Phạm Thị Ly (2017)
Bài đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 24.09.2017
Cần phân biệt bằng cấp dỏm và bằng cấp giả. Bằng giả là bằng ghi tên trường thật, nhìn giống y như bằng thật, nhưng không phải là bằng do “chính chủ” tức trường có tên trên bằng đưa ra. Sản xuất bằng giả ở Việt Nam có thể bị quy tội hình sự theo điều 267 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 5 -50 triệu, tù từ 6 tháng đến năm năm. Còn bằng dỏm là bằng thật, của trường dỏm cấp. Trường dỏm tức là trường không tổ chức đào tạo thực sự, có khi chỉ có mỗi cái tên, và chỉ làm một việc là bán bằng ăn tiền. Luật Việt Nam chưa quy định tội bán bằng dỏm. Một vấn đề khác nữa là bằng thật, học giả, tức là bằng thật, trường thật 100% và trường đó có thể là một trường có uy tín và được kiểm định, nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó người ta có được tấm bằng ấy ghi tên mình, có thể là do hối lộ hay do nhờ người đi học thuê.
Có cầu là có cung
Học hành nghiêm chỉnh đường hoàng để lấy một tấm bằng đại học hay tiến sĩ là một chặng đường dài cam go, không phải chỉ tốn nhiều tiền bạc và thời gian, mà còn tiêu tốn rất nhiều nỗ lực. Vì thế, bằng cấp, một hình thức ghi nhận thành quả của những nỗ lực đó được coi là điều kiện cần để tìm kiếm một vị trí tốt hơn trong thị trường việc làm và trong xã hội.
Nhưng có nhiều người không đủ khả năng và kiên nhẫn để đi con đường cam go ấy. Thứ họ có là tiền, và thứ họ cần là tấm bằng. Và cũng như tất cả mọi thứ khác trên đời, có cầu là có cung. Bất cứ thứ gì sờ thấy được mà bạn cần đến, thị trường đều có thể đáp ứng. Cứ thử gõ từ khóa “I want to buy a PhD degree” (‘tôi muốn mua bằng tiến sĩ”), Google sẽ cho bạn vô vàn lựa chọn, với đủ loại giá tiền, từ vài chục đô la Mỹ đến vài trăm, hoặc vài ngàn.
Những “trường” dỏm như thế được gọi là cái lò in bằng (diploma mill) và có mặt ở khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Úc, Canada đến Trung Quốc. Để biện minh cho việc làm của mình, các trường này tuyên bố là họ đánh giá những kinh nghiệm sống mà bạn đã trải qua và dựa vào đó để cấp bằng. Dĩ nhiên ai cũng biết những lý lẽ đó là tự dối mình và dối nhau, nhưng có hề gì khi cả bên mua và bên bán đều hiểu nhau quá rõ rồi?
Tất nhiên người mua quan ngại nhất về tính chất pháp lý của tấm bằng. Các trường dỏm này thuyết phục người mua bằng những lý lẽ rất xuôi tai: đây là những bằng cấp hợp pháp, còn kiểm định chỉ là nhằm mục đích chuyển đổi tín chỉ chứ không có liên quan gì tới cương vị pháp lý của trường hay của tấm bằng. Thực ra lý lẽ đó không phải là sai: bằng cấp đó hoàn toàn hợp pháp xét về mặt pháp lý, vì những trường dỏm đó có đăng ký hoạt động, và cũng có thể có hoạt động thật, nhưng ở mức độ rất thấp.
Dĩ nhiên là những trường này không được kiểm định bởi những tổ chức kiểm định uy tín (xin lưu ý là ở Mỹ cũng có cả kiểm định dỏm). Vì thế họ hoạt động chỉ nhằm mục tiêu cấp bằng, không tuân theo những chuẩn mực tối thiểu về chất lượng giảng viên, chương trình, cơ sở vật chất hay đánh giá kết quả học tập nào cả. Quá trình đào tạo của các trường này đi từ zero cho đến một mức hết sức thấp. Tất nhiên họ cũng thừa biết như thế, cho nên dùng những cái tên na ná tên những trường uy tín để đánh lừa công chúng, ví dụ như Harvey, Harvardiana, Barkley, v.v..
Bằng dỏm quả thực là một vấn nạn ở nhiều nước. Nói với The Economist, cựu đặc vụ FBI Allen Ezell ước tính một nửa số bằng tiến sĩ được cấp mới mỗi năm ở Mỹ là đồ dỏm. Thật khủng khiếp khi những người này cầm tấm bằng bác sĩ y khoa hay kỹ sư xây dựng để hành nghề, và chúng ta đang giao tính mạng mình cho họ hoặc đi trên những cây cầu mà họ xây.
