Phạm Thị Ly (2017)
Có lẽ may mắn lớn nhất trong đời tôi là có những người thầy mà tôi phải nhớ ơn suốt đời, bởi vì không có họ thì tôi đã không trở thành con người hôm nay. Một trong những người thầy ấy là Thầy Nguyễn Sỹ Bá, nay đã không còn trên dương thế.
Tôi gặp Thầy lúc còn là một con bé con ngơ ngác bơ vơ đang học lớp 11 trường PTTH Tân Phú, cách đây đã gần bốn thập niên. Thầy Bá vốn không phải thầy dạy trực tiếp của tôi – người ấy là thầy Đỗ Văn Ban, là một người đặc biệt trong đời tôi sẽ kể trong một câu chuyện khác. Bấy giờ Thầy Bá là người phụ trách môn Ngữ Văn của Sở Giáo dục Đồng Nai. Thầy chú ý đến tôi qua một bài thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn. Hồi ấy còn tuyển chọn một nhóm học sinh xuất sắc của các môn Văn Toán từ các trường phổ thông, lập thành đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh để đi thi giải học sinh giỏi toàn quốc. Được chọn vào đội tuyển này, tôi về thành phố Biên Hòa, được Sở nuôi ăn ở hai tuần để học tập trung “luyện thi” và Thầy Bá là người trực tiếp dạy lớp này.
Một tình thương yêu cho đi không điều kiện
Đã gần bốn mươi năm từ ngày ấy, nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Thầy tóc bạc trắng, đi lại khó khăn vì chân đau, chăm sóc cho bọn học sinh trong đội tuyển chúng tôi như mẹ chăm sóc cho các con. Hoàng Mai Quyên, Ngô Thu Vân, Mạnh Hoan, Mậu Hiệp, các bạn chắc vẫn còn nhớ những bữa ăn Thầy đến hỏi han từng đứa xem thức ăn có ổn không, ăn uống có ngon miệng không. Trong số các bạn, hình như tôi có hoàn cảnh hơi đặc biệt, nên Thầy có chú ý nhiều hơn. Còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp Thầy, là ở trường Ngô Quyền, nơi tôi một mình đáp xe đò đến để gặp Thầy và chuẩn bị gia nhập đợt học tập trung của tỉnh. Trong lúc chờ Thầy, tôi buồn buồn nhặt quả bàng trong sân trường lấy hạt ăn, không ngờ hạt nó có độc, ăn xong đau bụng gần chết. Gặp tôi trong tình cảnh ấy, Thầy hết sức thương xót, nghĩ bụng chắc tại tôi đói mà chẳng có gì ăn. Thầy chở tôi về nhà, ra sức chăm sóc ăn uống thuốc thang chẳng khác gì bố mẹ chăm sóc cho con đẻ.
Cơ duyên của tôi với Thầy còn kéo dài nhiều năm sau đó, cho đến lúc Thầy qua đời. Đã bao lần Thầy nặng nhọc đạp xe đạp đưa tôi ra bến xe đò, dúi cho một ít tiền, vì biết tôi một mình tự lo cho mình, trong lúc Thầy nào có dư giả gì cho cam. Thời bao cấp, đồng lương công chức ít ỏi, ai cũng chật vật như ai. Bằng những việc làm ấy, Thầy đã dạy cho tôi một bài học mà có lẽ chính Thầy cũng không chủ ý, là bài học về sự cho đi không điều kiện. Thầy đã làm những việc ấy, không chỉ vì tình nghĩa thầy trò, mà vì một cái gì lớn lao hơn thế, vì lòng nhân ái giữa người với người, vì sự sẻ chia cho một người mà ta nghĩ rằng họ cần sự giúp đỡ. Chắc chắn Thầy không nghĩ rằng làm thế để một ngày nào đó được đáp lại, và sự thật là cho đến lúc Thầy mất đi, tôi cũng chưa từng làm được việc gì có thể gọi là trả ơn cho Thầy. Nhưng nhờ Thầy, tôi hiểu rằng cuộc đời đáng sống là vì có những người sẵn sàng sẻ chia như vậy, và bổn phận của mình không phải chỉ là biết ơn và đáp lại người đã giúp mình – vì có khi mình không có được cơ hội ấy – mà còn là sẻ chia và giúp đỡ những người khác đang cần được giúp đỡ, cũng với sự vô vụ lợi như thế.
