Tha hoá quyền lực trong giáo dục:
MỌI HẬU QUẢ ĐỀU ĐỔ LÊN ĐẦU NGƯỜI HỌC
Phạm Thị Ly (2018)
Trả lời phỏng vấn báo Văn hóa Nghệ an số ra ngày 25.05.2018
Vĩnh Khánh: Xã hội hiện đại không thể thiếu giáo dục, dù là thể chế nào. Các thể chế thể hiện quyền lực cuả mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục.
Quyền lực trong giáo dục được thể hiện trong và trên tất cả các hoạt động và các mối quan hệ của nó, từ thiết lập mục tiêu, triết lý, chương trình, nội dung giáo dục, phương pháp dạy và học đến tài chính, học phí, lương bổng, trường ốc, từ quan hệ thầy – trò đến quan hệ thầy – thầy, trò – trò, từ nhà trường – chính quyền đến nhà trường – gia đình… Vô cùng nhiều và vô cùng phức tạp.
Thưa bà, trong mông lung các mối quan hệ đó, bà có thể kể ra vài hình thức thể hiện của quyền lực, và theo bà, đâu là mối quan hệ nền tảng hay nói cách khác đâu là quyền lực giữ quyền chi phối? Tại sao vậy?
TS Phạm Thị Ly: Vâng, đúng là các mối quan hệ chính trong hệ thống giáo dục đều đã và đang bị chi phối bởi các loại quyền lực. Đó là điều bình thường và tất yếu. Điều đáng nói chỉ là những quyền lực ấy đang được thiết chế và thực thi như thế nào và dẫn tới kết quả ra sao. Một thông tin đáng lưu ý là Kết quả khảo sát Phong Vũ biểu Toàn cầu về Tham nhũng 2010 đối với Việt Nam cho thấy giáo dục được cảm nhận là ngành tham nhũng đứng thứ hai. Có 67% người được phỏng vấn cho rằng giáo dục có tham nhũng và 36% số người tiếp xúc với các dịch vụ giáo dục được hỏi cho biết họ đã đưa hối lộ trong năm trước đó.
Theo kết quả của một nghiên cứu về các hình thức và hậu quả của tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency) phối hợp cùng các nhà nghiên cứu độc lập thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện năm 2011, thì các hình thức tham nhũng trong giáo dục có thể bao gồm: giới quản lý tham ô tiền bạc trong việc xây dựng trường lớp, cung cấp trang thiết bị giảng dạy và in ấn sách giáo khoa; thu những khoản lệ phí không được phép; giáo viên hối lộ lãnh đạo trường để được nhận việc hay phân công các lớp mà họ muốn, ép buộc học sinh phải đi học thêm bằng cách “trù dập” những học sinh không đi học; còn phụ huynh và học sinh hối lộ để nhận được điểm tốt và được tuyển sinh vào các trường, lớp theo nguyện vọng.
Tham nhũng, hối lộ là con đẻ của quyền lực bị tha hóa. Không ai đưa hối lộ cho những người không có quyền lực, và không ai có thể tham nhũng nếu không nắm quyền lực trong tay.
Có một thứ quyền lực khác chưa được đề cập trong những nghiên cứu trên đây, là quyền lực của giáo viên đối với học sinh, không phải chỉ trong việc cho điểm hay đánh giá khen thưởng, mà trong quan hệ giáo dục. Ví dụ dễ thấy nhất là cô giáo mầm non bạo hành trẻ, học sinh lớp ba bị bắt uống nước giặt giẻ, v.v. Thứ quyền lực này không gắn với lợi ích tiền bạc, mà gắn với những nhu cầu và ẩn ức tâm lý của người thầy, và hậu quả của nó thì thật là kinh khủng.
Giáo dục là một bộ phận của xã hội, dù muốn hay không, nó cũng đang phản ánh bộ mặt của xã hội bên ngoài và bị xã hội chi phối mạnh mẽ. Cái gốc của quyền lực bị tha hóa trong giáo dục tất nhiên là nằm ở thiết chế hệ thống tổ chức và sử dụng nhân sự của xã hội nói chung.
VK: Là người trong ngành giáo dục, theo bà sự phân phối quyền lực trong nền, hay ngành giáo dục của Việt Nam hiện nay được thiết lập theo nguyên tắc nào? Có phù hợp với các nguyên tắc có tính phổ quát của giáo dục quốc tế không? Cái sự khác so với giáo dục của đa số các nước trên thế giới là gì?
