Tác giả: Huang Ping
Người dịch: Phạm Thị Ly (2012)
Một số vấn đề khoa học xã hội (KHXH) mà Trung Quốc tập trung nghiên cứu gần đây là quá trình đô thị hóa nhanh chóng và di dân hàng loạt từ nông thôn về thành thị; cải cách hệ thống hưu bổng; chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho mọi người; nhà ở, và một số vấn đề chính trị như cải cách hệ thống luật pháp và nền pháp trị. Những chủ đề khác là hệ thống cai trị và công lý xã hội trong thời đại thông tin, và việc đạt đến một trật tự hài hòa hơn cho một xã hội rộng lớn và đa văn hóa nhằm hội nhập tốt hơn vào thế giới toàn cầu hóa.
Tổng quan về mặt lịch sử
Theo những gì chúng ta thấy hiện nay, có thể tìm lại tư liệu về cương vị của KHXH ởTrung Quốc (TQ) ngày nay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi thế hệ thứ nhất sinh viên và học giả TQ du học phương Tây trở về, chủ yếu là từ Anh và Mỹ, sau khi hoàn tất việc học.
Sau Thế Chiến II và từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1949, KHXH ở TQ đã phát triển cùng với ba truyền thống: giới khoa bảng TQ, nhất là những người theo Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo, tập trung vào vấn đề kinh tế theo ảnh hưởng của Sô viết và học thuyết Marx, và sau đó là theo cách tiếp cận của phương Tây.
Trong thời kỳ cách mạng Văn hóa (1966-1976), KHXH gần như biến mất và rất khó giảng dạy. Sau khi mở cửa từ năm 1978, KHXH, cùng với khoa học tự nhiên và việc nghiên cứu nói chung, được khôi phục và được trao cho nhiệm vụ hỗ trợ cho quá trình đổi mới. Ảnh hưởng Sô viết dần dần biến mất, và cách tiếp cận KHXH của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trở thành có ảnh hưởng lớn nhất. Chẳng hạn như xã hội học đã bị cấm năm 1962 và được đưa vào lại từ năm 1979. Trong thập kỷ qua, những truyền thống học thuật xưa nay của TQ bắt đầu được đưa vào lại các trường đại học và lôi cuốn sự chú ý của ngày càng nhiều sinh viên.
Toàn cảnh về mặt tổ chức: các vai chính trong nghiên cứu KHXH
Đơn vị trọng yếu điều hành hoạt động trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và cải cách là Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Bộ KHCN chịu trách nhiệm lập kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn, đề ra quy định và hướng dẫn thực hiện những chính sách về khoa học và công nghệ.
Một đơn vị trọng yếu khác là Bộ Giáo dục, cũng trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Một trong số những nhiệm vụ quan trọng cua Bộ này là quản lý giáo dục đại học và đào tạo sau đại học. Hơn nữa, Bộ này còn chịu trách nhiệm lên kế hoạch và hướng dẫn hoạt động nghiên cứu của các trường trên mọi lãnh vực khoa học trong đó có KHXH&NV. Bộ Giáo dục cũng quản lý ngân sách giáo dục và đưa ra các quy định, hướng dẫn về phân bổ ngân sách và vận động gây quỹ.
Đơn vị nghiên cứu đóng vai chính trong việc nghiên cứu KHXH&NV là Viện Hàn lâm KHXH TQ, cũng lại trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Viện này vốn là một bộ phận của Viện Hàn lâm Khoa học TQ cho đến năm 1977 khi Đặng Tiểu Bình phát động cải cách và mở cửa TQ với thế giới bên ngoài. Ông Đặng coi viện này là một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của nhà nước TQ, cũng như Trung tâm Nghiên cứu KHXH&NV Quốc gia.
