Ghi nhận và Suy nghĩ từ Hội thảo

XU HƯỚNG MỚI TRONG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ TRÊN THẾ GIỚI: TÁI ĐỊNH HÌNH KHÁI NIỆM
Do Khoa Sau Đại học, Trường Đại học RMIT (Australia) tổ chức tại Melbourne ngày 11 và 12.12.2014

(Đăng Tạp chí Khoa học Công nghệ Viêt Nam, Bộ KH-CN sô 1 năm 2015 (670) ra  tháng 1 năm 2015, tr. 2-4.)

Phạm Thị Ly

Trong mấy năm gần đây, có ba hiện tượng nổi bật trong vấn đề đào tạo tiến sĩ trên phạm vi toàn thế giới: một là vai trò chủ động của chính phủ nhiều nước trong việc xác lập những kế hoạch và mục tiêu đầy tham vọng nhằm tạo ra một số lượng lớn người có bằng tiến sĩ; hai là hiện tượng ngày càng nhiều tiến sĩ làm việc ngoài khu vực hàn lâm; và cuối cùng là hiện tượng “lạm phát bằng tiến sĩ” hay nói cách khác, sự “mất giá” của bằng tiến sĩ trong mắt công chúng, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mặc dù thiếu thốn nguồn nhân lực chất lượng cao, những người có bằng tiến sĩ không còn được kính trọng như xưa. Một câu hỏi đập vào mắt tất cả mọi người: Chúng ta đang có quá ít, hay quá nhiều tiến sĩ? Đàng sau câu hỏi này là một vấn đề quan trọng hơn nhiều: chúng ta quan niệm thế nào là tiến sĩ? Khái niệm “tiến sĩ” chứa đựng những giá trị, chuẩn mực, kỳ vọng gì và nó đã diễn tiến như thế nào qua thời gian? Liệu cái cách mà chúng ta đang đào tạo tiến sĩ có đáp ứng được những gì xã hội thực sự cần, và nếu như phải thay đổi, chúng ta có những lựa chọn như thế nào?  Đó là những vấn đề được thảo luận trong Hội thảo về Đào tạo Tiến sĩ: Vấn đề Chính sách, Sư phạm, và Thực tế, do Khoa Sau ĐH, trường ĐH RMIT (Australia) tổ chức tại Melbourne ngày 11 và 12.12.2014, với sự tham dự của các học giả Australia, UK, New Zealand, Ethiopia, Malaysia và Việt Nam. Bài viết này là ghi nhận và suy nghĩ về một số vấn đề đã được nêu ra và thảo luận tại Hội thảo.

Quan niệm về tiến sĩ và mô hình đào tạo tiến sĩ

Trước hết là một bức tranh toàn cảnh, những điểm hội tụ và phân kỳ trong vấn đề đào tạo tiến sĩ trên toàn cầu, do giáo sư Denise Cuthbert, Trưởng khoa Sau Đại học của Trường ĐH RMIT (Australia) trình bày. Sự trỗi dậy và lan rộng mọi nơi của nền kinh tế tri thức từ giữa những năm 90 đã dẫn đến việc định vị lại GDĐH như một thành tố quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là điều có ý nghĩa to lớn đối với sự hiểu biết của chúng ta về đào tạo tiến sĩ cũng như việc quản lý quá trình này. Kinh tế tri thức cũng khiến cho năng lực nghiên cứu của các trường ĐH trở thành đối tượng quan tâm của chính sách ở mọi cấp: cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp độ toàn cầu; hay nói cách khác, vấn đề đào tạo tiến sĩ đã trở thành một vấn đề chính trị trên toàn cầu.

