CẦN NHỮNG BƯỚC ĐI ĐÚNG HƯỚNG TIẾP THEO

Phạm Thị Ly (2017)
(Bài đăng Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 04.06.2017)

Cải cách giáo dục phổ thông đang được khởi động bằng những thay đổi rất mạnh mẽ trong cách tiếp cận của chương trình tổng thể, cũng như trong chủ trương chung về sách giáo khoa. Mặc dù những thay đổi này chưa thực sự diễn ra nên chưa thể nói gì chắc chắn về kết quả của nó, cũng như hiện có không ít ý kiến phê phán trong công luận, chúng ta có thể nói rằng, Bộ GD-ĐT đang đi đúng hướng.

Những bước đi đúng hướng có thể kể ra ở đây là: (1) Mục tiêu giáo dục được xác định tương đối rõ ràng và phù hợp với điều kiện, bối cảnh hiện tại của Việt Nam, đồng thời hướng tới đào tạo con người thích ứng với nền kinh tế toàn cầu; (2) Chương trình tổng thể nhấn mạnh việc hình thành năng lực, được xây dựng như một hệ thống chặt chẽ có liên đới với nhau và cùng hướng tới kết quả đầu ra, tức là nhất quán giữa mục tiêu giáo dục của từng cấp lớp, từng môn học, và mục tiêu cuối cùng; (3) Tách chương trình ra khỏi sách giáo khoa, nghĩa là tạo ra không gian cho các địa phương, các trường, các nhóm tác giả, và giáo viên để họ có được sự linh hoạt cần thiết thực hiện mục tiêu giáo dục chung.

Tuy thế, còn cần rất nhiều bước đi để đạt được những thay đổi căn bản trong kết quả giáo dục. Bước đi quan trọng nhất tiếp theo là chuẩn bị cho những điều kiện về nhân sự và tổ chức quản lý ở các trường. Chuyển giáo viên sang chế độ hợp đồng thay cho viên chức như hiện nay có thể là một trong những bước đi như vậy, nếu nó đi cùng với việc cải cách phương thức bổ nhiệm hiệu trưởng.

Vai trò của giáo viên

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của giáo viên đối với chất lượng giáo dục phổ thông. Chương trình có hay, sách giáo khoa có tốt, mà giáo viên không có chất lượng, thì không có hy vọng gì cả. Bất cứ ai có con đi học thì đều hiểu rõ như vậy.

Chất lượng giáo viên thì phụ thuộc những gì? Trong nhiều yếu tố, có lẽ quan trọng nhất không phải chỉ là quá trình đào tạo, mà chính là việc tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, điều kiện và môi trường làm việc. Phải có quy trình tuyển dụng hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt, điều kiện làm việc phù hợp thì mới thu hút được người thầy giỏi, có tâm, giữ được họ và khích lệ khả năng cống hiến của họ.

Nhìn vào thực tế hiện nay, bức tranh về giáo viên khá ảm đạm. Thu nhập thấp là vấn đề đã kéo dài nhiều thập kỷ, trong vài năm gần đây còn nổi lên vấn đề cử nhân sư phạm thất nghiệp và chạy việc. Thêm vào đó là tình trạng không có cơ chế để hiệu trưởng giải trình trách nhiệm trước giáo viên và phụ huynh, khiến vai trò và tiếng nói của giáo viên trong trường càng thêm mờ nhạt.

Bối cảnh nói trên đã là nguyên nhân chính phá hủy khả năng sáng tạo và chủ động của giáo viên, và tạo ra nhiều hiện trạng tiêu cực mà chúng ta đều đã biết.

Trả lại vị trí của người thầy

Hệ quả của sự đối xử với người thầy trên đây là ngày nay chúng ta đang biến nghề dạy học thành một nghề nghiệp bạc bẽo và rủi ro. Chẳng những thiếu thốn về vật chất, mà đến lòng kính trọng tối thiểu của xã hội, của nhà trường, của phụ huynh, của học sinh cũng thành ra hiếm hoi. Khi phải tìm đủ cách để kiếm sống, lại bị “đe dọa” tứ phía: từ các nhà quản lý, từ phụ huynh, v.v. thì khó có người thầy nào để tâm học hỏi và làm tốt công việc được. Có tổ chức bao nhiêu lớp tập huấn cũng bằng thừa.

Nghề giáo không cao quý hơn bất cứ nghề nào khác, nhưng đặc thù của nghề nghiệp đòi hỏi họ phải giữ gìn tư cách và hình ảnh. Đặc thù đó xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội và nhất là của nhà trường. Vì thế, trả lại vị trí đích thực của người thầy trong nhà trường, có thể nói không sợ quá lời, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công đổi mới chương trình, sách giáo khoa, và phương pháp giảng dạy.

Vị trí đúng của người thầy là vị trí của nhà giáo dục. Họ phải được bảo vệ trong chừng mực nhất định khỏi nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền, và phải được tuyển chọn trên cơ sở có đủ năng lực chủ động vận dụng các nguyên lý giáo dục vào thực tế. Đó là điều hiện nay chúng ta chưa có, và những bước đi đúng hướng của các nhà làm chính sách cần hướng tới mục tiêu này.

Biên chế, hợp đồng, vai trò của hiệu trưởng

Thay chế độ viên chức bằng hợp đồng đối với giáo viên các trường phổ thông công lập liệu có phải là một bước đi đúng hướng, góp phần vào mục tiêu nói trên?

