VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC XÂY DỰNG MỘT TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỈNH CAO CHO VIỆT NAM
Phạm Thị Ly
(Báo cáo trình bày tại Hội thảo Những vấn đề của Giáo dục Việt Nam do UB VHGD Quốc hội tổ chức tại TP HCM ngày 22-23.09.2009)
Tổng quan
Tầm quan trọng của giáo dục, nhất là giáo dục đại học, trong kỷ nguyên của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, là một vấn đề không cần bàn cãi. Tuy nhiên, cuộc chạy đua của các nước đang phát triển nhằm có được một vài trường đại học được xem là đạt đẳng cấp quốc tế trong mấy thập niên gần đây đã đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của các trường đại học đỉnh cao trong hệ thống giáo dục quốc gia, bên cạnh câu hỏi làm cách nào để có được những trường đại học như thế. Bài viết này khẳng định vai trò quan yếu của những trường đại học đỉnh cao này trong hệ sinh thái giáo dục của một quốc gia, đồng thời bàn đến vai trò của nhà nước trong việc hình thành những trường đại học như thế, trên cơ sở xem xét các bài học kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Vai trò của một trường đại học đỉnh cao trong hệ thống giáo dục
Đại học đẳng cấp quốc tế (world-class universities) hiển nhiên được xem là đỉnh cao của hệ thống giáo dục thế giới. Chúng tôi không muốn dùng từ “đại học đẳng cấp quốc tế” trong bài này, vì hai lý do: Một là “đại học đẳng cấp quốc tế” gắn với thước đo của các bảng xếp hạng, và đã có rất nhiều bài nghiên cứu chứng minh sự bất cập của các hệ thống xếp hạng này[1]. Hai là đại học đẳng cấp quốc tế có thể không phải là một mục tiêu nhất thiết phải đạt đối với mọi quốc gia, bất kể bối cảnh và những điều kiện cụ thể, nhưng một (hoặc một vài) trường đại học đỉnh cao thì chắc chắn vô cùng cần thiết cho bất cứ quốc gia nào, nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa. Thuật ngữ “trường đại học đỉnh cao” (apex university hoặc có thể dịch top-tier university) được chúng tôi định nghĩa là nơi đào tạo tầng lớp tinh hoa của một quốc gia, nơi tập trung những giảng viên và sinh viên tài năng bậc nhất, nơi tạo ra những công trình nghiên cứu quan trọng nhất của đất nước, nơi đi đầu trong những nỗ lực đổi mới và được xem là khuôn mẫu về tổ chức và quản lý, nơi có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội. Một trường đại học như thế sẽ là đỉnh cao của hệ thống giáo dục đại học quốc gia, và có vai trò như một đầu tàu thúc đẩy các trường khác vươn tới những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.
Lẽ dĩ nhiên, giáo dục đại học cần đáp ứng những nhu cầu rất đa dạng của xã hội. Xã hội cần có những người lãnh đạo, và cũng cần có những người thừa hành một cách sáng tạo. Xã hội cần các nhà khoa học, cũng như cần các kỹ sư và công nhân. Vì vậy, cần phát triển một hệ sinh thái đại học đa dạng có hình tháp, trong đó có những trường cao đẳng cộng đồng đáp ứng nhu cầu đào tạo kỹ năng nghề nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có thể đi làm ngay những công việc bình thường, có những trường đại học tập trung vào nhiệm vụ đào tạo ra một lớp kỹ sư, cử nhân có khả năng tổ chức công việc trong một hệ thống quy mô nhỏ, và trên chóp nhọn của hệ thống cần có những trường đỉnh cao, tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo tầng lớp tinh hoa, những người được chuẩn bị đầy đủ khả năng sáng tạo và lãnh đạo cộng đồng trong nghiên cứu khoa học cũng như trong mọi mặt hoạt động xã hội. Một trường đại học như thế chắc chắn phải là một trường đại học nghiên cứu, cho dù những người được đào tạo tại đó không nhất thiết đều trở thành những nhà nghiên cứu.
