Phạm Thị Ly (2017)
Bài đăng báo Tuổi Trẻ ngày 26.02.2017
TTO – Tuy bản chất dịch vụ của giáo dục ĐH và khía cạnh lợi ích tư của việc học ĐH ngày càng nổi trội, trường ĐH vẫn là một thứ lớn lao hơn, chứ không chỉ là một tổ chức dạy nghề.
Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Cách mạng công nghệ 4.0 và các trường ĐH – CĐ Việt Nam” ngày 24-2 tại TP.HCM, để bàn về những vấn đề đặt ra và phải giải quyết của các trường trong bối cảnh hiện tại.
Tuy tài chính không phải là trọng tâm thảo luận của hội thảo, nhưng những vấn đề hội thảo đặt ra thì lại có thể mang lại một góc nhìn cho việc giải quyết vấn đề tài chính, vốn là một ưu tư sống còn của tất cả các trường, công cũng như tư hiện nay.
Tình thế lưỡng nan của các trường hiện nay là áp lực đòi hỏi của xã hội và thị trường ngày càng cao, trong lúc nguồn lực của nhà trường (từ học phí và từ nguồn ngân sách) đều có hạn. Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc sử dụng nguồn lực sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đó là câu hỏi của cả các nhà làm chính sách ở tầm quốc gia lẫn các nhà quản lý ở cấp trường.
Để trả lời vấn đề này, cần phải trở về với những vấn đề cốt lõi hơn, là bản chất của trường ĐH cũng như những thay đổi trong mô hình đào tạo, trong cách nhà trường quản lý, vận hành, thực hiện sứ mạng và đáp ứng với đổi thay của xã hội.
Giáo dục ĐH: hàng hóa công hay lợi ích tư?
Trong nhiều thế kỷ, ĐH được xem chủ yếu là hàng hóa công. Tuy không ai phủ nhận khía cạnh lợi ích tư, nhưng khía cạnh công ích của ĐH vẫn luôn được nhấn mạnh.
Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi nguyên tắc thị trường thống trị hầu hết mọi lĩnh vực, học phí vẫn chỉ là một phần trong tổng chi phí hoạt động của trường.
Tuy nhiên, điều này ngày nay đang thay đổi. Kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy đầu tư cho việc theo đuổi ĐH chủ yếu như là một khoản đầu tư cho tương lai của cá nhân.
Cùng với xu hướng đó là đại chúng hóa giáo dục khiến ngân sách nhà nước không thể đủ sức bao cấp được. Tiếp tục bao cấp cho các trường ĐH như trước sẽ đòi hỏi một khoản chi khổng lồ, dẫn tới tăng thuế, và tạo ra bất công giữa người thụ hưởng và không được thụ hưởng.
Vì thế, phát triển giáo dục ĐH tư là xu hướng không thể tránh khỏi, cũng như giảm dần bao cấp với các ĐH công tiến tới đòi hỏi các trường công phải tính toán hiệu quả hoạt động trở thành một xu thế tất yếu ở các nước.
Được mất của bao cấp
Việc bao cấp cho các trường ĐH công có ưu điểm là tạo điều kiện cho những nghiên cứu cơ bản, hoặc nghiên cứu trong những ngành nghề cần cho xã hội, chi phí lớn và không thể thu hồi vốn ngay, hoặc lợi ích thu lại là cho toàn xã hội không chỉ cho riêng nhà trường, và không dễ đong đếm.
Tuy nhiên, mặt trái của nó là tạo ra những ĐH tháp ngà, khích lệ các giáo sư ngủ yên trong cái kén của họ, khiến các nhà quản lý không cần vắt óc nghĩ tới chuyện tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, và nhìn chung, là làm cho trường ĐH tách rời khỏi những nhu cầu của xã hội và của thị trường.
Ngược lại, xóa bỏ bao cấp, để các trường bơi trong kinh tế thị trường và buộc phải cạnh tranh để tồn tại, sẽ tạo ra một trong hai, hoặc cả hai hệ quả:
(1) trường công sẽ trở nên thương mại hóa, sẽ làm bất cứ thứ gì mà thị trường đòi hỏi, nói nôm na là sẽ bán bất cứ thứ gì có thể bán được trên thị trường, để duy trì sự tồn tại của họ;
(2) họ phải năng động hơn, phải tính toán hiệu quả, phải đáp ứng những mong muốn của thị trường, phải không ngừng sáng tạo và đổi mới để cạnh tranh và phát triển trong dài hạn.
Vậy nên bao cấp hay không bao cấp?
Tuy bản chất dịch vụ của giáo dục ĐH và khía cạnh lợi ích tư của việc học ĐH ngày càng nổi trội, trường ĐH vẫn là một thứ lớn lao hơn, chứ không chỉ là một tổ chức dạy nghề.
Có những nhu cầu của xã hội và những mong đợi mà xã hội đặt ra cho các trường ĐH mà nếu tất cả được đặt lên bàn cân của thị trường, thì những nhu cầu và mong đợi đó sẽ khó lòng được đáp ứng và mất mát của xã hội sẽ rất đáng kể, bởi trường ĐH là nền tảng và cột trụ tinh thần của xã hội.
Nhưng việc đáp ứng những nhu cầu đó không nên được thực hiện bằng cách bao cấp vô điều kiện và cào bằng cho tất cả các trường. Có nhiều hình thức khác để đáp ứng những nhu cầu đó hiệu quả hơn.
Ví dụ các quỹ nghiên cứu quốc gia, là nơi tất cả các trường có thể cạnh tranh bình đẳng để nộp đơn xin tài trợ cho từng dự án; các quỹ học bổng để khích lệ người học và khích lệ những ngành học quan trọng; các quỹ không vì lợi nhuận như Quỹ Hoa Sen vừa thành lập cũng có thể góp phần thực hiện mục tiêu này.
Bằng cách đó, các trường sẽ buộc phải đổi mới, sáng tạo, thay đổi, lắng nghe và đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của xã hội.
0 Comments