Xác minh bằng cấp: không khó
Chương trình Marketplace của Đài Truyền hình Quốc gia Canada mới đây đã thực hiện một cuộc điều tra về vấn đề bằng giả ở Canada với sự trợ giúp của một cựu nhân viên FBI và đã phát hiện ngành kinh doanh tỉ đô này đã bán ra khoảng một triệu bằng dỏm/ bằng giả. Thiệt hại cho xã hội thì đã quá rõ ràng, nhưng ai phải chịu trách nhiệm và chúng ta nên làm gì?
Về phương diện pháp lý, cũng giống như các doanh nghiệp tìm đến những “thiên đường thuế” để né thuế hợp pháp, các lò cấp bằng dỏm cũng thường đặt trụ sở vận hành ở những nước mà khung pháp lý còn trống cho việc xác định tội danh này.
Nhiều nước có các quy định luật pháp không cho phép sử dụng những từ như “đại học”làm tên gọi một cách tùy tiện. Ở Úc, Luật Hỗ trợ GD ĐH 2003 nêu rõ, các tổ chức hay doanh nghiệp không được tự gọi họ là trường ĐH. Muốn dùng từ này, họ phải được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. Việc sử dụng những thuật ngữ như “bằng cử nhân”, “bằng tiến sĩ” gắn với những chế định được luật pháp bảo vệ.
Luật GD ĐH năm 2000 của Canada, Luật ĐH 2009 của Phần Lan, Luật Cải cách GD ĐH 1988 của Vương quốc Anh, Luật GD 1996 Ở Malaysia cũng có chế định tương tự về việc sử dụng từ “đại học” như tên gọi.
Mỹ không có luật cấm các lò cấp bằng và việc sử dụng từ “đại học” trong tên gọi của các tổ chức, doanh nghiệp không được luật pháp bảo vệ như ở các nước nói trên. Tuy nhiên, Luật GD ĐH 1965 của Mỹ bắt buộc Bộ Trưởng Bộ Giáo dục phải công bố danh sách các tổ chức kiểm định được công nhận như những tổ chức có uy tín và thẩm quyền chuyên môn trong việc đánh giá chất lượng các trường ĐH. Chỉ một số bang có những quy định luật pháp nhằm hạn chế hay đặt ra ngoài vòng pháp luật việc cấp bằng của những trường chưa được kiểm định, như Oregon, Michigan, Illinoise, Texas, v.v. Có lẽ luật Mỹ không cấm các lò cấp bằng là vì quan niệm rằng thuận mua vừa bán là nguyên tắc cơ bản của thị trường. Còn việc người ta dùng tấm bằng dỏm ấy để đi lừa người khác lại là một vấn đề khác. Xã hội Mỹ có nhiều cơ chế minh bạch thông tin giúp người ta tránh bị lừa. Đã có một số bê bối lớn liên quan tới bằng dỏm, như vụ Laura Callahan, một viên chức cấp cao của Nhà Trắng thời Clinton đã phải từ chức khỏi cương vị của bà ở Bộ Nội vụ vì bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ của Hamilton University, một trường chưa được kiểm định.
Trước tình hình loạn bằng cấp ấy, trong trường hợp có nghi vấn, các tổ chức doanh nghiệp thường phải tự mình xác minh uy tín tấm bằng của ứng viên, và việc đó cũng không khó cho lắm: khi danh sách các trường chưa được kiểm định có thể tìm thấy dễ dàng trên trang web của các tổ chức có thẩm quyền như Bộ Giáo dục hay các tổ chức kiểm định chất lượng.
Bằng giả thì có thể xác minh trực tiếp với trường ĐH đã cấp bằng. Các trường ĐH có uy tín thường rất chú trọng bảo vệ uy tín, danh dự, hình ảnh của mình, vì vậy rất hợp tác trong việc xác minh bằng thật/ bằng giả. Người viết bài này đã từng liên lạc với một trường ĐH ở Úc xin xác minh một bằng cấp bị nghi vấn, và được nhà trường trả lời rất rõ ràng, đầy đủ.
Tình hình ở Việt Nam
Bằng giả, bằng dỏm là hiện tượng nhức nhối ở nhiều nước, đã và đang tràn vào Việt Nam trong quá trình mở cửa và hội nhập. Vì thế, năm 2007 Bộ GD-ĐT đã ban hành QĐ77 quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng của người Việt Nam do các trường nước ngoài cấp (được sửa đổi bổ sung năm 2013); theo đó người có bằng phải nộp giấy xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước sở tại, bản sao hộ chiếu có ngày xuất nhập cảnh, văn bản công nhận trường nước ngoài đã được kiểm định chất lượng, luận án và giấy xác nhận đã nộp luận án vào thư viện quốc gia Việt Nam, vân vân.
Quy định như thế quả thật là chặt chẽ trăm bề, khiến việc dùng bằng dỏm/bằng giả qua mặt nhà chức trách có vẻ khó còn hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Nhưng tất cả những thủ tục đó mặc dù cực kỳ nghiêm ngặt và nhiêu khê, chẳng hề nói lên gì về uy tín, giá trị, chất lượng của tấm bằng, ngoại trừ một quy định duy nhất có giá trị, là về cương vị kiểm định của trường. Nhưng quy định này lại là quy định vô lý nhất, bởi vì thông tin đó có thể tìm thấy trên cơ sở dữ liệu công khai của các tổ chức thẩm quyền ở nước sở tại, mà không cần người có bằng phải tự mình chứng minh.
Chúng ta có thể hiểu thiện ý của Bộ GD-ĐT khi đặt ra quy định về việc công nhận bằng cấp nước ngoài của người Việt, là nhằm tránh cho các tổ chức/cá nhân trong nước do thiếu thông tin mà lầm lẫn về giá trị thực của tấm bằng nước ngoài. Bởi lẽ trước tình trạng bằng giả, bằng dỏm tràn lan, không phải ai cũng có đủ thông tin và khả năng chuyên môn để đánh giá và nhận định. Bộ GD-ĐT là nơi có thẩm quyền đánh giá tính hợp pháp của văn bằng ngoài nước, đặc biệt là thông qua các hiệp định công nhận bằng cấp lẫn nhau với các nước. Hiện nay ta đã có hiệp định này với Nga, Trung Quốc, Cuba, Belarus và Áo. Cần nhanh chóng xúc tiến các hiệp định tương tự với các cường quốc đại học như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Úc, v.v. để tạo thuận lợi cho người học Việt Nam. Trong khi chưa có hiệp định, ta nên công nhận những trường đã được nước sở tại kiểm định mà không đòi hỏi người học phải tự chứng minh. Một ví dụ cho đề xuất này là trường hợp nước Đức: tuy chưa có hiệp định công nhận văn bằng giữa Đức và Việt Nam, nhưng Đức có công bố danh sách những trường ĐH Việt Nam được Đức công nhận bằng cấp, và có luôn một cổng thông tin giúp lao động vào Đức kiểm tra mức độ chấp nhận đối với văn bằng của họ (xem thêm: Recognition-in-germany.info).
Bộ có thể giúp các bên, đặc biệt là những đơn vị tuyển dụng, bằng cách khác đơn giản và hiệu quả hơn thay vì phải công nhận từng trường hợp một cách nhiêu khê như trên. Chỉ cần một cơ sở dữ liệu công khai trên trang web của Bộ, nêu rõ những tên trường nào là chưa được kiểm định và bằng cấp của những trường đó sẽ không được Việt Nam công nhận. Trong số 17 ngàn trường ĐH trên thế giới, danh sách những trường chưa được kiểm định và chưa được công nhận chắc sẽ ngắn hơn danh sách những trường đã được kiểm định hoặc công nhận. Hoặc ngược lại, Bộ công bố danh sách những trường được Bộ công nhận. Ngoài danh sách đó ra thì bằng cấp của tất cả các trường khác đều vô giá trị, hoặc sẽ phải làm thủ tục công nhận từng trường hợp. Danh sách này cần được cập nhật hàng năm và sẽ giúp giải quyết dứt điểm vấn đề bằng dỏm. Còn bằng giả là vấn đề hình sự, và chỉ có thể giải quyết bằng cách xác minh từng trường hợp một với trường đã cấp bằng. Thường người ta chỉ làm vậy khi có nghi vấn.
Trong khi chưa có một danh sách như thế, thì cũng khó kết luận chắc như bắp rằng một trường ĐH chưa được Bộ GD-ĐT công nhận tức là một trường dỏm. Nó có thể thực sự là một trường dỏm, nhưng không phải vì lý do nó chưa được Bộ công nhận, vì “chưa” không có nghĩa là “không”. Hôm nay Bộ GD-ĐT chưa công nhận, nhưng ngày mai có đầy đủ thông tin, Bộ rất có thể sẽ công nhận. Nhưng một trường ĐH thì không thể hôm nay là trường dỏm, ngày mai trở thành trường tốt.
Cuối cùng, bằng giả/bằng dỏm phát sinh do nhu cầu sính bằng cấp của nhiều người và là hệ quả của một hệ thống đánh giá con người qua bằng cấp. Tấm bằng lẽ ra là chứng nhận của một quá trình học tập, rèn luyện, nay trở thành vật trang trí, phương tiện của nhiều người dùng cho mục đích tiến thân. Bao giờ nhu cầu ấy không còn, thì bằng dỏm bằng giả cũng hết đất sống.
1 Comments
Mai văn Tinh
Còn vấn nạn bằng thật nhưng chất lượng rởm thì sao? Ví dụ mấy cái băng PhD sản xuất ở lò ấp trúng vịt lộn gì đấy.