SỐ PHẬN “MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI” VNEN

THÍ ĐIỂM, PHẢN ĐỐI VÀ BỎ NGỎ?

 Phạm Thị Ly (2017)
(Bài đăng báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 29.07.2017)

VNEN (Mô hình trường học mới Việt Nam), kết quả của một dự án thí điểm đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy ở bậc tiểu học thực hiện trong thời gian 2012-2015 bằng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế, gần đây lại nóng lên trên mặt báo với nhiều ý kiến gay gắt. Khi năm học mới 2017-2018 sắp sửa bắt đầu, một câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này là điều đang bị hối thúc hơn bao giờ hết.

Trên mặt báo là những dòng tít nóng bỏng: “Ai thấu cảm với thầy trò, phụ huynh VNEN?” “Giáo viên khóc ròng vì mô hình VNEN đang “biến tướng” ở các địa phương”. Ngược dòng thời gian năm ngoái thì Quảng Bình đề xuất không mở rộng VNEN; Nghệ An: Phụ huynh “chỉ mặt” hàng loạt khuyết điểm, kiến nghị bỏ VNEN; Hà Tĩnh: Càng học càng kém, Trường THCS Chu Văn An “xin chào” VNEN; Hà Tĩnh: Chỉ có 1/117 phụ huynh đồng ý tiếp tục VNEN; Thành lập Hội đồng đánh giá kết quả triển khai VNEN, v.v.

Thành công hay thất bại của VNEN cần được nghiên cứu và đánh giá một cách nghiêm túc vì nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả mọi cuộc đổi mới giáo dục về sau. Chỉ qua dư luận trên mặt báo thì không thể đánh giá đúng bản chất, mức độ, và nhất là nguyên nhân thành công hay thất bại của VNEN. Một nghiên cứu như thế cần do giới chuyên gia độc lập thực hiện nhằm bảo đảm sự khách quan, không thiên vị, không định kiến, và không bị lợi ích nhóm chi phối.

Tuy nhiên, nếu xét riêng về khía cạnh đồng thuận xã hội, thì có lẽ đã có khá nhiều bằng chứng cho thấy sự thất bại của VNEN. Vì sao VNEN thất bại? Thử đọc bài viết “Vì sao VNEN thất bại, tiếng nói của cô giáo đứng lớp” trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22.7.2017 để hiểu quan điểm của giới giáo viên.

Sao chép y nguyên mô hình nước ngoài?

Bài báo nói trên cho rằng việc copy máy móc mô hình nước ngoài là lý do chính dẫn đến thất bại. Tác giả dẫn chứng cụ thể: “Một lớp học nơi ít thì 35 em, nơi nhiều 60 em mà suốt buổi học cứ phải đối mặt vào nhau, chụm đầu chụm cổ trao đổi, tranh luận cả những điều đã biết và những điều không bao giờ biết. Nhất quyết bỏ bảng lớp, không cho giáo viên giảng bài hay mở rộng vấn đề và cho rằng như thế thầy cô đang làm thay học trò.”

Nhận xét này cho thấy giáo viên đang đứng hoàn toàn trên quan điểm dạy học theo lối cách đây vài chục năm, vốn chỉ dựa trên bảng đen, phấn trắng, lời diễn giảng và quyền lực kiểm soát của thầy cô. Nó ít nhiều cho thấy thái độ không chấp nhận sự thay đổi. Thậm chí có giáo viên còn gọi VNEN là một “thảm họa” chỉ vì lối kê ghế ngồi khác với trước đây.

Chúng ta không thể lên án việc tổ chức lớp học theo lối ngồi đối mặt nhau để thảo luận thay cho việc cho học sinh ngồi sắp lớp như tượng gỗ nghe giảng bài như xưa nay các thầy cô vẫn làm, chỉ vì lý do đó là “mô hình Columbia”.

Tác giả nói rõ hơn vì sao mô hình này không thích hợp: “Học sinh nghèo ở vùng núi của Colombia học theo mô hình này rồi ứng dụng luôn vào công việc trồng cà phê nên lượng kiến thức các em cần nắm nó giản đơn, thực tế. Còn mục tiêu giáo dục của chúng ta là “sánh ngang với các cường quốc năm châu” nên những kiến thức giáo dục cũng phức tạp, đa dạng, phong phú và nhiều nội dung mang tính hàn lâm. Thế mà, chúng ta vẫn buộc những đứa trẻ còn ngây thơ phải “bóp đầu, nhăn trán” suy nghĩ để tự làm”.

Không phủ nhận những điểm tích cực của VNEN, nhưng tác giả bài báo cho rằng nó bất khả thi, lý do là vì học sinh trình độ quá kém: “VNEN nêu cao tinh thần tự học, tự suy nghĩ và hợp tác nhưng học sinh của chúng ta nhiều em đang ngồi nhầm lớp. Giáo viên cầm tay chỉ việc, làm mẫu để mong các em làm theo còn cứ ngu ngơ thì làm sao có thể tự học, tự suy nghĩ để cùng tranh luận, phản biện với bạn, với thầy cô? (quả là điều không tưởng).”

Nhưng nói vậy, khác nào khẳng định rằng mục tiêu giáo dục của nhà trường không phải là đạt được kiến thức, kỹ năng và dùng được kiến thức, kỹ năng ấy trong đời sống, mà là tạo ra những cá nhân thông kim bác cổ nhưng không cần biết những kiến thức ấy có ý nghĩa gì và có thể sử dụng như thế nào? Thêm nữa, nhận định này đặt trên tiền đề coi học sinh là những người không thể tự mình thụ đắc kiến thức mà cần có người học thay, làm hộ, nhớ giúp.

Nói cho công bằng, không thể chỉ qua một đêm mà có thể chuyển từ lối dạy cầm tay chỉ việc (như xưa nay các thầy cô giáo vẫn làm) sang lối giao trọn việc tự chủ trong học tập cũng như tự quản hoàn toàn lớp học cho học sinh tiểu học (như mô hình VNEN). Đó có thể là một bước chuyển quá mạnh và quá đột ngột, lại tiến hành trong một khuôn khổ thời gian quá ngắn và thiếu sự chuẩn bị chu đáo, rất dễ dẫn tới đứt gãy cả trong nhận thức của giáo viên lẫn trong thực tế. Nói cách khác, mô hình VNEN cần có sự điều chỉnh cả về lý thuyết lẫn thực tế, không nên máy móc áp dụng mà không tính tới bối cảnh thực hiện.

Nhìn rộng hơn bức tranh toàn cảnh về dư luận xã hội chung quanh vấn đề VNEN, có thể thấy vẫn có những tiếng nói nhìn nhận ưu điểm của mô hình này, chẳng hạn phát huy vai trò chủ động của học sinh, nhấn mạnh tự học, thảo luận nhóm, ứng dụng tri thức, thực thi vai trò quản lý nhóm để hình thành các kỹ năng xã hội cần thiết, nhờ đó học sinh trở thành tự tin hơn, năng động hơn. Tinh thần của VNEN là học thông qua sự tham gia vào các hoạt động khác nhau. Điều này rất khác với lối dạy và học truyền thống, và quả thật là giáo viên không dễ thích ứng với nó, nhất là khi họ không có động lực để cải thiện việc dạy học.

 Tiếng nói của phụ huynh

Đến năm học 2015 – 2016, có 1.039 trường ở 31 tỉnh thành và năm học 2015 – 2016 có tất cả 2.730 trường (ở 53 tỉnh thành) tự nguyện áp dụng mô hình VNEN, nâng tổng số trường áp dụng VNEN lên 4.177 trường, tức là vào khoảng gần 30% tổng số trường tiểu học trong toàn quốc.

Chúng ta chưa có nghiên cứu chính thức với những phương pháp đáng tin cậy để biết ý kiến đánh giá và nhận thức của phụ huynh học sinh về VNEN là như thế nào. Dựa trên phản ánh trên báo chí thì có thể thấy Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa phương có phản ứng mạnh về việc yêu cầu chấm dứt thực hiện VNEN. Về sau, phong trào phản đối này lan ra thêm một số tỉnh thành, như Bà Rịa, Hà Giang. Lý do chính được đưa ra là tư thế ngồi không phù hợp, và khó hòa nhập khi rời khỏi chương trình VNEN vào học các lớp khác hay cấp học khác trong những năm sau. Lo lắng này của phụ huynh là rất chính đáng, và nó đặt ra câu hỏi về tính hệ thống đối với mọi cuộc đổi mới.

Đâu là lý do cốt lõi?

Trong khi chờ một nghiên cứu hoàn chỉnh và đáng tin cậy, có thể tạm đưa ra vài giả thiết.

Về phía phụ huynh, nếu đã quá quen với “điểm mười thành tích”, thì không thấy con cặm cụi học thuộc lòng, không dựa vào những điểm mười đỏ chói, họ không thấy được những tiến bộ (nếu có) của các con.

Quan niệm học để lấy tấm bằng vẫn còn thống trị, vì vậy, nỗi lo con học chương trình VNEN không vào được các cấp học sau, không thi được vào trường tốt, trường điểm, trường ĐH, do các tiêu chí đánh giá, mục tiêu giáo dục và phương pháp đánh giá rất khác, là một nỗi lo thực sự rất lớn. Một phụ huynh nói: “Cháu học kém hơn các bạn, chữ cũng xấu hơn. Về nhà bày dạy thêm cho cháu thì cháu cứ cãi, bảo không phải như thế. Nếu học theo mô hình trường học mới này khi lên cấp 2, các cháu khó mà theo kịp các bạn học theo mô hình truyền thống hoặc sẽ bị “kỳ thị”.

Một số phụ huynh cho rằng kê ghế cho học sinh ngồi đối mặt nhau khiến các con cứ phải ngoẹo cổ nhìn lên bảng gây vẹo cột sống. Hình ảnh này thể hiện rõ bi kịch của VNEN: phương pháp mới được thực hiện bởi những giáo viên vẫn đi theo lối cũ. Bàn ghế đã được kê vòng quanh (theo lối mới) là để các con được nhìn vào mắt nhau, nói với nhau, tranh luận với nhau, học cùng nhau, giúp đỡ nhau, qua đó học cách xử sự với người khác và học cách nhận biết mình là ai. Một khi thầy cô giáo vẫn tiếp tục muốn độc chiếm diễn đàn, vẫn coi mình là trung tâm của lớp học, là nơi ban phát lời dạy dỗ mà các con phải ghi nhớ thuộc lòng, phải nhắc lại không sai một từ (theo lối cũ), thì làm sao mà các con không bị bắt buộc phải ngoẹo cổ nhìn lên bảng?

Những lời phản đối gay gắt nhất chính là từ phía giáo viên. Điều này thực sự là một dấu hiệu báo động không chỉ cho Bộ GD-ĐT mà là cho cả xã hội. Những phân tích trong phần trên về quan điểm của một số giáo viên cho thấy có những người vẫn đang dựa trên một tư duy quá cũ về phương pháp sư phạm. Dạy học theo phương pháp của VNEN đòi hỏi họ phải thoát ra khỏi cái kén an toàn thoải mái trước đây, đòi hỏi họ phải nhìn nhận lại ở tầm mức sâu về vai trò của người thầy và mục tiêu thực sự của giáo dục. Những điều này có thể là quá sức đối với những người không có động lực và nhu cầu thay đổi.

Bài học của VNEN

Trước những bức xúc đó, Bộ GD-ĐT đã có phản hồi. Theo Bộ trưởng, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương, nên đã gặp nhiều khó khăn. Một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông,… dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Phản hồi của Bộ trên đây, mặc dù có lẽ đã phản ánh một phần thực tế, rất có thể chưa phải là cốt lõi của vấn đề.

Vấn đề là, đổi mới giáo dục không thể thành công trong khuôn khổ của một “dự án”, hiểu theo nghĩa là trong khuôn khổ một chương trình được tài trợ và ngắn hạn. Một thực tế khá phổ biến ở cả cấp hệ thống lẫn cấp trường trong nhiều năm qua, là phần lớn các dự án do quốc tế tài trợ hoặc cho vay đều được thực hiện với “tư duy dự án”, nghĩa là làm bất cứ thứ gì nhà tài trợ muốn, và khi tài trợ kết thúc thì tất cả cũng chấm dứt.

Chính vì tư duy dự án như thế, cho nên việc huấn luyện giáo viên, chuẩn bị các chính sách phù hợp, tạo nền tảng cho việc thực hiện mô hình đổi mới, xây dựng một hệ thống chương trình, phương pháp, cách đánh giá kết quả học tập, v.v. nhất quán với mục tiêu giáo dục và đồng bộ giữa các cấp học, đã không được chú trọng, nếu không nói là làm cho có, hoặc tệ hơn nữa, theo lời giáo viên, là “diễn”.

Từ trên xuống dưới đều “diễn”, cho nên ở cấp trường, các hiệu trưởng hay giáo viên không mấy ai quan tâm đến việc vận động, giải thích với phụ huynh. Mà việc gì phải giải thích, khi chính họ cũng không muốn làm, vì làm thì cũng không được lợi lộc gì?

Vì thế, không mấy ai quan tâm đến việc lối kê bàn ghế mà mô hình VNEN đề xuất đòi hỏi ghế ngồi của học sinh phải là ghế xoay để tiện đổi hướng một cách linh hoạt. Nếu có trường nào quan tâm đến điều này, liệu kinh phí dự án có cấp cho việc trang bị ghế xoay cho từng học sinh?

Một bài học quan trọng của VNEN là vai trò của sự đồng thuận xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Một dự án hay kế hoạch dù cho có hay, có đúng, có tốt, nhưng không được chuẩn bị đúng mức để giành được sự đồng thuận của các bên, thì cũng không thể thành công được. Điều này đặc biệt đúng đối với giáo dục, vì giáo dục là tổng hòa nỗ lực của nhiều phía: nhà nước, nhà trường, gia đình, và cộng đồng xã hội. Mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục của nhà trường phổ thông là một loại khế ước, một cam kết của nhà nước đối với người dân, nếu phụ huynh chưa hiểu thì phải làm cho họ hiểu, từ đó mới có thể giành được sự đồng thuận.

Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm đổi mới chất lượng giáo dục và đáp ứng đòi hỏi của toàn cầu hóa. Như một câu ngạn ngữ từng nói rằng không thể làm theo cách cũ và mong có một kết quả mới, đổi mới giáo dục chắc chắn phải gắn với một cách làm mới. Không có một nền tảng tư tưởng cho đổi mới, không có một chính sách đồng bộ, và không chuẩn bị được lực lượng giáo viên cho đổi mới, khi chúng ta bắt đầu những cách làm mới, những gì đang xảy ra với VNEN cũng rất có thể sẽ lặp lại với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.