VẤN ĐỀ BIÊN CHẾ Ở CÁC NƯỚC
Phạm Thị Ly (2017)
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối Tuần ngày 04.06.2017)

Biên chế (tenure) được định nghĩa là một vị trí được bổ nhiệm không thời hạn và chỉ có thể bị hủy bỏ trong những hoàn cảnh ngoại lệ chẳng hạn như trường hay ngành bị xóa sổ do khó khăn tài chính. Định chế này nhằm mục đích bảo vệ tự do học thuật, vì xét trong dài hạn thì xã hội được lợi nếu các giáo sư có thể theo đuổi và phát biểu những quan điểm đa dạng. Biên chế chủ yếu dành cho giáo sư ở bậc đại học. Ở một số nước, biên chế cũng áp dụng cho bậc học phổ thông.

Hoa Kỳ: cuộc tranh luận bất tận

Trái với Việt Nam, Hoa Kỳ không có biên chế cho công chức nhà nước nói chung, mà chỉ có biên chế cho giới hàn lâm. Lý do rất dễ hiểu. Công chức hưởng lương từ tiền thuế của người dân để phục vụ dân, họ có được tiếp tục làm việc hay không là do kết quả công việc của họ có xứng đáng với tiền lương họ nhận hay không. Tuy nhiên, đối với những viên chức chính phủ cấp liên bang đã được Tổng thống bổ nhiệm với sự thông qua của Quốc hội, thì luật pháp Mỹ bảo vệ họ. Tổng thống không thể cách chức hay sa thải họ, trừ khi được Quốc hội đồng ý (Luật Biên chế Công chức, đã được ban hành ngày 3.3.1867 cho dù trước đó bị Tổng thống Andrew Johnson phủ quyết). Lý do là vì Quốc hội là tiếng nói của dân, những vị trí công tác đòi hỏi được sự phê chuẩn của Quốc hội là những vị trí đòi hỏi người được bổ nhiệm phải phục vụ công lý, sự thật, và/hoặc phản ánh lợi ích, quan điểm và tiếng nói của nhân dân, dù quan điểm đó có thể khác với quan điểm của Tổng thống. Chánh án Tòa tối cao, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục là ví dụ cho một vị trí như vậy.

Ngoài những vị trí nói trên, viên chức chính phủ (tương đương với công chức của ta), là những người làm việc cho bộ máy nhà nước theo hợp đồng, không làm gì có chuyện nghiễm nhiên có việc hết đời bất kể kết quả công việc như thế nào.

Biên chế, như đã nói trên, chủ yếu dành cho giáo sư đại học nhằm bảo vệ tự do học thuật. Giáo viên phổ thông công việc chủ yếu không phải là nghiên cứu để tìm tri thức mới, mà là áp dụng tri thức cho hoạt động giáo dục, nhưng cũng có biên chế, mục đích là để họ yên tâm làm việc. Khác với giáo sư ĐH, biên chế dựa trên thành tích, giáo viên phổ thông gần như đương nhiên có biên chế sau một thời gian làm việc. Ở Mỹ, 48/52 bang có biên chế cho giáo viên phổ thông. New York có đến 97% giáo viên phổ thông được bổ nhiệm biên chế. Tuy vậy gần đây có khoảng một chục tiểu bang đã ra những quy định mới nhằm làm yếu đi hệ thống biên chế giáo viên hoặc hủy bỏ nó.

Có một vụ kiện rất nổi tiếng về vấn đề này. California là bang cho phép bổ nhiệm biên chế cho giáo viên phổ thông sau hai năm làm việc. Năm 2012 có 9 học sinh khởi kiện vì luật này khiến việc sa thải giáo viên trở thành rất khó khăn và kết quả là họ phải học với những giáo viên năng lực quá yếu kém. Vụ kiện kéo dài đã bốn năm qua nhiều cấp. Tháng 8 năm 2016 Tòa án Los Angeles phán quyết luật này của bang California là vi hiến, vì các giáo viên có biên chế và yếu kém thường được giao cho dạy các nhóm học sinh ở khu vực dân cư thu nhập thấp, tạo ra bất bình đẳng về quyền tiếp cận giáo dục có chất lượng. Vụ kiện vẫn đang tiếp tục ở tòa cấp cao hơn.