Những nhân tố quyết định thành công trong việc tạo ra một trường đại học đỉnh cao
Như Salmi (2008) đã nêu rõ, thành công của các trường đại học đẳng cấp quốc tế trên thế giới là sự phối hợp của các nhân tố: nguồn lực dồi dào, tập trung tài năng, và cơ chế quản trị thuận lợi[2].
Một trường đại học như thế sẽ cần một nguồn lực khổng lồ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta nên từ bỏ ảo tưởng “giá rẻ, chất lượng cao” mà phải biết chi trả cho xứng tầm với chất lượng mình muốn có. Cần biết rằng quỹ hiến tặng của trường Đại học Harvard là gần 37 tỷ đô la Mỹ và ngân sách hoạt động hàng năm của trường là 3,464 tỷ đô la Mỹ (số liệu năm 2008)[3]. Ngân sách hàng năm này ở Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) là gần một tỷ đô la Mỹ[4]. Chúng tôi không có số liệu cụ thể về ngân sách hàng năm của các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc, nhưng được biết riêng Dự án 985 đã giao ngân sách 234 triệu đô la Mỹ trong ba năm cho mỗi trường ĐH Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa như một nguồn bổ sung cho kế hoạch trở thành đại học đẳng cấp quốc tế.
Những con số này có thể làm nản lòng các nước đang phát triển trong những nỗ lực xây dựng các trường đại học hàng đầu. Đây cũng là một lý do khiến chúng tôi cho rằng đại học đẳng cấp quốc tế không phải là mục tiêu trước mắt của Việt Nam. Cái mà Việt Nam đang rất cần, là một trường đại học đỉnh cao theo những chuẩn mực của quốc tế, và để có một trường như thế, nguồn lực tài chính tuy hết sức quan trọng nhưng chưa phải là nhân tố quyết định. Hai nhân tố còn quan trọng hơn nhiều, là con người và cơ chế. May thay, con người Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao về sự thông minh, thành tựu của nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài học tập và làm việc đã chứng minh được rằng Việt Nam không thiếu người giỏi. Nhân tố còn lại, có tính chất quyết định, là cơ chế, thì nằm trong tay nhà nước. Phần còn lại của bài viết này sẽ thảo luận về vai trò của nhà nước trong việc xây dựng những trường đại học đỉnh cao, thông qua kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Malaysia.
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc xây dựng những trường đại học đỉnh cao
Một điều đáng ngạc nhiên là những trường đại học lừng danh thế giới của Hoa Kỳ hầu hết là các trường đại học tư. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ không hề làm chức năng của một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong đó có giáo dục đại học kiểu như Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam và không hề đặt ra kế hoạch hay mục tiêu xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế.
Người ta có thể đặt câu hỏi: làm thế nào một trường đại học tư có thể có được một nguồn lực khổng lồ như vậy để tạo ra sự ưu tú? Cần biết rằng học phí chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu nguồn thu của các trường đại học Hoa Kỳ (20% tổng thu của Đại học Harvard trong năm 2008) và chi phí đơn vị trên mỗi sinh viên lớn hơn nhiều so với học phí (chi phí này là 106.041 USD/sinh viên/năm trong lúc học phí trung bình là 31.456 USD/sinh viên/năm, số liệu của Harvard 2008)[5]. Nhìn vào cơ cấu nguồn thu của Harvard, có thể thấy: ngoài nguồn thu học phí chiếm 20%, nguồn thu lớn nhất là từ Quỹ Hiến tặng, chiếm 34%, còn lại là từ tài trợ và các hợp đồng nghiên cứu với chính phủ (15%), hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức, doanh nghiệp (4%), quà tặng (7%), các nguồn thu khác (20%). Sở dĩ Harvard có được một nguồn quỹ hiến tặng to lớn như vậy là vì, như phần lớn các trường đại học tư khác ở Hoa Kỳ, bản chất của nó là một tổ chức phi lợi nhuận. Sự đóng góp to lớn của Harvard đối với tiến bộ xã hội, đối với khoa học, đối với việc đào tạo ra những con người kiệt xuất, khiến cho nó thu hút được sự yêu mến và kính trọng của công chúng.
