Phạm Thị Ly (2014)
Bài đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 2 năm 2014 tr.58-60

 Việc tranh chấp về quyền lãnh đạo ở Đại học (ĐH) Hùng Vương diễn ra gần đây đã để lại nỗi đau lớn cho các em sinh viên trường này, và quan trọng hơn là gây tổn thất nghiêm trọng cho uy tín của các trường ĐH ngoài công lập (NCL); nhìn xa hơn là tạo ra khó khăn cho việc phát triển cả hệ thống, bởi vì xu hướng tương lai sẽ phải là mở rộng GDĐH NCL nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với những vụ việc tranh chấp đã diễn ra trước đây ở các trường NCL khác hoặc ngấm ngầm hoặc công khai, vụ việc này cho thấy những khoảng trống về mặt chính sách cần được nghiên cứu để giải quyết.

Nhìn lại quá trình

Luật GDĐH vừa ban hành đã tiến một bước dài khi thừa nhận sự phân biệt giữa trường ĐH tư vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Khoản 7 Điều 4 định nghĩa “Cơ sở GDĐH tư thục hoặc có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở GDĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.”. Khoản 3 Điều 11 nêu ra hành lang chính sách ưu tiên cho loại hình trường không vì lợi nhuận: “Ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; cấm lợi dụng các hoạt động GDĐH vì mục đích vụ lợi”.

Có thể xem đây là một bước tiến về mặt tư duy, quan điểm, nếu ta so sánh với những văn bản trước đó như Quy chế Tổ chức và Hoạt động Trường ĐH tư thục ban hành năm 2005, trong đó thể hiện rõ quan điểm xem trường ĐH tư hoàn toàn là doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận: Khoản 1 Điều 15 quy định “Đại hội đồng cổ đông gồm các cổ đông có vốn góp có quyền biểu quyết”, tức là cơ cấu quyền lực theo nguyên tắc đối vốn. Nói cách khác, người nào có vốn góp lớn sẽ có tiếng nói quyết định.

Từ văn bản luật đến thực tế

Luật GDĐH mặc dù đã thừa nhận sự phân biệt giữa trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, cũng như đã nêu rõ định nghĩa, nhưng định nghĩa này chỉ nêu khía cạnh lợi nhuận mà bỏ qua một vấn đề căn bản hơn nhiều, đó là vấn đề sở hữu và quyền lực. Lợi nhuận chỉ là hệ quả của sở hữu và quyền lực. Những mâu thuẫn ở các trường ĐH tư trong thời gian qua, trong đó có ĐH Hùng Vương, xuất phát từ khoảng trống này.

Hầu hết các trường ĐH tư hiện nay đã được thành lập trong giai đoạn cuối thập kỷ 1990-2000, và khởi đầu đều là các trường ĐH dân lập, do lúc đó chưa có quy chế ĐH tư. ĐH dân lập ở thời điểm đó về bản chất là sở hữu tập thể, do một số người đứng ra góp vốn thành lập dưới danh nghĩa một tổ chức nhà nước. Số vốn góp vào thời đó cũng không phải là lớn lắm. Trải qua thời gian, các trường tích lũy dần từ nguồn thu học phí, trở thành lớn như ngày nay, trong đó có nguồn tiền từ nhiều thế hệ sinh viên cũng như công sức đóng góp của nhiều thế hệ thầy cô giáo và cán bộ quản lý của nhà trường. Khi Bộ GD-ĐT chủ trương chuyển tất cả các trường ĐH dân lập sang tư thục, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh chính là do từ sở hữu tập thể chuyển thành sở hữu cá nhân. Tranh giành lợi ích trở thành không thể tránh khỏi.

Trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, các trường ĐH tư không thể không hoạt động như một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Luật GDĐH đã ban hành, nhưng chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành để xác định cương vị vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận của các trường. Các chính sách ưu tiên cũng chưa có gì cụ thể. Hiện nay thì Quy chế Tổ chức Hoạt động của trường ĐH tư ban hành năm 2005 và sửa đổi năm 2009 vẫn đang có hiệu lực. Sắp tới nếu nhà nước không tháo gỡ về mặt chính sách với các trường ĐH tư, thì những tranh chấp kiểu như ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Hiến, sẽ còn tiếp tục.

Khoảng trống về chính sách

Có hai vấn đề cần nêu về mặt chính sách. Một là tính chất sở hữu của trường NCL và kèm theo đó là cơ cấu quyền lực. Hai là vấn đề tài sản trí tuệ trong việc định vốn góp ở các trường NCL.