PTL: Cũng giống như những tổ chức xã hội khác do nhà nước thiết lập, nhà trường Việt Nam đang được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ tập trung, hay nói cách khác là dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng.
Nguyên tắc này tất nhiên là đặc thù của Việt Nam và các nước XHCN khác.
Tuy vậy, nếu quan sát nhà trường Việt Nam ngày nay, và so sánh với cách đây vài chục năm, chúng ta cũng có thể thấy rất nhiều thay đổi đã và đang diễn ra. Tuy nguyên tắc Đảng lãnh đạo vẫn còn đó, có thể thấy nhiều lực lượng thị trường khác đã và tiếp tục có tiếng nói lớn hơn trước đây trong việc chi phối hoạt động của nhà trường. Trong tương lai, chúng ta có thể thấy tiếng nói của phụ huynh, với tư cách là người trả tiền trong thị trường giáo dục, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước dưới nhiều hình thức.
VK: Hơi lan man một tý, theo bà, quyền lực mềm của một nền giáo dục là gì? Quyền lực mềm của giáo dục Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến xã hội Việt Nam và có vị thế như thế nào trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á?
PTL: Hoa Kỳ là nước đã sớm có ý thức về sức mạnh của quyền lực mềm. Quyền lực mềm được định nghĩa là khả năng thuyết phục người khác, gây ảnh hưởng lên nhận thức, thái độ của họ và thu hút sự hợp tác của họ bằng những phương tiện tài chính và văn hóa thay cho việc sử dụng sức mạnh vũ lực để đe dọa hay áp đặt ý muốn lên đối phương. Trung Quốc trong những năm gần đây cũng hết sức chú ý xây dựng quyền lực mềm. Họ chi cả núi tiền xây dựng các Viện Khổng tử ở các nước, chính là nhằm xây dựng quyền lực mềm và gây ảnh hưởng lên các nước thông qua sức mạnh văn hóa. Họ đang muốn tạo dựng “giấc mơ Trung Hoa” để thay thế “giấc mơ Mỹ” đã từng là một huyền thoại.
Đó là quyền lực mềm trong chính trị. Nó dựa trên sức mạnh của văn hóa. Mà văn hóa thì được xây dựng, củng cố, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục. Không thể nào xây dựng được sức mạnh mềm của một quốc gia, nếu nền giáo dục của quốc gia đó không vun đắp được những giá trị phổ quát được nhân loại công nhận và hướng tới.
Mà sức mạnh mềm thì ngày càng quan trọng. Chiến trường ngày nay là thị trường. Trong thị trường, quan hệ đối tác làm ăn có thành công hay không trước hết là do hai bên xây dựng được niềm tin với nhau ở mức độ như thế nào. Không có những giá trị cơ bản và phổ quát làm nền tảng, thì sao có thể xây dựng được niềm tin?
Có một vài nghiên cứu của quốc tế đánh giá cao thành quả giáo dục của Việt Nam dựa trên kết quả của kỳ thi PISA. Ngay cả nếu kết quả này phản ánh đúng thực trạng của học sinh Việt Nam, thì nó cũng chỉ phản ánh một phần rất nhỏ những gì một công dân toàn cầu cần có để gia nhập vào sân chơi chung trên thế giới với tư cách là người tạo dựng nên số phận của mình, chứ không chỉ với tư cách là một công cụ của người khác. Vì thế, giáo dục Việt Nam cần phải quay lại trả lời những câu hỏi vô cùng căn bản: mục đích của giáo dục là gì, với mục đích đó thì đất nước sẽ đi về đâu, hệ thống hiện nay đáp ứng mục đích đó ở mức độ nào, và cả hệ thống giáo dục, bao gồm cả mục đích của nó, cần cải thiện ra sao để đạt được kết quả tốt nhất.
VK: Vừa rồi, tại Hội nghị TW 7, khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh đến tình trạng lạm dụng, lợi dụng quyền lực, tha hoá quyền lực trong hệ thống quyền lực hiện nay. Nền/ngành giáo dục không là ngoại lệ của tình trạng này. Nhận xét chung nhất của bà về sử dụng quyền lực trong ngành giáo dục bấy lâu nay là gì?
Tình trạng lạm dụng, lợi dụng quyền lực được thể hiện như thế nào? Góc khuất nhất, tồi tệ nhất nằm ở khu vực nào, ở mối quan hệ nào của hệ thống giáo dục?