Nhà nước Hoa Kỳ có vai trò như thế nào đối với những thành tựu của Đại học Harvard? Như trên đã nói, tài trợ của chính phủ, kể cả các hợp đồng nghiên cứu mà chính phủ giao cho Harvard, cũng chỉ chiếm 15% tổng thu của trường này. Vậy có thể nói, vai trò của nhà nước Hoa Kỳ đối với Harvard về mặt tài chính là không đáng kể. Vốn liếng to lớn nhất mà nhà nước Hoa Kỳ trao cho các trường đại học, là cơ chế tự chủ (autonomy) và cam kết về tự do học thuật (academic freedom). “Đặc quyền về tự do học thuật gắn liền với nghĩa vụ nói lên sự thật ngay cả khi điều đó hết sức khó khăn hay không được nhiều người ưa chuộng” (trích diễn từ trong lễ tốt nghiệp 2009 của Hiệu trưởng Harvard, Dew Fraust)[6]. Nguyên tắc này chưa bao giờ suy suyển trong bốn thế kỷ tồn tại trong lịch sử của trường Đại học Harvard.
Trái với Hoa Kỳ, nhà nước Trung Quốc có một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng những trường hàng đầu. Ngay từ thập kỷ 90, nhà nước Trung Quốc đã xác định mục tiêu xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế có thể sánh ngang với những trường hàng đầu của Hoa Kỳ hay châu Âu, và đã dành một nguồn lực tài chính vô cùng to lớn cho mục tiêu ấy. Kể từ khi chính phủ Trung Quốc chính thức tuyên bố tham vọng có được những trường ĐHĐCQT vào năm 1998 đến nay, mười năm đã trôi qua cùng với những khoản đầu tư khổng lồ, khoảng cách của các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc với những trường đẳng cấp quốc tế tuy vẫn còn xa, nhưng nhờ nhà nước Trung Quốc có chính sách đẩy mạnh giáo dục đại học, Trung Quốc đã tiến một bước rất dài trong việc xây dựng một vài trường đại học đỉnh cao ở Trung Quốc, và đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Chỉ trong vòng năm năm từ năm 2000 đến 2005, số lượng công bố khoa học của các trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong danh mục SCI đã tăng gấp đôi. Đại học Thanh Hoa đã có khoảng 2700 bài báo được liệt kê trong danh mục SCI (Science Citation Index) năm 2003, gần bằng con số của các trường hàng đầu thuộc top 50 của thế giới. Số giảng viên có bằng tiến sĩ đã đạt đến 50% ở các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ tính đến năm 2005 và hy vọng sẽ đạt đến 75% trước năm 2010. Những trường này cam kết nâng cao số giảng viên có bằng tiến sĩ từ các trường ĐHĐCQT. Các nhà quản lý của Đại học Bắc Kinh ước lượng khoảng 40% giảng viên của họ được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ. Thêm vào đó, họ còn nỗ lực đặc biệt để lôi cuốn các giáo sư đẳng cấp quốc tế bằng nhiều cách.