Trong bức tranh toàn cảnh về các tổ chức nghiên cứu ở TQ, cần chú ý mấy điểm:
- Các nhà nghiên cứu thường được tập hợp trong các trung tâm nghiên cứu do Viện Hàn lâm thành lập và duy trì, nơi được coi là những đơn vị nghiên cứu hàng đầu của quốc gia, trong đó có các ngành nhân văn. Viện Hàn lâm KHXH TQ thành lập năm 1977 trên cơ sở Ban Triết học và KHXH của Viện Hàn lâm Khoa học TQ. Đơn vị này có 2.200 nhà nghiên cứu làm việc trong 14 đơn vị thành viên (chẳng hạn Viện Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Lịch sử, Viện Nghiên cứu Luật học, Viện Khảo cổ học,v.v.). Ngày nay, Viện Hàn lâm KHXH TQ có 37 viện thành viên và hơn 150 trung tâm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu trong 260 chuyên ngành có mức độ quan trọng ít nhiều khác nhau, cũng như các trường sau đại học. Viện có 3.500 nhà nghiên cứu trong đó 50% có bằng thạc sĩ trở lên. Sứ mạng của Viện này là thúc đẩy phát triển KHXH và nâng cao trình độ của KHXH&NV nhằm phục vụ công cuộc đổi mới và quá trình mở cửa của TQ. Viện áp dụng chính sách “dùng quá khứ phục vụ cho hiện tại và dùng những thứ của nước ngoài phục vụ cho TQ”.
- Khi TQ bắt đầu vận dụng KHXH phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, các trường đại học trở thành những tổ chức lớn nhất thực hiện điều này cả về mặt giảng dạy lẫn nghiên cứu. Sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1949, đào tạo đại học và hoạt động nghiên cứu vận hành tách biệt với nhau theo mô hình Sô viết. Viện Hàn lâm KHXH và các tổ chức nghiên cứu khác thì tập trung vào việc nghiên cứu còn các trường đại học thì lo giảng dạy. Sau khi khởi động quá trình cải cách, các trường đại học được cung cấp phương tiện để tái thiết năng lực nghiên cứu của mình. Ngày nay, gần như tất cả mọi trường đại học đều có khoa KHXH, và số giáo sư, số môn mà họ dạy, cũng như ấn phẩm khoa học của họ trong kinh tế, xã hội học, khoa học chính trị và luật học, tất cả đều đang tăng.
- Một số trường đại học tinh hoa được sáp nhập lại về nghiên cứu KHXH, chủ yếu là Thanh Hoa và Bắc Kinh cũng như Thượng Hải và Phúc Đán. Những trường này đã xây dựng các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu rất nổi bật trong KHXH. Hơn thế nữa, họ còn đưa ra những điều kiện làm việc hấp dẫn có thể thu hút được các nhà KHXH hàng đầu đến với họ.
- Một số đơn vị nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu và phát triển, phân tích và hỗ trợ chính sách đã được xây dựng trong các tổ chức nhà nước từ thập kỷ 80. Một số đơn vị khá nổi tiếng như Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Phát triển trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Nhưng đơn vị khác nhỏ hơn nhưng hoạt động khá tích cực.
- Nguồn lực được phân bổ cho nghiên cứu KHXH và cho các nhà nghiên cứu thông qua Quỹ KHXH Quốc gia, thành lập năm 1978. Quỹ này trước kia do Viện Hàn lâm Khoa học TQ quản lý, nhưng sau đã trở thành một tổ chức độc lập trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Ngoài nguồn ngân sách từ Quỹ này, Viện Hàn lâm KHXH TQ cũng có ngân sách cho nghiên cứu của riêng họ.
- Cuối cùng, trong hai mươi năm qua, những tổ chức và trung tâm nghiên cứu phi chính phủ đã và đang hình thành. Những đơn vị này tập trung vào những vấn đề xã hội nóng bỏng và được tài trợ từ đủ mọi nguồn ở khắp nơi trên thế giới.
Nguồn ngân sách của các trường phần lớn được chi cho khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Theo các chỉ báo về khoa học công nghệ của TQ năm 2004, chỉ 5% ngân sách nghiên cứu của các trường được chi cho KHXH. Do vậy, Viện Hàn lâm KHXH vẫn đóng vai chính trong nghiên cứu KHXH, và chỉ những trường đại học tinh hoa mới có thể thu hút được các nhà khoa học của Viện này.
Trong những thập kỷ qua, cơ chế phân bổ ngân sách nghiên cứu KHXH cho các tổ chức này đã được xem xét lại nhiều lần cho tốt hơn.
Chính sách về nghiên cứu KHXH
Chính sách KHXH ở TQ chịu ảnh hưởng rộng rãi của chính sách nhà nước đối với khoa học nói chung. Trong mấy thập kỷ vừa qua, hướng đi chung của hệ thống nghên cứu khoa học là hướng về phía thị trường hóa và thu nhỏ quy mô của các viện lớn nhằm hiện đại hóa nó và làm cho nó tăng năng suất hiệu quả. Với mục tiêu đó, TQ đã chuyển từ việc tài trợ theo mảng hoạt động sang tài trợ theo dự án, như nhiều quốc gia khác đã làm.
