Quản lý chất lượng trong bối cảnh mở rộng tiếp cận đại học: Những thách thức trong chính sách hiện tại, vai trò của các trường tư, và sự tham gia của các trường có yếu tố nước ngoài
Phạm Thị Ly (2014)
Báo cáo trình bày tại Hội thảo
Expanding Tertiary Education Out and Up to Stimulate Economic and Social Development: An Emerging Research Agenda for Asia and the Pacific
Langkawi, Malaysia 13-14 November, 2014
Tóm tắt
Trong hai thập kỷ qua, nhờ chính sách mở cửa, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đã mở rộng hết sức ấn tượng về số người vào ĐH-CĐ và số trường được thành lập. Tuy nhiên, chất lượng của giáo dục sau trung học chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế và của nhu cầu phát triển xã hội. Lĩnh vực phát triển ấn tượng nhất là khu vực ngoài công lập, trong đó có sự tham gia của những trường có yếu tố quốc tế. Bài này cung cấp một bức tranh tổng quan về thực trạng hiện nay và những khó khăn trong vấn đề chính sách đối với khu vực tư và GDĐH có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Khu vực này đã đóng góp rất tích cực và đáng kể trong việc mở rộng tiếp cận ĐH, cũng như làm tăng tính đa dạng của các chương trình đào tạo, của môi trường học thuật, của các mức thu học phí, và của cả chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, xét về mặt quản lý chất lượng, đang có nhiều nút thắt về chính sách cần tháo gỡ để khu vực ngoài công lập phát triển hết tiềm năng của họ và phục vụ thích đáng cho nhu cầu xã hội.
Vài nét tổng quan về sự phát triển của hệ thống GDĐH Việt Nam giai đoạn 1993-2014
Một điều đã được công nhận rộng rãi là bước chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1986 đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của GDĐH ở Việt Nam. Nhu cầu về lực lượng lao động có kỹ năng cao trở nên hiển nhiên khi Việt Nam mở cửa ra thị trường toàn cầu. Từ năm 1993, Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển từ một hệ thống GDĐH tinh hoa sang hệ thống đại chúng, thông qua nhiều đổi mới quan trọng. Trong hai thập kỷ qua, tỉ lệ vào ĐH-CĐ đã tăng từ 5 phần trăm đến 25 phần trăm số người trong độ tuổi. Tổng số sinh viên đã tăng 13 lần từ 162 ngàn người năm 1993 đến 2.177. 299 người vào năm 2013. Tuy vậy, có xu hướng chậm dần từ năm 2011. Số người vào ĐH-CĐ trong các năm 2011, 2012 và 2013 gần tương tự, nhưng giảm mạnh 20-30% trong năm 2014[1].
Cùng lúc đó, số giảng viên chỉ tăng ba lần từ 30.309 năm 1999 lên đến 87.662 người vào năm 2013. Số giảng viên, nghiên cứu viên có bằng tiến sĩ chỉ tăng hai lần trong cùng thời kỳ, từ 4.378 đến 8.869 người, chiếm 10% trên tổng số giảng viên[2].
Tổng số trường ĐH-CĐ trong giai đoạn 1986 đến 2013 tăng từ 101 đến 421 trường[3], ấn tượng nhất là trong khu vực tư: trường ĐH ngoài công lập đầu tiên là ĐH Thăng Long thành lập năm 1993, đến năm 2014 tổng số trường ngoài công lập là 83 trong đó có 53 trường ĐH. Khu vực ngoài công lập hiện chiếm 19% tổng số trường và khoảng 14% tổng số sinh viên trong toàn hệ thống.
Hiện nay, các trường ĐH Việt Nam nếu phân nhóm theo đặc trưng sở hữu sẽ bao gồm hai nhóm là trường công lập và trường tư thục[4]. Cần lưu ý là Luật Giáo dục 2005 (Điều 13) và Nghị định 141/2013-NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật GDĐH (Điều 6&7) đã xác lập nền tảng pháp lý cho cả các trường tư do nước ngoài đầu tư và làm chủ sở hữu, thậm chí là trường tư nước ngoài không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, không có định nghĩa rõ ràng thế nào là vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận cho đến khi Nghị định 141 nói trên được ban hành vào tháng 10 năm 2013.
Phân nhóm theo đặc trưng loại hình, theo “đẳng cấp” và theo cơ quan quản lý, sẽ có (i) các trường trọng điểm, bao gồm hai ĐH Quốc gia do Chính phủ quản lý, lãnh đạo cao nhất là do Thủ tướng bổ nhiệm; ba ĐH vùng thuộc quyền quản lý của Bộ GDĐH và tạo thành bởi một nhóm các trường thành viên; và 16 trường ĐH trọng điểm trong các lĩnh vực sư phạm, y dược, nông lâm ngư nghiệp, và quân sự ở cả ba miền; (ii) các trường trực thuộc Bộ chuyên ngành hoặc các cơ quan chính phủ cấp trung ương; (iii) các trường địa phương trực thuộc chính quyền tỉnh và thành phố; (iv) các trường tư do các doanh nghiệp hoặc cá nhân thành lập và điều hành, chịu sự quản lý nhà nước của địa phương. Tất cả các trường trên đây đều chịu sự quản lý nhà nước về chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Từ “trực thuộc” trên đây có nghĩa là chịu sự quản lý về nhân sự lãnh đạo nhà trường và về tài chính (nếu có).
Có ba loại đặc biệt nữa liên quan đến sự tham gia của yếu tố nước ngoài: (i) các trường theo “mô hình mới” hay còn gọi là mô hình “ĐH xuất sắc” được thành lập trong khuôn khổ dự án cấp chính phủ giữa Việt Nam và một nước đối tác, dựa vào vốn vay quốc tế, chẳng hạn Đại học Việt Đức (VGU), ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội (USTH – hay thường gọi là ĐH Việt Pháp); (ii) các trường được thành lập do đầu tư trực tiếp của nước ngoài như Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT), hay British University Việt Nam (BUV); (iii) các trường ĐH tư không vì lợi nhuận do nước ngoài thành lập, vận hành và giữ quyền sở hữu, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, như Fulbright University Việt Nam, hay Việt Nam Tokyo University of Medicine, là những dự án vẫn đang trong quá trình làm thủ tục để thành lập trường.