Bởi vậy, từ những năm 90 trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến mối quan tâm có ý nghĩa chính trị to lớn chưa từng có tiền lệ trước đó đối với việc đào tạo tiến sĩ, đặc biệt là ở những nền kinh tế mới nổi hay các nước đang phát triển như khu vực Châu Á và tiểu vùng Châu Phi. Cuthbert đã thu thập hơn 200 văn bản chính sách của các nước về vấn đề đào tạo tiến sĩ từ 1996 đến nay. Ở Australia, đã có ít nhất 30 văn bản chính sách chủ yếu có liên quan vấn đề này từ năm 1998 đến nay. Các tổ chức Châu Âu như LERU, EUA cũng có những hành động chính sách mạnh mẽ về đào tạo tiến sĩ. Châu Á càng nổi bật hơn với những chính sách tăng cường tiến sĩ: Chương trình Trí tuệ Hàn Quốc dự định đào tạo 1300 tiến sĩ mỗi năm trong thời gian 1998-2005; Malaysia nhắm tới 60.000 tiến sĩ từ nay đến năm 2023, Ấn Độ đặt mục tiêu 20.000 tiến sĩ trước năm 2020, Zimbabue đòi hỏi tất cả giảng viên của mình phải có bằng tiến sĩ trước năm 2015. South Africa cũng cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của chính sách đào tạo tiến sĩ và coi đó như một động lực của nền kinh tế (Tebeje Molla, Deakin University, Australia).

Đồng thời, câu hỏi về việc những người có bằng tiến sĩ đã phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế tri thức như thế nào và cuộc thảo luận gần đây về khả năng được sử dụng, khả năng tìm được việc làm phù hợp của các tiến sĩ cũng ngày càng trở nên nổi bật. Khái niệm truyền thống về học vị tiến sĩ coi họ như những người nghiên cứu chuyên nghiệp và sứ mạng của họ là tìm kiếm tri thức nhằm phát triển học thuật, coi tri thức là mục tiêu tối hậu, không nhất thiết là tri thức đó phải tạo ra một lợi ích vật chất cụ thể nào, “research for its own sake”, nghiên cứu vì lợi ích của chính nó, chứ không nhằm vào một mục đích cụ thể, quan niệm này đã từng thống trị giới hàn lâm trong nhiều thế kỷ đến mức thậm chí có học giả cho rằng những người hướng nghiên cứu của mình vào việc phục vụ cho những người đương thời là những kẻ “đánh đĩ tri thức” (“intellectual prostitutes”, Dugatkin, 1999), tức bán linh hồn cho những mục tiêu ngắn hạn trước mắt.

Quan niệm cực đoan như thế của trường phái “tháp ngà” ngày nay hầu như không còn chỗ đứng. Tuy nhiên, nó đã phản ánh một thực tại là trong nhiều thế kỷ qua, chỗ làm của các tiến sĩ chủ yếu là ở các trường ĐH và viện nghiên cứu. Ngày nay, kinh tế tri thức đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ năng cao trong việc nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao tri thức. Dường như khu vực sản xuất kinh doanh bên ngoài nhà trường ngày càng cần những người được đào tạo kỹ năng nghiên cứu bậc cao như các tiến sĩ. Lối đào tạo tiến sĩ theo kiểu hàn lâm truyền thống đã không chú ý đến việc đào tạo những kỹ năng đa dạng và linh hoạt để đáp ứng những đòi hỏi của thế giới việc làm bên ngoài trường ĐH, thậm chí ngay cả những kỹ năng cơ bản để thực hiện nhiệm vụ truyền thống của các tiến sĩ như kỹ năng giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, họ cũng không được đào tạo bài bản. Bởi vậy, đang có một khoảng cách giữa mô hình đào tạo tiến sĩ hiện nay và những gì các tiến sĩ có thể mang lại cho thế giới việc làm ngoài nhà trường.