Vấn đề sở hữu và cơ cấu quyền lực

Để hệ thống NCL có thể phát triển lành mạnh, điều quan trọng cần có là một quan điểm đúng đắn đối với trường ĐH NCL, với tư cách một tổ chức đặc biệt không chỉ là một cơ sở cung ứng dịch vụ đào tạo cho thị trường, mà còn có đóng góp cho những mục tiêu phát triển dài hạn của xã hội. Để có thể đóng góp cho những mục tiêu dài hạn ấy, các trường ĐH NCL không thể hoạt động đơn thuần giống như các doanh nghiệp; bởi vì các doanh nghiệp chỉ có một mục tiêu là cung cấp sản phẩm dịch vụ và tìm kiếm lợi nhuận, trong lúc một trường ĐH thực sự thì không thể chỉ nhằm vào lợi ích vật chất, ngắn hạn, trước mắt của một nhóm người là chủ đầu tư; mà còn nhằm vào những mục tiêu dài hạn của cộng đồng. Một trường ĐH, bất kể là công hay tư, được trân trọng như một tài sản tinh thần vô giá của xã hội, là vì nó không chỉ có những cam kết với hiện tại, mà còn có những nghĩa vụ với quá khứ và tương lai. Để thực hiện được sứ mạng đó, tiếng nói của giới chuyên môn, của các nhà khoa học và hoạt động giáo dục, của những người đại diện cho lợi ích công của xã hội, phải được coi trọng.

Bởi vậy, sự phân biệt giữa ĐH NCL vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận không thể chỉ dựa trên tiêu chí chia hay không chia hoặc chia đến mức độ nào lợi nhuận tạo ra trong quá trình hoạt động; vì sử dụng lợi nhuận chỉ là hệ quả của cơ cấu quyền lực và tính chất sở hữu.

Khung pháp lý phân biệt cho hai loại trường tư vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận vì vậy cần dựa trên ba tiêu chí quan trọng: tính chất sở hữu, cơ cấu quyền lực, và phương thức sử dụng lợi nhuận.

Tiêu chí Trường NCL vì lợi nhuận= Trường tư Trường NCL không vì lợi nhuận= Trường dân lập Trường công
1 Tính chất sở hữu Sở hữu cá nhân/ tập thể

Cổ phần của trường tư vì lợi nhuận là thuộc sở hữu tư nhân, có thể chuyển nhượng hay thừa kế.

 

Sở hữu cộng đồng

Vốn góp là hiến tặng. Không có cổ phần, không có cổ tức, không có sở hữu chủ tư nhân và do vậy, tất nhiên không có chuyển nhượng hay thừa kế

Sở hữu nhà nước

Do nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng và vận hành theo các nguyên tắc của tài chính công. Tài sản của trường là tài sản nhà nước.

2 Cơ cấu quyền lực Hội đồng Quản trị nắm quyền quyết định.

(Hội đồng quản trị này do đại hội cổ đông bầu ra theo nguyên tắc đối vốn. Chủ tịch HĐQT do thành viên bầu chọn).

Hội Đồng Trường nắm quyền quyết định.

(Hội đồng trường này bao gồm đại diện của tất cả các nhóm cộng đồng xã hội có lợi ích liên quan với nhà trường, bao gồm nhiều thành phần: đại diện nhà nước, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, chính trị gia, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý, giảng viên và sinh viên. Chủ tịch HĐT do thành viên bầu chọn).

Hội Đồng Trường nắm quyền quyết định.

(Hội đồng trường này bao gồm đại diện của tất cả các nhóm cộng đồng xã hội có lợi ích liên quan với nhà trường, trong đó đại diện của nhà nước sẽ nắm vai trò chủ tịch HĐT và do nhà nước bổ nhiệm).

3 Phương thức sử dụng lợi nhuận Cổ đông được chia lãi theo tỉ lệ vốn góp Lợi nhuận được tái đầu tư cho nhà trường Lợi nhuận được tái đầu tư cho nhà trường

Luật GDĐH khi phân biệt trường NCL vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận mới chỉ đề cập đến tiêu chí thứ ba mà chưa đề cập đến tiêu chí thứ nhất và thứ hai vốn là cái gốc của vấn đề. Trường không vì lợi nhuận không thuộc sở hữu tư nhân, cũng không thuộc sở hữu tập thể (theo nghĩa là của một nhóm người) mà thuộc sở hữu cộng đồng. Điều này chưa được nêu ra trong Luật GDĐH. Đặc điểm phân biệt này vô cùng quan trọng bởi vì trong quá trình hoạt động, trường tư phi lợi nhuận có thể phát triển trở thành rất lớn, tích lũy những tài sản khổng lồ, đặc biệt là khi được ưu đãi về đất đai hoặc chính sách thuế. Công nhận sở hữu tư nhân đối với loại trường này, nghĩa là cổ phần có thể chuyển nhượng hay thừa kế, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để những ưu đãi từ nguồn lực công biến thành tài sản tư nhân.

Về bản chất trường không vì lợi nhuận không thuộc sở hữu cá nhân của những người hiến tặng, do đó quả là không hợp lý nếu gọi đó là trường tư. Dựa vào các tiêu chí nêu trên, chúng tôi đề nghị ba loại hình trường như sau:

–        Trường công, thuộc sở hữu nhà nước, do ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động, nhằm thực hiện những mục tiêu cụ thể mà nhà nước giao, tùy theo kế hoạch chiến lược của quốc gia trong từng thời kỳ. Nhân sự lãnh đạo và điều hành do nhà nước bổ nhiệm, hoặc do Hội đồng Trường quyết định tùy theo quy định của nhà nước.

