm gì?
Có hai luồng ý kiến trái ngược: giới chuyên môn bao gồm các nhà toán học, các giáo sư nổi tiếng, các thầy giáo dạy toán nhiều kinh nghiệm cho rằng đề toán quá khó và không thể hoàn thành trong 90 phút. Giới bình luận bao gồm một số người nghiên cứu và làm quản lý trong nước, thì dùng phổ điểm để chứng minh rằng đề năm nay là phù hợp, đáp ứng mục tiêu phân hóa tốt, không có vấn đề gì phải băn khoăn.
Trong bối cảnh điểm số ở Hà Giang cao bất thường, có nhiều nghi vấn về tính chất nghiêm túc của kỳ thi và khả năng tiêu cực xảy ra ở các khâu. Vì thế, kể cả khi phổ điểm đúng với kết quả bài làm được lưu trữ, thì nó cũng khó có thể chứng minh điều gì về mức độ khó hay dễ của đề thi.
Nhưng điều quan trọng hơn không phải là chứng minh rằng bộ đề năm nay rất có vấn đề hay là đã hoàn hảo rồi. Vấn đề là trong thực tế, cách ra đề và khảo thí như vậy mang lại ảnh hưởng như thế nào đến việc dạy và học trong trường phổ thông. Một đề thi tốt phải loại bỏ tối đa yếu tố may rủi để có thể đánh giá đúng năng lực của học sinh, và một kỳ thi tốt dĩ nhiên là phải giảm thấp nhất mức độ tiêu cực. Dựa vào yếu tố may rủi là chính, và những tiêu cực có thể xảy ra, là những thứ phá tan hết động lực học hành tử tế của hàng triệu học sinh.
Nếu quả thật có gần bốn ngàn thí sinh nộp giấy trắng thay vì đánh hú họa tất cả các câu, hoặc đánh hú họa những câu mà mình không trả lời được, thì chúng ta phải giải thích điều này như thế nào? Đó là một lựa chọn bất thường, vì thí sinh nào cũng biết rằng điểm 0 là điểm liệt, và cứ đánh bừa thì chắc chắn cũng có 1-2 điểm. Chỉ có thể giải thích rằng đó là thái độ phản kháng đối với kỳ thi nói riêng và đối với cả quá trình giáo dục nói chung. Con số 4.000 không phải quá lớn trên tổng số gần một triệu thí sinh, chỉ là bốn phần ngàn, nhưng nó phản ánh một thực tế không thể bỏ qua, vì đó là một phản ứng cực đoan đến mức các em chấp nhận trả cái giá vứt đi mười hai năm ăn học. Bao nhiêu em không dám trả giá tới mức ấy, nhưng cũng có suy nghĩ và cảm giác tương tự?
Hướng tới tương lai
Đã có nhiều ý kiến cho rằng hai kỳ thi TNPT và tuyển sinh ĐH có mục tiêu khác nhau nên không thể gộp lại thành một. Đó là điều rất đáng phải cân nhắc. Việt Nam không phải nước đầu tiên hay duy nhất tổ chức các kỳ thi TNPT hay tuyển sinh ĐH, vì sao không thể áp dụng những gì hợp lý trong kinh nghiệm quốc tế?
Thi TNPT có cần không? Nhiều nước có tổ chức kỳ thi này, học sinh phải vượt qua kỳ thi này để được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, đã có nhiều tổ chức lên tiếng cho rằng việc tập trung vào một kỳ thi độc nhất sẽ xói mòn chất lượng của giáo dục và làm tổn hại tới sự bình đẳng về cơ hội. Hầu hết các bang ở Mỹ đều cho phép học sinh thi nhiều lần trong năm và kể cả trong nhiều năm cho tới khi đạt. Mục tiêu của kỳ thi là bảo đảm rằng học sinh đã được chuẩn bị đầy đủ những năng lực cơ bản cần thiết cho việc tham gia vào lực lượng lao động hoặc tiếp tục học chuyên sâu hay lên cao hơn. Vì mục đích đó, có bang như Ohio cho phép thí sinh thay vì dự thi tốt nghiệp có thể nộp một giấy chứng nhận thực tập tại những doanh nghiệp có uy tín.
Trong khi đó, tuyển sinh vào ĐH là vấn đề của từng trường và mỗi trường có các yêu cầu, quy trình khác nhau. Nhiều trường dựa vào kết quả thi SAT/ACT, kết hợp với thư giới thiệu và phỏng vấn. Kết quả thi SAT/ACT được xem là thước đo về năng lực trí tuệ, nó không đo lường học sinh đã biết những gì mà chủ yếu là học sinh có khả năng đến đâu trong việc học và sáng tạo ra cái mới. Cũng như thi TNPT, học sinh có thể thi SAT/ACT nhiều lần và dùng kết quả tốt nhất để nộp đơn vào ĐH.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước vẫn còn tiếp tục duy trì kỳ thi tuyển sinh vào ĐH theo kiểu tương tự Việt Nam trước đây, tổ chức trong ba ngày, gọi là “cao khảo” (gaokao) và kết quả thi này là cánh cửa độc nhất không thể không bước qua để vào ĐH. Mỗi năm chỉ một lần kỳ thi này được tổ chức, vì thế áp lực đặt ra rất lớn đối với cả thầy lẫn trò. Kết quả là các thầy cố nhồi nhét cho học sinh của mình những kiến thức để vượt qua kỳ thi, thay vì những gì đáng phải học để phát triển tư duy và cảm xúc. Những thứ như cảm nhận của người học, giá trị và tính cách độc đáo của từng người là những thứ không được quan tâm vì nó không có chỗ đứng trong các kỳ thi. Kỳ thi cao khảo của Trung Quốc được coi là đặt ra áp lực cho thí sinh ở mức cao nhất trên thế giới: nhiều em xỉu ngay tại phòng thi và năm nào cũng có những vụ tự tử vì thi cử.
Cách tổ chức thi và ra đề cần phải được thực hiện dựa trên một quan điểm rõ ràng về mục đích, và phục vụ cho mục đích đó. Nhìn vào những đề thi quá dễ hay quá khó, những đề có tính chất đánh đố hay đánh lừa, người ta phải tự hỏi mục đích của những đề thi như thế là gì?
Nếu không thay đổi quan điểm đối với việc khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục nói chung, thì chúng ta sẽ vẫn cứ tiếp tục loay hoay, lúng túng như gà mắc tóc. Vẫn biết công nghệ luyện thi đang nuôi sống nhiều người, nhưng để xã hội tiến bộ hơn, thì không thể hy sinh lợi ích của hàng triệu học sinh, cùng với họ là tương lai của quốc gia, cho lợi ích của một nhóm người nào.
0 Comments