Ở châu Âu, đào tạo tiến sĩ cũng không còn đơn thuần là một vấn đề học thuật, mà là một mục tiêu trong việc quản lý trường ĐH và của chính sách quốc gia. Số người có bằng tiến sĩ đang được coi là chỉ báo hoạt động của các trường ĐH cũng như cho năng lực nghiên cứu của quốc gia. Barbara Kehm (University of Glasgow, UK) cho rằng, trong bối cảnh của Tiến trình Bologna, ngày càng nhiều ý kiến phê phán lối đào tạo tiến sĩ theo kiểu truyền thống: quá hẹp, quá nhấn mạnh đến luận án thay vì phải chú trọng đến quá trình đào tạo. Kehm cho rằng ở Châu Âu, đào tạo tiến sĩ đang trở nên rất đa dạng về mục đích và mô hình: có đến 9 loại tiến sĩ khác nhau đã được nêu ra: loại tiến sĩ nghiên cứu hàn lâm kiểu truyền thống, loại tiến sĩ được đào tạo để dạy học, loại tiến sĩ được cấp bằng dựa trên số bài báo khoa học đã tích lũy được, loại tiến sĩ chuyên ngành (trong những lĩnh vực chuyên nghiệp rất hẹp và rất đặc thù, ví dụ tiến sĩ y khoa), loại tiến sĩ trên nền tảng hoạt động thực tiễn (trong các ngành nghệ thuật và thiết kế), loại tiến sĩ “tốc hành”, và loại tiến sĩ của các chương trình liên kết, loại tiến sĩ hợp tác, và tiến sĩ trong khu vực doanh nghiệp. Sự đa dạng này là một dấu hiệu của phân tầng về chức năng, và cho thấy hoạt động đào tạo tiến sĩ ngày nay không còn đơn thuần là tái sản xuất lực lượng lao động chỉ cho nghề nghiệp hàn lâm như xưa nữa. Tuy nhiên, hầu như tất cả các loại tiến sĩ trừ loại truyền thống đều bị phê phán dữ dội về việc thiếu sự nghiêm ngặt trong tiêu chuẩn và quá trình đào tạo. Sự phê phán này rút cuộc dẫn đến câu hỏi: thế nào là tiến sĩ?

Có một xu hướng khác ở một vài nước đang phát triển là một quan niệm ngày càng phổ biến coi bằng tiến sĩ là một thứ trang sức sang trọng (Ly Phạm, ĐHQG-HCM, Việt Nam). Thêm vào đó, những diễn tiến trong thái độ xã hội đối với người có bằng tiến sĩ; hiện tượng một phần ba tiến sĩ du học ngoài nước bằng tiền ngân sách đã không trở về, hoặc trở về nhưng không được sử dụng đầy đủ; và chỉ hơn một phần ba người có bằng tiến sĩ làm việc trong khu vực hàn lâm, số còn lại chủ yếu trong khu vực hành chính công, những sự kiện này ở Việt Nam cũng đòi hỏi sự xem xét lại một cách nghiêm túc quan niệm về bằng tiến sĩ.

“Tiến sĩ” gắn chặt với hoạt động nghiên cứu. Nhưng thế nào là nghiên cứu? Giáo sư Ross Gibson (University of Canberra, Australia) dẫn ra hai định nghĩa về nghiên cứu: một là định nghĩa khá nghiêm ngặt của Nhóm Công tác Tài trợ Nghiên cứu Khoa học dựa trên kết quả hoạt động của các trường ĐH New Zealand nêu ra năm 2002:  “Nghiên cứu là những điều tra nguyên thủy được thực hiện nhằm đạt được kiến thức và sự hiểu biết. Hoạt động nghiên cứu thường gắn với đòi hỏi thực nghiệm hoặc có bản chất phê phán, được dẫn dắt bởi những giả thuyết hay bởi những cương vị của trí tuệ có thể đưa ra một sự đánh giá nghiêm ngặt. Nó là một hoạt động sáng tạo, độc lập, tích lũy lâu dài và được thực hiện bởi những người có kiến thức sâu trong chuyên ngành, am hiểu lý thuyết, phương pháp, và có nhiều thông tin trong lĩnh vực mà họ đang tìm kiếm tri thức. Kết quả nghiên cứu phải được mở ra cho sự sàng lọc và đánh giá chính thức của những người khác trong cùng lĩnh vực, và điều này có thể thực hiện thông qua công bố khoa học hoặc trình bày trước công chúng. Trong một số lĩnh vực, kết quả khảo sát có thể nằm trong hình thức tác phẩm nghệ thuật, thiết kế hay trình diễn. Hoạt động nghiên cứu bao hàm cả những đóng góp cho hạ tầng trí tuệ của chuyên ngành (ví dụ như từ điển hay những sách được dùng như công cụ tra cứu). Nó cũng bao gồm những thiết kế thực nghiệm, những giải pháp xây dựng, và cả những điều tra khảo sát dẫn đến những vật liệu mới hay cải thiện nó một cách đáng kể, những bộ phận mới, những sản phẩm hay quy trình mới”.