Nhà nước Trung Quốc có một vai trò hết sức to lớn trong việc xây dựng những trường đại học đỉnh cao ở Trung Quốc. Vai trò ấy trước hết thể hiện trong việc cung cấp một nguồn lực khổng lồ cho những trường đại học được đầu tư trọng điểm để trở thành hàng đầu. Nguồn lực này bảo đảm cho các trường đại học ấy thực hiện chính sách thu hút chất xám trên phạm vi toàn cầu. Một trưởng khoa luật ở một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã được trả một mức lương khó tin: 625.000 đô la Mỹ một năm[7]. Chiến lược của nhà nước Trung Quốc là mua chất xám từ phương Tây (các nhà khoa học phương Tây, nhất là người gốc Hoa, và những người Trung Quốc được đào tạo từ phương Tây), đầu tư mạnh vào phòng thí nghiệm và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, xây dựng các trường đại học nghiên cứu và coi nghiên cứu như là một chức năng chính ở các trường trọng điểm. Để tạo điều kiện cho các trường hàng đầu của mình vươn lên sánh ngang với các trường của phương Tây, nhà nước Trung Quốc cũng đã dành cho họ một cơ chế đặc biệt trong quản lý. Tuy còn xa các trường đại học Trung Quốc mới đạt được mức độ tự chủ và tự do học thuật như các trường đại học phương Tây, nhưng riêng với hai trường được xác định mục tiêu là trở thành đẳng cấp quốc tế, nhà nước đã cho họ một cơ chế đặc biệt, chủ yếu là một mức độ tự chủ và tự do đáng kể so với các trường khác.
Tuy nhà nước Trung Quốc, giới quản lý giáo dục đại học và giới học giả có một quyết tâm hết sức to lớn trong việc xây dựng trường ĐHĐCQT và đã dành nhiều nguồn lực tài chính lớn lao cho kế hoạch này, nhưng kết quả đạt được dường như vẫn chưa được như họ mong đợi. Trung Quốc đang tập trung vào khoa học tự nhiên và kỹ thuật, những lĩnh vực phản ánh nhu cầu phát triển của quốc gia, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự thiên vị của một hệ thống chính trị vốn hạn chế những phát biểu tự do. Khoa học xã hội và nhân văn thường liên quan tới những ý tưởng phê phán về chính trị, kinh tế và lịch sử. Nhà nước ít nhấn mạnh đến việc đạt đẳng cấp quốc tế trong những môn này. Nhiều người Trung Quốc cũng nhận định – thường là một cách gián tiếp – rằng việc hạn chế những cuộc tranh luận khoa học có thể cản trở những nỗ lực tạo ra các trường ĐHĐCQT.
Nếu như vấn đề của Trung Quốc là tự do học thuật, thì vấn đề của Malaysia là tự chủ trong quản trị. Malaysia là một ví dụ khác về vai trò của nhà nước và cho thấy sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các trường đại học sẽ mang lại một kết quả như thế nào[8]. Nhà nước Malaysia đã can thiệp rất sâu vào hoạt động của các trường, từ chính sách tuyển sinh cho đến bổ nhiệm nhân sự và quy chế trả lương. Ở các trường công lập, văn hóa quan liêu ngày càng phát triển, vì lãnh đạo các trường đại học là do nhà nước bổ nhiệm, trong nhiều trường hợp họ không phải là những người đã từng có thành tựu trong hoạt động khoa học và có một tầm nhìn xa về việc phát triển văn hóa học thuật của nhà trường, mà đơn giản chỉ hoàn thành các nghĩa vụ “công chức” của mình. Không như ở Hoa Kỳ, hoặc thậm chí cả Nhật Bản, Philippines, Thái Lan là những nơi giảng viên được tham gia vào quá trình lựa chọn hiệu trưởng, ở Malaysia, giảng viên không hề được tham khảo ý kiến. Lãnh đạo cấp cao ở các trường được bổ nhiệm dựa trên những quan hệ của họ với giới chính trị, và do đó được “tin cậy”. Trong khi đó, về mặt lý luận cũng như đã được chứng minh trong thực tiễn, cá nhân lãnh đạo các trường có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành công của nhà trường. Thêm vào đó, vì giảng viên trong các trường đại học Malaysia không có vai trò gì trong việc lựa chọn lãnh đạo cũng như không có tiếng nói trong những vấn đề trọng yếu về quản lý của nhà trường, hiển nhiên là họ cũng không có nhiệt huyết trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nhà trường. Kết quả là 70% sinh viên tốt nghiệp các trường công của Malaysia ra trường không kiếm nổi việc làm[9].