Hiện trạng của các trường ngoài công lập và vấn đề chính sách
Vấn đề loại trường và đặc điểm
Daniel Levy (2010:14) chia các trường ĐH tư ở Đông Á thành ba loại: các trường tinh hoa, các trường có bản sắc tôn giáo hay căn cước văn hóa đặc biệt; và các trường “hấp thụ nhu cầu”. Việt Nam đã từng có trường tôn giáo trước năm 1975 ở miền Nam, ví dụ Đại học Vạn Hạnh (thành lập năm 1964, thuộc về Giáo hội Phận giáo Việt Nam); ĐH Minh Đức (thành lập năm 1972, thuộc Giáo hội Công giáo)[5], v.v. Các trường này chuyển thành trường công khi đất nước thống nhất năm 1975. Thực ra có thể nói các trường này đã bị đóng cửa và cơ sở vật chất của họ được dùng cho những trường công mới được thành lập, tiêu biểu như Đại học Vạn Hạnh ở Sàigòn đã được dùng làm cơ sở cho Trường Đại học Sư phạm TPHCM kể từ năm 1975 cho đến nay. Kể từ năm 1993 tức là từ khi trường tư được phép thành lập đến nay chưa có trường nào thuộc các tôn giáo hay có căn cước văn hóa riêng được cấp phép thành lập ở Việt Nam.
Hiện nay Việt nam có trường tư bán tinh hoa hay không là một câu hỏi khó trả lời. Daniel Levy (2010: 14) định nghĩa trường tư bán tinh hoa là những trường có chất lượng đào tạo và địa vị cao trong giới học thuật, có thuận lợi về mặt xã hội, học phí cao, phi chính trị và có tính chất quốc tế cũng như định hướng phương Tây. Các trường này thường tuyển vào khác chọn lọc, chú ý đầy đủ đến chất lượng giảng dạy, và được xem là một trong những trường hàng đầu của quốc gia. Nó cũng vận hành chủ yếu từ nguồn lực tư. Nếu không quá chú ý đến việc dán nhãn, có thể nói rằng một số trường tư Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt xa nhiều trường khác và trở thành khuôn mẫu cho cả trường công lẫn những trường tư khác về nhiều mặt, chẳng hạn trong khả năng đáp ứng nhanh nhạy với những thay đổi của môi trường và thị trường, xây dựng những quan hệ đối tác với khu vực doanh nghiệp, quản trị chuyên nghiệp trong đó đặc biệt nổi bật là văn hóa phục vụ và động lực tuyển chọn người tài. RMIT, Hoa Sen, Thăng Long, FPT có thể xem như một số ví dụ tiêu biểu.
Tuyệt đại đa số trường NCL Việt Nam là các trường thuộc loại hấp thụ nhu cầu, hình thành nhằm đáp ứng đòi hỏi về GDĐH trong bối cảnh nhà nước không đủ nguồn lực để thích nghi. Đặc điểm của phân khúc này, như Daniel Levy (2010: 14) đã nêu, có chất lượng và địa vị tương đối thấp, tập trung vào những ngành có nhiều người học và chi phí đào tạo thấp (như quản trị kinh doanh, IT, luật, v.v.), từ những trường “hằm bà lằng” (garage – từ của Daniel Levy) cho đến nhưng trường hấp thụ nhu cầu một cách nghiêm túc, hướng tới thị trường và đạt kết quả đáng khích lệ. Hầu hết các trường vì lợi nhuận là những trường hấp thụ nhu cầu, tuy một số ít có thể tiếp cận tới đẳng cấp bán tinh hoa.
Lịch sử phát triển của các trường NCL ở Việt Nam từ 1993 đến 2014
Từ năm 1987 Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều này đã tạo ra cơ sở cho việc xem xét lại vai trò của khu vực GDĐH NCL. Quyết định 240/TTg, ngày 24/5/1993 đã đem lại khung pháp lý cho việc xây dựng trường tư, tuy nhiên văn bản này chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế, vì lúc đó khái niệm “tư nhân” vẫn còn nhạy cảm và nhiều vị lãnh đạo vẫn còn đang miễn cưỡng cân nhắc (Lam Quang Thiep, 2009). Thoạt tiên, trường ĐH NCL đầu tiên đã được hình thành dưới mô hình trường dân lập. Trường ĐH dân lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, kinh tế xin thành lập và huy động sự đóng góp công sức, kinh phí và cơ sở vật chất ban đầu từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước. Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường (Điều 1, Quy chế ĐH dân lập ban hành năm 2000)[6]. Các tổ chức kinh tế- xã hội thành lập trường lúc đó được hiểu như các cơ quan nhà nước. Lúc đó trường tư như một tổ chức giáo dục do tư nhân thành lập vẫn chưa được phép thành lập. Từ “dân lập” được tạo ra để tránh thuật ngữ “tư thục” lúc đó chưa được chấp nhận, tuy vậy tổ chức đứng ra thành lập trường chỉ là việc trên hình thức.
Quy chế chính thức về Trường ĐH dân lập được ban hành năm 2000. Gần như cùng lúc, Quy chế trường bán công cũng ra đời. Trường bán công là trường do Nhà nước thành lập trên cơ sở tổ chức nhà nước phối hợp với các tổ chức khác thuộc mọi thành phần kinh tế hoặc với các cá nhân cùng đầu tư xây dựng bằng cách thành lập mới; hoặc chuyển toàn bộ hoặc một phần cơ sở vật chất từ trường công lập sang bán công (Điều 4, Quyết định 39/2001/QĐ-BGDĐT). Tiêu biểu cho trường hợp này là trường cao đẳng bán công Hoa Sen.
Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 tạo ra một bước ngoặt cho khu vực NCL khi hủy bỏ mô hình dân lập và bán công. Trường tư thục trở thành mô hình NCL duy nhất được công nhận. Quy chế hoạt động của trường tư thục ban hành theo Quyết định 14/2005/QĐ-TTg, ngày 17/01/2005, đã áp dụng các khái niệm “cổ phần”, “vốn góp”, “cổ đông”, “vốn điều lệ”, “đại hội cổ đông”, “hội đồng quản trị” vốn là thuật ngữ của doanh nghiệp. Ý nghĩa của điều này rất rõ ràng: trường ĐH tư được xem như một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Trường tư thuộc sở hữu cá nhân (Điều 35); tiền lãi được phép chia cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp (Điều 36), cổ đông được phép rút vốn, chuyển nhượng cổ phần, và trong trường hợp giải thể thì xử lý theo Luật Doanh nghiệp (Ly Pham, 2014b: 26).
