Phạm Thị Ly (2017)
Bài đăng báo Người Lao động ngày 06.03.2017
Hiệp hội các Trường ĐH-CĐ Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị 10 giải pháp cho các trường ngoài công lập (NCL). Có nhiều nét mới trong các kiến nghị này. Tuy nhiên riêng về tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh, có một điểm đáng chú ý là Hiệp hội đề nghị“bỏ điểm sàn kết hợp với siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh”.
Hai điểm này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đọc kỹ thì người đọc hiểu là “siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh” là đề nghị đối với trường công, còn “bỏ điểm sàn” là đề nghị chủ yếu hướng tới trường tư. Nói cách khác, hiện nay nguồn tuyển đang giảm, tổng chỉ tiêu năm ngoái đã lớn hơn tổng số người nộp đơn, nếu các trường công tiếp tục vơ bèo vạt tép, thì sẽ không còn thí sinh cho các trường NCL. Mà ai cũng biết, trường NCL tồn tại nhờ học phí, không có người học thì xem như chấm hết. Tóm lại, Hiệp hội cho rằng cần siết lại trường công để trường tư có đất phát triển.
Đề xuất này liệu có hợp lý, và có khả thi?
Công bằng công –tư?
Cùng với đại chúng hóa GDĐH, tăng quy mô GDĐH NCL là xu hướng tất yếu, không phải chỉ vì nhà nước không có đủ tiền bao cấp cho các trường công ở mức độ đáp ứng hết nhu cầu của người học, mà còn vì trường tư có những đặc điểm khiến nó năng động hơn và đáp ứng tốt hơn một số nhu cầu thiết thực trước mắt của xã hội.
Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết. Thực tế, vấn đề là ranh giới công tư đang mờ dần về một số khía cạnh. Sắp tới đây, khi tự chủ tài chính trở thành mô hình đại trà, các trường công sẽ phải tính đúng, tính đủ chi phí, sẽ phải tăng học phí, cạnh tranh và giành sinh viên để có nguồn thu nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của họ. Trường ĐH công và tư ngày càng giống với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Sự khác nhau giữa trường công và trường tư khi nhà nước cắt nguồn chi thường xuyên và giao cho các trường công tự chủ sẽ chỉ còn là (1) sở hữu nhà nước / sở hữu cá nhân; (2) đầu tư cơ sở vật chất ban đầu từ nguồn vốn ngân sách/ từ nguồn vốn cá nhân. Khoản đầu tư ban đầu này, nếu tính đúng tính đủ về giá đất đai, hạ tầng, sẽ là vô cùng lớn. Chi phí cho việc thuê mướn cơ sở đối với trường tư có thể chiếm từ 20-40% tổng thu học phí của họ. Đó là chưa nói đến thuế.
Vì thế, nếu học phí trường tư cao hơn trường công khoảng 40% thì hai bên mới có xuất phát điểm ngang nhau về mặt nguồn lực tài chính. Nếu nhà nước vẫn đang bao cấp tiền lương, chi phí thường xuyên và kinh phí mục tiêu, thì sự chênh lệch về điều kiện ban đầu giữa hai bên còn lớn hơn nữa. Nhận thức về điều này là nền tảng để xây dựng một chính sách công bằng công tư để cả hai khu vực có thể cùng phát triển và bổ sung cho nhau.
Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh
Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh dựa trên chất lượng và chi phí, mà hệ quả là người học và cả xã hội đều được lợi. Các trường cũng được lợi, vì cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy chất lượng thực sự, và chất lượng dẫn tới uy tín, vốn là tài sản quý giá nhất của nhà trường. Uy tín mới tạo ra niềm tin, và niềm tin mới là thứ khiến người ta vui vẻ mở hầu bao. Cứ xem mức học phí mà người dân Việt Nam đang bán cả cửa nhà ruộng vườn để cho con đi học ở nước ngoài thì rõ.
Muốn có cạnh tranh lành mạnh, thì cần công bằng. Nếu cần phải “siết chỉ tiêu” để đảm bảo điều kiện đào tạo, thì điều này cần phải áp dụng không phân biệt công tư. Nếu cấp ngân sách, thì cần nghiên cứu cấp qua người học, trên cơ sở kết quả và đặt hàng, hoặc qua các Quỹ Nghiên cứu Quốc gia, cũng không phân biệt công tư.
Tuy nhiên, khống chế quy mô tuyển sinh, siết chỉ tiêu và quy định điểm sàn không phải là một ý tưởng hay. Bởi vì nó làm giảm khả năng chủ động và sáng tạo của các trường trong việc đáp ứng với nhu cầu của thị trường và đòi hỏi của xã hội.
Vai trò của quản lý nhà nước không phải là ban phát chỉ tiêu hay quyết định chất lượng đầu vào, tức điểm sàn, thay cho các trường, mà là bảo đảm sự phát triển hài hòa của cả hệ thống bằng những chính sách thích hợp với đặc điểm của từng loại trường. Những tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng thì cần phải không phân biệt công tư, nhưng chức năng và trách nhiệm cụ thể của mỗi trường có thể phải khác nhau.
Trường tư thuộc sở hữu tư nhân và vận hành từ nguồn vốn tư nhân, vì thế họ có thể vận hành theo nguyên tắc thuận mua vừa bán của thị trường, có thể tự quyết định chọn lựa đáp ứng những nhu cầu nào của xã hội phù hợp với điều kiện của họ, có thể tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở thỏa thuận công khai với người học. Trong khi đó, Trường công thuộc sở hữu nhà nước và được hưởng đặc ân về cơ sở vật chất, đầu tư ban đầu, vì thế họ phải đảm nhận một số trách nhiệm mà nhà nước thay mặt nhân dân, thay mặt những người đóng thuế giao phó cho họ.
Trách nhiệm chính yếu của trường công là bổ khuyết cho những gì thị trường còn thiếu. Tất nhiên trường công cũng có thể đào tạo những ngành đáp ứng nhu cầu trước mắt của thị trường, nhất là khi họ phải tự chủ tài chính, nhưng nhà nước có thể đòi hỏi trường công phải giành ra một tỷ lệ nhất định trong tổng thu để làm học bổng, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận người dân có năng lực theo học nhưng không đủ tiền đóng học phí.
Ai cũng biết là quy mô khu vực ĐH công sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của khu vực NCL. Tuy nhiên, siết chặt khu vực công, cổ phần hóa trường công nhằm mục đích bảo hộ trường tư và giúp trường tư phát triển không phải là những ý tưởng hay. Một lựa chọn tốt hơn là những chính sách tạo điều kiện cho cạnh tranh công bằng, bình đẳng, và tháo gỡ những vướng mắc về sở hữu/quản trị, nhằm thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho các trường NCL. Khi các trường NCL to đẹp hơn, được trang bị hiện đại hơn, chương trình cập nhật hơn, giảng viên trẻ và giỏi hơn, nội dung đào tạo linh hoạt hơn và bám sát hơn những đổi thay ngoài xã hội, thì người ta sẽ chọn trường tư, dù cho học phí nó có cao hơn nhiều so với trường công!
0 Comments