–        Trường tư, thuộc sở hữu tư nhân, đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân, kinh phí hoạt động dựa trên các nguồn thu hợp pháp. Nhân sự lãnh đạo và điều hành do Hội đồng Quản trị quyết định và Bộ phê duyệt. Tất cả các trường tư đều là trường vì lợi nhuận, tài sản của trường tư thuộc sở hữu tư nhân theo tỷ lệ vốn góp. Trường tư vì lợi nhuận hoạt động trên cơ sở Luật Doanh nghiệp với một số ưu đãi có mức độ nhất định. Cổ phần của trường tư có thể chuyển nhượng hay thừa kế.

–        Trường dân lập, thuộc sở hữu cộng đồng, có thể do một hay một nhóm người sáng lập và góp vốn ban đầu, nhưng không giữ quyền sở hữu, do vậy không có vấn đề chuyển nhượng hay thừa kế. Trường dân lập nghĩa là trường ngoài công lập phi lợi nhuận. Nó không phải là trường tư vì không thuộc sở hữu tư nhân hay tập thể (theo nghĩa là của một nhóm người). Đầu tư ban đầu có thể do một hay một nhóm tư nhân tự nguyện hiến tặng, với cam kết cấp đất của nhà nước. Kinh phí hoạt động dựa vào các nguồn thu hợp pháp của nhà trường. Nhân sự và lãnh đạo do Hội đồng Trường quyết định và Bộ phê duyệt.

Vấn đề tài sản vô hình của trường NCL

            Đối với các trường NCL được hình thành ngay từ đầu theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, vấn đề này có thể xử lý tương đối dễ dàng. Với các trường vì lợi nhuận, thì nhà quản lý và giảng viên đều là người làm thuê ăn lương. Uy tín mà họ tạo ra cho nhà trường thông qua hoạt động học thuật hay đào tạo là kết quả của hợp đồng lao động; vì vậy tài sản vô hình này cũng là một phần trong lợi nhuận của nhà đầu tư. Rắc rối nảy sinh vừa qua là do các trường này xuất phát từ mô hình dân lập, trong đó các nhà sáng lập đã góp vốn cho nhà trường hai loại tài sản: bằng tiền và bằng trí tuệ. Khi tư nhân hóa nhà trường tài sản trí tuệ này đã không được định giá thỏa đáng và đó là nguồn gốc của nhiều tranh chấp.

Nhiều tài sản lớn của các trường tư hiện nay đã được tạo ra không phải bằng vốn góp của những người sáng lập, mà là từ nguồn thu học phí của sinh viên qua nhiều năm. Tư nhân hóa khối tài sản này cũng là nguồn gốc của tranh chấp, và có thể coi là hậu quả do lịch sử để lại.

Cần một hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề này trước khi xác lập lại một hệ thống các loại hình trường đa dạng về sở hữu, về sứ mạng. Đây là điều rất cần làm để ngăn chận đà xuống dốc về uy tín của các trường NCL. Những tranh chấp nội bộ xảy ra ở các trường ĐH tư đã tạo ra một cái nhìn hết sức tiêu cực trong công chúng về trường NCL, khiến những trường tử tế cũng bị vạ lây. Tình hình bi đát trong tuyển sinh ở các trường NCL những năm gần đây có phần cũng là do niềm tin của xã hội với các trường NCL đã giảm sút trầm trọng. Thay vì “cứu” các trường tư bằng cách mở rộng cửa đầu vào, nhà nước cần đưa ra một chính sách minh bạch về sở hữu và khuyến khích loại hình trường không vì lợi nhuận, đồng thời tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa tất cả các trường xét về mặt cạnh tranh giành sự ưu tú. Ví dụ, các quỹ tài trợ nghiên cứu, cho vay học phí, học bổng, có thể chỉ dựa trên tài năng và phẩm chất của ứng viên mà không phân biệt ứng viên đó thuộc về trường công hay tư, trường vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Sự minh bạch trong chính sách về sở hữu sẽ khơi thông nguồn lực của xã hội, tránh được những tranh chấp có thể tránh, tạo ra không gian cho các loại hình trường khác nhau cùng tồn tại và bổ sung cho nhau, vì mục tiêu phát triển.

Xét trong dài hạn, nhà nước cần khích lệ các trường NCL vì họ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu giáo dục bậc cao của người dân trong lúc nguồn lực công không thể đáp ứng hết được. Tổn thất về uy tín của các trường NCL do đó cũng là tổn thất của cả hệ thống GDĐH. Những vụ việc như thế không thể giải quyết tận gốc bằng những giải pháp nhất thời, mà cần nghiên cứu những khoảng trống của chính sách để đáp ứng với những tình thế trước nay chúng ta chưa từng đối mặt.