Định nghĩa thứ hai là của Bộ Nghiên cứu Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Liên bang Úc, đưa ra năm 2011: “Nghiên cứu được định nghĩa là sự sáng tạo ra tri thức mới, và/hoặc sử dụng những tri thức hiện có theo một cách mới và có tính sáng tạo để tạo ra những khái niệm mới, phương pháp mới, và những hiểu biết mới. Nó có thể bao gồm tổng hợp và phân tích những kiến thức đã có trước đó ở mức độ dẫn tới những kết quả mới và có tính chất sáng tạo”.

Dựa trên những định nghĩa này, hoàn toàn có thể định hình lại quan niệm về bằng tiến sĩ cũng như về quy trình, phương pháp sư phạm, tiêu chuẩn đánh giá, mô hình đào tạo phù hợp với những mục đích khác nhau.

Denise Curbert nêu lên một hình dung mới về tiến sĩ trong nền kinh tế tri thức như một hình thức đối lập với tiến sĩ hàn lâm theo truyền thống. Sự khác biệt này được bà nêu ra như sau:

 

Tiến sĩ truyền thống Tiến sĩ trong nền kinh tế tri thức
Giá trị học thuật /hàn lâm Giá trị kinh tế/ năng lực dẫn dắt đổi mới sáng tạo
Hướng tới kiến thức sâu /chuyên ngành hẹp Hướng tới tác động thực tế, đổi mới, chuyển giao tri thức, gắn với sản xuất kinh doanh
Việc quản lý nằm trong phạm vi trường ĐH, và việc đánh giá được thực hiện dựa trên bình duyệt đồng nghiệp

 

Trách nhiệm giải trình với bên ngoài, có sự xen vào của nhà nước và của giới doanh nghiệp
Nhằm tái tạo lực lượng sản xuất cho nghề hàn lâm Nhằm tạo ra lực lượng lao động cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
 

Coi trọng nghiên cứu nguyên thủy, mức độ đóng góp cho tri thức, quy trình thực hiện nghiêm ngặt về chất lượng

 

Coi trọng tính thiết yếu, tác động tới xã hội, và tiềm năng thương mại hóa

Ý tưởng về việc cần có những loại tiến sĩ khác nhau, những con đường sự nghiệp khác nhau cho họ là một ý tưởng được nhiều người chia sẻ. Barbara Kehm (University of Glasgow, UK), Morshidi Sirat (Viện Nghiên cứu GDĐH Quốc gia Malaysia), Ly Phạm (ĐHQG-HCM, Việt Nam) và Tebeje Molla (Deakin University, Australia) đều nói về nhu cầu đa dạng hóa đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế tri thức.  Trong bối cảnh Việt Nam, quả là lãng phí nếu người học phải theo đuổi một chương trình tiến sĩ chỉ để có một tấm bằng, trong lúc những gì được đào luyện thì không có mấy liên quan đến những gì họ thực sự cần cho con đường mà họ thực sự theo đuổi. Thay vào đó, cần có những lối đi khác, cách tiếp cận khác, phương pháp sư phạm khác, có ý nghĩa thiết yếu hơn cho chính họ và cho tiến bộ xã hội.  Trong bối cảnh của Malaysia và các nước tiểu vùng Châu Phi, sự đa dạng nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ giữa trường ĐH và giới doanh nghiệp, giữa nghiên cứu và ứng dụng, đổi mới, sáng tạo trong khu vực sản xuất kinh doanh, còn trong bối cảnh Việt Nam, sự đa dạng này cần nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ giữa trường ĐH với cộng đồng xã hội nói chung, trước một thực tế là một số lớn những người có bằng tiến sĩ đã không làm việc trong khu vực hàn lâm, cũng không làm việc trong khu vực sản xuất kinh doanh, mà là trong khu vực hành chính công.