Từ năm 2006, không còn trường dân lập hay bán công nào được thành lập mới. Trái lại, các trường dân lập, bán công đã thành lập trước đây phải làm thủ tục chuyển đổi sang loại hình công lập hoặc tư thục, theo nghị định 75 (năm 2006), Quyết định 122 (năm 2006), và Thông tư 20 (năm 2010). Thực chất, chuyển sang mô hình tư thục có nghĩa là chuyển từ sở hữu tập thể sang sở hữu cá nhân, một quá trình phức tạp gây ra tranh chấp nghiêm trọng ở nhiều trường. Bởi vậy cho đến nay, chỉ có 1 trường bán công và 4 trường dân lập đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi thành trường tư[7], dù rằng Quyết định 122 đã cho phép 19 trường dân lập chuyển thành tư thục.
Lịch sử phát triển trường tư ở Việt Nam có thể chia thành 2 giai đoạn, như Ly Pham & Minh Dam (2014:7) đã nêu: “Giai đoạn đầu, từ 1993 đến 2000, nở rộ những trường dân lập như Thăng Long, Đông Đô, Phương Đông, ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Hùng Vương hay Văn Lang. Những trường này do các nhà giáo uy tín, hoặc những người từng là hiệu trưởng trường công đứng ra thành lập, và đã mang lại một luồng gió mới cho không khí ngột ngạt tù đọng của trường công thời ấy”. Tuy nhiên, các trường này phát triển quá nóng, và những chỗ yếu về quản trị, cũng như nhu cầu tích lũy vốn nhanh để phát triển, đã dẫn tới chất lượng không thể kiểm soát khi tăng trưởng quá nóng về số lượng. Hệ quả là vụ Đông Đô xảy ra như một ví dụ tiêu biểu: lãnh đạo trường này phải ra tòa vì tuyển sinh vượt 2,5 lần so với chỉ tiêu được phép. Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc số lượng trường ĐH-CĐ trong năm 2001 giảm từ 30 xuống còn 23, khiến tỉ lệ trường tư trên tổng số trường giảm từ 17% xuống còn 12%.
Giai đoạn 2 được đánh dấu bằng sự công nhận hoàn toàn cương vị pháp lý của trường tư thục. Trong giai đoạn bùng nổ từ 2005 đến 2009, chỉ trong vòng 5 năm số trường tư tăng gấp đôi từ 35 đến 77. Giai đoạn này cũng được đánh dấu bằng việc giới đầu tư và doanh nghiệp bước vào thị trường GDĐH như RMIT, FPT, Nguyễn Tất Thành hay Hà Hoa Tiên. Những trường này được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và được quản lý một cách chuyên nghiệp. Tuy vậy, không phải trường nào cũng thành công (Ly Pham and Minh Dam, 2014:8), chẳng hạn Hà Hoa Tiên năm 2010 chỉ tuyển vào được 38 sinh viên[8].
Vấn đề chất lượng
Mặc dù các trường tư mọc ra như nấm trong hai thập kỷ qua, những trường thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dựa trên học phí, trường tư Việt Nam có thể chia thành bốn phân khúc dao động từ 20 triệu đến 600 triệu trọn khóa cấp bằng cử nhân, như sau: Phân khúc A (từ 170 triệu đến 300 triệu), có 5 trường trong đó hai trường được xem là thành công nhất là FPT và Hoa Sen. Phân khúc A+ (300 đến 600 triệu) thuộc về hai trường của nước ngoài là RMIT và BUV. Phân khúc B (từ 60 triệu đến 92 triệu) gồm 10 trường, là những trường thành công nhất do mức học phí phù hợp và thu hút được số đông sinh viên, như Thăng Long, Văn Lang, Duy Tân, Nguyễn Tất Thành. Phân khúc C (từ 32 đến 50 triệu) khoảng 20 trường, và phân khúc D (từ 20 đến 31 triệu) gồm 12 trường là những trường thu hút sinh viên bằng chiến lược giá thấp (Ly Pham and Minh Dam, 2014:8).
Sự phân hóa về học phí có thể cũng phản ánh phần nào sự phân hóa về chất lượng. Hoa Sen, Tân Tạo, FPT, UEF được biết như những trường có mức độ quốc tế hóa cao với sự hiện diện của giảng viên quốc tế, các chương trình hợp tác liên kết, cơ sở hạ tầng tốt; trong lúc có những trường vận hành trong những điều kiện hầu như không thể chấp nhận, như những trường toàn bộ đội ngũ giảng viên chỉ có 8 người[9], thậm chí không có cả hiệu trưởng hay không có cơ sở vật chất[10]. Có những trường số sinh viên chưa đầy 100. Thăng Long là một trường hợp đáng chú ý khi mức thu học phí khá thấp so với môi trường học tập và chất lượng dịch vụ mà nhà trường mang lại.
Hiện nay không có kết quả nghiên cứu nào đáng tin cậy về chất lượng các trường ĐH tư. Có những trường đã đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất và có những cải thiện đáng khích lệ như Thăng Long, Hoa Sen, FPT, Phương Đông, ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. Tân Tạo là một ngoại lệ khi cơ sở vật chất được chuẩn bị trong điều kiện tốt ngay từ khi mở trường. Duy Tân đạt được sự cải thiện ấn tượng trong việc trang bị phòng thí nghiệm và trang thiết bị giảng dạy. Tuy vậy, nhiều trường vẫn chưa có đất (Đông Đô, Văn Hiến, Hùng Vương, v.v) hoặc khó khăn trong việc giải tỏa mặt bằng (Đại Nam, Nguyễn Trãi, v.v.). Đến nay, vẫn còn 15 trong số 83 trường NCL chưa có cơ sở mà vẫn đang đi thuê mướn (báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội, 2010) (Lê Viết Khuyến, 2013: 433).
Một điều nổi bật là, số lượng tuyển sinh của các trường vượt xa năng lực đào tạo, xét về đội ngũ, trang thiết bị và điều kiện học tập. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên khá cao, chẳng hạn, ở ĐH Ngoại ngữ và Tin học là 47,3; ở Tây Đô là 44,2; và Hồng Bàng là 40,2. Hơn thế nữa, số lượng giảng viên cơ hữu thấp hơn nhiều so với số giảng viên hợp đồng, như ở Đông Đô, con số này là 53/375 (tài liệu đã dẫn, 2010).