Niềm tin và sự khích lệ
Là một thầy giáo dạy môn Ngữ văn, cùng với Thầy Đỗ Văn Ban, Thầy đã tiếp tục mở ra một cánh cửa cho tôi hiểu vẻ đẹp của văn chương, của nghệ thuật ngôn từ. Tất cả những thứ đó đã góp phần định hình quan điểm sống và cái nhìn của tôi về cuộc đời. Những điều đó tuy quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn là thái độ khích lệ của Thầy. Ở tuổi 17, nào tôi đã hiểu mình là ai, sống để làm gì và có thể làm được những gì. Lúc ấy tôi vẫn đang trong quá trình mày mò đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Thầy luôn tỏ thái độ tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của tôi, làm cho tôi tin tưởng vào chính mình, và giúp tôi hiểu rằng làm được một cái gì đó đóng góp cho đời là điều có ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc sống.
Sau này đọc thêm sách tâm lý học tôi mới hiểu là con người ta có xu hướng nhìn nhận và đánh giá về bản thân mình qua thái độ của người khác. Cũng như thằng mõ trong truyện của Nam Cao, bị cả làng khinh rẻ là “tham như mõ” cho nên cũng mặc nhiên coi mình là kẻ không có tư cách gì để mà phải giữ gìn. Ở lứa tuổi đang định hình nhân cách, điều này lại càng quan trọng. Thái độ tin tưởng, khích lệ và sự đánh giá cao của Thầy giúp tôi tin rằng mình có một cái gì có giá trị và mình có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa. Vì thế, có thể nói, sinh ra thân xác ta là cha mẹ, còn tạo ra tâm hồn, định ra hướng đi cuộc đời của ta là những người thầy. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên, và những người thầy tiếp theo mà ta gặp trong cả cuộc đời đã làm nốt phần việc còn lại. Theo nghĩa rộng, bất cứ ai cho ta một bài học hay có gì đáng cho ta học đều là thầy của ta. Sách vở cũng là thầy của ta. Sách vở dạy cho ta bao nhiêu kiến thức và điều hay lẽ phải. Nhưng những người thầy trực tiếp như trường hợp Thầy Nguyễn Sỹ Bá, Thầy Đỗ Văn Ban, và sau này là Thầy Bùi Khánh Thế, Thầy Cao Xuân Hạo, và nhiều người thầy khác đối với tôi có một thứ mà sách vở không thể có, đó là sự phản ánh của họ về việc ta là ai và có thể làm được điều gì.
Để có thể làm được việc đó, họ phải là những người làm công việc của người thầy với cả trái tim. Nếu chỉ coi nghề giáo như một nghề kiếm sống, nếu những đứa trẻ học trò không có một chỗ trong tim họ, hẳn là những người thầy ấy đã không hiểu tường tận từng chỗ mạnh yếu trong nhân cách của đứa trẻ và cho nó sự ủng hộ, sự hỗ trợ, tin tưởng và khích lệ mà nó cần để có thể vượt qua những dao động, lẫn lộn, chao đảo, mơ hồ trong quá trình định hình nhân cách. Một khi nhân cách đã được định hình vững chắc, không kể là ở tuổi nào, người ta không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi cái nhìn của người khác nữa. Chính vì thế mà vai trò của người thầy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng: người thầy tương tác với học trò chủ yếu trong giai đoạn nhân cách đang hình thành.
Với tôi, và với nhiều thế hệ học trò khác của Thầy Nguyễn Sỹ Bá, Thầy đúng là một người Thầy đích thực. Không phải nghề giáo mang lại vinh dự cho Thầy, mà chính là Thầy đã làm vinh dự cho nghề giáo. Thầy là một định nghĩa sống động cho việc làm thầy nghĩa là như thế nào. Mỗi đứa trẻ đi qua cuộc đời Thầy đều có một chỗ đứng trong tim Thầy, vì đã nhiều lần tôi thấy Thầy vẫn dõi theo đường đời của học trò nhiều năm sau, và vui với những thành tựu mà học trò mình đạt được.
Mong sao mỗi người đều có ít nhất một người thầy như thế ở trong đời.
5 Comments
Anonymous
Bài viết rất cảm động, chị Ly!
Clayton Duong
bài viết rất cảm động, chị Ly! Những người như Thầy như kim chỉ nam trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Cadyna
Sao lypham thành công được toàn với Thầy mà không có Cô nhỉ?
Thanh Ha
Chuyên Ngữ văn, sao bạn lại dùng từ “thập kỷ” thay vì dùng “thập niên”?
Ly Pham
Vâng, đúng ạ. Cám ơn bạn Thanh Ha đã chỉ giáo. Đã sửa lại “thập niên”.