200 NGÀN CỬ NHÂN THẤT NGHIỆP, TẠI AI?

Châu Phúc (2017)
Đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 6.01.2017 với tên ” 200 ngàn cử nhân thất nghiệp, tại anh, tại ả?”

Đây là một câu hỏi rất dễ gây tranh cãi. Những người đang làm việc trong ngành giáo dục, dĩ nhiên là rất khó chấp nhận một nhận định có tính chất phủ nhận sạch trơn kết quả công việc của họ như thế, chưa kể là những người đang được hưởng lợi trong thị trường giáo dục hiện nay.

Nhưng chúng ta đặt ra câu hỏi này không nhằm phủ nhận hay kết tội ai, mà nhằm tìm kiếm những nhận định khách quan khả dĩ giúp cải thiện tình hình. Vì mọi giải pháp hiệu quả đều phải dựa trên cơ sở hiểu đúng về nguyên nhân.

 LỖI CỦA AI?

GS.Trần Phương, hiệu trưởng Trường Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, một trường tư đang có 40 ngàn sinh viên theo học, phát biểu tại Hội thảo ngày 22.12.2016 tại Hà Nội, đã cho rằng tình trạng 200 ngàn cử nhân thất nghiệp không phải là lỗi của ngành giáo dục ở Việt Nam. GS. Phương cho rằng do hướng nghiệp chưa tốt khiến cung cầu chưa gặp nhau, ngành này thừa người nhưng ngành khác lại thiếu. Ông cũng cho rằng cử nhân thất nghiệp là tình trạng phổ biến trên thế giới, và dẫn chứng Trung Quốc đang có 7 triệu cử nhân thất nghiệp, mỗi năm lại có thêm 2 triệu người nữa bổ sung vào đội quân này.

Ông Đinh Ngọc Hiện, hiệu trưởng Trường ĐH tư thục Thành Tây cũng cho rằng đó là do nền kinh tế kém phát triển đã không hấp thụ được lực lượng lao động có bằng ĐH. Để minh chứng cho điều này, ông Hiện dẫn ra tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nhắm tới việc sử dụng lao động kỹ năng thấp giá rẻ.

Những luận điểm nêu trên có phần đúng, nhưng có lẽ chỉ phản ánh một phần bức tranh thực tế.

Trước hết, chúng ta cần xem xét tính xác đáng của những dữ liệu cơ bản và ý nghĩa của nó. Con số 202,3 ngàn cử nhân thất nghiệp là công bố của Bản tin thị trường lao động số 11 quý 3/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bản tin này được thực hiện với sự phối hợp của Tổng cục Thống kê, vì thế “thất nghiệp” trong báo cáo này được định nghĩa theo các chuẩn mực quốc tế, tuy chúng ta không biết rõ phương pháp thu thập cũng như xử lý dữ liệu nào đã dẫn đến kết quả nói trên.

Thế nào là thất nghiệp?

“Thất nghiệp” có thể được hiểu rất khác nhau theo định nghĩa của giới chuyên môn và cách hiểu thông thường của công chúng. Trong bài báo gần đây (Tháng 9/2016), Kimberly Amadeo nêu ra định nghĩa của Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ như sau: Người thất nghiệp là người không có công việc làm, đã và đang tích cực tìm kiếm công việc trong vòng bốn tuần vừa qua, và hiện sẵn sàng làm việc được ngay. Những người tạm thời nghỉ việc và chờ được gọi đi làm trở lại cũng nằm trong thống kê này. Lưu ý là những người trong vòng bốn tuần gần nhất không tìm kiếm việc làm sẽ không còn được tính là người thất nghiệp. Những người đó bị loại ra khỏi lực lượng lao động, cùng với người về hưu, đi học toàn thời gian, mất khả năng lao động.

 Vì thế nếu áp dụng định nghĩa này cho Việt Nam, tất có lắm vấn đề phải bàn. Lý do vì ngoại trừ những người có đăng ký và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lực lượng còn lại không có chỗ nào để đăng ký và cập nhật tình trạng thất nghiệp của họ. Việt Nam hiện cũng chưa có cách nào theo dõi những người này có tích cực đi tìm việc hay là không.

Theo ông Tite Habiyakare, chuyên gia về thống kê lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các tiêu chuẩn quốc tế về thất nghiệp đã thay đổi từ năm 2013 với một cách thức thống kê mới. Hệ thống mới nhằm cải thiện việc đo lường các loại hình việc làm khác nhau, thu hẹp khái niệm về việc làm để thể hiện tốt hơn những gì được coi là “việc làm theo định hướng thị trường” (market-oriented job), tức không tính những việc có tính chất tự nguyện, thiện nguyện hoặc tự sản xuất.