Tiêu chuẩn đầu vào tương đối thấp. Điểm chuẩn đầu vào có thể là 13, 14 có khi chỉ 9 điểm cho ba môn thi, tức ngưỡng thấp nhất mà Bộ quy định từng năm. Bộ GDĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường nhưng đôi khi chỉ tiêu đó không hợp lý, chẳng hạn trong những năm 2006-2009 chỉ tiêu của Quang Trung tăng từ 700 đến 3000, Hùng Vương từ 1.000 đến 2.100. Tuy thế nhiều trường vẫn tuyển vượt mức quy định, như Phan Thiết năm 2009 đã vượt 91,73%.
Những thông tin trên đây mới chỉ phản ánh các tiêu chí đầu vào. Về chất lượng đầu ra, chúng ta rất thiếu các số liệu thực tế. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới World Bank (2014:3) cho biết hiện nay trên thị trường lao động các nhà tuyển dụng rất khó khăn mới tìm được đúng người cho nhu cầu của họ. Nhiều doanh nghiệp được phỏng vấn đã nói rằng tuyển người khó một phần vì lỗ hổng kiến thức kỹ năng của sinh viên ra trường, phần khác là vì khan hiếm người trong một số lĩnh vực chuyên môn nhất định. Theo bản báo cáo này, không giống các nước, Việt Nam không thiếu việc làm mà là thiếu người đáp ứng được nhu cầu của việc làm.
Vấn đề chính sách
Việt Nam duy trì một chính sách dường như khác thường đối với ĐH tư. Trong khi ở một số nước, các trường vì lợi nhuận không được phép hoạt động hay được phép một cách miễn cưỡng và thường bị phê phán, thì tất cả trường tư ở Việt Nam, cho đến nay đều là các trường vì lợi nhuận mặc định. Bước tiến gần đây nhất về mặt chính sách là nghị định 141/NĐ-CP ngày 12.2013, trong đó vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận được phân biệt chỉ bằng mức chia lợi tức.
Tuy vậy, chính sách hiện nay lại trộn lẫn những yêu cầu đối với trường không vì lợi nhuận và trường vì lợi nhuận, tạo ra nhiều điểm bất cập. Về sở hữu, cho đến nay cả hai loại trường đều thuộc sở hữu tư nhân, đều có cổ phần, cổ phiếu, cổ đông, chia lãi. Điều này phản ánh bản chất doanh nghiệp của nhà trường, là điều chỉ thích hợp với trường vì lợi nhuận mà không thích hợp với trường không vì lợi nhuận.
Về cơ chế ra quyết định, cả hai loại đều có Hội đồng Quản trị được bầu trong số cổ đông theo nguyên tắc bầu dồn phiếu, vốn chỉ thích hợp với các doanh nghiệp chứ không phải các trường không vì lợi nhuận. Tuy thế, luật pháp hiện hành lại đòi hỏi cả hai loại trường phải có một số thành viên đương nhiên trong Hội đồng Quản trị, là điều chỉ thích hợp với trường không vì lợi nhuận chứ không thích hợp với trường vì lợi nhuận.
Về việc sử dụng lợi nhuận, cả hai loại trường đều phải dành 25% lợi nhuận cho “tài sản chung không chia”, là điều chỉ thích hợp với trường không vì lợi nhuận. Điều duy nhất phân biệt hai loại trường là mức chia lợi nhuận: trường vì lợi nhuận không bị giới hạn, còn trường không vì lợi nhuận thì không vượt quá lãi suất trái phiếu. Trong thực tế, như Daniel Levy (2010: 53) đã nêu, “Nhiều trường tư vì lợi nhuận trên thế giới đang hoạt động dưới cái vỏ bọc pháp lý phi lợi nhuận. Nó vận hành vì lợi nhuận bằng cách dành toàn những vị trí trên đỉnh cho người nhà và trả một mức lương khủng khiếp, hoặc dùng những thủ thuật xảo trá để sở hữu và kiếm lợi từ cho thuê đất đai tài sản. Chừng nào không có chia lời chính thức cho chủ sở hữu hay các cổ đông thì nó vẫn có thể là phi lợi nhuận về mặt pháp lý. Đông Á có những trường tuy về pháp lý là phi lợi nhuận nhưng thực chất là vận hành vì lợi nhuận như thế hay không, và điều này phổ biến đến mức nào so với các khu vực khác, là điều rất khó biết”.
Khung pháp lý lẫn lộn như thế đã khiến quyền lực nằm trong tay người điều hành mà không có cơ chế giám sát. Kết quả là, đã xảy ra những tranh chấp nghiêm trọng giữa những người chủ sở hữu và những người nắm quyền điều hành, kể cả ở những trường đã từng được xem là thành công như Hoa Sen[11], một điều đã làm tổn thương đáng kể đến uy tín của họ.
Bởi vậy, dù Luật Giáo dục 2005 và Luật GDĐH 2012 bảo đảm sự phát triển của khu vực tư và có tính chất khích lệ mô hình vì lợi nhuận, nhiều trường tư đã không thể xây dựng được một tầm nhìn dài hạn và tập trung cho hoạt động chính yếu của mình. Có thể nói, khu vực tư trong GDĐH Việt Nam đã không đạt được tiềm năng của nó do những bất cập hiện tại và điều này đặt ra vấn đề về việc cải thiện chính sách nhằm tăng cường năng lực đáp ứng của nó.
Vai trò của các nhân tố quốc tế, các trường nước ngoài tại Việt Nam và các dự án ĐH của chính phủ với các đối tác quốc tế.
Cùng với chính sách mở cửa kinh tế của Việt Nam, quá trình quốc tế hóa trở thành một nhu cầu hiển nhiên không thể tránh khỏi của hệ thống GDĐH. Điều này đã diễn ra dưới nhiều hình thức: gửi sinh viên ra nước ngoài học tập và nghiên cứu, trao đổi giảng viên và sinh viên, giáo dục xuyên biên giới, các chương trình đào tạo liên kết, các cơ sở đào tạo nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, và sự thiết lập các trường ĐH theo mô hình ĐH xuất sắc với tư cách là các dự án của chính phủ Việt Nam với các đối tác quốc tế, dựa trên nguồn vốn vay quốc tế, như Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (thường được gọi là Việt Pháp) v.v. Phần này sẽ thảo luận về hai hình thức sau cùng, tức là đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào thị trường GDĐH Việt Nam và các dự án chính phủ.[12]
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong lĩnh vực GDĐH
Tính đến 2014, có hai cơ sở đào tạo của nước ngoài vận hành như một trường tư thục, một doanh nghiệp ở Việt Nam: một là đơn vị tổ chức tại nước ngoài của RMIT (Úc), tức Royal Melbourne Institute of Technology Việt Nam (RMIT) thành lập năm 2000, và một trường mới thành lập năm 2009: British University Việt Nam (BUV).