PTL: Có một sự thật ai cũng biết nhưng ít được nói ra: giáo dục đang là mảnh đất màu mỡ kiếm tiền của khá nhiều người. Người Việt Nam vốn coi trọng sự học (tuy rằng nếu nói coi trọng danh vọng, bằng cấp, địa vị mà sự học chỉ là phương tiện đạt tới nó thì có lẽ đúng hơn). Càng nghèo lại càng bám víu vào sự học như là cơ hội thay đổi cuộc đời. Vì thế chẳng có dịch vụ nào mà khách hàng lại đông đảo (và có ít quyền) như là giáo dục. Người ta phải tự hỏi, vì sao các cô bỏ ra vài trăm triệu mua một chỗ dạy để ăn lương chỉ vài ba triệu một tháng? Vì sao có người bỏ tiền tỉ để chạy chức? Dĩ nhiên đàng sau đó là bài toán thu hồi vốn. Cái điều tồi tệ nhất, là tất cả những thứ đó đều sẽ đổ lên đầu người học dưới hình thức này hay hình thức khác. Mà người học thì hầu như không có tiếng nói nào cả. Ở tuổi nhà trẻ mẫu giáo bị áp chế đã đành, lên đại học cũng không có thiết chế nào để họ thực sự tham gia vào những quyết định quan trọng của trường.
Đó là lý do sâu xa cho những phản ứng manh động nhất thời và gây chấn động nhân tâm mà ta đã thấy như là phụ huynh dùng vũ lực với thầy cô giáo, học sinh đánh/chửi tay đôi với giáo viên, v.v. Nghiên cứu trên đây cũng nêu ra nguyên nhân của tình trạng tham nhũng/ tha hóa của quyền lực trong giáo dục, là sự yếu kém về trách nhiệm giải trình gắn với văn hóa “xin – cho”, là tình trạng thiếu minh bạch trong phân bổ và sử dụng nguồn lực, là hệ thống pháp luật không đầy đủ, tồn tại nhiều lỗ hổng và mâu thuẫn, và đặc biệt là sự tham gia hạn chế của người dân vào công tác giám sát và quản lý trường học.
Hệ thống giáo dục tư thì thu học phí ở mức quá cao so với thu nhập trung bình của người dân, mức thu đó cũng chỉ chủ yếu bảo đảm cho điều kiện học tập về cơ sở vật chất tốt hơn, còn về nội dung và phương pháp giáo dục thì cũng không khác nhiều so với trường công, trừ trường hợp các trường quốc tế hay có yếu tố nước ngoài.
Vì thế cái tệ hại nhất trong tha hóa quyền lực ở giáo dục, là hầu như tất cả mọi hậu quả đều đổ lên đầu người học, trực tiếp hay gián tiếp.
VK: Tha hoá quyền lực trong giáo dục là mầm mống tha hoá nền giáo dục, và lâu dài là cả xã hội tương lai. Quá trình tha hoá này trong giáo dục đã và đang diễn ra như thế nào, theo quan sát và nghiên cứu của bà?
PTL: Trong truyện ngắn Tư cách mõ của nhà văn Nam Cao, thằng mõ bị cả làng khinh rẻ là “tham như mõ” nên cũng mặc nhiên coi mình là kẻ không có tư cách gì để mà phải giữ gìn, và không còn thấy ngượng khi công nhiên làm những việc mà người đời khinh bỉ. Điều này cho thấy con người ta có xu hướng nhìn mình qua lăng kính của người khác, và ngược lại, người khác đối xử với ta như thế nào cũng phụ thuộc vào cách mà ta đối xử với bản thân mình. Nói cách khác, phẩm giá là thứ phải được dạy từ lúc còn rất nhỏ, và cha mẹ, thầy cô giáo có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đó. Một đứa trẻ bị thầy cô giáo sỉ nhục hay áp chế sẽ có thể nghĩ rằng mình là kẻ vô dụng, chẳng có chút giá trị gì, không đáng được ai tôn trọng. Tổn thương về nhân cách này sẽ để lại di chứng tai hại về sau, có khi cả cuộc đời không sao sửa chữa được.