Vai trò của nhà nước trong việc tạo ra những trường đại học đỉnh cao trong bối cảnh của Việt Nam
Nhà nước Việt Nam xem việc xây dựng các trường đại học nghiên cứu chất lượng cao như một khâu then chốt trong chính sách giáo dục quốc gia. Mục tiêu này đã được Nghị quyết 14 (14/2005/NQ-CP) nêu rõ: “cải tổ giáo dục đại học một cách toàn diện và căn bản”. Trong lời nói đầu, bản nghị quyết nhận định rằng giáo dục đại học Việt Nam đã thất bại trong việc “thực hiện yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới”.[10] Bản Nghị quyết kêu gọi tập trung đầu tư, huy động các chuyên gia trong và ngoài nước, và thiết lập một cơ chế phù hợp nhằm xây dựng các trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế.” Nghị quyết 14 đã được tiếp theo bằng nhiều chính sách và tuyên bố về tầm nhìn. Năm 2006, Hội nghị Lần thứ 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kêu gọi “đổi mới toàn diện giáo dục đại học” bao gồm cả “tập trung vào việc xây dựng một hoặc hai trường đại học Việt Nam có vị trí quốc tế ”[11]. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo một loạt các mục tiêu táo bạo, cụ thể hóa những mục tiêu được xác định trong các văn bản nói trên trong đó có việc đưa bốn trường đại học Việt Nam vào top 200 trước năm 2020.[12] Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sẽ vay 500 triệu USD của Ngân hàng Phát triển Châu Á để cung cấp cho việc xây dựng bốn trường đại học mới.[13]
Sự cam kết nói trên của Nhà nước đã thể hiện một ý chí chính trị mạnh mẽ, và đó là một nhân tố tối quan trọng trong bối cảnh Việt Nam, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của các trường đại học đỉnh cao, trước hết là về nguồn lực, nhưng không chỉ là nguồn lực (người viết nhấn mạnh). Bài học kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy, nguồn lực tuy rất quan trọng, nhưng không thể phát huy được sức mạnh, nếu thiếu một cơ chế quản trị phù hợp. Ngân sách nhà nước có thể eo hẹp, nhưng vốn vay và nguồn lực trong dân hoàn toàn có thể tìm kiếm được, nếu chúng ta xét tới con số khổng lồ nguồn tài chính mà người dân Việt Nam đang đổ ra cho du học và cho các trường trung tiểu học trong nước được gắn nhãn mác “quốc tế”. Nghị quyết trên đây của Đảng và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 cũng khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp tham gia xã hội hóa giáo dục và y tế. Trong thực tế, nhiều tổ chức kinh tế ở Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho giáo dục chất lượng cao nếu họ nhìn thấy khả năng thành công, như trường hợp Tập đoàn Tân Tạo. Như vậy, cho dù Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, tài chính không phải là vấn đề trong việc xây dựng một trường đại học đỉnh cao. Vấn đề cốt yếu nhất, mà Nhà nước đóng vai trò quyết định, là tạo ra một cơ chế quản trị cho phép các trường một không gian đủ rộng lớn cho các sáng kiến được thực hiện. Làm sao có thể tạo ra các trường đại học đỉnh cao theo những chuẩn mực quốc tế, nếu nhất cử nhất động các trường đều phải xin phép, từ nội dung chương trình đào tạo đến chỉ tiêu tuyển sinh? Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không ủng hộ một “thị trường tự do” hoang dã trong giáo dục, bởi vì giáo dục trước hết là hàng hóa công và phục vụ cho lợi ích công, nhưng vai trò tốt nhất của Nhà nước không phải là kiểm soát (control) mà là xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát (oversee) việc thực hiện những nguyên tắc ấy. Không có một mức độ tự chủ cần thiết, các trường sẽ hết sức khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhất là trong việc tạo ra sự ưu tú. Các trường đại học, vì sự sống còn của họ, cần gắn với các doanh nghiệp và các tổ chức sử dụng lao động nói chung, vì đó sẽ là nơi sử dụng sinh viên – sản phẩm của các trường. Những tổ chức này biết rõ hơn ai hết họ cần những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất gì ở sinh viên tốt nghiệp. Chính họ mới là người cần tham gia quyết định nội dung và chương trình đào tạo, chứ không phải những công chức giàu trí tưởng tượng.