RMIT được xem là trường hợp thành công nhất trong tất cả các trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam cho đến nay, có phần là vì đó là trường nước ngoài đầu tiên mở ra ở Việt Nam và đã có quá trình hoạt động lâu dài. Vào lúc RMIT được thành lập, thậm chí còn chẳng có khung pháp lý cho phép thành lập trường tư do nước ngoài sở hữu ở Việt Nam. RMIT được cấp phép 50 năm chẳng phải bởi Bộ GDĐT mà là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường này có một mức độ tự chủ rất cao trong việc tuyển sinh, tài chính, nhân sự, quản trị và quản lý. Điều này trái ngược sâu sắc với mức độ tự chủ của các trường công Việt Nam, kể cả hai ĐH Quốc gia hiện nay đang được hưởng quyền tự chủ lớn hơn so với các trường khác. Điều này góp thêm vào sự mất cân bằng trong điều kiện cạnh tranh giữa các trường nước ngoài và trong nước (Hayden et al. 2012:36). RMIT là trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam các tiêu chuẩn học thuật và đào tạo tuân theo chuẩn mực của RMIT Australia, trong đó chương trình học và sự lựa chọn của sinh viên hầu như không bị can thiệp. Số lượng sinh viên của RMIT tăng dần từng năm, từ 37 trong năm đầu tiên lên đến 375 ngay năm tiếp theo và hiện nay hơn 5.500[13], một con số được xem là lớn nhất trong tất cả các cơ sở đào tạo ở nước ngoài trên khắp thế giới của RMIT (Pham Hanh Minh. 2014: 18). Học phí trung bình vào khoảng $USD 30,000 cho cả chương trình cử nhân. Nếu đo bằng thu nhập, thì RMIT có nguồn thu ngang với ba trường mạnh nhất của Việt Nam cộng lại (Ly Pham, Minh Dam, 2014: 7).
Hiện nay, RMIT đang đào tạo các ngành Kinh doanh (Kế toán, Kinh tế Tài chính, Kinh doanh Quốc tế, v.v.), Thương mại, Thiết kế, Truyền thông, Kỹ thuật, Công nghệ Thông tin, Tiếng Anh và Quản lý, v.v. Đó là những ngành học thực tế và đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp của người học. Hơn nữa, RMIT đã đem lại một cơ sở vật chất hiện đại ở Quận 7, được xây dựng với tổng vốn 20 triệu USD, và một môi trường học tập quốc tế cho sinh viên. Những năm về sau, RMIT đã bắt đầu chú trọng hơn đến hoạt động nghiên cứu khoa học và nhắm tới một vị trí vững chắc hơn trong cộng đồng học thuật địa phương, thông qua các hoạt động như hội thảo, sinh hoạt khoa học về phương pháp nghiên cứu. Hơn thế nữa, họ còn nhằm tới thu hút sinh viên của các nước trong khu vực, cũng như từ Úc đến giao lưu (Wetch, 2012: 208). Có thể nói rằng RMIT đã mang lại một bầu không khí mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam, đã tạo ra một sự khác biệt to lớn trong môi trường học tập cho sinh viên, mở rộng cơ hội lựa chọn cho một tầng lớp người Việt trung lưu muốn thụ hưởng một nền giáo dục có chất lượng và có đủ khả năng chi trả.
British University Việt Nam (BUV) được cấp phép hoạt động năm 2009, với tư cách một công ty 100% vốn nước ngoài. Cơ sở vật chất của BUV đang được xây dựng ở EcoPark, cách Hà Nội 10 kms, với tổng cốn đầu tư 40 triệu USD. Dù mới có văn phòng tạm ở Hà Nội, BUV đã tuyển sinh ngành Quản trị Kinh doanh, Tiếp thị, Tài chính và Kế toán từ năm 2010. Tuy vậy, số người học không mấy hứa hẹn. Khóa đầu tiên ra trường năm 2013 chỉ gồm có 20 sinh viên.
BUV không phải là một cơ sở đào tạo tại nước ngoài kiểu như RMIT, mà là một trường độc lập được thành lập mới hoàn toàn và có quan hệ đối tác với hai trường của Anh là University of London và Staffordshire. Là một trường non trẻ, BUV còn một con đường dài để đi, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh. RMIT ra đời trên một mảnh đất trống trong khi BUV phải cạnh tranh với những trường tương tự và đã rất thành công như RMIT; và quan trọng hơn là cạnh tranh với hàng trăm chương trình đào tạo liên kết quốc tế ở các trường ĐH. Tuy vậy, còn quá sớm để đánh giá về sự thành công của trường này.
Các dự án ĐH xuất sắc của chính phủ
Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam cũng đã nhận ra nhu cầu có những trường tinh hoa ở trên đỉnh hệ thống GDĐH và có vai trò dẫn đầu. Đã có nhiều sáng kiến nhằm xây dựng các trường “đẳng cấp quốc tế”, sau này gọi là các trường ĐH xuất sắc, hay ĐH kiểu mới. Đây là những dự án của chính phủ Việt Nam với các đối tác quốc tế, như Trường ĐH Việt Đức (VGU), ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội (USTH, hay Việt Pháp), và gần đây là Việt Nhật, Việt Anh. Trong số đó chỉ VGU và USTH là đã đi vào hoạt động.
