Châu Phúc (2016)
Đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 05.05.2016
Những con số biết nói
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS) được chính thức thành lập năm 2012 trên cơ sở Viện KHXH Việt Nam (2008), vốn tiền thân là Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học, thành lập theo QĐ số 34/NQ/TW của BCH Trung ương Đảng Lao động VN năm 1953. Viện bao gồm 37 tổ chức trực thuộc trong đó có 32 tổ chức là các Viện nghiên cứu chuyên ngành trong lĩnh vực KHXH.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, hiện nay đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ TS của cả VASS là 380, trong đó có 175 người có chức danh GS, PGS. Tuy nhiên, thông tin trên trang web của Viện cho biết, “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nơi tập trung các nhà khoa học xã hội đầu ngành, với trên 2000 người, trong đó hơn 700 cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội”. Theo số liệu của Bộ Tài Chính, năm 2015 tổng chi Ngân sách nhà nước cho Viện này 504,500,000,000 VND, tương đương 22,6 triệu đô la Mỹ.
Với con người và nguồn lực như trên, năm 2015, Viện có tổng cộng 5 bài công bố khoa học trong danh mục ISI của Web of Science, với số lượt trích dẫn là 8 và số lượt trích dẫn trung bình là 1,60. (Nguồn: www.scientometrics4vn.com). Nếu tính cả quá trình 5 năm từ 2011 đến 2015 thì tổng số công bố ISI của Viện là 22 bài, một thành quả chỉ tương đương với con số bài báo khoa học tối thiểu để được bổ nhiệm chức danh giáo sư ở Malaysia mà thôi.
Nếu so với cả nước, tổng số công bố ISI của Việt Nam năm 2015 là 2.775 bài, thì Viện Hàn lâm KHXH có 5 bài, một tỉ lệ quá nhỏ. Liệu có thể giải thích như thế nào về những con số trên đây?
Hiệu quả của nghiên cứu
Bài báo ISI tất nhiên không phải là tất cả thành quả nghiên cứu của một cá nhân hay tổ chức. Đặc biệt là trong KHXH, có nhiều hình thức công bố khác, chẳng hạn viết sách, thực hiện các báo cáo tư vấn (white paper), v.v. Bài báo khoa học, kể cả trên các tập san quốc tế, không phải là mục đích tự thân của hoạt động nghiên cứu. Câu hỏi cuối cùng vẫn là, những kết quả nghiên cứu này đã đóng góp như thế nào cho việc hoạch định chính sách, cho việc phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, và những đóng góp đó có xứng đáng với số tiền mà người đóng thuế đã chi trả cho giới nghiên cứu hay không?
Tuy vậy, công bố quốc tế là một thước đo tương đối khả tín cho phẩm chất khoa học của các kết quả nghiên cứu. Để được giới hàn lâm quốc tế nhìn nhận, những công trình này cần được thực hiện với những phương pháp thích hợp và có những đóng góp mới mẻ cho chuyên ngành. Vì vậy, KHXH Việt Nam khó mà biện minh cho việc đứng ngoài dòng chảy toàn cầu, bằng cách coi nhẹ việc công bố quốc tế.
Trả lời họp báo ngày 22/4, Viện HL KHXH cho biết trong 5 năm qua, Viện có 400 xuất bản phẩm quốc tế ở nhiều dạng. Tuy nhiên, danh sách 400 công trình này chưa được công bố, cho nên không thể bình luận gì thêm. Nhưng điều này đặt ra một vấn đề lớn không chỉ cho Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, mà cho tất cả các cơ quan, tổ chức nghiên cứu đang sử dụng tiền ngân sách, đó là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Minh bạch và trách nhiệm giải trình
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của việc nghiên cứu KHXH. Thậm chí, xã hội càng nhiều vấn đề (kinh tế khủng hoảng, bạo lực tràn lan, cải cách giáo dục, cải cách thể chế, các vấn đề tội phạm, v.v. ) thì nghiên cứu KHXH càng cần thiết và bức bách. Vì vậy tăng cường kinh phí nghiên cứu để dùng tri thức góp phần giải quyết những vấn đề ấy là điều hợp lý.
Tuy nhiên, ngân sách là tiền của người dân đóng thuế, vì vậy, người dân cũng cần được biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng đồng tiền ấy như thế nào và mang lại kết quả ra sao.
Chỉ có sự minh bạch là có thể giúp thực hiện được trách nhiệm giải trình. Trong trường hợp này, rất cần Viện công bố chi tiết danh sách các xuất bản phẩm quốc tế và các thành quả nghiên cứu khác của Viện. Thậm chí công bố toàn văn. Nếu công trình nào ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì không cần công bố, nhưng không lẽ tất cả các công trình nghiên cứu của Viện đều liên quan đến an ninh quốc gia? Có hàng trăm, hàng ngàn đề tài hết sức bức thiết để cải thiện chính sách, cải thiện nhận thức và đời sống của người dân, vì sao Viện không nghiên cứu?
Áp lực đòi hỏi thực hiện trách nhiệm giải trình với các trường ĐH đang ngày càng tăng, các Viện nghiên cứu không thể là ngoại lệ đặc biệt là khi các Viện sử dụng nguồn kinh phí ngân sách lớn như vậy. Nhà nước cần có chính sách buộc các Viện phải công bố báo cáo thường niên và công bố các kết quả nghiên cứu của Viện, nếu không phải là toàn văn, thì ít nhất cũng là bản tóm tắt. Tất cả những điều này sẽ mang lại tính chính danh cho nhà nước, vì xét cho cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nước là hành động nhằm bảo vệ lợi ích của người dân, tức là những người đang đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước.
0 Comments