Trong vài năm gần đây, sự ra đời quá nhiều trường đại học tư đã khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại về chất lượng. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề phải siết chặt quản lý để tránh những hậu quả mà người học và nói rộng ra là xã hội phải gánh chịu. Tuy nhiên, tự chủ đại học hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý. Tự chủ đại học phải gắn chặt với cơ chế giải trình trách nhiệm minh bạch. Sự minh bạch về trách nhiệm sẽ buộc các trường phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng những giải pháp ngắn hạn. So với một trường đại học bình thường, thì một trường đỉnh cao còn cần sự tự chủ nhiều hơn gấp bội. Bởi vì để có một trường đại học đỉnh cao trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, cần rất nhiều sáng kiến, cần phá vỡ lối mòn, cần có một tầm nhìn táo bạo về sứ mạng và mục tiêu của nhà trường, mà thiếu sự ủng hộ của Nhà nước, thì những nỗ lực ấy rất khó đạt được thành tựu.
Kết luận
Giáo dục đại học Việt Nam đang ở trong tình thế cần có sự đột phá mạnh mẽ về chất lượng. Thuận lợi lớn lao mà chúng ta đang có là nhận thức và ý chí chính trị của Nhà nước nhằm đạt được mục tiêu này. Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra cũng là một nhân tố quan trọng giúp giáo dục đại học Việt Nam tiếp thu những kinh nghiệm và thành tựu của các nước nhằm rút ngắn khoảng cách. Bài toán còn lại là cam kết đổi mới của Nhà nước sẽ diễn ra trong thực tế như thế nào để hỗ trợ cho những sáng kiến tạo ra sự ưu tú. Không còn nghi ngờ gì nữa, một trường đại học đỉnh cao như thế sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đất nước bằng cách kích thích toàn bộ hệ thống giáo dục đại học và bằng cách đào tạo những con người ưu tú, những nhà khoa học xuất sắc mà những công trình sáng tạo của họ có khả năng đem lại những thay đổi và tiến bộ quan trọng cho xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Academic Rankings of World Universities. http://www.arwu.org/
Akiyoshi, Y. 2003. Making “World-class Universities”: Japan’s experiment. Higher Education Management and Policy, 15(2):9-23
Alden, J. and G. Lin (2004). “Benchmarking the Characteristics of a World-Class University: Developing an International Strategy at University Level”. London: The UK Higher Education Leadership Foundation. May 2004.
Altbach, P. G. (2001). The Amierican academic model in comparative perspective. In P. G. Altbach (Ed.), In defense of American higher education (pp.11-37), Baltimore, MD: The Johns Hopkins University Press.
Altbach, P. G. (2003). The cost and benefits of world-class universities. International Higher Education, 33, 5-8.
Altbach, & J. Bálan (Eds.), World class worldwide: Transforming research universities in Asia and Latin America (pp.1-28), Baltimore, MD: The Johns Hopkins University Press.
Altbach, Philip (2005). “A world class country without world class higher education: India’s 21st century dilemma,” International Higher Education Summer 2005.
Brooks, R. L. (2005). Measuring University Quality. Review of Higher Education, 29(1), pp. 1-22.
Ben Wilkinson and Laura Chirot (2009). “The Intangible of Excellence: Governance and the Quest to Build a Vietnamese Apex University”. Nguồn: www.edu.net
Cai, N.C.& Cheng, Y. (2005). “Academic ranking of world universities – methodologies and problems.” In Liu, Nian Cai, ed. (2005) Proceedings of the First International Conference on World-Class Universities (ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong University).
Cheng, Y & Liu, N.C. (2005). “Forecasting world class universities from GDP perspective,” In Liu, Nian Cai, ed. (2005) Proceedings of the First International Conference on World-Class Universities (ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong University).