VGU là một trường công của Việt Nam thành lập năm 2008 với sự hỗ trợ của chính phủ bang Hessen của Đức. Bộ Giáo dục Đức hỗ trợ không hoàn lại 6,7 triệu EUR trong thời gian 2008-2012; và Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Nghệ thuật bang Hessen (HMWK) cung cấp 1,5 triệu EUR mỗi năm thông qua việc gửi giảng viên và Hiệu trưởng đến làm việc cho VGU. Chính phủ Việt Nam cam kết một khoản đầu tư 180 triệu USD để xây dựng một cơ sở mới ở Bình Dương. Hội đồng Quản trị VGU bao gồm 20 thành viên một nửa là người Đức. Học phí được bao cấp đáng kể bởi hai chính phủ, nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập của người Việt. Học phí đào tạo thạc sĩ ngành kỹ thuật máy tính chẳng hạn, là 1200 USD một học kỳ. Bởi vậy tổng số sinh viên của VGU khá nhỏ. Trong năm đầu, VGU chỉ có 32 sinh viên. Năm sau, trường phải giảm yêu cầu tuyển sinh, nhưng cũng chỉ có 28 sinh viên vào học. Năm 2010, VGU chuyển sang mô hình tuyển sinh mới, dựa trên xét tuyển học bạ trung học [14]. Đến năm 2014, tổng số sinh viên của VGU chỉ là 527 người, sau 5 năm hoạt động và mới chỉ có 24 cử nhân và 40 thạc sĩ là đã tốt nghiệp.
USTH, cùng với VGU, được biết tới như là “ĐH kiểu mới” thành lập từ nguồn vốn vay quốc tế, thành lập tháng 12 năm 2009 dựa trên một thỏa thuận giữa hai chính phủ ngày 12.11.2009 giữa bà Valérie Pécresse, Bộ trưởng Bộ GD và NCKH Pháp với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GDĐT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân. Đối tác chiến lược phía Việt Nam là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Cơ sở vật chất của USTH đang được xây dựng trên diện tích 650 ha ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, với tổng vốn đầu tư 210 triệu đô la Mỹ. Nguồn tài chính cho hoạt động của USTH giai đoạn 2010-2020 bao gồm 100 triệu EUR của chính phủ Pháp và 210 triệu EUR phía Việt Nam, từ nguồn vốn vay quốc tế. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên hoạt động, năm 2010, USTH có kế hoạch tuyển sinh chỉ 30 sinh viên, với điểm đầu vào là 19. Họ đã không tuyển đủ số lượng dự kiến này, thậm chí khi hạ thấp chuẩn đầu vào còn 15 điểm, USTH chỉ tuyển được 30 sinh viên trong số 51 đơn xin học. Năm 2013, số sinh viên tuyển vào khoảng 100 [15]. Đến năm 2014, tổng số sinh viên của USTH chỉ là 400[16]. Học phí được bao cấp. Vấn đề tài chính cho hoạt động của USTH khi tài trợ của chính phủ Pháp kết thúc vào năm 2014 sẽ như thế nào, là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Hai trường ĐH khác cũng trong kế hoạch xây dựng ĐH xuất sắc của chính phủ giống như mô hình VGU và USTH là Đại học Việt Anh và Việt Nhật, hiện mới đang trong giai đoạn dự án được phê duyệt và chưa chính thức đi vào hoạt động. Dự án ĐH Việt Anh khởi động từ năm 2011. Hội đồng Anh giúp tìm nguồn tài chính từ các quỹ đầu tư quốc tế và của UK. Dự án này nhằm nâng cấp ĐH Đà Nẵng thành một trường ĐH kiểu mới. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn lực từ nhà nước khiến dự án chậm được triển khai. Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quốc tế thành lập từ tháng 10 năm 2014 là một điểm mốc trong quá trình thực hiện dự án, vì nó là một tổ chức khởi đầu được kỳ vọng là sẽ trở thành ĐH Việt Anh trong tương lai.
Trong lúc đó, Dự án Việt Nhật bắt đầu năm 2012, được chấp thuận năm 2014, với đối tác chính là ĐH Quốc gia Hà Nội, và sẽ được thành lập như là một trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tổng vốn đầu tư là 330 triệu đô la Mỹ, bao gồm 200 triệu USD từ vốn vay ODA, 100 triệu USD hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật và 30 triệu USD của chính phủ Việt Nam.
Gần đây nhất, và cũng là một hình thức mới nhất của các trường có nhân tố nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, là Fulbright Việt Nam University, một trường ĐH tư của nước ngoài không vì lợi nhuận, một dự án vừa được chấp thuận trong năm 2014. Fulbright Việt Nam University, được biết đến một cách không chính thức là Đại học Việt Mỹ, khác với các trường đã nêu trên đây về nhiều mặt. Nó được xây dựng trên cơ sở Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một hoạt động hợp tác giữa Harvard Kennedy School và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, với sự hỗ trợ của Chương trình Fulbright Việt Nam, với kinh phí khoảng 1- 1,2 triệu USD hàng năm. Mặc dù Fulbright Việt Nam University được sự hỗ trợ và khích lệ của cả hai chính phủ, không có nguồn tài chính công nào dành cho nó ở cả hai phía. Nó sẽ hoạt động trong khuôn khổ pháp lý như một trường tư nước ngoài không vì lợi nhuận, một loại chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam. Nguồn tài chính cho nó sẽ phải được tạo ra nhờ một chính sách thuận lợi bao gồm ưu đãi cho người hiến tặng, giảm thuế, v.v. Một Quỹ Tín thác có tên gọi Trust for University Innovation in Việt Nam đã được thành lập ở Mỹ nhằm tìm nguồn tài chính cho hoạt động của trường này. Cho đến nay, đây là hình thức hoàn toàn mới trong các loại trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam, và chúng ta cần thời gian để đánh giá sự hiệu quả của nó.
Theo sau mô hình mà Fulbright Việt Nam University đã vạch ra, Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam sẽ là trường thứ hai thuộc loại này. Dự án này được chấp thuận năm 2014, tổng vốn đầu tư 210 triệu USD đặt tại Hưng Yên, do một nhóm cá nhân ở Nhật đầu tư và hợp tác với Viện Nghiên cứu Y khoa Waseda, Nhật Bản.
Quản lý chất lượng trong bối cảnh mở rộng hệ thống
Dữ liệu trình bày trong các phần trên đã phản ánh bức tranh đa dạng của hệ thống GDĐH Việt Nam kể cả về chất lượng. Có thể nói rằng chỉ cách đây hơn một thập kỷ có rất ít người ở Việt Nam quen thuộc với những khái niệm như bảo đảm chất lượng, kiểm định hay xếp hạng, nhưng nay thì hầu như ai cũng nói về nó. Những ý tưởng và kinh nghiệm của hoạt động bảo đảm chất lượng ở Hoa Kỳ và phương Tây đã đóng góp to lớn và là nền tảng cho các cuộc thảo luận này. Năm 2004 có thể xem là một bước ngoặt trong việc phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng GDĐH ở Việt Nam khi nhiều văn bản chính sách về việc tăng cường chất lượng ra đời Nghị quyết 37–2004/QH11 của Quốc hội nêu rõ quản lý chất lượng phải là một nhiệm vụ trọng tâm; Chỉ thị 25/2004/CT-BGD&ĐT của Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thành lập đơn vị khảo thí và bảo đảm chất lượng; Quyết định 38/2004/QĐ-BGD&ĐT về Quy định Tạm thời về Tiêu chuẩn Kiểm định Chất lượng Đại học. Trong những năm từ 2005 đến 2007, hai mươi trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam, trong đó có hai trường tư đã được chọn để thí điểm đánh giá ngoài. Tuy kết quả đánh giá này chưa bao giờ được công bố, những thông tin thu thập được trong quá trình ấy đã mang lại nhiều gợi ý hữu ích để điều chỉnh chính sách, và Quy định chính thức về tiêu chuẩn kiểm định trường ĐH đã được ban hành tháng 11 năm 2007.
Tuy vậy, Quyen Do (2014) cho rằng hệ thống đảm bảo chất lượng (QA) của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn non trẻ. Không có sự tham gia của các tổ chức chuyên môn chẳng hạn như Hiệp hội Bảo đảm Chất lượng hay Hiệp hội các trường ĐH-CĐ, hoạt động bảo đảm chất lượng của Việt Nam vẫn là một quá trình có tính áp đặt từ trên xuống.
Lenn (2004:17) so sánh đặc điểm của hệ thống QA quốc gia của các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái lan, về mặt cơ quan thành lập và quản lý (nhà nước hay độc lập với nhà nước), loại hoạt động (kiểm định hay đánh giá), mức độ tham gia của quốc tế (có thẩm quyền quyết định hay chỉ tham gia đánh giá ngoài). Kết quả so sánh cho thấy cơ quan kiểm định của Việt Nam phụ thuộc cao độ vào nhà nước. Hiện đang có những nỗ lực nhằm đa dạng hóa các tổ chức kiểm định, chẳng hạn như hai Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục đã được thành lập ở hai ĐH Quốc gia trong tháng 2 năm 2014, hoạt động như một tổ chức cung cấp dịch vụ. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một tổ chức kiểm định tư nhân hay độc lập nào được thành lập.
“Ba Công khai”, một chính sách đòi hỏi các trường phải công bố trên trang web của nhà trường thông tin về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất và tài chính; được xem như một nỗ lực nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường. Tuy vậy, những thông tin được công bố ấy đáng tin cậy đến mức nào là điều chưa có cơ chế để kiểm chứng. Thế nhưng những dữ liệu như vậy cũng không phải lúc nào cũng có sẵn trên trang web của các trường. Hầu hết các trường đều đã có đơn vị bảo đảm chất lượng với chức năng tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về mọi vấn đề liên quan đến chất lượng. Tuy vậy trong thực tế hầu hết các đơn vị này vẫn đang tập trung vào việc “sản xuất” ra những bản báo cáo nhằm đáp ứng đòi hỏi của các bên, thay vì lẽ ra phải phân tích những dữ liệu ấy để giúp nhà trường cải thiện chất lượng hoạt động. Nói cách khác, các trường vẫn đang vận hành trong tâm thế đối phó, và xây dựng văn hóa tự cải thiện ở cấp trường là một nhu cầu khẩn thiết.
Kết luận
Hệ thống GDĐH Việt Nam đã mở rộng một cách ngoạn mục trong hai thập kỷ qua, và kết quả là số người tiếp cận với GDĐH đã được mở rộng với một mức độ và nhịp điệu chưa từng có trước đây. Duy trì chất lượng trong bối cảnh mở rộng ấy quả là một thách thức lớn. Sự đa dạng hóa của hệ thống nói chung (về hình thức sở hữu, về mức thu học phí, về mức độ quốc tế hóa, v.v.) đã góp phần quan trọng vào việc phân hóa chất lượng đào tạo của các trường. Trong những năm gần đây, tốc độ mở rộng đã chậm lại, những dấu hiệu báo động về tình trạng sinh viên thất nghiệp[17] và năng suất lao động thấp[18] đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ cho tất cả các trường ĐH về nhu cầu cải thiện chất lượng hoạt động.
Một hệ thống đảm bảo chất lượng lành mạnh là điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nhu cầu tạo ra động lực tự cải thiện, và văn hóa minh bạch trong trách nhiệm giải trình. Bản thân việc mở rộng GDĐH không nên là một mục đích tự thân, thay vào đó, mục đích của chúng ta nên là một lực lượng lao động được đào tạo tốt, có kỹ năng cao và có năng lực công dân để có thể đáp ứng đòi hỏi về phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Cảm tạ
Tác giả xin chân thành cảm ơn nhiều đồng nghiệp không thể kể hết tên đang làm việc như những người quản lý, nghiên cứu, và giảng dạy ở nhiều trường trong cả nước, vì những đóng góp của họ khi thảo luận với người viết. Cảm ơn GS. Lâm Quang Thiệp và TS. Lê Viết Khuyến đã chia sẻ thông tin. Đặc biệt cảm ơn GS. Martin Hayden, Trưởng Khoa Giáo dục, Trường ĐH Southern Cross University (Australia) và GS. Denise Cuthbert, Trưởng Khoa Sau ĐH, Trường ĐH RMIT (Australia) về những góp ý quý giá của họ cũng như về việc biên tập bản tiếng Anh của bài này.
REFERENCES
Do Thi Ngoc Quyen (2014).Recommendations on Establishing and Improving Quality Assurance System in Vietnamese Higher Education (In Vietnamese: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Đảm bảo Chất lượng và Kiểm định Chất lượng trong GDĐH Việt Nam – một số đề xuất). Paper presented at Việt Nam Education Dialogue in May, 2014.
D.F. Westerheijden et al. (2012). Accreditation in Vietnam’s Higher Education System. In Hayden M. et al.(2012). Reforming Higher Education in Việt Nam: Challengesand Priorities. Springer.
Le Viet Khuyen (2013). Non-public Higher Education System in Việt Nam (In Việt Namese: He thong Giao duc Dai hoc Ngoai cong lap o Việt Nam), (pp. 423-444). In Vietnamese Higher Education, The Issues of Quality and Management ( In Việt Namese: Giao duc Dai hoc Việt Nam: Nhung van de chat luong va quan ly). Nguyen Thi My Loc, Nguyen Huu Chau edited. Việt Nam National University Ha Noi Press.
Lam Quang Thiep (2009). The development of Private Higher Education Sector in Việt Nam and China. Paper presented at Conference on Comparative Education in Việt Nam 2008, Ho Chi Minh City University of Education.
Lam Quang Thiep (2013). The Quality of Non-Regular Training Programs in Higher Education System in Việt Nam (In Vietnamese: Chat luong cua he thong dao tao khong chinh quy cua giao duc dai hoc o Việt Nam), (pp. 259-282). In Vietnamese Higher Education, The Issues of Quality and Management ( In Việt Namese: Giao duc Dai hoc Việt Nam: Nhung van de chat luong va quan ly). Nguyen Thi My Loc, Nguyen Huu Chau edited. Việt Nam National University Ha Noi Press.
Lenn, M. P. (2004). Strengthening World Bank support for quality assurance and accreditation in higher education in East Asia and the Pacific. World Bank Working Paper Series on Quality Assurance and Accreditation in Higher Education in East Asia and the Pacific, (2004-6).
Ly Pham and Minh Dam (2014). Việt Namese non public universities: Policy uncorking needed. (In Vietnamese: GDDH ngoai cong lap o Việt Nam, nhung nut that can thao go).Tuoi Tre Cuoi Tuan dated 10.08.2014. pp. 6-8).
Ly Pham (2014 a). Preventing pseu-do not-for-profit schools.(In Vietnamese: Can ngan chan phi loi nhuan gia hieu). Nguoi Lao Dong dated Sept 14, 2014.
Ly Pham (2014 b). Non-public universities, why do a mess? (In Vietnamese: Dai hoc ngoai cong lap, vi sao roi ren?). Tuoi Tre Cuoi Tuan dated 23.02.2014. pp.26-27).
National Asembly ReportNo 329/BC-UBTVQH12 dated May 26, 2010 on Supervision Findings about Policy Implementation on Establishing HEIs, Investment and Quality Assurance In Higher Education Sector” (In Vietnamese: Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” của ủy ban thường vụ quốc hội trình quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (26/5/2010)
Pham Hanh Minh (2014). Higher Education with Foreign Elements in Việt Nam (In Vietnamese: Giao duc Dai hoc co yeu to nuoc ngoai tai Việt Nam). Paper presented at Việt Nam Higher Education Dialogue 2014.
The World Bank (2014) Việt Nam Development Report. Skilling up Việt Nam: Preparing the workforce for a modern market economy. The World Bank.
[1] Dữ liệu theo thống kê của Bộ GDĐT.
[2] Lưu ý rằng số lượng giảng viên năm 2011 chỉ là 74.573, nghĩa là tăng15,3% trong vòng hai năm.
[3] Nguồn: MOET. Dữ liệu này không bao gồm các trường thuộc về Quân đội và An ninh. Một nguồn khác là Đề án Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở GDĐH do Bộ Tài chính chủ trì đưa ra con số các trường ĐH vào năm 2014 là 445 trường.
[4] Trước khi Nghị định 75/2006/NĐ-CP, ngày 2/8/2006 ban hành, có hai mô hình ngoài công lập khác nữa là trường dân lập và trường bán công. Xem thêm trong phần sau.
[5]Một số ví dụ khác có thể kể là ĐH Phương Nam, thành lập năm 1967, đặt tại Saigon, cũng thuộc Giáo hội Phật giáo; ĐH An Giang thành lập năm 1970 đặt tại Long Xuyên, thuộc về Giáo hội Hòa Hảo; ĐH Cao Đài, thành lập năm 1971 tại Tây Ninh, thuộc Giáo hội Cao Đài.
[6] Lưu ý rằng định nghĩa về trường dân lập đã thay đổi trong Luật Giáo dục 2005.
[7] Đó là các trường: HoaSen, Hồng Bàng, Hùng Vương, Thăng Long và ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH).
[8] http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Dai-hoc-Ha-Hoa-Tien-Lien-tuc-thay-Hieu-truong-post18056.gd truy cập ngày 1.11.2014.
[9]http://plo.vn/tot-nghiep-tuyen-sinh/mot-truong-dh-chi-co-8-giang-vien-496839.html
[10]http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131122/truong-dai-hoc-nhung-khong-co-truong-khong-hieu-truong.aspx
[11] Vào ngày 2.08.2014, cổ đông Hoa Sen tổ chức đại hội bất thường nhằm bãi miễn Hội Đồng Quản Trị hiện thời và bầu ra Hội Đồng Quản Trị mới, gây ra tranh chấp nghiêm trọng giữa những người chủ sở hữu và người điều hành nhà trường.
[12]Về những hình thức quốc tế hóa khác, xem thêm: Ly Pham (forthcoming): Carol Camp Yeakey, Series Editor, “Higher Education Access and Inclusion: Transnational Lessons for Research, Policy, and Practice.” Emerald Group Publishing.
[13] Theo Phạm Hạnh Minh, số sinh viên hiện nay (2014) của RMIT là trên 6.000, nhưng một viên chức thẩm quyền của nhà trường cho biết con số chính xác là 5.500.
[14]Nguồn: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/truong-dai-hoc-mo-hinh-xuat-sac-kho-tuyen-sinh-619369.tpo
[15]http://zung.zetamu.net/2013/02/usth-va-v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-d%E1%BA%A7u-tien/
[16] Nguồn: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/truong-dai-hoc-mo-hinh-xuat-sac-kho-tuyen-sinh-619369.tpo
[17] Thống kê tháng 10.2013 cho thấy Việt Nam có 165.000 cử nhân thất nghiệp, chiếm 17% tổng số người không có việc làm. Nguồn: http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20130711163808113
[18] Theo Global Wage Report 2012-2013 của The International Labour Organisation, năng suất lao động của người Việt Nam thấp nhất trong vùng, chỉ bằng 1/15 so với người Singapore. Nguồn: http://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—dgreports/—dcomm/—publ/documents/publication/wcms_194843.pdf
0 Comments