Theo định nghĩa này, những người thất nghiệp là những người trên 15 tuổi (không đang đi học toàn thời gian) không làm một công việc được trả lương hoặc tự kinh doanh để kiếm lợi nhuận trong khoảng thời gian ít nhất là 1 giờ trong vòng 7 ngày của giai đoạn khảo sát. Tổ chức này cũng cho biết, số liệu về thất nghiệp ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thu thập và xử lý qua các cuộc điều tra lao động việc làm định kỳ hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đó, tốt nghiệp ĐH, đi làm phục vụ nhà hàng, bán hàng rong, không gọi là thất nghiệp. Lao động tự do không ai trả lương, thu nhập khoán hoặc theo thời vụ, lúc có lúc không, không gọi là thất nghiệp. Làm những nghề không có chút liên quan nào tới chuyên môn được đào tạo, không phải là thất nghiệp. Ở nhà làm nội trợ cho chồng/vợ đi làm, đi học, không gọi là thất nghiệp. Không có việc trong vòng 1 tuần lễ có thể gọi là thất nghiệp.

Tuy chúng ta chưa biết rõ phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu của Tổng cục Thống kê, có thể tạm giả thiết là số liệu này phản ánh đúng một thực tế là nhiều cử nhân hiện nay ra trường không kiếm được việc làm, chưa nói tới việc có tương xứng với bằng cấp hay không. Cũng cần nhấn mạnh là trong số những người thất nghiệp, thì những người có bằng cử nhân chiếm tỉ lệ cao nhất, nhưng không có số liệu nào cho chúng ta biết, trong 200 ngàn cử nhân thất nghiệp, bao nhiêu phần trăm là những người vừa tốt nghiệp.

Nếu những số liệu này thực sự đúng, thì ý nghĩa của nó là gì? Khác với các nước phát triển có trợ cấp thất nghiệp đủ duy trì mức sống tối thiểu, cử nhân ra trường ở Việt Nam hầu hết không có thời gian làm việc trước đó để có thể nhận trợ cấp. Với những người đã ra trường lâu và đáp ứng đủ điều kiện nhận trợ cấp, thời gian được trợ cấp cũng chỉ vài tháng. Nền kinh tế Việt Nam hiện tại còn ở trình độ phát triển thấp, trong đó có rất nhiều loại lao động giản đơn và có tính thời vụ. Nếu chúng ta có đến 200 ngàn người có bằng cử nhân thà sống dựa vào người thân chứ không chịu làm dù chỉ một giờ những công việc giản đơn dễ kiếm để tạo ra thu nhập tự nuôi bản thân mình, thì điều này có nghĩa là nền giáo dục của chúng ta quả rất có vấn đề.

Vì sao?

Đã có một số nghiên cứu được thực hiện để tổng hợp ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng về chất lượng của sinh viên mới ra trường, như nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) “GDĐH và kỹ năng cho tăng trưởng” (2012) hoặc một nghiên cứu khác cũng do WB thực hiện năm 2014 “Báo cáo phát triển Việt Nam: Chuẩn bị lực lượng lao động cho kinh tế thị trường hiện đại”. Những nghiên cứu này phản ánh một thực trạng là có một khoảng cách tương đối lớn giữa những gì nhà trường dạy và những gì một người cần có cho cuộc đời lao động, đặc biệt là lao động kỹ năng cao. Điểm yếu nhất của sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam là tinh thần, thái độ làm việc tích cực, khả năng tự học hỏi, kỹ năng giao tiếp và truyền thông, nhất là kỹ năng làm việc nhóm.

Nhà trường chắc chắn phải chịu trách nhiệm chính trong những thiếu sót này. Tuy nhiên, sẽ là thiếu công bằng nếu nói rằng chỉ có các trường ĐH phải chịu trách nhiệm cho những thiếu sót đó. Lối học tập thụ động, được chăng hay chớ, học cốt lấy điểm và lấy bằng là hệ quả của 12 năm học phổ thông bị nhồi nhét áp đặt, và sâu xa hơn là hệ quả của một hệ thống dùng người không phải lúc nào cũng dựa trên năng lực và phẩm chất. Chính hệ thống đó đã triệt tiêu động lực học tập nghiêm túc của thế hệ trẻ, và tạo ra tâm lý chỉ cần có tấm bằng là đủ.