Chiến lược phát triển giáo dục 2001- 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010”.
Da Hsuan Feng (2005). “World Universities Ranking-Generic and Intangible Features of Universities?”. Paper presented at First International Conference on World Class Universities at Shanghai Jiao-Tong University June 16-18, 2005
Diamond, N., & Graham, H. D. (2000, July/August). How should we rate research universities? Change, 32, pp. 20-33.
Dill, D. and Soo, M. (2005). Academic quality, league tables, and public policy: A cross-national analysis of university ranking systems. Higher Education, 49, pp. 495-533.
Dự thảo lần thứ 14 Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009- 2020 ngày 30/12/2008.
Eaton, Judith (2004). “The opportunity cost of the pursuit of international quality standards,” International Higher Education (Summer 2004)
Economist (The) (2005). Secrets of success. London: September 10, 2005, Vol. 376, Issue 8443, p. 6.
Filliatreau, Ghislaine and Michel Zitt (2005). “Being a World-Class University:Bibliometric Considerations,” In Liu, Nian Cai, ed. (2005) Proceedings of the First International Conference on World-Class Universities (ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong University).
Fong, Pang, & Linda Lim (2003). “Evolving great universities in small and developing countries,” International Higher Education (Fall 2003)
Frazer, Malcolm (1994). “Quality in Higher Education: An International Perspective,” in Diana Green, ed., What Is Quality in Higher Education? London: Society for Research into Higher Education, 1994, pp. 101-111
French, Howard W. (2005). “China Luring Foreign Scholars to Make Its Universities Great.” in New York Times. New York. January-February.
Howard W. French (2005). “China Spending Billions to Better Universities”. The International Herald Tribune, 27 October 2005
Salmi (2007). “Transforming Russian Universities into World Class Universities”.
Lee Little Soldier, “New Direction for Higher Education in Vietnam 2007-2020.” Tài liệu của SEAMEO RETRACT. TS. Phạm Thị Ly dịch. Bản tin Tư liệu Tham khảo Nghiên cứu Giáo dục số 5-2008
Lee, Gilton (2000). “Brain Korea 21: A development-oriented national policy in Korean higher education,” International Higher Education (Spring 2000)
Lee, M.N.N. 2001. Widening access to higher education. New Straits Times-Life and Times, 2nd March
Liverpool, Patrick (1995). “Building a world class university positioning Virginia Tech to compete in the international arena,” Virginia Tech Spectrum (Oct. 1995)
Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội khoá XI.
Marginson, S. (2006, December). Global university rankings at the end of 2006: Is this the hierarchy we have to have? Paper presented at the OECD/IMHE, & Hochschulrektorenkonferens Workshop, Bonn, Germany.
Michael W. Marine, “Challenges of Higher Education in Vietnam: Possible Roles for the United States”, TS. Phạm Thị Ly dịch. Bản tin Tư liệu Tham khảo Nghiên cứu Giáo dục số 3-2008.
Mohrman, Kathryn (2005). “World-class universities and Chinese higher education reform,” International Higher Education (Spring 2005)
Kathryn (2006). “Degrees of Change:Aiming for World-Class Higher Education”- http://www.sais-jhu.edu/pubaffairs/publications/saisphere/winter06/mohrman.html
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.
Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội về giáo dục.
Nik Maheran Nik Muhammad “Making “World Class University”:Does it matter?: Case of UiTM”
Niland, J. (2007). The Challenge of Building World-Class Universities. In Sadlak, J. and Liu, C. (eds.), The World Class University and Ranking: Aiming Beyond Status. Bucharest: UNESCO-CEPES.
Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 24/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt – Đức.
Thông báo số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Ban Chấp hành Trung ương thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
Van Raan, A FJ. (2005). “Challenges in ranking of universities,” In Liu, Nian Cai, ed. (2005) Proceedings of the First International Conference on World-Class Universities (ĐHĐCQT-1) (Shanghai: Shanghai Jiao Tong University).