Nên hay không nên duy trì biên chế giáo viên vẫn đang là cuộc tranh luận bất tận ở Mỹ, mà cả hai phía ủng hộ và phản đối dường như đều có lý. Phía ủng hộ nói rằng, giáo viên có biên chế sẽ có sự yên tâm để đầu tư cho việc giảng dạy và thử nghiệm những sáng tạo trong dạy và học. Biên chế bảo vệ họ không chỉ an toàn về việc làm, mà còn bảo vệ họ khỏi những rủi ro có tính chất yêu ghét của giới quản lý, nhờ đó họ có thể thẳng thắn đóng góp và xây dựng nhà trường. Thêm nữa, không có biên chế, các trường sẽ dễ dàng sa thải những giáo viên có thâm niên, vì họ có lương cao, để tuyển dụng giáo viên trẻ mới vào nghề hưởng lương thấp hơn nhiều, nhằm đáp ứng với việc ngân sách sụt giảm. Hệ quả là chúng ta sẽ mất những giáo viên dày dặn kinh nghiệm. Biên chế cũng là một thứ hấp dẫn để thu hút và giữ chân người ta vì nghề giáo vừa nhiều áp lực vừa lương thấp. Phía phản đối cho rằng biên chế làm tăng quyền lực của công đoàn giáo viên, bảo vệ lợi ích của giáo viên với cái giá phải trả của học sinh, vì nếu giáo viên làm việc kém cỏi, rất khó sa thải họ. Và động cơ để họ làm việc kém cỏi thì rất dễ thấy: họ hầu như không thể bị sa thải, vậy thì việc gì phải nỗ lực?

Biên chế dĩ nhiên là tốn kém. Các trường ở Mỹ phải tiêu tốn từ 10 đến 12 triệu USD cho một giáo sư có biên chế trong 35 năm làm việc của người ấy. Một nghiên cứu năm 2011 cho biết, chỉ riêng University of Texas at Austin đã có thể tiết kiệm được 266 triệu USD một năm nếu họ được giữ lại 20% giáo sư tốt nhất, sa thải những người kém cỏi nhất, và giao phần việc ít ỏi của những người này cho những người được giữ lại.

Thực tế của Trung Quốc

Luật Nhà giáo ban hành năm 1993 ở Trung Quốc đã yêu cầu các trường chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên. Hiện nay tất cả đều là hợp đồng. Thêm vào đó, nhà nước ban hành nhiều tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt về các loại chứng chỉ hành nghề, mỗi 5 năm phải đăng ký lại hoặc thi lại.

Thượng Hải có biên chế cho giáo viên phổ thông, nhưng chấm dứt muôn hơn từ năm 2012. Lý do như đã nói trên. Trước đó giáo viên kém thường bị chuyển sang dạy lớp khác, nhưng vẫn giữ được công việc. Tuy nhiên, có một mối lo ngại khác khi chấm dứt biên chế giáo viên, là giờ đây các nhà quản lý phải có một thước đo hữu hiệu để đánh giá kết quả làm việc của giáo viên. Nếu hệ thống thước đo này không đủ tốt, thì hiện tượng lạm dụng quyền lực của các nhà quản lý là điều có thể thấy trước.

Chấm dứt chế độ biên chế đặt ra áp lực lớn đối với giáo viên, kết quả là họ buộc phải tận tâm hơn với công việc. Phụ huynh hoan nghênh thay đổi này. Tuy vậy giới quản lý và nghiên cứu thì bày tỏ lo ngại. Xiong Bingqi, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục Thế kỷ 21 nói rằng thiếu một hệ thống đánh giá khách quan, giáo viên có thể bị sa thải vì những lý do chẳng liên quan gì đến kết quả công việc, và thay vì cải thiện chất lượng giáo dục, giải pháp này có thể mang đến kết quả ngược lại.