Hình dung về tiến sĩ từ góc nhìn sư phạm và thực tiễn

 Hội thảo cũng bàn đến những giá trị và kỳ vọng, những chuẩn mực mà xã hội và giới hàn lâm đặt ra với học vị tiến sĩ, chương trình và quy trình đào tạo tiến sĩ.

Trước hết là vấn đề động lực. Robyn Barnacle và Denise Cuthbert (RMIT University, Australia) thực hiện một nghiên cứu với 403 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất ở khoảng giữa sự nghiệp, gần một nửa dưới 40 tuổi, và một nửa tuổi từ 41-50, thuộc mọi lãnh vực ở Australia. Kết quả cho thấy, động lực của các nhà nghiên cứu khá đa dạng, từ chỗ thỏa mãn nhu cầu tri thức hay khẳng định bản thân, cho đến ý thức về sự cống hiến tất yếu, trong đó cái thứ nhất được nhấn mạnh hơn. Có ba xu hướng động lực chính: động lực bản thân, động lực quá trình, và động lực kết quả. Kết quả này đặt ra câu hỏi là động lực nào được xem là đáng mong muốn trong việc đào tạo những người nghiên cứu, và chương trình đào tạo nghiên cứu có vai trò gì trong việc nuôi dưỡng những động lực ấy.

Từ góc nhìn của nghiên cứu sinh, họ đã đặt những niềm tin và hy vọng gì, và trải nghiệm của họ trong quá trình theo đuổi bằng tiến sĩ gợi ra cho chúng ta điều gì? Cat Mitchell (University of Auckland, New Zealand) nói về những hy vọng mà nghiên cứu sinh ấp ủ, đặc biệt với những nghiên cứu sinh là người đầu tiên trong gia đình vào đại học, bằng tiến sĩ chẳng những là hy vọng của chính họ, mà còn là kỳ vọng và mong đợi của cả gia đình và có khi cả dòng họ, quê hương. Đối với nhiều người, theo đuổi bằng tiến sĩ là một giấc mơ, và giấc mơ thầm kín ấy đã đóng vai trò là động lực giúp họ vượt qua trở ngại khó khăn. Nghiên cứu của Mitchelle cho thấy nhiều nghiên cứu sinh đã chọn theo đuổi bằng tiến sĩ vì họ tin rằng đó là cây cầu dẫn đến một nghề nghiệp vẻ vang, được xã hội tôn trọng, được bù đắp xứng đáng về lương bổng. Những hình dung về tiến sĩ ấy hình thành trong bối cảnh trường ĐH (định hình bởi các chính sách, cách tuyển sinh, điều lệ nhà trường, v.v.) lẫn một bối cảnh văn hóa xã hội lớn hơn (tiểu thuyết, phim ảnh, các phương tiện truyền thông đại chúng, v.v.) đã tạo ra một quan niệm về việc thế nào là tiến sĩ trong công chúng (Frances Kelly, University of Auckland, New Zealand).