CÓ CHĂNG GIẢI PHÁP?

Cho rằng nền kinh tế kém phát triển chỉ cần lao động giản đơn mà không cần nhiều lao động trí tuệ, là một lý lẽ không đứng vững. Lý lẽ đó dựa trên một định kiến cho rằng các trường ĐH chỉ đào tạo ra những người làm thuê cho các công ty, doanh nghiệp. Nhìn vấn đề từ một góc cạnh khác, chúng ta sẽ thấy nếu các trường ĐH của chúng ta thực sự có chất lượng, họ sẽ đào tạo ra chủ yếu là những người làm chủ, chứ không chỉ làm thuê. Một người có kỹ năng chuyên môn tốt, có óc sáng tạo, có nền kiến thức rộng và vững chắc về xã hội, nếu không phải là người tạo ra những phát kiến khoa học kỹ thuật làm thay đổi tiến trình sản xuất dịch vụ, thì cũng là những nhà khởi nghiệp, hoặc những người lao động tự do ở trình độ cao mà bất cứ công ty nào cũng thèm muốn. Nói cách khác, những người ấy không chờ người khác thuê mướn mình, mà tự tạo ra việc làm cho mình và cho người khác. Họ không chỉ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, mà tạo ra nhu cầu mới, tạo ra thay đổi và phát triển cho kinh tế và xã hội. Nếu các trường đào tạo có chất lượng, thì chính sinh viên tốt nghiệp sẽ là những người đưa nền kinh tế cần nhiều lao động giản đơn bước sang nền kinh tế đòi hỏi chủ yếu là lao động kỹ năng cao.

Nói rằng hướng nghiệp kém khiến cung cầu không gặp nhau, cũng đúng mà chưa đủ. Chúng ta khó mà đòi hỏi nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc đưa ra dự đoán chính xác năm tới ngành nào sẽ cần bao nhiêu lao động, và ngành nào đã thừa người để cấm các trường không được đào tạo tiếp. Cách làm theo lối kế hoạch hóa đó đã được quá khứ chứng minh là không có hiệu quả, nhất là trong nền kinh tế thị trường và cách mạng công nghệ 4.0 khiến nó biến động hàng ngày hàng giờ hiện nay. Ngành học đang rất “nóng” hôm nay, ngày mai có thể biến mất với một ứng dụng công nghệ mới. I-banking có thể làm mất việc hàng triệu lao động trong ngành ngân hàng trên thế giới, một điều chỉ cách đây vài năm không ai hình dung tới. Không ai có thể dự đoán hết những thay đổi đó.

Trái lại, các trường phải làm quen với việc thay vì tự bó hẹp mình trong việc đào tạo một số kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, thì chú trọng hơn đến kỹ năng thích ứng với sự thay đổi để nâng cao khả năng sinh tồn cho người học. Xã hội phải làm quen với việc học ngành này ra làm ngành khác là điều hoàn toàn bình thường. Vấn đề là người ấy có làm được hay không, chứ không phải người ấy có bằng cấp gì. Tất nhiên chúng ta không kỳ vọng một sinh viên ngành sử tự học để thích ứng với kỹ nghệ sản xuất máy bay, hoặc trở thành bác sĩ đa khoa, nhưng có vô số ngành gần nhau và giao nhau, đòi hỏi kiến thức liên ngành và xuyên ngành, vì thế kiến thức tổng quát và khả năng làm việc chung với người khác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Vì thế, tuy không nhất thiết phải đổ lỗi cho các trường, chúng ta có thể nói rằng, trong tầm tay các trường có rất nhiều điều có thể làm để giảm thiểu con số cử nhân thất nghiệp. Thêm nữa, cũng không nên bỏ qua trách nhiệm của chính người học. Theo đuổi bậc ĐH là một cuộc đầu tư, cả về tiền bạc, thời gian, công sức, và cơ hội. Người học là nhân vật đầu tiên và cuối cùng phải chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn của họ. Nếu họ muốn có bằng ĐH mà không phải đổ mồ hôi học tập rèn luyện, thì thứ mà họ gặt hái được sẽ là một mảnh giấy vô dụng trong ngày tốt nghiệp. Và thị trường lao động, nơi kiểm nghiệm một cách khắc nghiệt giá trị của mỗi tấm bằng, sẽ sớm ban thưởng hoặc trừng phạt các trường theo kết quả sản phẩm mà họ tạo ra.