Vest, Charles (2005). “World class universities: American lessons,” International Higher Education (Winter 2005)
Vincent-Lancrin, S. (2007). The “crisis” of public higher education: A comparative perspective (Research & Occasional Paper Series: CSHE.18.07). Berkeley, CA: University of California, Berkeley, Center for Education Studies.
Wang, Yingjie (2001). “Building the world-class university in a developing country: universals, uniqueness, and cooperation.” Asia Pacific Education Review (2001), Vol. 2, No.2
Notes:
1] Xin xem: a/ “Xếp hạng các trường đại học: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”. Chuyên đề của đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Xác định các tiêu chí xây dựng trường ĐH Việt nam theo chuẩn mực quốc tế” do PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị làm chủ nhiệm đề tài. Tham khảo tại http: www.lypham.net b/ “Xếp hạng của ĐH Thượng Hải: nhiều tiêu chí không hợp lý”. Tác giả: Yves Gingras (Canada). Nguồn: Tia Sáng số 12 ra ngày 20-6-2009.
[2] Jamil Salmi: “Những thách thức trong việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế”. Tài liệu của Ngân hàng Thế giới. Phạm Thị Ly dịch. Nguồn: Bản tin Thông tin Giáo dục Quốc tế. Tham khảo tại: https://lypham.tungbui.vn/joomla/index.php?option=com_docman&task=cat_view&gid=19&Itemid=37.
Chúng tôi có phân tích rõ hơn tương quan giữa ba nhân tố này trong bài viết “Kinh nghiệm xây dựng ĐHĐCQT ở Ấn Độ, Trung Quốc và ý nghĩa đối với Việt Nam”. Báo cáo tại Hội thảo GDSS Lần thứ ba tại Việt Nam. Tham khảo tại:
https://lypham.tungbui.vn/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=167&Itemid=2
[3] Nguồn: http://www.provost.harvard.edu/institutional_research/FB2008_09_IncExp.pdf
[4] Nguồn: www.snu.ac.kr
[5] Nguồn: http://www.topuniversities.com/university/252/harvard-university
[6] Nguồn: http://www.presid0906-034372ent.harvard.edu/speeches/faust/090604_commencement.php. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Thị Ly có thể tham khảo tại www. lypham.net.
[7] Nguồn: Paul Mooney. The Long Road Ahead China’s Universities. The Chronicle of Higher Education, May 19, 2006.
[8] Xem thêm: “Đại học đẳng cấp quốc tế ở Malaysia, từ khát vọng đến thực tiễn”. Tác giả: Phạm Thị Ly, Vũ Thị Phương Anh. Nguồn: Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ của ĐHQGTPHCM số tháng 4-2009. Có thể đọc tại www.lypham.net.
[9] Nguồn: Francis Loh (2005). “Crisis in Malaysia’s public universities?”. Aliran Monthly Vol 25 (2005): Issue 10
[10] Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010. 14/2005/NQ-CP. Tham khảo tại http://vanban.Bộ GDĐT.gov.vn/?page=1.4&c2=NQ.
[11] Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày 10 tháng 4 năm 2006 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010. Có thể đọc tại http://123.30.49.74:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic
=191&subtopic=8&leader_topic=699&id=BT160635244.
[12] Tùng Linh. “Chi 400 triệu USD xây 4 trường ĐH sẽ lọt top 200”. Nguồn: http://www.Viet Namnet.vn/giaoduc /2008/12/818314/ (December 2008)
[13] Ngân hàng Thế giới sẽ cho Việt Nam vay 270 triệu USD, cùng với đóng góp trực tiếp 30 triệu USD của Việt Nam cho hai trường đại học nghiên cứu ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, và Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ cho vay 250 triệu USD cho các trường đại học nghiên cứu ở Hà Nội và Đà Nẵng. Tham khảo tại website của WB và ADB http://web.worldbank.org/external/projects/main?pagePL=64283627&piP=73230&thesitePK=40941&menuPK=228424&Projectid=P110693 và http://www.adb.org/projects/project.asp?id=42079.
0 Comments