Hệ thống hiện nay đã không có sự chuẩn bị để phòng tránh, ngăn ngừa, trái lại còn tạo điều kiện cho sự áp chế này nảy nở. Cả hệ thống quản lý chuyên môn hiện nay cũng mang nặng tính chất cầm tay chỉ việc, để lại rất ít khoảng trống cho thầy cô giáo chủ động, hệ quả là áp lực càng tăng. Thầy cô giáo đang là những người “trên đe, dưới búa” chịu đựng quá nhiều áp lực từ các cấp quản lý, từ dư luận xã hội, từ phụ huynh, từ gánh nặng cơm áo. Họ chỉ có mỗi một chỗ để có thể trút bớt áp lực, “xả sú bắp”, là thể hiện quyền lực với học sinh, những con người nhỏ bé chưa đủ sức tự vệ.
Từ nhỏ đã bị sỉ nhục và áp chế, người ta sẽ quen với việc đó, thấy nó là bình thường, tới lượt mình cũng sẽ tìm cơ hội để sỉ nhục và áp chế người khác. Một khi chính mình đã không nhận thức được quyền và phẩm giá của mình, thì mong gì được ai tôn trọng? Mà một người đã không được ai tôn trọng, thì việc xấu gì họ cũng có thể làm.
VK: Cái gốc của tình trạng, hay là quá trình tha hoá trong giáo dục này nằm ở đâu?
PTL: Cái gốc của tình trạng này là do mục đích giáo dục không được xác định đúng đắn và thể hiện nhất quán trong toàn bộ hoạt động giáo dục. Thêm vào đó là thiết chế tổ chức trường học thiếu sự tham gia của các bên, đặc biệt là do yếu kém về trách nhiệm giải trình.
VK: Tôi không nghĩ là có thể giải quyết được cơ bản tình trạng tha hoá này của nền, hay là ngành giáo dục khi hệ thống quyền lực xã hội vẫn chưa có được sự giải quyết căn cơ, vẫn còn những bàn tay bẩn điều hành, sử dụng quyền lực. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ở từng vùng, từng khúc, ngành giáo dục với sự hiệp sức của các lực lượng xã hội liên quan vẫn có thể cải thiện được tình hình. Ví dụ như làm sạch việc lạm thu các loại phí trong hệ thống trường học, chấm dứt nạn dạy thêm, nạn mua bán điểm.v.v… Tất nhiên, nếu có thể làm được điều đó thì vẫn chỉ là tạm bợ. Để giải quyết cơ bản, thiết lập lại hệ thống quyền lực sạch, theo bà, cần phải bắt đầu từ đâu, từ vấn đề gì?
PTL: Những người nắm giữ quyền lực luôn luôn có xu hướng lạm dụng quyền lực, trong bất kỳ xã hội nào cũng sẽ như thế. Chỉ có thiết chế hợp lý mới có thể điều chỉnh được sự lạm dụng quyền lực. Vì thế, minh bạch và trách nhiệm giải trình phải là từ khóa trong việc nỗ lực xây dựng một hệ thống được điều hành bởi quyền lực sạch.
VK: Ai làm và làm như thế nào?
PTL: Trái với nhiều người thường mong đợi một “minh quân” có thể giải quyết mọi vấn nạn, tôi cho rằng trong tất cả mọi vấn đề, chúng ta chính là một phần của giải pháp. Không một cá nhân nào có thể giải quyết được mọi vấn nạn của chúng ta hiện nay, nhưng mặt khác, sự đóng góp của từng cá nhân lại vô cùng quan trọng. Nói cách khác, mỗi người cần làm tốt nhất bất cứ việc gì chúng ta có thể làm được trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta, rồi sẽ có lối ra.
VK: Nguyên tắc tối cao cho việc thiết lập hệ thống quyền lực trong nền/ngành giáo dục là gì?
PTL: Minh bạch và trách nhiệm giải trình.
VK: Bà có nghĩ là Chương trình cải cách giáo dục mới sắp được thực hiện có thể tác động như thế nào cho việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng, lợi dụng quyền lực, làm tha hoá quyền lực?
PTL: Tôi không nghĩ là Chương trình Cải cách GD mới có tác động trực tiếp đến tình trạng lạm dụng quyền lực. Ngược lại, tình trạng tha hóa quyền lực có thể phá hủy hết mọi nỗ lực tốt đẹp của chương trình cải cách. Vì thế, cùng với việc cải cách chương trình giáo dục, cải cách thiết chế tổ chức trường học phải là ưu tiên hàng đầu, nếu chúng ta thực sự muốn cải thiện chất lượng giáo dục.
0 Comments