Giáo viên cần được trả lại vị trí đúng của họ, nhưng điều này phải đi cùng với những yêu cầu về mặt chất lượng. Vì thế, bảo vệ giáo viên nghĩa là đem lại cho họ một điều kiện và môi trường làm việc phù hợp, không có nghĩa là họ nên có một chỗ làm suốt đời bất chấp kết quả công việc và nỗ lực của họ như thế nào.

Hiện nay, giáo viên trường công đang là viên chức, làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn. Chuyển sang lao động hợp đồng thật ra không có nhiều khác biệt về quyền lợi. Việc này chỉ có ý nghĩa nếu nó tạo ra sự linh hoạt trong việc sử dụng quỹ lương, giúp nhà trường chủ động tạo ra thu nhập cao hơn cho giáo viên, và đi cùng với thu nhập cao hơn là đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng và kết quả công việc. Nói cách khác, nó tạo điều kiện cho hiệu trưởng các trường đổi mới nếu họ thực sự muốn làm.

Việc trao quyền chủ động nhiều hơn cho hiệu trưởng là một xu hướng đúng đắn và đáng khuyến khích, nhưng nó phải đi cùng một điều kiện tiên quyết: cơ chế lựa chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng phải bảo đảm được tiếng nói và lợi ích của các bên, vả bảo đảm được việc thực hiện các mục tiêu giáo dục mà nhà nước đã tuyên bố trong Dự thảo Chương trình GDPT Tổng thể mới đây.

Quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng như công chức theo cách làm hiện nay và cách đánh giá kết quả công việc của họ không giúp tuyển chọn được những người có khả năng giải trình trách nhiệm trước giáo viên, trước phụ huynh và kể cả trước học sinh. Cơ chế bổ nhiệm này cũng không khích lệ tinh thần chủ động dám làm dám chịu của họ, trong khi đó lại là điều rất cần đối với mọi cuộc đổi mới. Hệ quả là các bên quan trọng nhất của giáo dục: giáo viên, phụ huynh, học sinh hầu như không có tiếng nói gì trong những quyết định của nhà trường. Hội phụ huynh thì được gọi là hội phụ thu, tức chỉ có một việc gần như duy nhất là giúp nhà trường thu tiền của cha mẹ học sinh. Công đoàn thì chỉ lo việc hiếu hỉ.

Nếu những vấn đề trên không được thay đổi, thì việc trao thêm quyền cho hiệu trưởng không hứa hẹn điều gì tốt đẹp.

Cân bằng tiếng nói của các bên

Tuy Bộ GD-ĐT đang có những bước di đúng hướng, công luận dường như thiên về nghi ngờ, chỉ trích hơn là ủng hộ. Đó là kết quả của tình trạng thiếu niềm tin nói chung trong xã hội, nhưng cũng một phần vì Bộ GD-ĐT chưa thuyết phục được người dân bằng một lộ trình hợp lý nhằm đảm bảo các điều kiện thực thi việc đổi mới.

Những người quan tâm đến giáo dục và có thời gian quan sát, trải nghiệm với giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục phổ thông, đều nói rằng có một cơ chế đúng để bổ nhiệm được đúng người vào vị trí hiệu trưởng, là việc cải cách đã đi được đến một phần ba quãng đường.

Cơ chế đó phải dựa vào các bên liên quan của giáo dục: hội đồng trường, hội đồng sư phạm, hội đồng phụ huynh, công đoàn và cơ quan cấp trên. Các hội đồng này nhất thiết cần được hình thành qua bầu chọn, để bảo đảm tính chất đại diện và sự cân bằng của tiếng nói các bên. Các định chế nhằm cân bằng quyền lực cần phải được thiết lập, trong đó hiệu trưởng phải là người giữ được sự hài hòa về lợi ích của các bên, và phải được trao quyền chủ động cùng với một thiết chế giải trình trách nhiệm rõ ràng với các bên.

Trong các định chế nhằm cân bằng quyền lực trong quản trị nhà trường trên đây, hội đồng sư phạm nhằm phản ánh ý kiến giáo viên về mặt chuyên môn, công đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, hội đồng phụ huynh nhằm bảo vệ mục tiêu giáo dục và lợi ích của học sinh, cơ quan cấp trên nhằm bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo của nhà nước đối với giáo dục, còn hội đồng trường là đơn vị trực tiếp có trách nhiệm thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm và đánh giá hiệu trưởng dựa trên sự cân nhắc quan điểm của các bên và xem xét kết quả công việc của hiệu trưởng căn cứ vào mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Khi có một cơ chế tổ chức như vậy, cùng với một cơ chế tài chính phù hợp, chúng ta có thể hy vọng thu nhập giáo viên sẽ tốt hơn, nghề giáo được tôn trọng hơn, và xã hội có quyền đòi hỏi giáo viên thực hiện tốt vai trò của mình. Hiện vẫn có nhiều cơ chế để bảo vệ giáo viên không bị sa thải vô cớ và đã được quy định trong Luật lao động. Luật Công đoàn cũng đã trao cho Công đoàn nhiều quyền hạn trong việc bảo vệ quyền của người lao động, chẳng hạn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết tranh chấp lao động và thực hiện luật lao động. Vấn đề là không phải người lao động nào cũng hiểu rõ quyền của mình, và không phải tổ chức công đoàn nào cũng chú trọng đầy đủ tới bảo vệ lợi ích của người lao động.

Chế độ làm việc hợp đồng với giáo viên tạo ra sự linh hoạt, khích lệ sự học hỏi và nỗ lực không ngừng, chỉ khi nó đi cùng với một thu nhập tương xứng và một môi trường làm việc trong đó tiếng nói của giáo viên, với tư cách là những nhà giáo dục thực hành, được tôn trọng.