Phạm Thị Ly (2018)
Bài đăng báo Khoa học và Phát triển số ngày 25.07.2018
Cho đến nay, thi cử vẫn còn là chuyện đương nhiên của mọi nền giáo dục từ Âu sang Á. Có học thì có thi, thi đạt yêu cầu thì mới được nhận vào học, hay mới được cấp bằng, đó là chuyện tự nhiên không có gì phải bàn cãi. Nhưng có lẽ ít nơi nào mà chuyện thi cử lại tốn nhiều giấy mực và làm rúng động xã hội như ở Việt Nam, chẳng hạn qua chuyện bê bối xảy ra ở Hà Giang vừa qua. Cũng dễ hiểu bởi vì nó chạm đến một trong những vấn đề cốt lõi nhất có tính chất rường cột của quốc gia: giáo dục và những chuẩn mực của xã hội. Câu hỏi đặt ra là vì sao ở nhiều nước, tiêu cực nếu có chỉ là chuyện hãn hữu, trong lúc thi cử ở ta lại gắn với nhiều tiêu cực như thế, và liệu có thể khác đi được chăng? Liệu có phải vấn đề nằm ở quy trình sơ hở, luật lệ không chặt chẽ, hay là ở chỗ nào khác?
Hà Giang không phải là vụ tiêu cực đầu tiên trong thi cử và không ai dám nói đó sẽ là vụ cuối cùng. Trước đó đã từng có nhiều vụ tương tự, với quy mô (có thể) nhỏ hơn và thông tin ít lan rộng hơn, ví dụ như Bạc Liêu năm 2006 hay Đồi Ngô năm 2012. Đó là chưa kể những vụ không bị phát hiện. Hà Giang gây rúng động không phải vì nó mới lạ, mà vì nó có bằng chứng rõ ràng để chứng minh một điều ai cũng đã biết từ lâu.
Quy trình, hay là…?
Không biết có bao nhiêu nước trên thế giới mà các điểm tổ chức thi và việc niêm phong bài thi, vận chuyển bài thi về nơi tập kết phải có cảnh sát vũ trang tham gia bảo vệ, như ở Việt Nam? Có nước nào cán bộ làm đề thi, sao in phải bị giam tuyệt đối cho đến lúc mở đề? Trên mỗi bài thi cần bao nhiêu chữ ký giám thị? Nếu liệt kê các giải pháp chống gian lận trong thi cử, bao gồm sự can thiệp trái phép của người tổ chức thi, ra đề, chấm bài, ráp điểm, và phòng chống các hành động quay cóp, gian lận của thí sinh, hẳn Việt Nam không thua kém ai về mức độ chặt chẽ khi thiết lập quy trình. Vậy mà vì sao con kiến không chui lọt, nhưng con lạc đà vẫn chui lọt lỗ kim?
Nếu không phải quy trình, thì vấn đề nằm ở đâu? Nhiều cuộc thi đã chuyển sang chấm bằng máy nhằm chống tiêu cực, ví dụ như thi bằng lái xe trên địa hình có gắn cảm ứng, hay thi trắc nghiệm chấm bằng máy. Nhưng tiêu cực vẫn xảy ra vì máy móc nào thì cũng do con người vận hành, và con người nghĩ ra cái khóa thì cũng nghĩ ra được cái chìa để mở khóa. Nhưng liệu lỗi có hoàn toàn do con người? Đã có bao giờ bạn nghe nói về những học sinh Việt Nam quay cóp, gian lận trong thi cử hay đưa tiền cho giáo sư để mua điểm khi họ du học ở nước ngoài? Nếu có, liệu nó phổ biến đến mức nào?
Chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn này nếu không nêu ra được đúng nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của nó.
Tấm bằng và chất lượng giáo dục
Tấm bằng, vốn không phải là bản thân giá trị, mà chỉ là biểu tượng của một giá trị mà nó là đại diện. Giá trị đó là những gì người học thụ đắc được qua quá trình giáo dục. Nhìn vấn đề trên quy mô hệ thống, thì tấm bằng sẽ chỉ có giá trị đại diện khi người ta tin rằng nó tương ứng với những gì mà nó chỉ là biểu tượng. Khi sự tương ứng ấy không còn, thì giá trị đại diện cũng mất.
Đó là những gì chúng ta đang thấy ở Việt Nam hôm nay. Người ta đang cố tình đồng nhất tấm bằng với những giá trị mà nó đại diện, bất kể là nó có tương ứng hay không, nhằm mục tiêu chiếm lấy những thành quả không phải do nỗ lực học tập mà có. Người ta cần tấm bằng để chứng minh cho những năng lực mà mình có thể đã không có. Chừng nào hệ thống tuyển chọn nhân sự của chúng ta còn dựa trên những tiêu chí “quan hệ” hay hối lộ, mà không phải thực sự dựa trên phẩm chất và năng lực, thì hiện tượng mua bằng, bán điểm, tiêu cực trong thi cử sẽ vẫn còn tiếp diễn, mặc cho quy trình có nghiêm ngặt tới mức nào.
Hệ thống đó đương nhiên là bất công, nhưng quan trọng hơn, là nó hủy hoại động cơ học tập tử tế của thế hệ trẻ. Ai còn muốn học hành tử tế nữa, khi năng lực và phẩm chất có được qua sự học chẳng có vai trò gì đáng kể trong việc tiến thân, vào đời? Nếu không ai lo học hành tử tế, chỉ lo mua bằng bán điểm, xã hội sẽ ra sao? Bạn có dám giao tính mệnh bạn cho một bác sĩ mua điểm để vào trường và ra trường? Bạn nghĩ gì khi đi trên cây cầu mà người kỹ sư phụ trách làm bài thi toán chỉ được nửa điểm, và đã được nâng lên thành 9 điểm? Khi lưỡi gươm công lý biến mất ở các kỳ thi, tấm bằng đã không còn giá trị biểu tượng của nó nữa.
Tất nhiên không thể nói rằng ai vào ĐH cũng là do chạy điểm, tấm bằng cử nhân/bác sĩ nào cũng vô giá trị. Nhưng vấn đề là xã hội không còn biết đâu là giả đâu là thật. Học giả bằng giả, học giả bằng thật, học thật bằng giả, học thật bằng thật loạn cả lên, hệ quả là người ta không còn biết tin vào cái gì nữa.
Tình trạng này đã là một thực tế nhức nhối nhiều năm, và chắc chắn không thể sửa chữa ngày một ngày hai. Tuy nhiên, vẫn có thể có những bước đi nhỏ và chắc chắn nhằm vào việc thay đổi thực tế này một cách có hiệu quả.
Thi là một phần của quá trình học, không phải là mục đích
Nhiều năm nay, và cho đến tận nay, giáo dục Việt Nam vẫn còn là một nền giáo dục nhằm vào mục tiêu thi cử, dù cho về mặt lý thuyết, không ai tuyên bố như thế. Bởi vậy, không lạ gì khi mỗi kỳ thi TNPT/ĐH là một lần cả xã hội nháo nhào lên, nhất là khi nhiều thay đổi diễn ra liên tục mấy năm nay thiếu sự thử nghiệm và một khoảng lùi cần thiết để rút kinh nghiệm.
Vì học là để thi cho nên mới có chuyện học thuộc lòng, học tủ, học lệch, học thủ thuật làm bài. Đó là chưa nói đến quay cóp và gian lận. Vì học là để thi, vì tấm bằng là mục tiêu của quá trình giáo dục, cho nên các trung tâm luyện thi và các dịch vụ mua điểm bán bằng mới có đất sống. Nhìn vào số tiền cả xã hội chi ra cho việc luyện thi và nhất là số tiền người ta bỏ ra cho việc chạy điểm ở tất cả các kỳ thi và các cấp, chúng ta phải tự hỏi phải chăng đó là lý do khiến việc cải cách khảo thí trở nên khó khăn và chông gai đến thế?
Về phía người học, cách thi cử hiện nay đang biến họ thành những “test-takers”, những người được rèn luyện kỹ năng và thủ thuật làm bài thi. Tiếc thay, những kỹ năng này chẳng mấy hữu dụng trong cuộc đời. Trái lại, vì đã dành hết năng lượng và thời gian cho những kỹ năng ấy, họ đã không còn đủ sức để học những gì thực sự đáng học và cần thiết cho cuộc đời về sau.
Cải cách khảo thí dễ hay khó? Về mặt kỹ thuật, câu trả lời là chắc chắn không khó. Bởi vì thi cử là chuyện cả thế giới này đều làm, những tri thức mà ngành đo lường đánh giá giáo dục trên thế giới tích lũy qua nhiều năm cải cách là hết sức phong phú và dễ tiếp cận. Cho người đi học cẩn thận tử tế để thiết kế đề thi đánh giá năng lực, đánh giá chất lượng giáo dục là điều không khó làm. Kinh nghiệm và nguồn lực cho việc ấy cũng không hề thiếu. Vấn đề chỉ là có muốn làm hay không mà thôi.
Box
Đã có những đề xuất được nhiều người nêu lên và nêu lên nhiều lần trong những năm qua, không hiểu vì sao vẫn không được thực hiện: giao việc xét tốt nghiệp cho các trường phổ thông và giao việc tuyển sinh cho các trường ĐH. Các trường ĐH sẽ phải đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh như điểm bài thi đánh giá năng lực, thư giới thiệu, bài tự luận, học bạ phổ thông, thành tích hoạt động cộng đồng, kết quả phỏng vấn, video tự giới thiệu, v.v. nhằm chọn được người học có tiềm năng phát triển vì thành công của người học chính là uy tín của nhà trường. Vì khảo thí là một công việc cần chuyên môn sâu và tốn kém, nên để cho các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức nhiều lần trong năm và chịu trách nhiệm về kết quả. Hiện có các đơn vị như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG-HCM đang đầu tư nghiên cứu để xây dựng các bài thi đánh giá năng lực theo kiểu thi SAT. Những nỗ lực đó rất đáng khích lệ và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Tuy vậy trong tương lai nếu có các trung tâm khảo thí hoàn toàn độc lập để tránh ảnh hưởng của các trường thì vẫn tốt hơn. Câu hỏi đặt ra là cái gì sẽ bảo đảm sự “độc lập”, khách quan và trung thực của họ? Thực tiễn quốc tế cho thấy những tổ chức như vậy là những thực thể tự chịu trách nhiệm về kết quả và chất lượng công việc của họ. Không ai giám sát họ cả. Nhưng họ cũng là những đơn vị tạo ra lợi nhuận, và uy tín là nguồn vốn lớn nhất của họ. Nếu có nghi vấn hay thưa kiện thì tòa án và các đơn vị điều tra sẽ vào cuộc, trường hợp có gian lận thì uy tín của họ sẽ tan tành vĩnh viễn.
Tách thi và tuyển ra chính là cách để làm giảm sự phụ thuộc vào điểm thi, làm tăng tính độc lập của việc đánh giá giáo dục. Tất cả những điều này không khó thực hiện, nhưng dù có thực hiện nó cũng sẽ không mang lại kết quả mong muốn nếu như cái gốc vấn đề không được giải quyết: vấn đề dùng người dựa trên năng lực và phẩm chất, chứ không dựa trên tấm bằng.
0 Comments