Từ năm 1978, KHXH đã được giao cho ba chức năng: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ các kế hoạch dài hạn và làm chính sách; đồng thời là một kênh giao tiếp để học hỏi từ nước ngòai. Cụ thể hơn là:
Các trường đại học đã tái lập hoặc trao quyền hành động cho các khoa kinh tế, khoa học chính trị, xã hội học, nhân loại học và luật. Kết quả là, việc xây dựng năng lực trong KHXH đã tiến một bước hết sức nổi bật cả trong các trường đại học lẫn các viện nghiên cứu của quốc gia. Năm 2005, có hơn 1.300 nghiên cứu sinh tiến sĩ trong KHXH và cả nước có 53.800 nhà nghiên cứu cơ hữu về KHXH. Ngân sách dành cho KHXH&NV, cả giảng dạy và nghiên cứu, tăng khoảng 15 đến 20% mỗi năm kể từ năm 2003. Sinh viên muốn trở thành nhà nghiên cứu KHXH phải học sau đại học và đạt được bằng cấp của một trong những trường đại học tốt nhất, kể cả bằng tiến sĩ của những trường đẳng cấp quốc tế như Oxford hay Harvard.
Hỗ trợ việc xây dựng chính sách: nghiên cứu KHXH đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bắt đầu từ cuộc cải cách nông thôn đầu thập kỷ 80, các nhà kinh tế học và cả xã hội học và chuyên gia luật học, được yêu cầu hỗ trợ cho những biến đổi xã hội của quốc gia. Sự hỗ trợ này về sau được mở rộng đến mọi vấn đề mà cả xã hội phải đương đầu. Chưa bao giờ KHXH lại có một tác động lớn đến như thế đối với chính sách xã hội và những đổi thay diễn ra trong xã hội TQ.
Hợp tác quốc tế và học hỏi từ nước ngoài: TQ có một lịch sử dài lâu về hợp tác quốc tế. Viện Hàn lâm KHXH TQ là đơn vị chủ yếu gắn với những hợp tác như vậy: tham dự hội thảo, hợp tác với các tổ chức khoa học và trường đại học nước ngoài, mời giới khoa học của nước ngoài đến TQ và hợp tác với các tổ chức tài trợ nghiên cứu.
Chính phủ TQ cũng gửi một số lớn sinh viên sau đại học đi học về KHXH ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Sau khi đạt được bằng tiến sĩ họ được khuyến khích quay trở về để dạy học và nghiên cứu và được bảo đảm những vị trí tốt. Một số người được cấp học bổng đi học nước ngoài với điều kiện quay trở về khi tốt nghiệp. Chính phủ TQ cũng duy trì quan hệ với các học giả người TQ đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài và khuyến khích họ trở về thời gian ngắn để hợp tác với giới nghiên cứu trong nước hoặc để gắn với những hoạt động có thể hỗ trợ cho TQ và hoạt động nghiên cứu ở TQ.
Trong thế kỷ XXI, KHXH ở TQ thậm chí còn nổi bật hơn nữa. Theo một đánh giá của chính phủ TQ, KHXH được coi quan trọng không kém gì khoa học tự nhiên trong việc giáo dục thế hệ trẻ và đẩy mạnh những tiến bộ về kinh tế, xã hội, luật pháp, chính trị, văn hóa và công nghệ của quốc gia.
Cũng như những ngành khoa học khác, KHXH cũng chịu áp lực phải có công bố quốc tế. Có nhiều chế độ khuyến khích để thực hiện điều này. Điều đó đã dẫn đến kết quả tăng số lượng bài báo của TQ trong các tạp chí KHXH quốc tế, nhưng mức tăng này thấp hơn nhiều so với số lượng công bố quốc tế trong khoa học tự nhiên.
Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng và một hệ thống đánh giá mới được đưa ra áp dụng nhằm cải thiện hoạt động của các tổ chức nghiên cứu dùng ngân sách nhà nước và bảo đảm cho việc sử dụng hiệu quả nguồn lực công. Có nhiều- có lẽ quá nhiều- những kỳ thi cấp địa phương hay cấp quốc gia cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi hoặc tầm trung, những người muốn theo đuổi con đường học thuật hoặc muốn được thăng tiến. Điều này một mặt tạo ra kết quả là sự đầu tư thời gian và một nỗ lực trí tuệ đáng kể, nhưng mặt khác cũng tạo ra sự cạnh tranh và tâm lý chạy theo những kết quả ngắn hạn.
Cương vị của các nhà nghiên cứu
Đã có thời ở TQ, KHXH được coi là không quan trọng bằng khoa học tự nhiên khi các nhà khoa học xã hội có ít cơ hội nghiên cứu hơn, ít tài trợ hơn, ít được xã hội công nhận hơn. Khi TQ gắn bó với những biến đổi xã hội sâu sắc có liên quan chặt chẽ tới cải cách kinh tế, đô thị hóa, thay đổi về chính trị và xây dựng nhà nước; thì KHXH trở thành nhân tố trọng yếu hỗ trợ và kiểm nghiệm những thay đổi ấy. Giờ đây KHXH là nền tảng của việc xây dựng chính sách, cùng với khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn.
Các nhà KHXH hiện nay được hưởng một uy tín lớn hơn nhiều so với những nghề nghiệp chuyên môn khác và hơn hẳn đồng nghiệp của họ ở những quốc gia khác, kể cả ở những nước phát triển, cho dù họ kiếm được ít tiền hơn.
KHXH và việc xây dựng chính sách
Vai trò của KHXH ở TQ ngày nay được minh họa bằng tác động của nó đối với việc xây dựng chính sách. Trong quá khứ, KHXH về bản chất là một chuyên ngành khoa học, được dạy ở các trường đại học nhằm giáo dục thế hệ trẻ và được thực hành ở các viện nghiên cứu nhằm phát triển những ý tưởng mới trên con đường phát triển xã hội. Ngày nay, trong khi tiếp tục duy trì những chức năng ấy, KHXH đã và đang từng bước gắn bó hơn với việc hỗ trợ xây dựng chính sách ở nhiều cấp độ- ở cấp trung ương, cấp tỉnh thành và địa phương- và trong việc tổ chức tương tác giữa các nhà làm chính sách với công chúng. Một cách để thực hiện điều này là thực hiện điều tra khảo sát ý kiến công chúng. Các nhà nghiên cứu KHXH đã trở nên gắn bó sâu sắc với những đổi thay xã hội thông qua việc đem lại sự sáng suốt và giải pháp, thông qua việc nghiên cứu những vấn đề xã hội với những gì cả công chúng lẫn các nhà hoạch định chính sách đều quan tâm. Ngày nay các nhà KHXH đã trở thành người diễn giải và thậm chí, thành các nhà lập pháp cho những thay đổi xã hội ở TQ, dù họ không nhất thiết là những tổ chức làm chính sách hay những tổ chức chính thức của nhà nước.
Những vấn đề chính và các ưu tiên
Kế hoạch năm năm lần thứ mười một từ 2006-2010 xác định ba vấn đề là thách thức chủ yếu cho TQ:
- Tăng trưởng, cạnh tranh, việc làm, và phát triển bền vững trong xã hội kinh tế tri thức
- Những xu hướng xã hội ở TQ và công dân TQ
- TQ trên thế giới: hiểu biết về những thay đổi trong tương tác và tương thuộc giữa TQ và các vùng khác trên thế giới
Một số vấn đề các nhà KHXH gần đây tập trung chú ý là đô thị hóa và di dân hàng loạt từ nông thôn đến thành thị, liên quan tới những vấn đề xã hội như phúc lợi và an ninh xã hội, bao gồm cải cách hệ thống hưu bổng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho tất cả mọi người, nhà ở; những vấn đề chính trị như cải cách hệ thống luật pháp và nền pháp trị. Những chủ đề khác là hệ thống cai trị và công lý xã hội trong thời đại công nghệ thông tin; vấn đề tuổi già; và làm cách nào đạt được một trật tự hài hòa hơn cho một xã hội rộng lớn và đa văn hóa, nhằm hội nhập tốt hơn vào thế giới toàn cầu hóa.
Nguồn: Huang Ping, 2010. The Status of the Social Sciences in China. World Social Science Report, pp. 73-76
1 Comments
Trung Trực
Giống ta quá nhỉ, do vậy nên KHXH rất yếu kém