Ở bậc đại học, kinh nghiệm của ĐH Giao thông Thượng Hải (SJTU) rất đáng suy nghĩ. Dưới áp lực vươn lên thành ĐH đẳng cấp quốc tế, họ cần một cơ chế thu hút và khích lệ người tài. Từ năm 2010, SJTU áp dụng 3 con đường phát triển sự nghiệp cho giảng viên: hợp đồng giảng dạy, hợp đồng nghiên cứu, và biên chế. Ngạch giảng dạy không có yêu cầu đòi hỏi gì về hoạt động nghiên cứu. Các nhà khoa học không có nghĩa vụ giảng dạy nhưng phải giành được các khoản tài trợ nghiên cứu từ các quỹ cạnh tranh ngoài trường hoặc từ các doanh nghiệp. Giáo sư biên chế vừa dạy vừa làm nghiên cứu, và được đánh giá với những tiêu chí kết hợp khá ngặt nghèo. Mỗi người tự chọn con đường của mình. Những người không đạt tiêu chuẩn biên chế có thể xin làm hợp đồng hoặc ra đi. Chính sách này áp dụng với tất cả giảng viên lúc đó đang ở SJTU. Đó là một bước chuyển tiếp để tạo điều kiện cho giảng viên phấn đấu, và ghi nhận công bằng những đóng góp trong quá khứ của họ.

Trở lại vấn đề của Việt Nam

Giáo viên không phải là nghề có lương cao (trừ một số nước như Singapore, Hà Lan, v.v.), nhưng có lẽ không ở đâu mà lương giáo viên lại thấp như ở Việt Nam, vì hiện nay, lương giáo viên từ mầm non đến trung học từ hệ số 2,42 (tối thiểu) đến 4,98 (tối đa) tương đương 3.146.000 đ đến 6.474.000 đồng, tức là thấp hơn cả lương tối thiểu của công nhân mà Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải trả theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP.

Xu hướng chung của nhiều nước là giảm dần tiến tới hủy bỏ chế độ biên chế, vì nếu chúng ta duy trì một cơ chế việc làm suốt đời với lương thấp để thu hút người làm việc, thì có khả năng là chúng ta sẽ chỉ có thể thu hút được những người không đủ năng lực để cạnh tranh tìm bất cứ công việc nào khác trên thị trường lao động. Vẫn sẽ có những người yêu nghề chấp nhận thu nhập thấp để làm công việc yêu thích, nhưng đó hẳn không phải là số lớn. Khó mà nói tới cải thiện chất lượng giáo dục với một đội ngũ như vậy.

Việt Nam hiện nay đang cần một cuộc cải cách sâu rộng trong giáo dục. Thành công của cải cách phụ thuộc rất lớn vào chất lượng người thầy, vì vậy rất cần một cơ chế linh hoạt để có thể nhanh chóng đổi mới lực lượng này. Với những điều kiện làm việc bạc bẽo về mọi mặt của nghề giáo trong mấy thập kỷ qua, chúng ta hiện không có nhiều giáo viên thực sự đáp ứng được đòi hỏi của việc cải cách, và cũng không có động lực nào cho họ để thay đổi cách nghĩ, cách dạy. Chuyển sang hợp đồng là một cách đặt áp lực phải thay đổi lên đội ngũ giáo viên hiện tại. Tuy nhiên, nếu những áp lực đó không đi cùng với việc thay đổi cách bổ nhiệm hiệu trưởng và cơ chế quản lý giáo viên, cũng không đi cùng với việc cải thiện thu nhập, thì có thể thấy trước kết quả chẳng có gì hứa hẹn.