Trong việc hướng dẫn nghiên cứu sinh, Catherin Manathunga (Victoria University, Australia) đề xuất một cách tiếp cận liên văn hóa, nhấn mạnh rằng toàn cầu hóa đã khiến cho nghiên cứu sinh quốc tế chiếm một số lượng ngày càng lớn. Ngày càng nhiều giáo sư hướng dẫn làm việc với các nghiên cứu sinh có một nền tảng văn hóa hoàn toàn khác biệt, vì vậy cần hiểu biết đầy đủ hơn những yếu tố liên đới: thời gian, nơi chốn, và kiến thức. Tác giả khích lệ các học giả phương Tây có một thái độ thách thức với niềm tin về những kiến thức được cho rằng đó là chân lý phổ quát cho mọi nơi và mọi thời đại. Một thực tế khác tương tự cũng được nêu lên, là hiện tượng “nô dịch hóa” trong nghiên cứu (Robin Barnacle, RMIT, Australia), “thực dân hóa” (Barbara Grant, University of Auckland, New Zealand), hay là coi nghiên cứu sinh như những “nô lệ”. Các nước có nền GDĐH tiên tiến như Hoa Kỳ, UK, Australia đang dựa vào nghiên cứu sinh quốc tế để thực hiện những nghiên cứu cải tiến công nghệ dưới nhiều hình thức khác nhau, và có khi xem họ như những lao động bậc cao rẻ tiền. Quan hệ giữa giáo sư hướng dẫn và nghiên cứu sinh có thể khác nhau khá nhiều, từ cực này đến cực khác. Vì nghiên cứu sinh được xem là phải thực hiện những nghiên cứu độc lập, có những giáo sư mặc dù có vai trò rất quan trọng trong công trình nghiên cứu của học trò, hầu như không được nhắc đến. Ngược lại, có những người “cướp công” của nghiên cứu sinh. Có những giáo sư hầu như không hướng dẫn gì, có người ngược lại rất tận tình chỉ dạy và truyền đạt kinh nghiệm. Bởi vậy, chất lượng của việc hướng dẫn nghiên cứu sinh đang là mối lo ngại của nhiều trường ĐH. Từ năm 1985, University of Auckland ở New Zealand đã có Sổ tay Hướng dẫn Nghiên cứu sinh do Hội đồng Giảng viên của Trường phê duyệt. Văn bản này được bổ sung sửa chữa nhiều lần từ năm 1992 đến 2014, vốn dài 1 trang nay lên đến 5 trang! Danh sách những thứ “phải là”dành cho giáo sư hướng dẫn tăng từ 8 lên đến 22, qua 5 lần sửa đổi (Barbara Grant, University of Auckland).

Thực tế trên đây cho chúng ta thấy, bức tranh về đào tạo tiến sĩ trên toàn thế giới đã khác rất nhiều so với cách đây vài thập niên, nhưng không phải ai cũng nhận thức rõ được điều này. Trong hai mươi năm qua chính sách nhiều nước đã đồng quy ở một điểm, đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo tiến sĩ, coi đó là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế quốc gia.  Kinh tế tri thức như một đặc điểm của thời đại là yếu tố trọng yếu đã thúc đẩy việc đào tạo tiến sĩ và đặt ra cho nó những đòi hỏi to lớn trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, dẫn dắt các hoạt động sáng tạo và đổi mới nhằm nâng cao năng suất. Điều này kích thích chúng ta xem xét lại những hình dung, kỳ vọng và giá trị mà xã hội đã và đang đặt vào học vị tiến sĩ như một đỉnh cao của kiến thức học thuật. Thật đáng ngạc nhiên là hiện nay có rất ít nghiên cứu về chủ đề trên. Hội thảo này là một diễn đàn nhỏ của các nhà chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực đa ngành, có am hiểu về giáo dục quốc tế, có sự gắn bó mạnh mẽ với sự nghiệp nghiên cứu, là một nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề chưa được biết rõ, những vấn đề có thể dẫn tới sự đổi thay phù hợp hơn trong chính sách, trong quan niệm về học vị tiến sĩ, trong qúa trình đào tạo tiến sĩ và sử dụng những người có bằng tiến sĩ như thế nào để đáp ứng với những đòi hỏi, kỳ vọng và thay đổi của xã hội.

Viết tại Melbourne ngày 13.12.2014.

 

LỜI CẢM ƠN

 Tác giả bài viết xin cảm ơn lời mời tham dự Hội thảo của Giáo sư Denise Cuthbert và tài trợ của Trường ĐH RMIT (Australia) cho chuyến đi. Xin cảm ơn GS. Martin Hayden và PGS. Sharon Parry trong việc hợp tác nghiên cứu về đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam.