GIÁO DỤC MỘT NĂM NHÌN LẠI
Phạm Thị Ly (2016)
Bài đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 25.12.2016
Năm 2016 có những sự kiện gì nổi bật trong giáo dục, và những sự kiện ấy nói lên điều gì?
Xu hướng vào ĐH thay đổi
Hiện tượng nổi bật nhất trong năm qua là số thí sinh nộp đơn vào ĐH đã thấp hơn tổng số chỉ tiêu ở tất cả các trường. Chỉ trừ một số trường top vẫn tuyển đủ chỉ tiêu, hầu hết các trường công cũng như tư, đều rất khó khăn trong việc tuyển sinh, nhiều trường phải tuyển đến lần 2, lần 3 vẫn chưa đủ. Không ít trường chỉ tuyển được một phần ba so với dự kiến.
Tổng số thí sinh dự tuyển ĐH-CĐ năm nay là 887.396 người, giảm 12% so với năm ngoái. Tỉ lệ học sinh lớp 12 dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ chỉ ở mức xấp xỉ 60% tổng số thí sinh đăng ký thi. Những tỉnh có tỉ lệ học sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT hầu hết đều là những tỉnh có địa bàn trải rộng và ở các vùng miền núi, biên giới, hệ thống giao thông còn khó khăn.
Vì sao? Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tăng dân số giai đoạn 2009 – 2014 là 1,3%/năm và giai đoạn 2014 – 2019 là 1,2%/năm. Tỷ lệ sinh giai đoạn 2009 – 2014 là 1,67%/năm và giai đoạn 2014 – 2019 là 1,55%. Trong khi đó, cùng thời kỳ này, số học sinh lại giảm từ 15.800.302 xuống còn 14.747.926, tức giảm tới 6,7%, ngược chiều với đà tăng dân số.
Điều này có ý nghĩa gì? Nếu số học sinh giảm theo mức giảm dân số trong độ tuổi, thì không đáng ngại. Nhưng chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng ngược lại: dân số vẫn tăng xấp xỉ 1,5%, nhưng học sinh phổ thông giảm 6,7%, và số người nộp đơn vào ĐH còn giảm mạnh hơn nữa: 12%. Số người nộp đơn vào ĐH giảm có phần là vì việc xét tuyển vào ĐH, CĐ dựa trên học bạ THPT bắt đầu tác động đến xu hướng thi của thí sinh; hiện có hơn 200 trường ĐH, CĐ có xét tuyển dựa trên học bạ THPT bên cạnh kết quả thi THPT quốc gia. Mặc dù vậy, hiện tượng cạn nguồn tuyển vẫn có thật, cho dù tỉ lệ người học ĐH-CĐ ở Việt Nam trong tổng số dân thuộc độ tuổi mới chỉ là 25%, rất thấp so với các nước.
Trong lúc đó, con số học sinh du học các nước không ngừng tăng, đến nay đã có khoảng 130 ngàn du học sinh Việt Nam hiện đang ở các nước, tức khoảng xấp xỉ 9-10% tổng số sinh viên ĐH trong cả nước. Điều này cho thấy một dấu hiệu báo động: bộ phận dân cư có tiền đã cho con đi du học; những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn đã không còn nghĩ đến ĐH như một cánh cửa thay đổi cuộc đời như xưa nữa; nhu cầu có bằng để thăng chức vẫn còn nhưng có thể sẽ bão hòa.
Có hai ý nghĩa có thể rút ra từ những con số trên đây: một là, các trường ĐH đang mất thị phần cấp cao của mình vào tay các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục dày dạn kinh nghiệm quốc tế, nhưng không chỉ thế, mà còn tiếp tục mất dần thị phần phân khúc bậc trung và bậc thấp, do lòng tin của xã hội với tấm bằng ĐH đã giảm mạnh. Hệ quả là, nếu chúng ta không kịp thời cải cách và thay đổi hiện trạng, chỉ trong vòng một thập niên nữa, Việt Nam có thể sẽ thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động có kỹ năng cao.
Hai là, điều này đặt ra một thách thức, một đòi hỏi mạnh mẽ đối với các trường về việc cải thiện chương trình và chất lượng đào tạo. Cần nhìn những đòi hỏi này, cũng như những ý kiến phê phán về hiệu quả và tính thiết yếu của GD ĐH trong một bức tranh chung, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhưng nó là một nhu cầu đặc biệt bức bách ở Việt Nam, và nó là một bài toán hầu như không thể giải được nếu tách rời vấn đề quản trị.
Vấn đề tự chủ ĐH
Mặc dù vấn đề này đã được đề cập từ lâu, và cũng đã đạt được nhiều tiến bộ qua thời gian, nhưng trong năm qua, nó trở thành nổi bật là vì nó gắn với vấn đề tài chính. Đến nay đã có 15 trường ĐH được giao quyền tự chủ, hiểu theo nghĩa được tự xác định mức thu, và tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.
Có hai vấn đề trong việc giao quyền tự chủ: Một là, một số trường công ngần ngại không muốn chuyển sang tự chủ, vì không tự tin là họ có thể bơi được trong kinh tế thị trường khi cắt bầu sữa ngân sách. Điều này cũng là một minh chứng cho thấy chỗ yếu trong năng lực lãnh đạo của các trường. Hai là, việc giao quyền tự chủ cho trường công đặt ra một nhu cầu bức bách về việc xử lý vấn đề trách nhiệm giải trình, tức là cơ chế Hội đồng Trường (HĐT). Hiện nay ai cũng thấy HĐT không có thực quyền, chỉ là vật trang trí. Nếu không giải quyết được vấn đề HĐT, thì việc giao tự chủ cho các trường sẽ có thể dẫn tới tư nhân hóa trường công và không ai kiểm soát được.
Bạo lực học đường
Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối vài năm gần đây, năm qua dường như không giảm, mà mức độ tàn nhẫn có vẻ ngày càng tăng. Mức độ nghiêm trọng của nó đã đến hồi báo động không chỉ vì bản thân hành động bạo lực đang trở thành phổ biến, mà còn vì hình ảnh các bạn học đứng ngoài cổ vũ reo hò đã nói lên một sự lệch lạc trầm trọng trong nhân cách. Thêm vào đó, dòng trạng thái “nếu đủ 1000 likes sẽ đốt trường” của một nữ sinh, chỉ sau vài ngày đã thu hút vài chục ngàn likes và việc đốt trường thực sự đã xảy ra. Và đó không phải là hiện tượng cá biệt. Một thanh niên tuyên bố đủ 40 ngàn likes sẽ tẩm xăng tự thiêu, chỉ trong vòng một ngày đã có hơn 100 ngàn likes. Cái đáng ngại không phải là những người tuyên bố như vậy, mà là cái đám đông đã bấm like. Nó nói lên một khoảng trống về giá trị trong thanh thiếu niên, mà ngành giáo dục không thể nào bỏ qua không tìm cách giải quyết.
Giáo dục phổ thông, câu chuyện VNEN, Thông tư 30 và Thông tư 22
Nếu như năm 2015 ồn ào câu chuyện tích hợp môn Sử, thì năm 2016 khá yên ắng với việc cải cách giáo dục phổ thông. Tuy vậy câu chuyện VNEN và Thông tư 30 & Thông tư 22 để lại nhiều điều rất đáng suy nghĩ.
VNEN là tên gọi tắt của mô hình trường học mới, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông được khởi nguồn từ Columbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới cách thức tổ chức lớp học, theo đó “Hội đồng tự quản học sinh” được bầu sẽ giúp rèn luyện kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Sau ba năm thử nghiệm, có những nơi đạt thành quả tốt, nhưng cũng có nơi, giáo viên và phụ huynh phản ứng quyết liệt. Các ý kiến đều cho rằng mô hình này còn quá mới, học sinh chưa thể tiếp thu được các nội dung và phương thức giảng dạy mới. Thêm vào đó, giáo viên ngại thay đổi, phụ huynh không hiểu ý nghĩa của những phương pháp sư phạm quá khác biệt so với lối dạy truyền thống, cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng. Nhiều phụ huynh ở Hà Tĩnh, Vũng tàu, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa đã đến trường để phản ứng, vì cho rằng con em họ không tiếp thu được chương trình. Phụ huynh đề nghị tạm dừng mô hình trường học mới, tiếp tục sử dụng phương thức dạy học truyền thống để học sinh dễ tiếp thu hơn.
Cuối cùng, Bộ phải đưa ra hướng dẫn khuyến khích nhưng không bắt buộc các trường áp dụng mô hình này.
Tương tự, Thông tư 30/2014-BGD ĐT hướng dẫn bỏ chấm điểm trong việc đánh giá học sinh tiểu học đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giáo viên và cả phụ huynh, đến nỗi sau đó Bộ phải ban hành Thông tư 22 để sửa đổi, thực chất là quay lại cách chấm điểm như cũ.
Thông tư 30 yêu cầu giáo viên dùng nhận xét thay cho việc chấm điểm học sinh thực sự là một sự đổi mới, một bước tiến bộ đáng ghi nhận, giúp giảm bớt được áp lực điểm số, thành tích. Quan trọng hơn, cách đánh giá này giúp nhìn nhận học sinh một cách toàn diện từ nhiều mặt hoạt động khác nhau; nhờ đó giúp quá trình học tập được cải thiện và trở thành toàn diện hơn. Thế nhưng, giáo viên than thở rằng điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo; số học sinh trên lớp quá đông; lương bổng thì thấp mà lượng sổ sách phải ghi chép lại quá nhiều.
Hai câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy, Bộ GD-ĐT đang nỗ lực có những cải cách đúng hướng, rất tiếc là đã không duy trì được trước sức ỳ của thực tế. Nó cũng cho chúng ta thấy rõ đưa cái mới vào thực tiễn giáo dục là khó khăn như thế nào. Những lý lẽ để phản bác việc áp dụng VNEN hay thông tư 30 đều không căn cứ lợi ích của học sinh, mà chỉ dựa trên sức ỳ tư duy của giáo viên và phụ huynh, cho rằng đi học thì phải ghi nhớ được kiến thức gì đó càng nhiều càng tốt; và dựa trên lợi ích của giáo viên thay vì dựa trên kết quả giáo dục sau cùng của học sinh.
Vì thế, nó cho chúng ta một bài học về việc mọi bước đi đổi mới đều cần sự chuẩn bị chu đáo như thế nào và đặc biệt là cần truyền thông tới tất cả các bên liên quan. Không chỉ giáo viên, mà cả phụ huynh cũng cần được cung cấp thông tin để hiểu rõ ý nghĩa của mỗi sáng kiến đổi mới. Thiếu sự hợp tác của phụ huynh, mọi thay đổi ở giáo dục phổ thông đều sẽ rất khó khăn. Thêm nữa, động lực của giáo viên cũng là yếu tố không thể bỏ qua.
0 Comments